Billboard
ADS_Top_Right
  • Bigsize
    Bigsize
  • google.com, pub-4530016804051003, DIRECT, f08c47fec0942fa0
Tiêu điểm

Thai máy

14:29:38 22/09/2013

Thai máy là cảm nhận thú vị và khó quên của mẹ, nhất là trong lần mang thai đầu.

Thời điểm xuất hiện thai máy

- Tuần thứ 12: Mặc dù bé khá năng động ở tuần thứ 12 nhưng mẹ không cảm nhận được điều gì bởi kích thước của bé quá nhỏ. Tuy nhiên, mẹ có thể may mắn được chứng kiến bé “tập thể dục” khi siêu âm.

- Tuần thứ 16-18 của thai kỳ: Khi bé khỏe mạnh hơn, bé sẽ di chuyển, nấc, co duỗi cánh tay và cẳng chân nhỏ nhắn. Khoảng 16-18 tuần, sự di chuyển của bé trở nên phức tạp. Bé có thể đá, vặn vẹo. Một số em bé mút ngón tay cái của mình.

- Tuần thứ 20: Lúc này, mẹ thường xuyên nhận ra hoạt động của thai nhi qua những lần va chạm vào thành bụng.

-Từ tuần thứ 28 của thai kỳ trở đi, bé đã có khả năng cử động khoảng 10 lần trong vòng 12 tiếng đồng hồ. Thậm chí, với những bé “hiếu động” số lần cử động này có thể lên tới khoảng 30 lần.

Hầu hết người mẹ lần đầu cảm nhận được thai máy là trong tam cá nguyệt thứ hai của họ (khoảng 18-20 tuần). Nhiều người nói rằng, nó giống như một cơn gió thoảng vậy; hoặc cú máy đầu tiên của bé như cá vàng bơi lội; hoặc cảm giác đói. Sau một vài tuần đầu tiên, thai máy trở thành những cú đá. Em bé bây giờ “tập thể dục” thường xuyên hơn như xoáy trôn ốc, kéo duỗi và đá để tăng cường cơ bắp và xương. Khi bé lớn hơn, mẹ sẽ thấy có những chuyển động của bé hiện lên làn da của mẹ. Sau đó, mẹ có thể sờ được một bàn tay, khuỷu tay hoặc chân của bé.

Những cú đá của bé còn có thể cho mẹ biết về ngôi thai. Ví dụ, nếu bé có ngôi mông, mẹ có thể cảm nhận được một số cú đá mạnh ở bàng quang hoặc tử cung.

Những nhầm lẫn có thể xảy ra: Nhiều mẹ dễ bị nhầm lẫn giữa sự chuyển động của bé với sự sôi bụng khi mẹ đói, đầy hơi hoặc các hoạt động nội tạng khác. 

Những phụ nữ từng sinh con có thể nhận biết thai máy sớm hơn một chút so với những người lần đầu làm mẹ (vì họ dễ dàng phân biệt được thai máy với sôi bụng hoặc âm thanh của ruột). Mẹ cũng khó cảm nhận được thai máy lúc mẹ bận rộn.

Thông thường, đến cuối quý II của thai kỳ, sự hoạt động của bé sẽ mạnh mẽ và rõ rệt hơn. Lúc này, mẹ dễ dàng nhận biết được những cú “xoay”, “hích” hay “thục” của bé vào thành bụng. Thậm chí, ngay cả lúc đang ngủ, người bên cạnh cũng dễ dàng cảm nhận được những cú “đá” của bé nếu nằm sát.

Khi bé nấc: Nhiều người mẹ tưởng thai nhi máy nhưng thực ra là bé đang nấc. Nấc có thể bắt đầu trong tam cá nguyệt đầu tiên nhưng mẹ thường không cảm nhận được cho đến cuối tam cá nguyệt thứ hai (hoặc đầu tam cá nguyệt thứ ba). Bé nuốt chất lỏng bên trong tử cung mẹ và gây ra nấc. Nhiều chuyên gia cho biết, nấc giúp tăng cường cơ hoành cho bé, giúp bé thở tốt.

Nguyên nhân thai máy sớm hoặc muộn

Thai máy trước tuần thứ 16 là sớm. Thai máy tuần thứ 20 là muộn.

Điều này là vì:

- Sự khác nhau của từng cơ thể phụ nữ: Bình thường, nhóm bà bầu sinh con so cảm nhận thấy thai máy chậm hơn nhóm thai phụ sinh con dạ.

- Tình trạng nhau thai: Nếu nhau thai bám mặt trước, mẹ sẽ cảm nhận được thai máy muộn. Nếu nhau thai bám mặt sau, thai sẽ máy sớm hơn.

- Người mẹ bị béo bụng: Lớp mỡ dày bao quanh bụng sẽ khiến mẹ khó khăn khi nhận biết bé chuyển động hơn.

- Nhầm lẫn: Nhiều người mẹ không phân biệt được chuyển động của thai với hoạt động của ruột (hay dạ dày). Do đó, nếu mẹ cảm nhận thấy thai máy trước tuần 13 thì phần lớn khả năng, mẹ nhầm với hoạt động của ruột (hay dạ dày).

- Giới tính thai: Không ít người mẹ tin rằng, bé trai sẽ máy sớm hơn bé gái (vì bé trai thường hiếu động hơn bé gái). Tuy nhiên, chuyên gia khuyến cáo điều này hoàn toàn không có cơ sở khoa học.

Lưu ý khi thai máy muộn: Nếu thai trong khoảng 5-6 tháng tuổi mà không có dấu hiệu máy, mẹ nên đi khám để bác sĩ kiểm tra. Thai máy chậm (hoặc không máy) có thể cảnh báo nguy cơ rắc rối nào đó với sức khỏe mẹ, liên quan đến tình trạng thiếu oxy của bé; chẳng hạn, nếu người mẹ bị viêm phổi sẽ kéo theo những cơn thở ngắn nên không đủ oxy cung cấp vào bào thai.

Thời gian thai máy

Bé thường chuyển động vào những khoảng thời gian khác nhau trong ngày, tùy vào lúc bé thức hoặc ngủ. Buổi tối là thời điểm bé hoạt động mạnh mẽ hơn cả (khoảng 21h đêm và 1h sáng là lúc bé thích "đạp" mẹ nhất).

Em bé cũng không thể máy và di chuyển liên tục. Sẽ có những lúc bé muốn nghỉ ngơi hoặc ngủ. Mẹ cũng có thể nhận thấy một tiếng động đột ngột làm bé giật nảy.

Trong vài tuần cuối của thai kỳ, em bé di chuyển ít hơn vì không gian đã chật. Giai đoạn này, hầu hết các bé chúi đầu xuống; vì thế, mẹ có thể cảm nhận những cú đá mạnh vào mạng sườn.

Theo dõi thai máy

Tần suất thai máy phụ thuộc vào nhịp sinh học của từng bé. Các bác sĩ cho rằng, rất khó đề ra tiêu chuẩn chính xác để nhận biết thai máy có bình thường hay không. Tuy nhiên, bé càng lớn thì càng có nhiều cử động. 

Mẹ có thể tham khảo cách thức theo dõi thai máy như sau: Đếm số lần đạp của bé vào một giờ cố định mỗi ngày. Có thể vào buổi tối, lúc mẹ rảnh rỗi và thoải mái. Càng ngày, bé càng đạp nhiều, tuy nhiên, nếu đôi khi bé đạp ít đi thì điều đó hoàn toàn bình thường vì có thể bé đang ngủ.

Khi thai giảm máy: Bào thai cũng có thời gian yên tĩnh trong tử cung và đó là điều bình thường. Thai giảm máy tạm thời có thể do bé đang ngủ hoặc do bé thiếu năng lượng (mẹ lâu chưa ăn gì). Tuy nhiên, nếu mẹ cảm thấy thai máy giảm hẳn so với trước đó thì mẹ cần đi khám. 

Bào thai có thể hoạt động hăng hái hơn sau khi mẹ ăn uống gì đó. Vì thế, sau bữa sáng (hoặc bữa tối), mẹ nên ngồi trong căn phòng yên tĩnh và tập trung đếm số lần thai chuyển động. Mẹ sẽ phát hiện ra ít nhất có 10 chuyển động của thai trong 2 tiếng. Nếu không, nên đi khám để bác sĩ kiểm tra cho mẹ.

Thai giảm máy có thể là dấu hiệu của thiểu ối. Thiểu ối ảnh hưởng tới khoảng 10% người mẹ mang thai. Nhiều trường hợp, thiểu ối là do người mẹ mất nước và uống đủ nước sẽ giải quyết vấn đề. Tuy nhiên, thiểu ối cũng có thể do vỡ trong túi ối, nhau thai hoạt động kém hoặc trường hợp hiếm là khiếm khuyết ở thận hay bàng quang của thai nhi (nước ối là chỉ số phản ánh nước tiểu của thai). Trường hợp này, nghỉ ngơi theo lời khuyên của bác sĩ sẽ làm giảm thiểu nguy cơ mất nước và kéo dài thời gian mang thai.

Nếu mẹ gặp vấn đề này sau tuần 38 của thai kỳ hoặc nếu thai nhi có dấu hiệu bất thường, bác sĩ có thể chỉ định cho người mẹ chuyển dạ ngay để tránh nguy hiểm: rối dây rốn, cắt giảm lưu lượng máu tới thai.

Những dấu hiệu nên đi khám

Nếu số lần thai máy mẹ đếm được càng ngày càng giảm đi (trong khoảng mấy ngày đến một tuần) mẹ nên lưu ý và đi khám, vì đây có thể là dấu hiệu cảnh báo tình trạng suy thai. Nguyên nhân của tình trạng này có thể do bé bị thiếu oxy.  

Khi có biểu hiện bất thường, cử động của bé ít đi kèm theo những dấu hiệu khác như, xuất hiện những cơn đau bụng, âm đạo chảy một chút máu… mẹ nên nhanh chóng đến bác sĩ (tình trạng này xuất hiện vào quý III của thai kỳ, có thể là tín hiệu cảnh báo nguy cơ sinh non).

Ngọc Huê

Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
ADS_home_content_3
Trái
Phải
  • Sale
    Sale
LR_left_1
LR_right_1
Tin Ảnh

DV Văn Anh khoe giấy đăng ký kết hôn

Hai diễn viên Văn Anh và Tú Vi chính thức là vợ chồng.
Code_FB
 
 
ADS_681x
Trình độ học vấn của tôi là:
336x288
681x90
Quảng cáo