Billboard
ADS_Top_Right
  • Bigsize
    Bigsize
  • google.com, pub-4530016804051003, DIRECT, f08c47fec0942fa0
Tiêu điểm

Người an táng các hài nhi

16:38:30 12/12/2008

Những bào thai chưa thành hình người, những thi thể không còn nguyên vẹn bị cắt rời từng đoạn từ khi chưa ra khỏi bụng mẹ... tất cả được 'gói ghén' cẩn thận rồi đặt trong tủ lạnh chờ xe nhà tang lễ Phùng Hưng tới mang đi.

Hàng tuần, chuyến xe đưa các sinh linh bé nhỏ ấy về an táng tại nhà tang lễ Phùng Hưng lại đều đặn dừng trước cửa nhà đại thể của bệnh viện Nhi TW. Không ồn ào, anh Quản Ngọc Thúy, 46 tuổi, lại lặng lẽ đưa các em về nơi an nghỉ cuối cùng. Trước khi đưa lên xe, thi thể các em được bọc cẩn thận và đặt trong hòm gỗ. Thế rồi, chuyến xe ấy lại đưa các hài nhi về hỏa táng tại nghĩa trang Văn Điển, khép lại một số phận "bé mọn" chưa kịp bước ra với cuộc đời.

 

Bất kể ngày mưa hay nắng, ban ngày hay đêm hôm khuya khoắt, thậm chí 30, mồng 1 Tết, điện thoại từ bệnh viện gọi lúc nào, anh đều có mặt, đến đón các cháu lúc ấy. Với những hài nhi còn nguyên hình người, anh Thúy tắm rửa và thay quần áo, tã lót sạch sẽ trước khi cho các cháu vào nhà lạnh. Còn những thi thể từ các ca nạo, bộ phận trên cơ thể không còn nguyên vẹn, anh gói lại cẩn thận.

Không muốn nói nhiều về mình và hình như cũng chẳng muốn ai biết đến việc "hậu trường" loanh quanh với các xác chết bị bỏ rơi, anh Thúy dè dặt tiếp chuyện và từ chối nói về công việc của mình. Phải khó khăn lắm anh mới chịu chia sẻ và kể về hành trình của các hài nhi xấu số.

Vào nghề gần chục năm nay, đến giờ, người đón tiễn các sinh linh bị bỏ đi vẫn không quên được cái cảm giác khi lần đầu tiên tiếp xúc với những bệnh phẩm ấy. Cái cảm giác sợ hãi, ghê người khi thấy trước mắt mình là một đứa trẻ có khi đã thành hình có khi chỉ là những bào thai, cục máu nhầy nhầy, ám ảnh anh mãi một thời gian.

Anh tâm sự thật lòng: "Mới đầu rất sợ vì tôi chưa làm việc này bao giờ, chưa cả đi xem bốc mộ. Nhất là những thai bị lưu, nhũn ra, không còn nhìn ra hình gì nữa, rợn người lắm nhưng vẫn phải làm. Mình cứ nghĩ đang làm việc thiện, giúp một con người đầu thai ở thế giới bên kia thì mọi cảm giác sợ hãi sẽ đỡ đi".

Trong giọng kể chuyện của người đàn ông này thỉnh thoảng có những đoạn nghẹn lại khi anh nói về những lần không cầm được nước mắt. Nhiều lần một mình với các cháu, anh xem chúng như đang ngủ. Chúng nhắm mắt, không chút biểu lộ đau đớn trên khuôn mặt cũng không co quắp như người lớn bởi theo anh "các hài nhi sinh ra vẫn chưa hề biết đau".

Anh Thúy nói rằng, xót xa và thương tâm nhất là những trường hợp hiếm muộn, khó sinh. Gia đình họ mong mỏi và chờ đợi ngày đứa bé chào đời biết bao nhưng khi chưa kịp nhìn thấy con thì đứa trẻ đã tạm biệt bố mẹ mà đi. "Những lúc đón đứa bé đó, tôi thật sự cảm động và đau xót" - anh Thúy nghẹn ngào.

Không ít gia đình ở Hà Nội muốn đem con về nhưng lại không biết chôn cất ở đâu, vậy là đành giao lại cho bệnh viện. Có nhà còn gửi lại quần áo mới cho anh Thúy để anh thay họ tắm rửa và mặc cho cháu, còn có người phá xong là nhẹ nợ, về luôn. Đa phần các sinh linh đều được phó thác cho bệnh viện và cũng chẳng thấy ai quay lại hỏi thăm làm gì.

Công việc tưởng như có mỗi việc mang bệnh phẩm từ phòng thủ thuật về tắm rửa, mặc quần áo rồi đem vào phòng lạnh nhưng "không có cái tâm thì cũng khó gắn bó với nghề này". Anh Thúy kể, nhiều người bảo rằng chắc anh phải cao vía lắm mới dám làm nghề bởi chỉ nguyên nghĩ tới việc tiếp xúc với các xác chết chưa rõ hình thù rồi những ám ảnh bị các cháu trêu đùa cũng đủ đổ mồ hôi và chạy... mất dép. Tuy nhiên với người đàn ông trông vẻ ngoài già hơn cái tuổi 46, việc đó đã quá quen với anh. Trong bấy nhiêu năm gắn bó với các hài nhi, anh Thúy chưa từng phải áy náy một trường hợp nào và cũng chưa bị các linh hồn "đùa cợt" bao giờ bởi cháu nào anh cũng lo chu đáo, không lúi xùi, qua loa.

Tới đây, nhà đại thể mới sẽ nhiều gian để có thể tổ chức tang lễ. Anh Thúy không còn lo nhà cũ bị ngập hay quá nhỏ. Phó giám đốc bệnh viện Nhi TW, ông Nguyễn Duy Anh, cho biết: "Đây là vấn đề thuộc tâm linh nên nhà đại thể mới sẽ khang trang và trang trọng hơn để người nhà có chỗ làm lễ cho con cháu họ".

Dọc hành lang các phòng khám thai, phòng thủ thuật và tư vấn sinh sản, hàng người ngồi chờ đông nghịt, trẻ có, già có nhưng mỗi người một tâm trạng. Còn ngoài cổng viện, nhiều bà bầu cùng người nhà đang khệ nệ, nâng niu "cái bụng" và bước đi chậm rãi, chỉ mỗi khu nhà dành cho các hài nhi phía sau bệnh viện là lạnh lẽo và chẳng ai lui tới.

Theo Ngôi Sao

Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
ADS_home_content_3
Trái
Phải
  • Sale
    Sale
LR_left_1
LR_right_1
Tin Ảnh

DV Văn Anh khoe giấy đăng ký kết hôn

Hai diễn viên Văn Anh và Tú Vi chính thức là vợ chồng.
Code_FB
 
 
ADS_681x
Trình độ học vấn của tôi là:
336x288
681x90
Quảng cáo