Billboard
ADS_Top_Right
  • Bigsize
    Bigsize
  • google.com, pub-4530016804051003, DIRECT, f08c47fec0942fa0
Tiêu điểm

Có thể mù tạm thời vì kiến ba khoang

14:19:30 26/10/2012

Theo các chuyên gia y tế, đã có bệnh nhân bị phồng, lở loét da, thậm chí mù tạm thời vì tự chữa khi bị kiến ba khoang đốt.
 

Kiến ba khoang và tổn thương ở mắt do kiến gây nên.
 
Nguy hiểm khi độc tố dính vào mắt

Kiến ba khoang thon, dài như hạt thóc (dài 1-1,2 cm, ngang 2-3 mm), bụng có đốt, trong đó có một đốt màu đỏ, thân nhiều màu sắc khác nhau, khi màu cam tối, sậm màu. Tùy vùng mà gọi là kiến hoang, kiến kim, kiến lác, kiến gạo, cằm cặp, kiến nhốt, kiến cong... Ban ngày chúng bò lê hoặc bò nhanh như kiến. Ban đêm chúng theo côn trùng hiếu sáng bay vào nhà.
Theo các nhà khoa học Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung Ương, kiến ba khoang đã có ở Việt Nam cách đây nhiều năm, thường sống ở các khu chung cư cao tầng: Hà Nội, Hải Phòng, Cần Thơ, thành phố Hồ Chí Minh… nơi gần với cánh đồng lúa. Mùa thu mật độ kiến nhiều hơn so với các tháng khác.

Độc tố trong kiến làm da tổn thương nổi bọng nước, rát rất khó chịu, khi vỡ sẽ lây lan rộng. Trong kiến có độc tố pedirine khi chạm vào da sẽ cộng sinh dính vào và gây tổn thương cho da. Trẻ em đi chơi tối, người làm việc dưới ánh đèn hay bị kiến rơi vào cổ, mặt, thân mình... gây tổn thương da. Đặc biệt đập, chà, gí kiến làm chất pedirine dính vào da và gây tổn thương lan rộng. Loài kiến này rất khó diệt bằng những loại thuốc xịt côn trùng thông thường, mà phải mua thuốc diệt côn trùng ở Viện Vệ sinh dịch tễ mới xử lý hiệu quả. 

Theo bác sĩ Nguyễn Thành (Phòng khám, bệnh viện Da liễu Trung Ương), những bệnh nhân tới khám do độc tố kiến ba khoang nhẹ thì ngứa rát, nặng hơn thì sưng, phồng rộp, nhiễm trùng, điều trị hàng tuần mới khỏi. Đã có bệnh nhân bị độc tố dính vào mắt, gây bỏng mắt khiến bị mù tạm thời.

Phòng tránh, xử lý
  
Theo bác sĩ Nguyễn Thành, độc tố pederin của kiến ba khoang có trong thân kiến. Do đó, nếu thấy kiến bò trên da người thì chớ đập giết chúng để hạn chế chất độc lan rộng. Bàn tay lỡ đập chết kiến ba khoang cần rửa sạch bằng xà phòng càng nhanh càng tốt để tránh độc tố kiến dính vào.

Theo thạc sĩ - bác sĩ Hoàng Văn Hội (Trung tâm Phòng chống sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Thừa Thiên Huế – tỉnh đầu tiên phát hiện và ráo riết nghiên cứu, chữa trị, phòng ngừa kiến ba khoang) thì pederin có độc tính cao gấp 12-15 lần nọc rắn hổ mang. Tuy nhiên, độc tố này từ kiến ba khoang không gây chết người vì lượng tiếp xúc nhỏ và ngoài da.

“Nguy hiểm là nó có vi khuẩn cộng sinh, chạm vào da người sẽ tiết ra chất gây kích ứng da, nhất là người có cơ địa dị ứng với côn trùng. Nếu người không có cơ địa dị ứng thì 2-3 tiếng sau là khỏi. Nếu người có cơ địa dị ứng thì 12 tiếng sau khi bị đốt mới phồng rộp lên” - bác sĩ Hội nói.

Bác sĩ Nguyễn Thành lưu ý người dân là khi da bị tổn thương tấy đỏ, lan rộng phải đi khám, không nên tự ý mua thuốc điều trị, bởi trong các loại thuốc bôi ngoài da có chứa corticoid, chất giải độc tố… nên cần có bác sĩ chỉ định mới được dùng. Điều trị đúng thì 1 tuần là khỏi, nhưng chữa trị muộn có thể để lại sẹo.

Ở các khu nhà có quá nhiều kiến nên phun thuốc trừ diệt côn trùng trên tường từ 2m trở xuống cả trong và ngoài nhà. Cách này tốn kém và phải pha đúng tỉ lệ 7ml thuốc/8lít nước, mùi thuốc rất khó chịu và buộc gia chủ phải “sơ tán” ít ngày, vì vậy nên cân nhắc khi sử dụng. Đơn giản hơn là các căn hộ ở chung cư cao tầng, khu đô thị có thể dùng lưới chống kiến 3 khoang, muỗi, côn trùng. Mùa côn trùng phát triển (các tháng 3-4-5 và các tháng 8-9-10 hàng năm) nên hạn chế bật đèn neon, đèn có ánh sáng xanh. Có thể bật đèn bancol để hút côn trùng chỗ đó, giảm bớt mật độ bay vào nhà. Nếu kiến ba khoang đậu trên người bé thì thổi nhẹ cho nó bay đi chứ không gí chết, hoặc chà mạnh. Ngoài đường nên tránh đứng dưới bóng đèn sáng. Trong nhà nên thắp đèn có ánh sáng vàng, đỏ. Cứ 4-6 tháng xịt thuốc diệt côn trùng, kiến, muỗi, gián một lần.

Nơi có kiến nên thường xuyên quét dọn nhà cửa, giũ chăn màn, giường chiếu trước khi nằm, nhất là với các bé. Quần áo phơi phóng xong trước khi cất hay mặc cần giũ mạnh để loại bỏ kiến bám. Nếu cho bé đi chơi thì tránh chỗ đèn sáng.

Kiến ba khoang xuất hiện tại nhiều chung cư Hà Nội

Chuyển về nhà mới ở tận tầng 10 (chung cư Đặng Xá, Gia Lâm) được gần 2 tuần, anh Huy (38 tuổi) đã bị kiến ba khoang đốt 2 lần. Lần đầu, anh thấy ngứa, sưng, rộp ở bắp chân. Anh nghĩ là bị zola nên tự mua thuốc về bôi, mãi không khỏi. Sau đó, để ý kỹ anh phát hiện trong nhà có rất nhiều con kiến khá to, chia nhiều khoang đỏ, đen, đầu hơi dài.

“Mọi người ở chung cư nói đó là kiến ba khoang, chúng bay vào nhà nhiều nhất vào buổi tối, bò khắp tường. Nay tối tôi phải đóng kín tất cả các cửa, điện cũng không bật nhiều để tránh thu hút chúng vào. Hôm trước tôi lại bị đốt lần nữa, cả một vùng rộng ở cổ sưng đỏ lên, rát, ngứa rất khó chịu” - anh Huy nói.

Mới chuyển về nhà mới được gần 2 tuần, anh Huy đã 2 lần bị kiến ba khoang đốt.

Nhà có con nhỏ mới được 3 tháng tuổi, sợ cháu cũng bị đốt nên vợ chồng anh gửi tạm cháu ở nhà ngoài. Theo anh có thể kiến ba khoang bay từ ngoài cánh đồng ở gần nhà bay vào.

Gia đình anh Hải (ở tầng 12, khu nhà bên cạnh) cũng bị kiến ba khoang tấn công. Anh và hai con dưới 5 tuổi đều bị kiến cắn, trong đó anh nặng nhất, chỗ đốt bị phồng rộp, đỏ. Bác sĩ bảo anh bị dị ứng phấn côn trùng.

Kiểm tra trong nhà, anh phát hiện có rất nhiều côn trùng giống như kiến, có cánh, đầu đen, thân, đuôi đều có khoang đen. Hôm nào đóng kín cửa bật điện thì ít, nhưng chỗ phơi quần áo ngoài lan can thì chi chít kiến.

“Vài ngày nay ít kiến, chứ mấy hôm trước có gió thì chúng rất nhiều. Ngoài hành lang, những chỗ có bóng đèn là chúng bâu vào kín giống như con thiêu thân. Tôi xịt mất 3 lọ thuốc côn trùng rồi mà vẫn không ăn thua, dội nước chúng cũng không chết” - anh Hải cho biết.

Nhìn mẫu côn trùng được bắt từ khu vực này, Tiến sĩ Phạm Thị Khoa (khoa Hóa thực nghiệm, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương) cho biết, đây là con kiến ba khoang, thuộc bọ cánh cứng, đầu đen, ngực có màu vàng cam hoặc đỏ, cánh cụt. Đây cũng là loài côn trùng đang tấn công người dân ở TP HCM và Huế.

Không riêng gì khu vực Gia Lâm, chị Lan, sống tầng 8 một khu chung cư tại Mễ Trì, cũng bị kiến ba khoang đốt nổi bọng nước, đau rát. "Chả hiểu sao mình sống trên cao như thế mà nó vẫn bay lên được. Không biết có cách gì diệt được nó không, chứ mỗi lần đốt thế này một tuần mới khỏi" - chị Lan cho biết.

Tiến sĩ Phạm Thị Khoa.

"Nói kiến ba khoang đốt là không hoàn toàn chính xác. Thực chất có một số vi khuẩn cộng sinh sống trên kiến tiết ra chất gây kích ứng da khi tiếp xúc với da cơ thể lạ, như một phản ứng bảo vệ. Đây không phải là loại mới xuất hiện mà đã có từ rất lâu. Chúng thường sống ở các ruộng lúa, vườn cây, ven bờ suối nước ngọt hoặc dưới lá cây ở các bìa rừng. Những người dân bị đốt thường sống ở khu vực ngoại thành, gần cánh đồng” - tiến sĩ Khoa nói.

Lý giải vì sao gần đây nhiều người dân bị đốt, ngứa viêm loét da, tiến sĩ Khoa cho rằng, thực chất nhiều loại côn trùng đang phát triển một cách bất thường, không chỉ là kiến ba khoang. Nguyên nhân có thể vì kiến ba khoang ăn rầy nâu, khi nguồn thức ăn này phong phú (người dân phun hóa chất bừa bãi, nên rầy nâu kháng thuốc rất nhiều), vì thế số lượng kiến ba khoang cũng nhiều lên.

Vì thế, theo tiến sĩ Khoa, để phòng tránh gia đình nên dùng lưới chống muỗi, côn trùng, quanh nhà có thể đặt các cây đuổi côn trùng như sả, dạ hương…

Theo Gia Đình & Xã Hội / VnExpress

Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
ADS_home_content_3
Trái
Phải
  • Sale
    Sale
LR_left_1
LR_right_1
Tin Ảnh

DV Văn Anh khoe giấy đăng ký kết hôn

Hai diễn viên Văn Anh và Tú Vi chính thức là vợ chồng.
Code_FB
 
 
ADS_681x
Trình độ học vấn của tôi là:
336x288
681x90
Quảng cáo