Billboard
ADS_Top_Right
  • Bigsize
    Bigsize
  • google.com, pub-4530016804051003, DIRECT, f08c47fec0942fa0
Tiêu điểm

Cha mẹ già khó tái giá vì con ngăn cản

09:34:30 30/12/2008

'Mình thì đi làm suốt, con cái bận học, cả ngày chỉ có mình cụ thui thủi ở nhà. Nhìn cảnh đấy mình lại thấy chạnh lòng. Biết vậy, lúc trước mình đã không phản đối chuyện ông đi tái giá' - anh Minh (45 tuổi, Hà Nội) thờ dài khi kể chuyện về cha mình.

Mấy năm trước, khi bố anh ngỏ ý muốn đi bước nữa nhưng anh kiên quyết phản đối. Lý do là vì anh không muốn mình phải chia sẻ tình cảm với một người hoàn toàn khác, rồi bao nhiêu hệ lụy khác, tự nhiên lại phải chăm sóc thêm một người dưng nữa.

Và quan trọng hơn hết là vấn đề sĩ diện, sợ người đời dèm pha, "già rồi mà vẫn bắt chước lũ trẻ tái giá". Đến khi anh hiểu ra, thuyết phục cha đi bước nữa thì cụ không đồng ý.

Ảnh minh họa.

Câu chuyện trên được Phó giáo sư Nguyễn Đình Cử (Viện trưởng Viện Dân số và các Vấn đề Xã hội) chia sẻ bên lề diễn đàn khu vực Đông Nam Á về Chiến lược quốc gia về già hóa dân số và thiết lập dịch vụ cho người cao tuổi, diễn ra đến hết ngày 30/12 tại Hà Nội.

Theo ông Cử, nhiều người vẫn còn tỏ ra khắt khe, thậm chí là hà khắc về vấn đề tái giá của người già. Cứ 5 người được hỏi mới có gần 1 người chấp nhận vấn đề này.

Vướng mắc ở đây chính là vấn đề quan niệm. Con cháu ngăn cản vì sợ sự gièm pha của hàng xóm, láng giềng "ông ấy, bà ấy già rồi mà con thích đua đòi bọn trẻ lấy vợ". Cái nếp nghĩ người già thì nên an hưởng tuổi già bên con cháu, già rồi còn ham hố gì mà đòi đi bước nữa.

"Bản thân các cụ có thể có nhu cầu đó nhưng e ngại con cái, người ngoài nói ra nói vào, thậm chí là cười chê nên thôi. Đặc biệt là người phụ nữ còn bị ràng buộc bởi quan niệm về tam tòng tứ đức, 'tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử'. Vì thế nhiều khi có cơ hội, nhiều người vẫn khước từ" - ông Cử nói.

Ông Cử cũng cho biết, ông đã gặp trường hợp một cụ ông 80 tuổi, muốn tái giá với một bà 75 tuổi nhưng con cháu phản đối với lý do là lấy vào rồi sẽ chết, rồi chẳng ra thể thống gì. Thế nhưng ông vẫn quyết tâm, lấy xong ông vấn sống tốt, có người bên cạnh trò chuyện, chăm sóc, tinh thần cụ được thoải mái, sống vui vẻ hơn. Hai cụ hay đi tập thể dục, tham gia các câu lạc bộ người cao tuổi, sống rất hòa thuận.

Tái giá không phải là việc gì xấu, chỉ có điều là nhiều người chưa hiểu rõ, chưa chấp nhận. Càng về già, khi con cháu bận đi làm, đi học người ta càng cảm thấy cô đơn, cần có một người ở bên cạnh chia sẻ, tâm sự chăm sóc và không ai làm việc này tốt hơn ngoài người bạn đời của họ.

Vì thế để có thể chuyển đổi quan niệm khắt khe của xã hội với việc tái giá của người già cần có sự tuyên truyền, giáo dục để mọi người nhận thức đúng vấn đề. Hơn nữa về mặt pháp luật, người già cũng có quyền kết hôn.

Bên cạnh đó, cũng cần phải mở rộng các dịch vụ đối với người cao tuổi, để đa dạng hóa sự lựa chọn cho bản thân các cụ và con cái. Các chính sách đối với người cao tuổi cần đặc biệt chú ý đến phụ nữ, nhất là phụ nữ đơn côi, nuôi con chưa trưởng thành.

Ở Việt Nam, số lượng người cao tuổi ngày càng tăng và tăng nhanh trong những năm gần đây. Năm 2007, tỷ lệ người cao tuổi chiếm 9,45% dân số và dự báo tỷ lệ này sẽ tăng đột biến từ năm 2010, có thể đạt 16,8% vào năm 2029.

Tuy nhiên các dịch vụ chăm sóc người già chưa phát triển theo kịp, số trung tâm dưỡng lão còn rất ít. Điều quan trọng, nhiều người vẫn còn có tâm lý e ngại khi đề cập đến việc đưa bố mẹ già vào các trung tâm vì sợ mang tiếng là bất hiếu khi không thể chăm sóc nổi cha mẹ khi về già. Bản thân các cụ cũng cảm thấy tủi thân, bị bỏ rơi nếu bị con cháu đưa vào trại. Vì thế các cụ thường là ở nhà, nhưng con cháu lại không có nhiều thời gian chăm sóc.

Theo bà Nguyễn Thị Kim Ngân (Phó chủ tịch Ủy ban quốc gia người cao tuổi Việt Nam, Bộ Lao động và thương binh xã hội), đưa các cụ vào trại dưỡng lão còn hơn là để các cụ ở nhà. Vì nhiều khi các cụ thấy cô đơn ngay trong chính căn nhà của mình.

Điều đó không có nghĩa là đưa hết người cao tuổi vào trại dưỡng lão mà là tùy theo nhu cầu, mong muốn của các cụ, thích ở nhà hay vào trại dưỡng lão. Nhiều người chỉ cần nhìn thấy con cháu là đã vui, nhiều người lại thích được trò chuyện tâm sự cùng bạn...

"Tuy nhiên, tôi cực lực phản đối việc con cái cứ đưa cha mẹ vào trại dưỡng lão là hết trách nhiệm, là bỏ mặc. Việc chăm sóc người cao tuổi ở đây phải là sự chia sẻ giữa gia đình và xã hội, có thể để cha mẹ vào trại theo kiểu bán trú hoặc là cuối tuần đón về nhà. Dù sao với người già thì con cái vẫn là quan trọng nhất, là niềm vui tinh thần" - bà Ngân nói.

Theo VnE

Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
ADS_home_content_3
Trái
Phải
  • Sale
    Sale
LR_left_1
LR_right_1
Tin Ảnh

DV Văn Anh khoe giấy đăng ký kết hôn

Hai diễn viên Văn Anh và Tú Vi chính thức là vợ chồng.
Code_FB
 
 
ADS_681x
Trình độ học vấn của tôi là:
336x288
681x90
Quảng cáo