Billboard
ADS_Top_Right
  • google.com, pub-4530016804051003, DIRECT, f08c47fec0942fa0
Tiêu điểm

Con dâu "cơm nguội"

11:22:39 15/05/2013
Mỗi lần gặp gỡ các bà bạn già hay đồng nghiệp cũ, bà Minh lại than thở về cô con dâu 'cơm nguội' của bà. 'Giời ôi, ai đời con gái mới có 25 cái xuân xanh, mà lúc nào cũng để mặt mộc, chả biết son phấn, trang điểm là gì. Đến tôi đây này, sáu mươi tuổi rồi, mà ra ngoài phải trang điểm cẩn thận, nếu không, tôi thấy không tự tin chút nào'. Bà quan niệm, làm đẹp cho mình cũng là làm đẹp cho đời, làm cho cuộc sống thêm phong phú, sống động. Người ngợm đã chả lấy gì làm đẹp đẽ kiêu sa, thì phải biết make up nó, biến hóa nó, cuộc sống mới đỡ buồn tẻ. Ai như con dâu nhà bà. Cả năm mặc mãi có vài bộ quần áo cũ. Tuy rằng cũng là ủi phẳng phiu sạch sẽ, nhưng cũ quá, nhìn mãi thấy nhàm. Kiểu dáng thì đơn điệu. Màu sắc thì nhợt nhạt, tối tăm. Gương mặt thì bắt đầu nhàu rồi, có nhiều nếp nhăn rồi, da sạm đi rồi, phải mượn chút son, chút phấn mà che lấp khuyết điểm đi, làm cho da dẻ sáng lên một chút, mịn màng một chút chứ. Người đâu mà cả đời chỉ dùng son phấn có đúng một lần, ấy là trong đám cưới của chính mình. Còn lại, tuyệt nhiên, không bao giờ bà thấy con dâu sử dụng mỹ phẩm, kể cả trong lễ tết, hội hè, họp mặt, hay đám cưới của mấy đứa em đứa cháu. Người ta đã đổi bao nhiêu kiểu tóc, hết ép thẳng đến làm xoăn, hết nhuộn vàng đến ánh tím ánh đỏ, con dâu bà vẫn một kiểu truyền thống cũ rích cũ rơ, tóc đen thẳng, túm lại một túm sau lưng. Trông thì cũng gọn gàng thật, nhưng mà nhà quê chết đi được. Hôm trước, gặp lại mấy bà giáo già về hưu, bà Minh lại thở than não nuột: “Cô con dâu của tôi, chả khác gì cô Quỳnh, cô Dao trong “Tỏa nhị Kiều” các bà ạ. Mà cô Quỳnh, cô Dao chỉ được ví như hai hột cơm, rất có thể còn là hột cơm nóng, chứ con dâu nhà tôi, thì là cơm nguội chính cống. Vừa khô vừa nhạt. Cô Quỳnh, cô Dao chỉ được ví với hai cái cây, rất có thể là cái cây vẫn còn lá, chứ cô con dâu nhà tôi, thì là cái cây trụi lá. Lúc có gió hay không có gió cũng hầu như là im lặng. Cô Quỳnh, cô Dao còn được ví với cánh đồng, may ra trên đó còn có củ khoai, hay bông lúa, chứ con dâu nhà tôi, đúng là cánh đồng trơ gốc ra. Chán ơi là chán”. Bà Minh thì mơ ước có con dâu để có người tâm sự, có người cùng đi spa, đi shopping, hoặc là có người để cùng vừa làm việc nhà, vừa buôn chuyện, hát hò. Bà sẽ kể cho con dâu nghe chuyện ở câu lạc bộ thơ, chuyện ở câu lạc bộ nhảy đầm mà bà vẫn tham gia hàng tối. Ở đấy có rất nhiều chuyện thú vị. Mà bà thì không có con gái. Con trai thì vô tâm, kể sao được. Bà cũng thích có cô con dâu mà có thể cùng bà tìm kiếm những mẫu trang phục mới nhất, bình phẩm về những bộ sưu tập thời trang năm nay, rồi mẹ con cùng đi chọn vải, cùng đến hiệu may, đo đo cắt cắt. Thế mới tình cảm chứ. Lại còn xem phim, xem kịch, xem ca nhạc nữa, giá mà có con dâu đi cùng bà thì hay biết mấy. Cuộc sống bây giờ khác xưa rồi. Phụ nữ được giải phóng khỏi việc nhà rồi, phải biết tự chăm sóc mình chứ. Thế mà cô con dâu của bà, không biết làm đẹp, không biết chăm sóc bản thân, cũng không biết hưởng thụ cuộc sống gì cả. Lúc nào cũng ru rú trong nhà. Đi về thì chỉ một câu “Con chào mẹ”. Những cuộc tụ tập cả đại gia đình, đông vui, náo nhiệt thế, con dâu bà cũng chỉ cần mẫn nấu ăn, rửa bát, chả tham gia vào câu chuyện nào. Ai có kể chuyện cười thì cũng nhếch mép, chắc chỉ được 1/8 nụ cười. Nói năng thì loanh quanh cũng chỉ: “Dạ”, “Thưa”, “Vâng ạ”. Cơm nước dọn dẹp xong là tót lên phòng riêng đóng cửa. Hôm nào có chồng ở nhà thì đã đành, chồng đi vắng cũng chẳng khá hơn. Bà có rủ đi đâu cũng chỉ lễ phép: “Để con gọi taxi cho mẹ”, rồi: “Con xin phép mẹ con lên phòng”. Đúng thật là: “Cơm mai rồi lại cơm chiều, rút cục cũng chỉ ngày hai bữa cơm”. Chán không để đâu cho hết. Con dâu bà, đúng là nước ốc trời mưa, nhạt đến mức không thể nhạt hơn được nữa. Bà cũng chẳng hiểu nổi thằng con giai bà tại sao lại cứ nhất quyết lấy cô gái này về làm vợ. Bà thấy lo lắng thay cho con dâu. Có vợ nhạt thế này, đàn ông họ nhanh chán lắm. Mía lùi còn chẳng ăn ai, nữa là nước ốc! Cơm nóng còn chả ăn ai, nữa là cơm nguội! Bây giờ nhan nhản ngoài đường, đâu chỉ có phở, mà lại còn có bún, miến, bánh đa…trăm thứ cám dỗ, lắm chuyện lắm. Đến lúc xảy ra chuyện gì lại khổ. Rồi cũng đến lúc trong nhà có chuyện thật. Tai họa đổ ập xuống nhà bà thật bất ngờ, đúng lúc con trai bà đang đi công tác xa. Ông Hòa, chồng bà, bị mấy thằng choai choai tóc xanh tóc đỏ tông xe vào khi ông đi tập thể dục. Ông bị thương nặng. Bà như rụng rời cả chân tay, đầu óc quay cuồng, mê muội, không biết phải làm thế nào. Máu của ông loang ướt đẫm áo cô con dâu. Bà Minh thấy máu là ngất xỉu. Chỉ mình cô con dâu dũng cảm, thành thục làm các động tác sơ cứu, rồi hô hoán xung quanh nhờ mọi người đến giúp, rồi gọi xe cấp cứu. Trong lúc bà Minh chỉ biết khóc bên cạnh chồng thì một tay cô con dâu lo lắng mọi việc, nào tìm bác sỹ, nào lo thủ tục bảo hiểm…và biết bao yêu cầu, thủ tục khác của bệnh viện. Cả bà Minh và con dâu cùng túc trực bên giường cấp cứu, nhưng bà khóc đến mờ cả mắt, chỉ có cô con dâu mới nhận ra những thay đổi của bố chồng để thông báo kịp thời cho các bác sỹ. Đến khi con trai bà đi công tác về, hai mẹ con tập trung ở viện lo cho bố, thì cô con dâu lại chạy đôn chạy đáo vừa thu xếp việc nhà, vừa lo cơm nước mang vào viện cho mẹ con bà. Bà ở viện chăm chồng nhưng vẫn có canh nóng cơm dẻo ngày hai bữa. Có thế bà mới đủ sức túc trực trong bệnh viện gần tháng trời. Bà Minh cứ nhìn chồng là chảy nước mắt, thương chồng đến mức mụ mị, u mê, không biết phải làm gì nữa. Lại là cô con dâu “cơm nguội” ôm bà trong vòng tay gầy guộc của cô ấy, động viên an ủi bà. Ngày ông Hòa ra viện, bà Minh sững sờ nhìn hóa đơn gần trăm triệu đồng, đã được thanh toán xong xuôi. Nhà bà không đến nỗi khó khăn, nhưng lấy đâu ra bằng này tiền một lúc mà thanh toán viện phí? Bà chỉ biết ông được sử dụng phòng dịch vụ tốt nhất, thiết bị y tế tối tân nhất, với sự chữa trị của các bác sỹ giỏi nhất. Bà hỏi con trai, con trai cũng lắc đầu không biết: “Con lo cho bố quá, chẳng nghĩ gì đến chuyện tiền nong. Những lần đi nộp tiền, toàn vợ con đi cả”. Đến lúc bà hỏi, con dâu bà mới khẽ trả lời “Đó là tiền con làm thêm, để dành, phòng khi có việc mẹ ạ”. “Con làm thêm khi nào?”, bà Minh đi hết từ ngạc nhiên nay sang ngạc nhiên khác. “Dạ, con làm thêm vào buổi tối. Con viết bài cho một số tạp chí về gia đình”. Bây giờ bà mới hiểu, tại sao tối nào cô con dâu cũng nhanh nhanh chóng chóng đi lên phòng, chẳng màng gì đến chuyện chơi bời. Vậy mà bà nỡ oán trách cô không chịu đi spa, không đi shopping, không đi nghe nhạc, không đi xem phim với bà. Nhờ có khoản tiền làm thêm của con dâu mà chồng bà mới được nằm phòng dịch vụ tốt nhất của viện. Nhờ có khoản tiền làm thêm ấy mà bà được ở bên cạnh ông Hòa những lúc ông đau đớn nhất. Nếu không, chắc bà và con trai phải chạy đôn chạy đáo lo tiền viện phí, sao còn được ngồi bên ông mà động viên ông? Vậy mà bà đã từng chê cô con dâu là nhạt, là buồn tẻ. Hóa ra, cô ấy lại là người rất điềm đạm, chín chắn và sâu sắc. Trong lúc hoảng loạn như thế, chỉ có cô con dâu bình tĩnh xử lý mọi việc. Rồi bà còn chê cô là “cũ”, là “nhàu” nữa. Cô ấy thực ra rất hiểu biết, giỏi giang, có tri thức thì mới biết thu xếp mọi việc ổn thỏa đến như vậy. Rồi bà còn chê con dâu mộc mạc, đơn giản nữa chứ. Nếu cô ấy là người lòe loẹt, ưa hình thức, chắc cô ấy sẽ rất giận bà. Bà đã không biết ghi nhận những phẩm chất tốt của cô ấy, lại mang chuyện riêng tư trong nhà ra kể lể mọi nơi. Vậy mà cô ấy lại không giận, không oán trách gì bà, vẫn yêu quý và chăm sóc bà hết lòng. Bà Minh cầm tay con dâu mà ứa nước mắt. Bà luôn tự hào bà là mẫu phụ nữ hiện đại, năng động, hiểu biết, sâu sắc. Bà từng thấy thương cho những người phụ nữ không biết chăm sóc bản thân, không biết tự làm mới mình, không biết hưởng thụ cuộc sống. Nhưng có lẽ, bà mới là một người đáng thương. Đáng thương vì không biết nhìn ra những giá trị thực sự, đáng quý của mỗi người thân xung quanh bà. Từ giờ trở đi, có lẽ bà phải thay đổi quan điểm về cách đánh giá một con người. Bà nhớ ra rằng, mỗi con người là một cuốn sách, mà không thể đánh giá về giá trị của cuốn sách đó chỉ qua trang bìa. Theo phunutoday.vn(Chuyên trang Phụ nữ & Đời sống của Báo Điện Tử Người Đưa Tin)
Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
ADS_home_content_3
Trái
Phải
  • Sale
    Sale
LR_left_1
LR_right_1
Tin Ảnh

DV Văn Anh khoe giấy đăng ký kết hôn

Hai diễn viên Văn Anh và Tú Vi chính thức là vợ chồng.
Code_FB
 
 
ADS_681x
Trình độ học vấn của tôi là:
336x288
681x90
Quảng cáo