Billboard
ADS_Top_Right
  • Bigsize
    Bigsize
  • google.com, pub-4530016804051003, DIRECT, f08c47fec0942fa0
Tiêu điểm

Mẹ đẻ - con gái và chuyện ‘thuốc tây – thuốc ta’

07:47:20 03/11/2011
Hễ con ho, sốt là Nhung đưa đi khám ngay. Không khám viện công thì cũng là phòng khám tư nhân. Trong khi đó, mẹ đẻ Nhung toàn gàn. Bà thích chữa bệnh cho cháu ngoại bằng phương pháp dân gian như rau diếp cá chữa ho hay hạ sốt bằng cây nhọ nồi...

>> Tủi thân vì mẹ đẻ

Không chịu khổ vì cảnh mẹ chồng – nàng dâu, Nhung ở cùng ông bà ngoại từ khi có bầu, sinh con. Tưởng mẹ đẻ - con gái sẽ hòa hợp và chẳng có chuyện gì đáng bàn. Nhưng vì bất đồng trong cách chăm con, chăm cháu nên Nhung và bà ngoại mâu thuẫn suốt.

Bà ngoại có cả “kho” thuốc nam quanh nhà: diếp cá, nhọ nồi, rau răm trồng trong chậu cảnh; chanh, quất luôn sẵn trong tủ lạnh; mật ong, đường phèn thì chẳng bao giờ thiếu vì hết là bà mua ngay. Trong khi đó, Nhung chuộng thuốc tây với một hộp đủ loại siro ho, miếng dán hạ sốt, cốm vi sinh trị tiêu chảy... cho con.

 

Khi con ốm, Nhung muốn hoặc là cho uống thuốc hoặc là đưa con đi khám ngay, chứ chần chừ, cô rất sốt ruột. Trong khi ấy, bà ngoại lại khăng khăng: “Ốm nặng, sốt cao mới cần nhập viện. Hắt hơi, ho thông thường thì chỉ chữa đơn giản là được. Cứ ‘tống’ mãi kháng sinh vào người, hại con chứ được ích lợi gì”. Sau đó, tùy bệnh của cháu mà bà ngoại “bốc thuốc”. Chẳng hạn, khi cháu viêm họng, bà đun lá diếp cá với nước vo gạo đặc, lọc lấy nước, để nguội rồi pha đường cho cháu uống. Hoặc bà pha mật ong với chanh tươi cho cháu uống vào buổi sáng. Cách khác là bà ngoại hấp rau răm hay quả quất với mật ong và cho cháu dùng.

Còn khi con hâm hấp sốt, Nhung vội vã đi mua miếng dán hạ sốt hoặc thuốc hạ sốt cho con thì bị bà ngoại mắng. Bà thích dùng cây nhọ nồi, giã nát rồi vắt lấy nước, cho cháu uống, hạ sốt. Theo bà ngoại, cách này bà chuyên dùng để hạ sốt cho anh em Nhung khi còn nhỏ, vừa an toàn lại vừa hiệu quả, chứ tiền đâu mà “hở” ra là thuốc với thuốc. Có hôm, bé nhà Nhung sợ nước cây nhọ nồi. Bé gào khóc thảm thiết khi bà cho uống. Mấy lần thấy bà cho uống, con toàn phì ra, Nhung sốt ruột, lại với lấy túi thuốc hạ sốt. Định cho con uống nhưng bị bà ngoại mắng, Nhung ức chế nên “cãi” lại. Hai mẹ con dỗi nhau. Tối đến, bà ngoại “đình công” không ăn cơm, cũng chẳng trông cháu.

Nhiều bà nội (ngoại) thích chữa bệnh cho cháu theo cách truyền thống. Bởi đó là cách bà từng áp dụng khi chăm con nhỏ xưa kia. Nguyên nhân là vì trước kia, phòng khám, bệnh viện hay các loại thuốc chưa thịnh hành như bây giờ. Trong khi đó, con gái (hay con dâu) muốn chữa bệnh cho con nhỏ bằng thuốc để sớm hiệu quả. Tâm lý này gây ra xung đột không chỉ giữa mẹ chồng – nàng dâu mà còn gây căng thẳng cho cả mẹ đẻ và con gái.

Không phải cái gì truyền thống cũng là lạc hậu. Do đó, cũng không phải áp dụng cách dân gian khi chữa bệnh cho con nhỏ là sai. Con gái có thể lắng nghe hoặc ghi chép các cách chữa bệnh từ bà ngoại. Sau đó, kiểm tra xem kinh nghiệm của bà có an toàn không bằng các tài liệu khoa học về cách trị bệnh bằng cây cỏ hoặc tham khảo lời khuyên từ bác sĩ nhi. Khi đã có sẵn chứng cứ thì có thể thảo luận với mẹ đẻ để chọn cách chăm sóc sức khỏe cho con nhỏ vừa hiệu quả, an toàn lại đúng khoa học.

Tốt nhất là bàn với mẹ đẻ đưa con đi khám trước. Khi có kết luận của bác sĩ, nếu đó là chứng ho, sốt thông thường thì hỏi bác sĩ xem có thể áp dụng cách của bà ngoại được không. Nếu đó là bệnh có biến chứng nặng hoặc nguy hiểm thì bé sẽ được điều trị kịp thời. Cách chăm con này vừa không chủ quan, vừa tránh được căng thẳng giữa mẹ đẻ - con gái...

 Ngọc Bình

Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
ADS_home_content_3
Trái
Phải
  • Sale
    Sale
LR_left_1
LR_right_1
Tin Ảnh

DV Văn Anh khoe giấy đăng ký kết hôn

Hai diễn viên Văn Anh và Tú Vi chính thức là vợ chồng.
Code_FB
 
 
ADS_681x
Trình độ học vấn của tôi là:
336x288
681x90
Quảng cáo