Billboard
ADS_Top_Right
  • Bigsize
    Bigsize
  • google.com, pub-4530016804051003, DIRECT, f08c47fec0942fa0
Tiêu điểm

Áp lực của việc nhà

21:45:18 17/05/2013
Gửi xe vào bãi xong, chị Hà tất tả chạy qua công ty... Phòng làm việc im phăng phắc, chỉ có tiếng gõ bàn phím tanh tách. Vừa ngồi vào bàn làm việc, bật máy khởi động, chị Hà đã nghe tiếng chuông điện thoại reo vang. Giọng cô thư ký của sếp Oanh thầm thì đầy vẻ lo lắng: "Chị, sao tới trễ thế? Sếp kiếm chị hai, ba lần rồi đấy, chị sang gặp sếp ngay đi". Chị Hà thở dài nặng nề và mệt mỏi đứng dậy... Khi người vợ, người mẹ hoàn hảo lấn át người phụ nữ của công việc... "Sếp trẻ măng, mới có 29 tuổi. Cô ta chẳng có gia đình, chồng con gì cả. Sáng ngủ tới 8 giờ, leo xuống giường là phóng tới công ty. Chiều về còn đi cà phê với bạn bè, đi bar, đi bơi, đi nhảy. Cô ta nào có hiểu nỗi khổ của một phụ nữ có gia đình như mình đâu cơ chứ!". Chiều hôm ấy, sau giờ làm việc về nhà, chị Hà không kìm được nỗi tức giận vì bị khiển trách khá nặng nề kèm theo lời đe dọa sẽ phạt tiền nếu cứ tiếp tục đi trễ của sếp. Quả thực chị Hà là một người mẹ "không chê vào đâu được" của gia đình. Sáng sớm chị thức dậy vào lúc 5 giờ, chuẩn bị đồ ăn sáng cho cả nhà. Sau đó chị đi chợ, chuẩn bị bữa trưa và bữa chiều cho gia đình. Nhà cửa của chị lúc nào cũng phải tinh tươm, sạch sẽ. Vốn chẳng tin vào ai nên chị Hà lại luôn tự tay làm mọi việc, chị mới yên tâm. Thế là chị trở thành người thường xuyên đến trễ nhất công ty. Giờ làm việc ở công ty của chị Hà không phải là quá sớm sủa và gắt gao. Theo quy định là bắt đầu vào lúc 8 giờ thì mọi người phải có mặt, thế nhưng thường thường khoảng 8 giờ rưỡi công việc mới thực sự bắt đầu. Có một "quy định bất thành văn" ở đây đã có từ lâu là: chất lượng công việc là trên hết. Thời gian có thể du di được nếu bạn đảm bảo chất lượng công việc. Thế nhưng việc chị Hà thường xuyên đi trễ và đi trễ quá nhiều lần đã trở thành một điều khó chịu đối với những người quản lý công việc. Mỗi lần được gọi vào để nói chuyện, chị Hà lại giở bài ca than thở cũ kỹ của mình ra: "Chị quá bận rộn công việc của gia đình. Chị đã cố gắng thu xếp, nhưng quả thực rất khó khăn...". Một điều khiến chị Hà có thể kéo dài việc đi trễ về sớm của mình là do chị khá tự tin vào khả năng chuyên môn của mình. Và chị tin rằng vì thế, công ty sẽ không bao giờ "làm khó" chị nhiều quá. Họ vẫn đang cần chị. Thế nhưng, những lời khiển trách nặng nề và về việc sếp đe dọa sẽ trừ lương, trừ thưởng của chị hôm nay khiến chị phải giật mình. Thật khó khi phải cân bằng giữa công việc và gia đình Hóa ra hôm nay có một việc phải giải quyết từ sáng sớm, thế nhưng không tìm ra chị nên mọi việc mới thành ra bị chậm trễ. Cuối cùng không gặp được chị, sếp đã phải giao việc đó cho một người khác. Việc đó đối với sếp là một giọt nước làm tràn ly "du di kiên nhẫn" dành cho chị của sếp. Thêm vào đó, sếp bắt đầu đưa ra những điều khiến mọi người không thể hài lòng và yên tâm với cách làm việc của chị: những cuộc điện thoại dặn dò việc nhà, những bữa trưa chị chạy về nhà từ 11 giờ và chị xuất hiện lúc 2 giờ chiều, những lúc tranh thủ ra về sớm lúc hết việc của chị... Vừa bực tức, vì không thể phản bác lại những nhận xét của sếp, chị lại vừa không kém phần lo ngại. Vì thực chất chị biết chị đang có một công việc tốt, mức thu nhập khá cao. Và tìm được điều đó bây giờ không phải là ngày một ngày hai dễ dàng gì. Nghe chị cằn nhằn, cử nhử suốt buổi tối, chồng chị cũng phát bực mình. Anh hỏi lại chị: "Thế em thử xem lại việc sắp xếp thời gian làm việc nhà và việc công ty của em đã hợp lý chưa? Vì sao mỗi ngày em lại cần nhiều thời gian đến thế cho việc chợ búa cơm nước? Gia đình có đòi hỏi em điều đó ở mức độ hoàn hảo như vậy hay không? Kỷ luật của công ty là kỷ luật dành cho cả một tập thể. Vì sao người ta lại phải ưu tiên cho em?". Bị chồng nói cho một thôi một hồi, chị Hà càng thêm tấm tức: "Đến cả chồng mình cũng không thông cảm cho mình nữa thì ai có thể thông cảm cho mình được". Nhưng dù sao đi chăng nữa, chị cũng không thể không thừa nhận được là anh nói có lý, sếp khiển trách cũng... có lý thôi. Vậy vấn đề chỉ còn một mình chị. Làm sao để giải quyết mọi việc ở cả hai nơi chu toàn đây? Thay đổi hình ảnh có phải là một việc quá khó khăn? Quả thật xét lại, chị Hà là một người quá cầu toàn đối với những việc chăm sóc gia đình. Và chị luôn luôn tự hào về cái điều: chính chị là người tự tay chăm sóc mọi việc trong nhà. Thế nhưng đôi lúc, chị không khỏi có cảm giác mỏi mệt vì những nghĩa vụ mà mình nhận hết vào người. Sau buổi trò chuyện với sếp mang tính chất công việc khá nặng nề ấy, một hôm sếp Oanh rủ chị đi uống cà phê. "Em quý chị, công ty trong khả năng chuyên môn của chị nên em mới nói. Chị hãy san sẻ bớt gánh nặng của gia đình và hạ thấp sự cầu toàn của mình đi để có thể làm tốt hơn công việc ở hai nơi". Một người giúp việc giỏi giang với sự huấn luyện và đào tạo kỹ lưỡng của chính bà chủ là một phương án được sếp mang ra khuyên chị. "Xã hội có sự phân công lao động rất công bằng. Đầu óc và kiến thức của chị đủ để làm nhiều việc lớn hơn cho xã hội nếu nói cho to tát và cho công ty nếu nói khiêm tốn hơn. Và từ đó, thu nhập chị có thể cao hơn dành cho gia đình. Sao chị lại không thu xếp? Công ty đang có những dự án lớn mà chuyên môn của chị có thể phục vụ rất tốt và chị sẽ có thể thăng tiến hơn vị trí một nhân viên bình thường như bây giờ. Thế nhưng chị đang tự đánh mất đi những cơ hội của mình. Các con chị cũng đã lớn, hãy san sẻ bớt việc nhà cho chúng nó. Đó cũng là một cách giáo dục tốt nhất với con. Còn hơn là chị ôm đồm và phục vụ tất cả mọi người đến kiệt sức thế kia...". Những lòi nói của cô gái trẻ măng khiến chị Hà phải suy nghĩ lại. Chị cũng tự nhận ra một điều: "Phải chăng những gì mình làm hiện giờ đang là kiêm quá nhiều việc của mọi người trong gia đình? Và chúng có thực sự sẽ luôn có ích?". Kịp thời thay đổi những mục tiêu xa vời để cân bằng đời sống của mình Khác với trường hợp của chị Hà, chị Nhân lại tự coi mình là người phụ nữ của công việc. Nhận thức sớm được năng lực và khả năng thăng tiến của mình, chị Nhân ngay từ ngày bắt đầu đi làm đã tuyên bố với chồng: "Em có những mục đích lớn lao. Em không phải là người phụ nữ của bếp núc hay tã lót, khăn bông. Anh hãy để cho em được làm việc, phát huy hết khả năng của em". Vốn là người đàn ông tiến bộ, chồng chị lập tức chấp nhận con đường chị vạch ra. Anh đưa từ dưới quê lên người dì họ chưa chồng. Được giải phóng khỏi những việc nhà linh tinh, chị Nhân chỉ tập trung dồn sức cho công việc. Ngay cả khi không thể không vì sinh con, chị Nhân cũng chỉ nghỉ ở nhà bốn tháng đúng quy định rồi giao con vào tay người dì và chồng. Ra khỏi nhà thật sớm, trở về khi con đã ngủ, chị không hề biết con mình lớn lên và phát triển ra sao. Chồng chị một mình nhẫn nại, cặm cụi chăm sóc con, chăm sóc nhà cửa. Công việc của anh được xếp xuống hàng thứ hai, thậm chí thứ ba trong gia đình. Chiều chiều anh đón con về, chăm sóc, tắm rửa cho con. Thậm chí có hôm chị làm đêm, hai bố con lại mang cơm, mang đồ ăn lên tận công ty cho chị. Thờ ơ với việc nhà đến mức có lần đúng vào dịp cuối năm, khi bạn bè ở công ty chồng đến chơi, không thể để chồng mất mặt đến mức tận cùng, chị phải xắn tay vào bếp, vì dì họ đã về quê ăn Tết. Thế là cứ năm phút chị lại thầm thì hỏi chồng: "Anh ơi, bột ngọt ở đâu? Anh ơi, dao ở đâu?...". Đến chừng nghe mọi người khen chồng chị là người chồng ba đảm đang, sẵn sàng hy sinh sự nghiệp vì vợ vì con, chị mới giật mình suy nghĩ lại. Đợt bổ nhiệm mới trong công ty ấy không có tên chị. Có nhiều lý do khiến chị không được đề bạt. Mà một trong những lý do ấy là sự hiệu quả trong sắp xếp công việc của chị chưa cao, dù chị đã cố gắng hết sức mình. Thế nhưng chị không cảm thấy tiếc nữa. Bởi chị đã tự hứa với mình và với chồng: Lui về sau một chút, quán xuyến cùng chồng để anh có cơ hội phát triển sự nghiệp của mình. Cho đến hai năm sau, gặp lại người phụ nữ đã từng chỉ biết miệt mài với việc ấy, mọi người giật mình nhận ra một chân dung mới. Chị tươi tắn hơn, nhẹ nhàng hơn và dịu dàng hơn bên người chồng mới được bổ nhiệm vào vị trí cao của một công ty lớn. Không quá chạy đuổi theo những mục tiêu quá sức mình, chị chọn được một công việc vừa sức và thích hợp với chị hơn. Và vì thế chị hoàn thành công việc xuất sắc hơn. Giá trị của một người phụ nữ thời hiện đại được khẳng định không chỉ còn trong gia đình, mà cả ngoài xã hội. Chính vì thế, họ như người đứng trên cả hai chân, và cả hai cái chân ấy phải cân bằng nhau một cách đẹp nhất, hoàn hảo nhất. Để nghiêng, để lệch về bên nào cũng sẽ tạo nên một chân dung không trọn vẹn, thậm chí không đẹp đẽ, thẩm mỹ theo ý nghĩa lớn nhất của hình ảnh một người phụ nữ. Có khó khăn không trong việc cân bằng giữa hai gánh vác ấy? Khó! Đó là điều tất nhiên. Thế nhưng không phải là không thể làm được nếu bạn sáng suốt, bình tĩnh để hiểu được mục đích và khả năng của mình. Theo Sức Sống Mới
Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
ADS_home_content_3
Trái
Phải
  • Sale
    Sale
LR_left_1
LR_right_1
Tin Ảnh

DV Văn Anh khoe giấy đăng ký kết hôn

Hai diễn viên Văn Anh và Tú Vi chính thức là vợ chồng.
Code_FB
 
 
ADS_681x
Trình độ học vấn của tôi là:
336x288
681x90
Quảng cáo