Billboard
Những nàng dâu may mắn được mẹ chồng xem là "tri kỉ"
11:22:16 15/05/2013
Nhắc đến mẹ chồng, nàng dâu người ta nghĩ ngay đến mối quan hệ bất hòa 'truyền kiếp'. Thế nhưng cũng có nhiều bà mẹ chồng đã trở thành tri kỉ của con dâu. Mối quan hệ giữa mẹ chồng với nàng dâu là một phần quan trọng việc quyết định sự bền vững và êm ấm của gia đình, nhất là trong hoàn cảnh gia đình có nhiều thế hệ sống chung. Mẹ chồng nàng dâu hòa thuận thì gia đình mới yên vui, hạnh phúc và phát triển tốt.
Con dâu ăn, ngủ, sinh hoạt, nói năng như ở nhà mình
Khác với thời xưa, con dâu mới về nhà chồng phải lo thức khuya dậy sớm, lo lắng ngại ngần đủ thứ, gặp nhiều tình huống đối xử không mấy thiện cảm từ phía mẹ chồng. Ngày nay, nhiều cô gái không còn phải chịu cảnh “làm dâu” cực nhọc nữa. Nhất là ở thành phố, những bà mẹ chồng ngày càng hiểu biết và tâm lý, không còn gây khó khăn, tạo khoảng cách giữa mẹ chồng - nàng dâu.
Những nàng dâu hiện đại cũng khéo léo hơn, chủ động thay đổi cách nhìn và “hành động” để làm tốt mối quan hệ giữa mình với nhà chồng. Có nhiều cô gái lên các diễn đàn khuyên “hãy yêu mẹ chồng như mẹ mình” thì bạn sẽ nhận được tình cảm tốt từ mẹ chồng.
Nhà chồng Linh Anh (quận 7, TP HCM) sinh được 2 con trai nên rất “thèm” có con gái. Khi con trai đầu lấy vợ, mẹ chồng coi con dâu như con gái ruột của mình. Linh Anh và chồng sống ở TP HCM còn bố mẹ chồng ở Hà Nội, do đó mỗi lần ra Bắc, mẹ chồng cô không bao giờ bắt cô phải làm gì, kể cả nấu ăn, rửa bát hay gọt cắt trái cây, mọi thứ bà đều giành làm hết.
Đã thế, khi con dâu dậy sớm đòi đi chợ, bà nói trời lạnh thế, con cứ ngủ cho thoải mái, dậy sớm ra đường gió lạnh bị ho thì khổ. Khi Linh Anh sinh con đầu lòng, bà lại càng quý con dâu, mỗi tuần gọi điện vài lần thăm hỏi. “Trước đây mẹ chồng toàn gọi vào số máy của chồng mình nhưng bây giờ thì luôn gọi cho mình. Có việc gì quan trọng trong gia đình, bà cũng hỏi mình trước. Mình nghĩ không phải do xa thương gần thường, mà do bố mẹ chồng mình thực sự tốt và coi mình như con đẻ thì mới như vậy”.
Bác Bình, nhà tại quận Tân Bình (TP HCM) có 3 con trai đều đã lấy vợ và ở riêng. Bác quan niệm: “Tụi trẻ cần có không gian riêng, có chút tự do để làm việc và sinh hoạt thoải mái. Giờ mình còn sức khỏe thì chưa cần các con phải lo lắng. Mình có thương con dâu thì con trai sẽ không bị căng thẳng, mệt mỏi và tâm lý con dâu cũng sẽ thoải mái, từ đó chăm sóc chồng con được tốt hơn”. Việc mẹ chồng chăm sóc con dâu khi con dâu mang thai, sinh nở hay bố mẹ chồng thương quý con dâu như con gái ngày nay đã tương đối phổ biến. Điều đó khiến các bậc cha mẹ của các cô gái sẽ yên lòng hơn trước hạnh phúc trọn vẹn của con gái mình.
'Mẹ coi tôi như một người bạn'
“Mẹ nói mẹ đã từng làm dâu và mẹ cần người thương yêu mình hơn người thù ghét mình nên lúc nào mẹ cũng coi tôi như một người bạn thân", chị Hòa (quận Long Biên, Hà Nội) không giấu được niềm tự hào khi nhắc tới mẹ chồng của mình.
“Chồng mình làm bộ đội hải quân năm về nhà vài ba lần. Nhiều khi mình thấy tủi thân và cô đơn, nhất là vào những ngày lễ không có chồng bên cạnh. Mẹ hiểu tâm tư của mình nên thường trò chuyện động viên và khuyến khích cho mình dốc những uất ức trong lòng ra. Chẳng biết từ bao giờ, mẹ chồng đã trở thành người để dốc bầu tâm sự của mình. Nếu một ngày không được nói chuyện với mẹ, mình thấy có cái gì đấy thiếu thiếu” - chị tâm sự thêm.
Cô Thảo (Gia Lâm, Hà Nội) đã làm dâu hơn 30 năm, hiện tại, cô đã có cháu nội cháu ngoại. Hơn 30 năm chung sống với mẹ chồng, gia đình cô ngập tràn trong tình yêu thương, hạnh phúc. Ngày mới về làm dâu cô rất ít nói, làm gì cũng phải dè dặt để ý mẹ chồng vì thấy xung quanh nhiều nàng dâu khốn đốn với mẹ chồng. Biết được suy nghĩ của con dâu, mẹ chồng cô chủ động gọi con lại trò chuyện cởi mở. Dần dần cô tự tin hơn. Những khúc mắc trong cuộc sống cô thường tâm sự với mẹ chồng và bà giúp đỡ cô tháo gỡ.
“Mẹ chồng là chỗ dựa tinh thần cho tôi suốt hơn ba mươi năm qua. Hiện, bà đang bị ung thư, cuộc sống của bà tính bằng ngày, bằng giờ. Bà đã cho tôi tình cảm của một người mẹ, người bạn, người tri kỉ. Tôi rất đau buồn khi nghĩ tới một ngày gần đây không còn bà nữa”, cô Thảo xúc động. “Không bao giờ tôi quên được cái lần cả bố chồng và mẹ đẻ tôi đều bị cảm.
Đã đi làm dâu phải phụng dưỡng nhà chồng, thương mẹ mình nhưng tôi không dám về chăm sóc. Hiểu được nỗi lòng tôi, mẹ chồng đã gọi tôi lại, bà nói nhà ngoại chỉ có mình tôi là con nên con về chăm mẹ lúc mẹ bệnh, ở nhà đã có chồng, chị và các em chăm bố. Tôi đã rất biết ơn bà và sau lần đó tôi thấy bà như một người bạn”, cô Thảo đôi mắt ngấn lệ nói thêm.
Khổ vì bố mẹ chồng quá 'thương'
Tâm lý của nhiều bà mẹ chồng là sợ con dâu “độc chiếm” con trai mình. Cũng vì vậy mà họ hay có những phản ứng như “soi” con dâu và “giữ” con trai. Hầu hết những mẹ chồng yêu con dâu là bởi con dâu biết làm yên lòng họ. “Mặc dù con dâu tôi còn trẻ nhưng rất biết lễ độ, thương yêu gia đình chồng. “Gái có công chồng không phụ. Nó chân thành với mình lẽ nào mình không yêu thương nó”, bà Chính, mẹ chồng của chị Cúc tâm sự.
Bà Chính vừa bước sang tuổi 70, bà đã là mẹ chồng của bốn cô con dâu nhưng chỉ chung sống cùng con dâu trưởng. Các con dâu của bà mỗi người một tính nhưng ai cũng vun vén cho gia đình nhà chồng. Mặc dù bà mang nhiều tư tưởng gia trưởng khó chiều nhưng các con dâu của bà đã biết cách lấy lòng mẹ chồng. Hàng mấy chục năm qua, đại gia đình nhà bà chưa từng có lời to tiếng nhỏ. Hàng xóm xung quanh ai cũng phải ngưỡng mộ.
Khi con dâu được bố mẹ chồng thương được coi là diễm phúc. Ấy thế mà không ít những nàng dâu lại mong bố mẹ chồng thương mình ít hơn để được… tự do, thoải mái. Ngày mới cưới, chị Mai Anh (Thanh Xuân, Hà Nội) đã rất tự hào với mọi người trong cơ quan và bạn bè rằng, bố mẹ chồng hết sức tâm lý, chiều chuộng con dâu. Thế nhưng, giờ đây niềm tự hào đó đã trở thành nỗi khổ của chị bởi sự quá quan tâm của bố mẹ chồng.
Từ ngày về làm dâu, rất ít khi Mai Anh phải đi chợ hay vào bếp nấu nướng, có chăng chị chỉ vào bếp phụ với mẹ chồng. Hàng ngày, toàn bộ việc nhà đều do bố mẹ chồng quán xuyến, Mai Anh không phải lo toan bất cứ việc gì. Nhưng có một nguyên tắc, đó là bữa ăn phải có mặt đầy đủ các thành viên trong gia đình. Chính vì vậy, dù đi đâu, dù buổi trưa hay buổi tối, đến bữa cơm, vợ chồng chị cũng phải về.
Có những hôm cơ quan nhiều việc, chị phải ở lại làm đến muộn mới về được. Mặc dù đã gọi điện về nhà để bố mẹ chồng ăn cơm trước, nhưng khi chị về nhà, mọi người vẫn đang chờ cơm. Ái ngại, cũng có lần chị góp ý nhưng các cụ bảo: “Con đi làm về muộn, mệt mỏi, ăn cơm một mình buồn nên cả nhà chờ ăn cho vui”. Khổ nhất là nhiều khi công ty có việc phải ra ngoài ăn tiếp khách hoặc chỗ bạn bè thân mới sinh nhật, liên hoan… chị phải tìm đủ mọi cách để từ chối vì sợ bố mẹ buồn.
Đến khi có bầu, Mai Anh lại được bố mẹ chồng quan tâm nhiều hơn. Mẹ chồng lên kế hoạch các món ăn bổ dưỡng để ép Mai Anh ăn. Trong 3 tháng đầu, do nghén, Mai Anh cứ ăn lại nôn ra hết, nhưng mẹ chồng vẫn cứ nấu và động viên con dâu ăn bằng được vì theo bà dù sao nó cũng sẽ ngấm được chút ít, có vẫn hơn không. Sáng đi làm, chị được mẹ chồng đưa cho chị một chai thuốc bắc để mang đến cơ quan uống, tối về một bát thuốc cũng đã để sẵn trên bàn, chị cứ thế mà uống. Chỉ riêng chuyện ăn uống theo ý mẹ chồng cũng đủ khiến chị Mai Anh thấy mệt.
Và tình hình còn tồi tệ hơn, khi chị sinh được cháu trai, chị càng được mẹ chồng chăm sóc chu đáo hơn. Sợ thiếu sữa cho con bú, ngày nào cũng vậy mẹ chồng bắt chị ăn 1- 2 bữa cháo móng giò ngoài ba bữa cơm chính, hoa qua, bánh… Cứ nghĩ đến móng giò là chị lại rùng mình. Có hôm, mẹ chồng mang móng giò vào cho chị ăn, đợi mẹ chồng ra ngoài chị cho vào túi nilon rồi tìm cách bỏ đi.
Con trai đã lớn, nhưng lúc nào đi đâu, làm gì mẹ chồng chị cũng nhắc nhở phải đội mũ, che mặt, không được làm việc nặng, ảnh hưởng đến sức khỏe, Nhiều khi chị phát ngượng với bạn bè vì bị mẹ chồng nhắc nhở như trẻ con vậy. Nếu tình trạng này cứ kéo dài, chị Mai Anh trở thành một người máy, luôn làm theo ý của bố mẹ chồng, và cô rất dễ rơi vào trạng thái stress.
Chỉ mong cho bố mẹ chồng ít quan tâm hơn
Khác với chị Mai Anh, chị Nguyễn Thị Hương (Cầu Giấy, Hà Nội) không ở chung cùng bố mẹ chồng nhưng cô cũng bị stress vì được bố mẹ chồng thương và quan tâm một cách thái quá. Thương vợ chồng con trai đi làm vất vả, không có thời gian nên bố mẹ thường xuyên đến nhà vợ chồng chị. Từ ngày cưới, tính ra số lần bố mẹ chồng đến thăm con nhiều hơn số lần vợ chồng chị qua thăm bố mẹ.
Sang đến nơi, mỗi người một việc, bố chồng lo sửa chữa đồ đạc trong nhà, mẹ chồng thì dọn dẹp, lau nhà cho con. Nhiều lúc chị mệt muốn nghỉ nhưng thấy bố mẹ chồng làm, chẳng lẽ mình ngồi chơi, vậy là chị lại phải cùng làm với bố mẹ chồng. Nhiều hôm thứ 7, chủ nhật, vợ chồng chỉ muốn ngủ nướng thì bố mẹ lại sang từ sớm, hai vợ chồng lại hò nhau dậy. Mẹ chồng mang đồ ăn đến và lại vào bếp nấu ăn cho cả nhà, thế là kế hoạch ăn ngoài của hai vợ chồng bị phá vỡ. Ăn sáng do mẹ chồng nấu mà lòng chị Hương ấm ức…
Có tuần, bố mẹ chồng chị còn mời anh em, người thân tới nhà vợ chồng chị để liên hoan để mọi người có cơ hội gần gũi với nhau và để cho con dâu được giao tiếp với họ hàng. Sau những hôm như vậy, chị Hương tha hồ mà dọn, mang tiếng là ngày nghỉ nhưng chẳng mấy khi chị được nghỉ, còn mệt mỏi hơn cả ngày thường.
Còn nữa, nhiều lần sau khi bố mẹ chồng dọn dẹp, một số đồ dùng khi vợ chồng chị cần không biết được để chỗ nào, vợ chồng chị lại phải gọi điện hỏi xem bố mẹ chồng đã để ở đâu? Biết là bố mẹ thương con, nhưng cứ kiểu này thì chị cũng "ngán ngẩm". Những lúc đó, chị Hương chỉ mong bố mẹ bớt quan tâm tới mình, dù biết rằng được cha mẹ chồng coi con dâu như con đẻ trong nhà là một diễm phúc lớn.
Theo phunutoday.vn(Chuyên trang Phụ nữ & Đời sống của Báo Điện Tử Người Đưa Tin)
Tin liên quan
- Yêu kiểu 'phường chèo' khó đỡ (11:38:30 15/05/2013)
- Bi hài bà nội không nhận cháu vì sợ xung khắc (11:38:18 15/05/2013)
- Vợ non kém sex và bi kịch tan vỡ gia đình (11:38:02 15/05/2013)
- Chồng đòi ly hôn vì cưới phải vợ trẻ mê cá độ (11:37:52 15/05/2013)
- Đau đầu, bất lực với các chiêu ăn vạ của con (11:37:48 15/05/2013)
Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
Những nàng dâu may mắn được mẹ chồng xem là 'tri kỉ'
ADS_home_content_3
Code_FB ADS_681x |
Video 336x288 |
Quảng cáo