Billboard
ADS_Top_Right
  • Bigsize
    Bigsize
  • google.com, pub-4530016804051003, DIRECT, f08c47fec0942fa0
Tiêu điểm

Vui buồn mày râu làm nghề đỡ đẻ

11:06:30 01/03/2010

"Nghề này trước đây không được xã hội xem trọng, chửa rồi đẻ chứ có gì đâu mà khoe khoang. Nhưng vào nghề mới biết, đâu phải ai cũng vượt cạn suôn sẻ: thai quá to, vỡ ối sớm, nguy hiểm hơn thì băng huyết... Có sản phụ phải truyền đến hơn 10 lít máu mới cứu được".

Bác sĩ Nguyễn Huy Bạo, Giám đốc Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội: Ảnh: N.P.

Đó là lời chia sẻ của bác sĩ Nguyễn Huy Bạo, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, người gắn bó với nghề gần 35 năm. Với ông, học ngành y dường như là định mệnh vì cả hai bên nội, ngoại đều có người theo nghề này. Nhưng đến với ngành sản khoa thì lại là hoàn toàn tình cờ.

Công việc "bà đỡ" nghe có vẻ đơn giản nhưng cũng nhiều thách thức. 10-15 năm trước, các bác sĩ thường phải đỡ đẻ nhiều ca khó, thai ngược, thai ngang... Về sau, việc mổ được chỉ định nhiều hơn thì những ca đẻ khó cũng đỡ đi. Nhưng quan trọng nhất vẫn là biến chứng sau mổ, đẻ, chảy máu nhiều, không cầm được.

"Hồi còn sinh viên bác sĩ nào cũng 2-3 lần tự tay đỡ đẻ. Cái cảm giác lần đầu tiên được đón một sinh linh nhỏ bé ra đời thật khác lạ. Còn khi đã làm bác sĩ thì thường chỉ đỡ đẻ những ca khó hoặc cần phẫu thuật. Lúc đấy, công việc lại có những thách thức khác", bác sĩ Bạo nói.

Không chỉ phẫu thuật an toàn, với ông mổ cũng phải đẹp. Ông luôn quan niệm da thịt con người là cái gì đó cần nâng niu, trân trọng, bảo vệ tốt nhất, tránh đau đớn, tổn thương. Vì thế, đã động đến da thịt con người là khâu thật cẩn thận.

"Dù là nam giới, nhưng tôi cũng khéo tay và tỉ mỉ chẳng kém ai. Có lẽ bởi từ bé tôi đã quen với công việc khâu vá. Ngày xưa nhà nghèo, quần áo mặc thì ít nên cái nào sờn rách, đứt chỉ đều phải khâu lại mà mặc. Nhà chỉ có 2 mẹ con, mẹ bận quá không làm được nên nhiều khi mình phải tự làm", bác sĩ Bạo vừa cười vừa nói.

Còn với tiến sĩ Lê Hoài Chương, Trưởng phòng kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, đến với chuyên khoa sản phụ khoa cũng là do có duyên với nghề.

Tiến sĩ Lê Hoài Chương, Trưởng phòng kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Ảnh: N.P.

Trong 23 năm gắn bố với nghề, giai đoạn khó khăn và nhiều thách thức nhất là 4 năm công tác tại khoa sản nhiễm khuẩn. Đây là đơn vị sóng gió của bệnh viện, chuyên nhận những ca khó từ tuyến dưới chuyển lên, những biến chứng sau phẫu thuật, đẻ, những bệnh nhân truyền nhiễm như bệnh nhân HIV chuyển dạ, viêm gan...

"Ngày nào cũng tất bật, vất vả lắm mới cứu được người bệnh. Vì thế mỗi lần giành giật được sự sống cho người bệnh từ tay thần chết, với chúng tôi đó là cả một điều thiêng liêng. Và quan trọng hơn cả, chúng tôi cứu được những hai mạng sống", tiến sĩ Chương tâm sự.

Ông vẫn còn nhớ mãi ngày giáp Tết âm lịch cách đây 2 năm. 6 giờ sáng đang ở nhà, ông nhận được điện thoại báo khoa sản Bệnh viện Ninh Bình có bệnh nhân đang trong tình trạng nguy kịch, cần cấp cứu. Bệnh nhân sau đẻ bị băng huyết, con khá to, khó cầm máu.

Ngay lập tức, ông đến bệnh viện, tập hợp 5, 6 anh em làm thành một đội cấp cứu lên xe đến Ninh Bình. Ngồi trên xe, nhìn mặt ai cũng căng thẳng, chỉ hy vọng mình đến vẫn còn kịp. Trong sản khoa, bệnh nhân bị băng huyết là dấu hiệu cực kỳ nguy hiểm nếu không được cấp cứu kịp thời có thể dẫn đến tử vong vì mất quá nhiều máu.

"Lần đó, xe đi từ Hà Nội đến Ninh Bình chỉ một tiếng rưỡi. Đến nơi, anh em bắt tay vào cấp cứu, sau hơn 2 giờ sức khỏe sản phụ cũng ổn định. Đến trưa thì ai cũng thở phào nhẹ nhõm, khi đó mới được ăn", tiến sĩ Chương cười nói.

"Cứu được bệnh nhân là vui rồi nhưng vẫn có những người mình không thể cứu được. Nỗi đau của người bệnh chính nỗi đau của người thầy thuốc, một thất bại trong điều trị, một tai nạn. Thế nhưng người bệnh đau một thì người thầy thuốc thấm thía đau hơn nhiều", tiến sĩ Chương tâm sự.

Với Phó giáo sư Ngô Văn Tài, Phó trưởng khoa đẻ, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, trong suốt 31 năm trong nghề, ông luôn quan niệm phải thử hết mọi cách để sản phụ có thể sinh con một cách tự nhiên trước khi dùng đến dao kéo.

Phó giáo sư Ngô Văn Tài, Phó trưởng khoa đẻ, Bệnh viện Phụ sản Trung ương. Ảnh: N.P.

"Theo thống kê, trong 100 ca sinh thì có 80-85 ca là đẻ thường, không cần sự can thiệp của y tá, bác sĩ. Nhưng không phải ca nào khó đẻ cũng phải mổ, thai ngang thì có thể cho tay vào trong để xoay chiều của thai nhi, sản phụ không đủ sức rặn thì bác sĩ có thể dùng kẹp để kéo em bé ra từ từ... Chỉ khi không còn cách khác, nguy hiểm đến tính mạng của hai mẹ còn thì bắt buộc phải mổ đẻ", Phó giáo sư Tài cho biết.

"Nhiều người tưởng công việc 'bà đỡ' chỉ là hướng dẫn người mẹ rặn, rồi đỡ em bé lúc chui ra, cắt dây rốn... Tuy nhiên, thực tế quá trình vượt cạn đó đầy rẫy những rủi ro mà người thầy thuốc luôn phải theo dõi thường trực", ông tâm sự.

"Chẳng hạn, để thai nhi chui ra ngoài được thì cổ tử cung phải mở hết nhưng có trường hợp không mở được vì cơn co dạ con không đủ lực. Bác sĩ phải truyền thuốc gây cơn co dạ con. Thế nhưng đến khi được rồi thì có người mẹ mệt quá không còn sức để rặn nữa vì truyền lâu quá, đành bảo: 'Thôi bác sĩ muốn làm các nào để lấy thai ra được thì làm, em không còn sức mà rặn nữa'", Phó giáo sư Tài kể lại.

"Cố vô số tình huống có thể xảy ra trong quá trình chuyển dạ mà người thầy thuốc phải lường trước để có thể xử lý kịp thời. 31 năm trong nghề, thấu hiểu nỗi khó khăn, gian truân của sản phụ khi sinh con, nên với chúng tôi nghe được tiếng khóc chào đời của trẻ là đã thấy vui rồi", Phó giáo sư Tài chia sẻ.

Theo VNE

Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
ADS_home_content_3
Trái
Phải
  • Sale
    Sale
LR_left_1
LR_right_1
Tin Ảnh

DV Văn Anh khoe giấy đăng ký kết hôn

Hai diễn viên Văn Anh và Tú Vi chính thức là vợ chồng.
Code_FB
 
 
ADS_681x
Trình độ học vấn của tôi là:
336x288
681x90
Quảng cáo