Billboard
ADS_Top_Right
  • Bigsize
    Bigsize
  • google.com, pub-4530016804051003, DIRECT, f08c47fec0942fa0
Tiêu điểm

Học kỳ 3 "giết chết" sở thích học của bé

12:45:50 13/07/2013

>> Để kỳ nghỉ hè của con không vô ích
>> Để bé có kỳ nghỉ hè bổ ích

Không biết từ khi nào, thời gian nghỉ hè của trẻ em dần biến thành học kỳ 3, khiến không ít bé mệt mỏi, thậm chí sợ hãi… mùa hè.

Ám ảnh học kỳ 3

Mặc dù đang là thời gian nghỉ hè, nhưng cảnh sớm chiều nhiều bậc phụ huynh vẫn đưa đón con đi học không có gì lạ. Từ học phụ đạo củng cố kiến thức, tới học trước chương trình hay học các môn năng khiếu… môn nào cũng được cho là cần thiết nên lịch học của các bé kín mít hơn cả trong năm học.

Phạm Lê Công, học sinh lớp 4 trường tiểu học Tây Mỗ (Từ Liêm, Hà Nội) cho biết: “Mới bắt đầu nghỉ hè, bố mẹ đã bảo em phải đi học thêm luôn, để chuẩn bị kiến thức tốt, sang năm thi vào trường chuyên cấp 2. Sáng em phải đi học thêm toán, chiều học thêm môn văn, có hôm học thêm tiếng Anh. Tối em lại phải làm bài tập về nhà, xem lại sách vở để hôm sau học tiếp”. Vừa nói, Công vừa làm bộ nhăn nhó: “Học nhiều hơn cả trong năm học của em. Mà em gái em năm nay mới học đến lớp 2 hết học vẽ lại học viết chữ đẹp, học thêm tiếng Anh nữa”.

Lịch học ngày hè của nhiều bé còn "kín mít" hơn trong năm học.

Dù đã bị cấm, nhưng nhiều giáo viên vẫn nhận dạy kèm thêm học sinh ở nhà. Con ngõ nhỏ dẫn vào khu tập thể Tây Mỗ cứ thứ 2, 4, 6 mỗi tuần lại rầm rập học sinh đến nhà cô giáo Yến ở cuối dãy. Theo quan sát của phóng viên, mỗi tuần, cô chỉ dạy học sinh theo lớp vào 3 buổi trên, mỗi buổi khoảng 12-15 cháu. Ngoài ra, các buổi thứ 3, 5 và chủ nhật hàng tuần, cô Yến lại nhận dày kèm riêng từng bé.

Có những học sinh được bố mẹ đưa đến gửi cô dạy kèm, cứ đến ngõ dẫn vào khu tập thể là bắt đầu khóc lóc. “Nào ai đánh mắng gì nó đâu, muốn rèn cho nó viết chữ đẹp và học thêm môn toán ở nhà cô cho tốt vì năm rồi điểm toán hơi thấp, vậy mà khóc um làng nước lên” - mẹ em bé thanh minh với những lời hỏi thăm của mọi người trong khu tập thể.

Không chỉ học ở những thầy cô gần nhà hay chính thầy cô giáo dạy con mình trong trường, nhiều bậc phụ huynh còn đưa con đi học ở các trung tâm, hoặc theo học các thầy cô giáo nổi tiếng dạy giỏi, mặc dù ở rất xa nhà. Lịch học kín mít, đi lại kiểu nhanh chóng, tranh thủ vì bố mẹ phải đi làm khiến nhiều em mệt mỏi.

“Hôm tổng kết năm học, mẹ em đi họp phụ huynh, ngồi kế bên mẹ bạn Linh, bạn học giỏi nhất lớp. Về nhà, thấy mẹ kể với bố là bạn Linh học giỏi nhờ đi học thêm ở nhà cô giáo ở tận Thanh Xuân. Nghĩ mẹ nói chuyện vậy thôi, ai ngờ nghỉ hè mẹ bắt em cũng đi học nhà cô luôn, dù trước đó mẹ hứa sẽ cho em về quê chơi với ông bà nội” - Lam (học sinh lớp 8 trường THCS Nghĩa Tân, Cầu Giấy) ỉu xìu nói.

Học để không thua kém bạn bè

Với tâm lý sợ con học dốt, thua kém bạn bè, nhiều phụ huynh cố gắng ép con học cật lực để bằng bạn, vượt bạn trong năm học tới.

Chị Mai Hồng Thuận, mẹ bé Công cho biết: “Biết con học nhiều là khổ nhưng vẫn phải bắt con cố. Con cố 1, bố mẹ phải cố hơn 2-3 lần vì vừa tranh thủ đi làm, vừa tranh thủ đưa đón con vào buổi trưa. Cháu nhà em thuộc dạng hiếu động, đùa nghịch nhiều nên cả hai vợ chồng em đều sợ cháu mải chơi, quên học mà thua kém bạn bè, nhất là sang năm cháu thi chuyển cấp. Nhiều lúc thấy con tỏ thái độ, hoặc học đối phó, khóc lóc cũng thương con lắm. Có lẽ sau này cháu mới hiểu được bố mẹ kỳ vọng vào cháu nhiều như thế nào”.

Lý giải về việc bắt con học kín mít cả tuần trong kỳ nghỉ hè, anh Tống Trung Nam (Từ Liêm) chia sẻ: “Năm ngoái, gia đình tôi cũng chủ trương cho con chơi thoải mái. Thế nhưng khi vào năm học, bạn nào cũng ‘vượt’ con, sức học cháu cứ đuối dần. Hỏi ra mới biết, phụ huynh nào trong lớp con cũng cho các cháu đi học hè. Vì vậy năm nay phải cho cháu đi học, học để vớt lại kiến thức năm vừa rồi để theo kịp các bạn”.

Anh Nam nói thêm: “Nhà chỉ có hai vợ chồng, mùa hè cũng phải đi làm chứ có được nghỉ đâu. Vì thế, chúng tôi phải chia nhau ra đưa đón con đi học, vì mỗi buổi cháu cũng chỉ học 2 tiếng thôi. Học liền 2 ca thì vừa đúng giờ bố mẹ về đón. Tính ra vợ chồng còn vất vả hơn con”.

Không giống chị Thuận, anh Nam, bác Phạm Văn Ba (Cầu Diễn, Từ Liêm) có cháu nội bị bố mẹ ép học, dẫn đến mâu thuẫn gia đình. “Bố mẹ nó thì cứ ép con học như ép giò ép chả, ông bà nội thì xót con xót cháu. Tranh luận về vấn đề này nhiều rồi nhưng chúng nó không nghe. Con trai tôi còn lý luận ‘con của con thì để con dạy’, làm không khí gia đình căng thẳng. Chỉ tội cháu tôi, nghỉ hè mà mệt hơn trong năm học, nhìn các bạn được về quê, đi chơi mà nó không dám ý kiến vì sợ bố mẹ mắng”.

Không nên vì tình thương và lo lắng quá mà tước đoạt ‘quyền được chơi’ của con.


Những hậu quả nghiêm trọng

Ngày 8/7 vừa qua, một nữ sinh cấp 2 trên địa bàn quận Hải Châu (Đà Nẵng) đã leo lên tầng thượng định tự tử để phản đối chuyện học hè.

Khoảng 10h30 ngày 8/7, người dân bất ngờ phát hiện một nữ sinh leo sân thượng tầng 3 trường mầm non Ánh Dương (đường Trần Phú, Đà Nẵng), thò chân xuống đường, ngồi chênh vênh rất nguy hiểm. Phải mất 30 phút trò chuyện, động viên, một người dân mới dìu được em xuống đất an toàn. Lực lượng chức năng tham gia giải cứu em học sinh cho biết, việc làm của em nhằm phản đối chuyện bị ép học hè quá nhiều.

Theo chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa, nhiều bậc phụ huynh nghĩ rằng “mùa hè là lúc con phải củng cố lại kiến thức, xem trước chương trình học của năm tới” nên bắt con đi học hết chỗ này, chỗ kia. Đây là điều hoàn toàn sai lầm. Việc ép con học nếu trẻ không thích sẽ dẫn đến những hệ lụy nghiêm trọng khác như ghét học, ghét bố mẹ, tâm lý không ổn định, tự kỷ… Vì vậy, trong thời gian nghỉ hè, trẻ vẫn cần được bố trí thời gian học tập, nhưng cũng phải được vui chơi, sinh hoạt điều độ.

Chia sẻ về “vấn nạn” học hè của các bạn học sinh, thạc sĩ Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu, khoa Tâm lý, trường Đại học Sư phạm TP HCM cho biết: “Học hành liên tục sẽ làm đầu óc bé dễ mụ mị, mà hơn nữa còn có rất nhiều điều bé không được học trong nhà trường mà mùa hè là một cơ hội vàng. Hè cho bé được chơi thể thao, được đi đá bóng vừa rèn thể lực, vừa phát triển khả năng vận động tinh, nhất là học được tinh thần đồng đội. Nếu bé được về quê với ông bà hay dòng họ, bé vừa thư giãn trong khung cảnh thiên nhiên ruộng vườn, vừa rèn luyện tính tự lập, học hỏi những kỹ năng của những bé ở nông thôn. Hãy nghĩ xem, con mình lỡ gặp yêu râu xanh thì phải làm sao? Nó bị bạn trấn lột thì phải làm thế nào?... Có những kỹ năng sống được học một lần mà cứu một đời người, thế nhưng ta lại thay thế bằng bài vở ở lớp học thêm.

Người lớn chúng ta vốn dĩ từng có nhiều mùa hè đẹp, lại đưa các bé vào các lớp học thêm. Người lớn mình hay dạy 'học ra học, chơi ra chơi'. Thế mà học xong rồi, nghỉ hè ta có cho chúng chơi đâu. Không nên vì tình thương và lo lắng quá mà tước đoạt ‘quyền được chơi’ của bé. Thiên tài cũng phải nghỉ ngơi. Hãy cho bé được là chính trẻ trong mùa hè”.

Theo Tri Thức Thời Đại

Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
ADS_home_content_3
Trái
Phải
  • Sale
    Sale
LR_left_1
LR_right_1
Tin Ảnh

DV Văn Anh khoe giấy đăng ký kết hôn

Hai diễn viên Văn Anh và Tú Vi chính thức là vợ chồng.
Code_FB
 
 
ADS_681x
Trình độ học vấn của tôi là:
336x288
681x90
Quảng cáo