Billboard
ADS_Top_Right
  • Bigsize
    Bigsize
  • google.com, pub-4530016804051003, DIRECT, f08c47fec0942fa0
Tiêu điểm

Giật mình ngày 7/1

13:23:30 07/01/2009

Bé trai tập đi bước vào nồi nước sôi; Một bé trai 'mọc chồi' ở dương vật; Ôtô lao vào vườn hoa, một học sinh tiểu học ngất xỉu; Tuyển Việt Nam chia nhau 11 tỷ; Thảm sát trong nhà hàng Việt ở Canada.

Một bé trai sơ sinh đã bị mất đầu và cánh tay phải ngay cạnh lò gạch bỏ hoang

16h ngày 5/1, qua nguồn tin của quần chúng, công an thị trấn Đông Phú, Quế Sơn (Quảng Nam), phát hiện tại khu vực Dốc Đỏ, gần lò gạch bỏ hoang thuộc thôn Bảo Thượng I, có một xác chết trẻ sơ sinh là bé trai bị mất đầu và cánh tay phải.

Chiều 6/1, Thượng tá Nguyễn Hồng Sơn, Trưởng công an huyện Quế Sơn cho biết: Lực lượng công an tỉnh Quảng Nam phối hợp cùng các cơ quan chức năng tiến hành khám nghiệm hiện trường và khám nghiệm tử thi bé trai sơ sinh này, có khả năng cháu đã bị sát hại.

Thượng tá Sơn nói rằng, sau khi có kết luận chính thức của công tác khám nghiệm hiện trường và tử thi, công an huyện sẽ tiến hành khởi tố vụ án, điều tra truy tìm thủ phạm gây án.

Bé trai tập đi bước vào nồi nước sôi

Chiều 6/1, Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Thuận tiếp nhận bệnh nhi Huỳnh Thanh Phong (18 tháng tuổi, ngụ tại xã Mương Mán, huyện Hàm Thuận Nam) bị bỏng toàn thân trên 80% và trong tình trạng hết sức nguy kịch.

Theo anh Huỳnh Văn Thanh - cha cháu Phong, trong lúc cháu lững chững đi đã ngã vào nồi nước nhổ lông gà khi người nhà không canh chừng. Rất may từ phần đầu đến cổ và cánh tay phải của Phong không bị bỏng. Tuy nhiên, việc cứu chữa cho cháu có thể sẽ kéo dài và tốn kém trong khi cha mẹ cháu lại quá nghèo.

Bệnh viện Nhi đồng 2, TP HCM, cũng cho biết thời điểm này bệnh viện tiếp nhận từ 8 đến 9 ca bỏng mỗi ngày, tăng gấp đôi so với trước đây. Tại Bệnh viện Nhi đồng 1, thời gian gần Tết, số ca trẻ nhập viện do bỏng cũng tăng trung bình 30%-40% so với ngày thường.

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Minh Tâm - Trưởng khoa Phỏng-Chấn thương Chỉnh hình Bệnh viện Nhi đồng 2, phụ huynh nên chú ý vì Tết là thời điểm trẻ bị bỏng nhập viện rất cao. Dù là bỏng lửa hay bỏng nước sôi, người nhà cũng nên sơ cứu bằng cách cho trẻ ngồi vào thau nước lạnh. Tuyệt đối không được sát thuốc gì vào vết thương, phải đưa trẻ đến bệnh viện gần nhất.

Một bé trai 'mọc chồi' ở dương vật

Các bác sĩ Bệnh viện Ung Bướu TP HCM đã phẫu thuật cắt u chồi ở dương vật một bé trai 8 tuổi, nhưng cái u này vẫn tiếp tục mọc ra.

Bác sĩ Phạm Hùng Cường, Phó khoa Ngoại 2 Bệnh viện Ung Bướu TP HCM, cho biết cơ sở này vừa điều trị cho một bé trai 8 tuổi bị u chồi dương vật sau hai lần phẫu thuật. Đây là một trường hợp rất hiếm gặp.

Khi bệnh nhân kể trên nhập viện, khối u có kích thước 2,5 cm và có thêm khối cứng 2 cm ở dưới da phần bụng dương vật. Cháu bé được phẫu thuật cắt bỏ khối u chồi tại quy đầu và sinh thiết một phần u ở bụng dương vật, sau đó kết hợp hóa trị liệu cho cháu. Tuy nhiên, sau khi hóa trị, các bác sĩ nhận thấy khối u ở dương vật vẫn tiếp tục tiến triển, kích thước lên đến 3 cm. Nó xâm lấn quy đầu, ăn lan mô dưới da.

Do bệnh nhi bị u chồi liên tục phát triển ở vùng nhạy cảm, khả năng tái phát cao nên mặc dù đã cố gắng bảo tồn dương vật cho cháu, các bác sĩ vẫn phải cắt bỏ một phần dương vật.

Ôtô lao vào vườn hoa, một học sinh ngất xỉu

Sáng nay, một ôtô chạy tốc độ cao đã lao vào gốc cây bên vườn hoa Hồ Đắc Di (Đống Đa, Hà Nội), húc đổ mảng tường. Một học sinh tiểu học đang trên đường đến lớp đã ngất xỉu vì sợ hãi.

 

Tại hiện trường, một đoạn tường hoa dài hơn 2m bị hất tung, chiếc ôtô gây tai nạn húc vào gốc cây, bánh trước bên trái treo lên tường vườn hoa, dầu chảy loang lổ trên đường. Tài xế không bị thương.

Một số nhân chứng cho biết, trước khi xảy ra tai nạn, chiếc xe chạy rất nhanh. Người dân hai bên đường hoảng hốt, dạt vào lề đường, trong đó có hơn chục em nhỏ trường tiểu học Bế Văn Đàn đang đến lớp. Do quá sợ hãi, một học sinh đã ngất xỉu và được người dân đưa vào bệnh viện cấp cứu. Nguyên nhân vụ tai nạn đang được làm rõ.

Tuyển Việt Nam chia mức thưởng kỷ lục

Khoảng 600 triệu đồng là mức cao nhất mà một tuyển thủ có thể nhận được cho thành tích vô địch AFF Cup. Đây là con số kỷ lục trong lịch sử đội tuyển Việt Nam. Mức này gấp khoảng 10 lần so với khi thành công ở Asian Cup 2007 hay các kỳ SEA Games.

Gần 11 tỷ đồng tiền thưởng từ Liên đoàn, từ tiền đoạt giải của BTC, từ các doanh nghiệp, Bộ VH-TT-DL... đã đến tay tuyển Việt Nam. Ngay trong đêm đăng quang AFF Cup 2008, toàn đội đã họp kín tại khách sạn La Thành để thống nhất cách chia thưởng. Tiêu chí được dựa trên đóng góp của từng thành viên. Theo đó, không chỉ các tuyển thủ, Ban huấn luyện mà tất cả các quan chức, nhân viên y tế đều có phần (tổng cộng có 33 suất được chia, theo 4 mức).

HLV Calisto và các cầu thủ đá chính hoặc những người vào sân từ ghế dự bị nhưng lập công trạng đặc biệt (Quang Hải, Minh Phương) sẽ được nhận mức thưởng A, gần 600 triệu đồng.

Mức B thuộc về các thành viên còn lại của Ban huấn luyện, quan chức, chừng trên 400 triệu đồng. Các cầu thủ dự bị còn lại nhận mức C với trên 300 triệu đồng, và mức D thuộc về các nhân viên y tế cùng hai tuyển thủ không được sử dụng ở AFF Cup 2008 là thủ môn Quang Huy và trung vệ Thanh Giang.

Đây được coi là kỷ lục không chính thức về số tiền thưởng mà các tuyển thủ Việt Nam có thể nhận được. Trước đó, ở Asian Cup 2007 (vào tứ kết) hay SEA Games 22, 23, số tiền thưởng cao nhất cũng chưa vượt quá 60 triệu đồng mỗi người.

Do tiền thưởng là khoản thu nhập không thường xuyên, mỗi suất thưởng sẽ phải nộp thuế (hiện được Liên đoàn bóng đá Việt Nam tính là 10%, và sẽ trích lại để nộp thay các tuyển thủ).

Trên thực tế, số tiền thưởng mà tuyển Việt Nam nhận được có thể nhiều hơn bởi hiện tại, vẫn còn khá nhiều lời hứa thưởng nhưng chưa chuyển tiền trong khi chiếc xe hơi 7 chỗ - quà tặng của Suzuki - vẫn chưa tìm ra cách xử lý.

Gala mừng công tuyển Việt Nam diễn ra vào tối nay (20 giờ tại Cung văn hoá Hữu nghị Việt Xô) được dự đoán sẽ có thêm “cơn mưa” tiền thưởng nữa cho thầy trò Calisto. Bởi theo Phòng tiếp thị - Tài trợ của Liên đoàn thì có khá nhiều doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân sẽ công bố số tiền thưởng ở buổi lễ này.

Thảm sát trong nhà hàng Việt ở Canada

Ba người đàn ông bị bắn chết trong một tiệm ăn của người Việt ở Alberta, Canada, vào buổi chiều của ngày đầu năm mới.

Hai tay súng đã xông vào nhà hàng Bolsa và nã đạn vào hai người đàn ông đang ngồi ăn cùng một phụ nữ, sau đó bắn chết một người nữa ở bãi đỗ xe. Chúng chui vào một chiếc ôtô màu bạc phóng đi.

Cảnh sát địa phương cho biết một trong ba nạn nhân là thành viên của một nhóm xã hội đen. Người đàn ông này mặc áo chống đạn khi bị bắn, có thể anh ta đã biết trước về nguy cơ chạm trán. Vụ bắn giết này nhiều khả năng liên quan đến sự cạnh tranh giữa các băng nhóm trong vùng.

Viet Tran, chủ nhân của Bolsa, cho biết nhận được điện thoại của vợ lúc 4h chiều khi đang đi nhà thờ cùng mẹ từ Việt Nam sang chơi. Chị Dan Dang, vợ anh, đang pha trà cho khách thì nghe thấy tiếng súng nổ. Chụp lấy tay người bạn đang nấu trong bếp, hai người chạy vào kho lạnh chứa hàng để nấp. "Tôi rất sợ. Chuyện này chưa từng xảy ra ở đây, chưa bao giờ có va chạm gì ở đây".

Bé gái 8 tuổi nhiễm H5N1

Sau một thời gian lắng xuống, cúm A H5N1 đã phát tác trở lại với nạn nhân là một bé gái ở xã Điền Trung, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa.

Cháu bé có biểu hiện sốt nhẹ, đau họng, ho, tức ngực, khó thở, mỏi mệt từ ngày 27/12/2008, được điều trị tại trạm xá xã nhưng không khỏi. Ngày 2/1 vừa qua, cháu được chuyển lên bệnh viện huyện, và X quang phổi thấy có hình ảnh viêm phổi do virus. Cháu được chuyển lên bệnh viện đa khoa tỉnh cùng ngày, và mẫu bệnh phẩm được gửi ra Viện vệ sinh dịch tễ trung ương. Kết quả xét nghiệm mới nhất cho thấy dương tính với H5N1.

Ông Nguyễn Ngọc Thành, phó giám đốc Sở Y tế Thanh Hóa cho biết, bệnh cảnh của cháu rất điển hình và những ngày đầu khá nặng, phải hỗ trợ thở oxy, phổi có hiện tượng viêm lan tỏa. Nhưng đến nay, sức khỏe của cháu đã khá hơn, gần như trở lại bình thường, không phải thở oxy nữa.

Nguyên nhân điều tra ban đầu cho biết cháu cùng gia đình đã ăn thịt ngan bệnh, nhưng không được luộc chín mà nướng, nên có thể chưa kỹ. Tuy nhiên, chỉ mình cháu bị chứ người nhà không sao.

Xã Điền Trung trước đây chưa từng có trường hợp bị H5N1. Vì thế, đây là ca bệnh đầu tiên được phát hiện tại đây. Ông Thành cho biết ngay sau khi vụ việc xảy ra, các đơn vị y tế đã cho xử lý môi trường, tiêu hủy gia cầm và tiến hành giám sát sức khỏe của tất cả những người có liên quan.

Thiếu máu, nhiều trẻ phải đón Tết trong bệnh viện

Cuối năm, nhiều ông bố bà mẹ đưa con em mắc bệnh vào viện truyền máu, hi vọng có một cái Tết bình yên. Nhưng máu ở các bệnh viện càng gần những ngày này càng hiếm.

Chiều cuối năm, cô bé Đặng Thị Cún nằm bẹp trên giường bệnh, đợi mẹ đi mua cơm về. Em cùng mẹ Bàn Thị Sinh lặn lội từ Văn Chấn, Yên Bái, xuống Bệnh viện Nhi Trung ương đã gần được hai tuần. Chị Sinh là người dân tộc Dao, thật thà nói: “Tôi cũng không biết cháu bị bệnh gì”.

Thực ra, Cún bị mắc một căn bệnh di truyền khá phổ biến ở các dân tộc ít người: bệnh huyết tán. Ngược với bệnh thiếu máu, căn bệnh này khiến sắt trong máu bị ứ lại ở lá lách, tim, gan…, làm chúng sưng to. Không có máu để truyền kịp thời, bệnh nhân sẽ bị suy kiệt sức khỏe, và tử vong trước tuổi thành niên. Bệnh nhân chỉ có thể duy trì sự sống bằng cách truyền máu liên tục và uống thuốc thải sắt.

Nhập viện được gần hai tuần, Cún đã phải truyền 5 túi máu. Nhưng những ngày cuối năm, bệnh viện thiếu máu trầm trọng, máu được ưu tiên cho những ca cấp cứu, hai mẹ con nhiều hôm phải chờ máu trong mỏi mòn. Mỗi ngày trôi qua, số tiền vay mượn của hai mẹ con ít dần đi, bữa cơm chỉ có rau và đậu phụ.

Khác với Cún, việc nhập viện liên tục của cháu Nguyễn Hương Ngọc (13 tuổi, quê Vĩnh Phúc) đã quá quen thuộc với các y bác sỹ Bệnh viện Nhi suốt 8 năm qua. Bị xuất huyết giảm tiểu cầu, căn bệnh khiến máu đã chảy thì không thể cầm được, tới tuổi dậy thì, tháng nào cháu cũng phải tiếp máu khi tới ngày có kinh. Lần gần đây nhất, cháu đã phải truyền 6 túi máu.

Chị Nguyễn Thị Mai Hương, mẹ Ngọc, nói trong nước mắt: “Cứ tưởng tượng máu từ người cháu chảy ra như dội nước vào quần…”. Bố cháu đã mất, hai mẹ con mỗi tháng lại lụi hụi tay xách nách mang lên bệnh viện. “Nhưng khổ nhất là những ngày viện thiếu máu, nhiều khi phải đợi đến hai, ba ngày, ăn chực nằm chờ”. Một năm gần đây, mỗi tháng cháu nằm viện đến hai mươi ngày…

“Chuẩn bị đầu tiên cho Tết là đưa con đi truyền máu”

Tiến sĩ Dương Bá Trực, Trưởng khoa Huyết học, Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết, cuối năm, những gia đình có con em bị bệnh về máu đồng loạt đưa con em vào viện. “Tôi phát hiện ra rằng, việc đầu tiên họ chuẩn bị cho Tết là đưa con em vào viện truyền máu, hy vọng có một cái Tết bình yên”.

Riêng bệnh huyết tán, hiện bệnh viện đang quản lý hồ sơ của khoảng 1.000 cháu. Nỗi khổ của họ, theo các y bác sĩ, là “không biết đâu mà kể”. Vì ở các tỉnh rất thiếu máu, họ lên Hà Nội với hy vọng sẽ được truyền máu nhiều hơn, chất lượng tốt hơn. Nhưng bệnh viện chỉ đáp ứng chưa được 50% nhu cầu máu của bệnh nhân.

“Mỗi năm có 300 - 500 bệnh nhân huyết tán có nguy cơ tàn phế suốt đời vì thiếu máu để truyền. Các bệnh nhân ở xa thì kiệt quệ kinh tế sau vài lần tiếp máu và đi lại", tiến sĩ Trực cho biết.

Cũng theo ông, ngay cả với những gia đình khá giả hơn, các bệnh viện cũng hầu như không bao giờ có đủ máu để tiếp. “Mỗi lần bệnh nhân cần máu truyền, phải đăng ký trước. Sớm nhất cũng phải sau 2 ngày, thậm chí 5 ngày mới tìm được nguồn máu tiếp, còn nếu không tìm được, chúng tôi cũng đành bó tay nhìn bệnh nhân sống thoi thóp, chết dần chết mòn”.

Tiến sĩ Trực từng chứng kiến những người mẹ chỉ nặng 40 kg, gầy như que củi, nhưng mang hai đứa con bị huyết tán nhập viện. “Những trường hợp như vậy, thì dẫu có rút kiệt máu người mẹ cũng không đủ cho hai đứa con”.

Theo số liệu từ Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, dự tính mỗi năm cả nước cần 1,6-1,7 triệu đơn vị máu, trong khi hiện giờ, mỗi năm, chúng ta mới có được khoảng trên 500.000 đơn vị. Viện trưởng, Phó giáo sư Nguyễn Anh Trí cho biết, cuối năm, đi vận động hiến máu rất nhiều nơi người ta còn không chịu tiếp. Năm cùng tháng tận, người ta có quá nhiều việc phải quan tâm, phải làm.

Trong khi đó, lực lượng tham gia hiến máu tình nguyện lớn nhất là học sinh sinh viên thì cuối năm cũng là thời điểm họ tập trung vào thi học kỳ, sau đó là kỳ nghỉ Tết, do vậy việc lấy máu càng khó khăn. Một lý do khác, đó là số ngày có thể thu gom máu rất ít, trong khi số máu thu được thì phải được bảo quản để dùng cho nhiều ngày. Đây là khó khăn rất lớn cho việc đảm bảo máu cho điều trị.

Những hoàn cảnh như cháu Cún, cháu Ngọc…không phải là hiếm ở các bệnh viện. “Chúng tôi sẽ làm việc cật lực để có thể đưa các em về quê ăn Tết”, tiến sĩ Trực thở dài. “Nhưng một cái Tết an lành cho các em đành phụ thuộc vào những người hiến máu thôi”.

BIDV trả nhầm gần 1 tỷ đồng cho khách hàng

Bà Minh có 2 sổ tiết kiệm gửi tại Ngân hàng BIDV - chi nhánh Nam Hà Nội cách đây 6 tháng. Nghĩ mình đã già, đến tuổi gần đất xa trời, hôm 5/1, bà đến ngân hàng rút hết ra định bụng nhờ con gái cả đứng tên gửi thay. Tổng cộng số tiền cả gốc lẫn lãi mà bà Minh rút về là 108 triệu đồng.

Vốn quen biết với nhân viên ngân hàng nên bà tự đến ngân hàng để làm thủ tục rút tiền. Cũng vì tin tưởng nên bà mang thẳng số tiền đã rút cho vào tủ để cất mà chẳng cần đếm lại.

Khoảng 3h chiều cùng ngày, hai nữ nhân viên của BIDV tìm đến nhà bà Minh và nói rằng họ đã trả nhầm cho bà số tiền lên tới 1 tỷ 82 triệu đồng. Bà Minh chẳng ngần ngại đem bọc tiền cho nhân viên của BIDV và nói rằng: "Số tiền nào của tôi thì để lại, còn bao nhiêu các cô cứ mang về".

Sau khi kiểm kỹ số tiền, hai nhân viên cảm ơn bà Minh rồi mang gần 900 triệu đồng về mà chẳng cần ký bản cam kết hay viết giấy xác nhận.

Trao đổi phóng viên, ông Vũ Văn Dự, Giám đốc chi nhánh BIDV Nam Hà Nội, xác nhận có chuyện trả thừa số tiền gần 1 tỷ đồng cho bà Minh. Phía ngân hàng đã yêu cầu các nhân viên có liên quan giải trình và chịu kiểm điểm, đồng thời phải đến trực tiếp xin lỗi bà Minh và gia đình.

Chiều 6/1, đích thân Phó tổng giám đốc BIDV Đinh Tiến Dũng, Giám đốc chi nhánh Nam Hà Nội Vũ Văn Dự và các nhân viên có liên quan đã đến xin lỗi và cảm ơn cử chỉ cao đẹp của bà Nguyễn Thị Minh và gia đình.

BIDV thừa nhận đây là sự cố hy hữu xảy ra trong lĩnh vực ngân hàng với số tiền trả thừa lớn như vậy. Cá nhân có liên quan sẽ chịu hình thức kiểm điểm và BIDV coi đây là bài học trong giao dịch để đảm bảo tài sản của ngân hàng cũng như khách hàng.

Theo VnE / NLĐ / CAND

Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
ADS_home_content_3
Trái
Phải
  • Sale
    Sale
LR_left_1
LR_right_1
Tin Ảnh

DV Văn Anh khoe giấy đăng ký kết hôn

Hai diễn viên Văn Anh và Tú Vi chính thức là vợ chồng.
Code_FB
 
 
ADS_681x
Trình độ học vấn của tôi là:
336x288
681x90
Quảng cáo