Billboard
ADS_Top_Right
  • Bigsize
    Bigsize
  • google.com, pub-4530016804051003, DIRECT, f08c47fec0942fa0
Tiêu điểm

Hôn nhân "chết lâm sàng"

21:01:40 17/05/2013
Có lần, suýt bị tai nạn, Linh giật mình: 'Sao lúc cận kề cái chết, mình không nghĩ đến chồng?'. Cô suy diễn, chắc mình cũng chẳng còn quan trọng với ông xã nữa. Lâu lắm rồi vợ chồng Linh không cãi nhau nhưng dường như bắt đầu kiểu "ở chung mà sống riêng". Sau bảy năm quen nhau, cưới được ba năm, Thảo Linh, kế toán của một nhà máy in, đã thấy không còn gì háo hức với cuộc sống hôn nhân. Linh bắt đầu ngấm câu: "Tình chỉ đẹp khi còn dang dở". Mỗi buổi sáng, Linh luôn là người thức dậy trước, tất bật lo cho con ăn uống, đưa con đến nhà trẻ, ăn sáng vội vàng để kịp đến cơ quan. Buổi chiều, cũng là Linh đi đón con. Về nhà, chị lại lao ngay vào bếp. Buổi tối, khi con đã ngủ, Linh loay hoay dọn dẹp, lau nhà, giặt đồ, rửa chén... Chồng Linh thì theo một "lịch hoạt động" khác mà chị không thể nắm rõ. Hỏi chồng cũng chỉ ậm ừ cho qua chuyện, Linh đành mặc kệ. Rồi một ngày Linh chợt nhận ra, hình như lâu lắm rồi vợ chồng không cùng đi với nhau. Con đau ốm cũng chỉ có Linh cuống cuồng đưa đi bệnh viện. Đám cưới, đám tiệc, chồng đại diện cho xong, vì không biết gửi con cho ai. Niềm vui của Linh giờ chỉ là đứa con. Cũng rơi vào cảnh tương tự, sau 5 năm kết hôn, chị Xuân sợ nhất là chủ nhật bởi những ngày cuối tuần như luôn được cài đặt sẵn chương trình mà không hề thay đổi: Chồng chở vợ con về nhà ông bà nội ở Bình Chánh, TP HCM. Sau đó, chồng nhậu lai rai với bạn bè, anh em họ hàng đến... tối, còn vợ thì loay hoay trong bếp phục vụ. Dần dần, chị viện lý do: đi họp phụ huynh cho con, đi khám bệnh, đi thăm sếp nằm viện... để ở nhà. Song, ở nhà, chị cũng chẳng vui hơn. Những ngày còn lại trong tuần, cả vợ chồng đều ở cơ quan nhiều hơn ở nhà. Cuộc sống cứ thế trôi qua, lặp lại. Cơ quan không phải là nơi để mỗi sáng chị háo hức đi làm. Nhà cũng không phải là chốn mỗi chiều chị rộn rã quay về. Vợ chồng chị chỉ trao đổi với nhau những thông tin về con cái, tiền bạc, cha mẹ hai bên. Họ không còn chia sẻ tâm tình. Thỉnh thoảng, chị cũng thay cái rèm cửa, cắm một bình hoa, treo một bức tranh... nhưng dường như chồng chẳng hề nhìn thấy. Cả hai chỉ vui khi gặp bạn bè. Theo các nhà tâm lý, có bốn dấu hiệu cảnh báo cuộc hôn nhân bắt đầu "xìu". Đó là khi một trong hai hoặc cả hai cảm thấy lệ thuộc cảm xúc vào người còn lại, chẳng hạn bà vợ khóc hay cười là tùy thuộc vào ông chồng nhớ hay quên ngày sinh nhật của mình. Thứ hai: chồng, vợ cảm thấy bất an, không biết mình có hạnh phúc hay không. Thứ ba: người này cảm thấy người kia "hình như” không quan tâm đến gia đình. Và dấu hiệu cuối cùng là giảm hoặc mất hứng thú trong quan hệ tình dục. Những ai coi thường các dấu hiệu này, bởi lối nghĩ "không sao đâu, rồi sẽ qua thôi, không bỏ nhau đâu mà lo" thì cuộc hôn nhân sẽ không còn gì vui, dễ đi đến gãy đổ. Có người vin vào "triết lý” hợp rồi tan là điều tất yếu, nên thay vì tìm lại niềm vui, họ chấp nhận với phương án: khi đã chán thà ly hôn còn hơn có một cuộc hôn nhân có cũng được, không có cũng không sao. Thật ra, con người không thể sáng tạo ra vũ trụ, nhưng có thể sáng tạo ra vô số niềm vui trong gia đình. Nếu các ông chồng, bà vợ tin như thế thì cuộc hôn nhân sẽ không bị nhàm chán. Thạc sĩ Quách Tuấn Khanh - Giám đốc Trung tâm Thành công và hạnh phúc, đã lập gia đình gần 10 năm chia sẻ: Trước hết cả hai phải ý thức nói "không" với kiểu sống ngày nào cũng như ngày nào, phải có thói quen tìm kiếm sự mới mẻ, không rước stress vào tâm trí, không mang căng thẳng về nhà, tự mình phải phòng chống sự cũ kỹ, thay đổi vẻ bề ngoài, khám phá những kỹ năng mới, suy nghĩ tích cực... Nói tóm lại, hai người phải có nhóm máu "vui và ham vui". Anh Khanh bật mí, trong gia đình, anh là người chủ động "làm trò” trong giao tiếp vợ chồng, với hai yếu tố: bất ngờ và lạ. Có lúc, anh làm học trò của vợ, học môn nấu bún bò, rồi xuống bếp thực tập. Vợ anh ngồi đọc báo chờ học trò "nộp bài". Anh không bỏ qua một sở thích của phụ nữ, là thích ôm từ phía sau, dù ban đầu bà xã có chống chế một cách... dễ chịu. "Có khi bất chợt, gửi con cho ông bà, hai vợ chồng 'trốn' đi ăn tối. Bà xã tôi luôn hưởng ứng chứ ít khi rút lui với lý do kiểu 'con khóc, tội nó, em không đi được'. Hai vợ chồng, hai kênh TV khác nhau, nhưng có những bộ phim hay lại rủ nhau cùng xem, có những cuốn sách đọc chung... Cả hai đều bận rộn với công việc chuyên môn của mình nên thời gian gặp nhau phải thật sự bên nhau, thuộc về nhau và khám phá ra những điều mới mẻ của nhau", anh Khanh bộc bạch. Cũng chủ trương phải luôn làm mới hôn nhân, sau đám cưới bạc kỷ niệm 25 năm chung sống, ông Đặng Xuân Ngọc - phó giám đốc một công ty giao thông vận tải và vợ vẫn cảm thấy vui như ngày mới về với nhau. Nghỉ hưu, bà vợ đi học vẽ, tranh treo đầy tường. Bà làm quen với cọ, màu, không còn thời gian để nhớ cơ quan. Bà vẽ, ông cũng phải bận rộn... xem tranh. Ông nói: "Tôi không ngờ cô ấy lại có thể 'hoạt động' nghệ thuật. Sống với người vợ không chịu già nên tôi cũng được trẻ ké, và nhờ thế mà cuộc hôn nhân của chúng tôi không buồn tẻ, nhàm chán". Tuy nhiên, với công cuộc "đổi mới" trong cuộc sống vợ chồng, các nhà tâm lý đưa ra lời cảnh báo rằng: Không nên gượng ép "copy" theo cách của người khác, để tránh các tác dụng ngược. Theo Phụ Nữ
Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
ADS_home_content_3
Trái
Phải
  • Sale
    Sale
LR_left_1
LR_right_1
Tin Ảnh

DV Văn Anh khoe giấy đăng ký kết hôn

Hai diễn viên Văn Anh và Tú Vi chính thức là vợ chồng.
Code_FB
 
 
ADS_681x
Trình độ học vấn của tôi là:
336x288
681x90
Quảng cáo