Billboard
ADS_Top_Right
  • google.com, pub-4530016804051003, DIRECT, f08c47fec0942fa0
Tiêu điểm

Tết Chợ Lớn

11:21:21 15/05/2013
Tôi về Chợ Lớn ăn Tết, người bà con nói “Tết ở Seattle cũng có múa lân, có cả đốt pháo nữa. Đợi sau Tết hẵng về Việt Nam thì có hai cái lợi: giá vé máy bay rẻ được một phần ba, và có thể ở chơi đến Thanh Minh đi tảo mộ luôn.” Nhưng với tôi, cái tưng bừng rộn rã, cái không khí tết đặc trưng của Chợ Lớn cồn cào lòng tôi mãnh liệt nhất là trong mấy ngày trước Tết, khi những sạp bánh mứt thèo lèo lạp xưởng dựng dọc theo đường La-Cai lăng xăng nhữngngười bán hàng luôn miệng chào mời khách, con đường Châu văn Liêm xanh mướt và vàng hực những chậu tắc, chậu mai, và chợ An Đông, chợ Bình Tây đông nghẹt người mua mua bán bán. Biết là mỗi năm mỗi thay đổi, ghe chở bông trái có lẽ không còn cặp kín bờ kênh Tàu Hủ nữa, bến Hàm Tử nghe nói giải toả rồi, chợ tắc chợ hoa được qui hoạch lại đâu đó ... Nhưng điều đó lại khiến mình thêm háo hức trở về – để coi cái gì thay đổi, và thay đổi ra sao, về gấp xem có thể may ra còn cái gì đó vẫn nguyên xi như cố đợi mình về. Đường xa, cộng cả thời gian chờ đợi ở phi trường và thời gian bay vừa vặn 24 tiếng đồng hồ, nhưng so với những người đi làm ăn ở Sài Gòn Tết đến về quê ở miền Trung miền Bắc bằng tàu lửa xe đò mất hai ba ngày, thì hành trình của tôi cũng còn ngắn, lại thoải mái hơn, không đáng để kể lể. Nhưng chính lúc đi đường lại có nhiều chuyện khiến lòng tôi bồi hồi náo nức. Những chuyến bay về Việt Nam ấy phần lớn hành khách là những kẻ tha hương, giữa muôn người khác biệt màu da nét mặt vẫn có thể nhìn ra ai là người Việt hay người Hoa từng ở Việt Nam, dễ dàng làm quen nhau, và sau lúc thăm hỏi nhau có khi hoá ra là người cùng tỉnh cùng quận, chuyện xưa chốn cũ được nhắc lại khiến ai cũng mang tâm trạng hoài cố hương. Kỳ lạ, quê cha ở Quảng Đông, quê mẹ ở Bình Dương, mà nỗi niềm hoài cố hương ấy trong tôi mang toàn màu sắc âm thanh hương vị Chợ Lớn. Nhưng kỳ lạ hơn nữa là vào buổi sáng hôm sau ngày trở về, tôi đi dạo qua mấy con đường tôi đã từng đi lại không biết bao nhiêu lần trong suốt ba bốn chục năm, mà lòng vẫn còn bâng khuâng nỗi nhớ đâu đâu. Có lẽ chỉ là chút hoài niệm xa xưa. Có thể chỉ dăm ba ngày sau, cái tâm trạng xa lạ ở một chốn quen thuộc sẽ phôi pha, tôi sẽ lại trở thành người quen kẻ thuộc ở chốn này. Người thân an ủi “Chợ Lớn bây giờ thay đổi nhiều rồi”, lại có người nói “Thay đổi gì thì Chợ Lớn vẫn vậy.” Tôi cứ nghĩ mãi, cái gì của Chợ Lớn đã thay đổi nhiều rồi, và cái gì khiến qua bao đổi thay Chợ Lớn vẫn vậy? Người Chợ Lớn chăng? Với riêng tôi, từ thưở rời làng quê xứ vườn nhịp sống thong dong đến sống ở một xóm lao động Chợ Lớn, ấn tượng ngày càng đậm về người Chợ Lớn là ai cũng “lo làm ăn”. Ở xóm của tôi, tên người ta không quan trọng bằng cái nghề mưu sinh: “Páo lũ” là ông làm bánh bao cuối xóm, “Dín phò” là bà bán thuốc lá đầu hẻm, còn lại là A Súc làm cửa sắt, A Bac làm dù, A Muỗi làm nhà hàng, A Có chạy xe ba bánh. Những “Chú, Bác, Anh, Em” đó không có họ hàng bà con gì hết, nhưng những cuộc đời phiêu bạt tha hương gom về cái xóm lao động chia sẻ những số phận na ná như nhau, nên cái xóm như một đại gia đình; và những ““Chú, Bác, Anh, Em” đó không phải tên họ riêng, nếu không kèm theo cái công việc “làm ăn” để tự sống được thì họ chẳng là ai cả. Sau này tôi có dịp coi khai sanh chị “Chẩu Lầu Muỗi” mới biết chị tên Tạ Muỗi. Và nhiều người con gái khác trong xóm cũng là Muỗi: Vương Muỗi, Bành Muỗi. Cha mẹ họ là những di dân đầu tắt mặt tối không có danh phận ở xứ người, sanh ra một đứa con gái thì nó chỉ là một đưá con gái, cho đến khi nó “biết làm ăn” thì nó mới là ai đó. Ra khỏi xóm tôi có biết đến những người làm ăn lớn hơn, có những danh phận rỡ ràng hơn, cũng nghe nhiều hơn những huyền thoại về chuyện “làm ăn” và “ăn chơi” ở Chợ Lớn. Nhưng cái ấn tượng vẫn không phai rằng Chợ Lớn là đất “làm ăn”. Trải qua bao thăng trầm, người chung xóm với tôi, lớp trôi giạt qua xứ khác, lớp qua đời, lớp làm ăn khấm khá dọn ra mặt tiền đường, lớp vẫn trụ lại trong xóm kiếm sống vất vả, những A Có A Muỗi nay đã thành những A Súc A Diá, còn đám trẻ xông xáo làm ăn bây giờ tôi không quen biết lắm. Ừ thì người có thay đổi đó, nhưng phải chăng người ta luôn như vậy? Tôi nhớ người bạn đồng hành tình cờ trên chuyến bay từ Seattle về: một người đàn bà lớn tuổi có nét mặt và dáng điệu giống như A Xẩm bán lò bạc cú, xảo mìn ở xóm cũ của tôi. Ngó thấy cái túi xách tay của bà có cái nhãn ghi tên Muoi Tran, điạ chỉ ở quận 5, tôi thử làm quen: “Bác về Chợ Lớn hả? Cháu cũng về Chợ Lớn.” Gương mặt bà Muội (hay Muối hay Muỗi) sáng lên, nụ cười nở ra rạng rỡ, bà tuôn ra một tràng líu lo. Bà nói hồi xưa bà ở Gò Vấp, cái địa chỉ quận 5 là của con gái theo chồng về đó. Rồi bà kể: Con trai vượt biên năm 1980, bảo lãnh vợ chồng bà qua Mỹ năm 1990, chồng bà sau khi có quốc tịch đứng ra bảo lãnh gia đình đứa con gái, chưa xong thủ tục thì ông qua đời. Bà muốn tiếp tục bảo lãnh con gái, nhưng bà thi vô quốc tịch mấy lần không đậu, trong lúc đó con gái con rể đã tạo được cơ sở làm ăn ở Chợ Lớn nên không muốn đi nữa. Từ đó bà dành dụm tiền già, vài ba năm mua bánh kẹo đồ chơi đi thăm cháu ngoại. Mười mấy tiếng đồng hồ ngồi cạnh nhau trên máy bay, khi thức khi ngủ, khi ăn uống khi chuyện trò, có lúc câu chuyện trở về năm sáu mươi năm trước, khi bà còn là một cô gái trẻ từ một thôn núi ở tây nam Trung quốc lặn lội cả tháng trời mới đến được xứ Gò Vấp để làm dâu. Cảnh lạ cô dâu mới chẳng dám đi đâu, đêm nào cũng nhớ quê nhớ nhà khóc sưng mắt, ky cóp từng xu để nuôi giấc mộng trở về cố hương. Mười năm, hai mươi năm, rồi nửa thế kỷ trôi qua. Cuối cùng bà cũng thực hiện được ước mơ, từ Gò Vấp bà đi vòng qua Bắc Mỹ trở về thôn Núi. Những tưởng sẽ gởi nắm xương tàn nơi cố hương. Nhưng rồi bà lại rời thôn núi, đi vòng qua Bắc Mỹ trở về Chợ Lớn. Tôi hỏi : bà coi đâu là nhà là quê hương, bà nói “Về thôn Núi cũng như về Gò Vấng còn người quen nữa, không còn vườn cải vườn bông, nhà lầu đường xá lạ hoắc. Ở Chợ Lớn con gái con rể làm ăn tối ngày, ở Mỹ con trai con dâu cũng đi làm ngày làm đêm. Ở đâu cũng phải làm ăn hết.” Sáng nay đi tập thái cực quyền ở Đại thế Giới, tôi tình cờ gặp bà Muội trong một nhóm phụ nữ lớn tuổi. Tập xong, ba bốn bà rủ nhau băng qua bên kia đường Trần Hưng Đạo, nơi đầu hẻm có mấy xe hàng rong để ăn sáng, cháo một ngàn một tô, mì xào, bánh đúc ba bốn ngàn một dĩa, vừa ăn vừa kể chuyện bên Úc bên Mỹ, rủ nhau đi chùa, bàn nhau chợ hoa nào đẹp, đoàn múa lân nào hay, ngày Tết làm gì. Bà Muội nói: “Tết con gái con rể cũng lo làm ăn. Cháu ngoại đi chơi với bạn chúng. Tôi bắc ghế ngồi ở cửa ngó người ta đi qua đi lại cho vui.” Vậy mà Tết không về Chợ Lớn không chịu được. Theo nguoiduatin.vn
Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
ADS_home_content_3
Trái
Phải
  • Sale
    Sale
LR_left_1
LR_right_1
Tin Ảnh

DV Văn Anh khoe giấy đăng ký kết hôn

Hai diễn viên Văn Anh và Tú Vi chính thức là vợ chồng.
Code_FB
 
 
ADS_681x
Trình độ học vấn của tôi là:
336x288
681x90
Quảng cáo