Billboard
ADS_Top_Right
  • Bigsize
    Bigsize
  • google.com, pub-4530016804051003, DIRECT, f08c47fec0942fa0
Tiêu điểm

Giáo viên, bảo mẫu bạo hành trẻ tự kỷ

16:59:15 22/07/2014

Sau nhiều ngày thâm nhập căn nhà 2 tầng tại số 86 đường Cống Lở, phường 15, quận Tân Bình (TP.HCM) - nơi có treo biển hiệu 'Trường tiểu học chuyên biệt Anh Vương', phóng viên đã tận mắt chứng kiến và ghi hình đủ kiểu hành hạ trẻ tự kỷ của một số người nhân danh 'giáo viên', 'bảo mẫu' tại đây.

Ngày 7/7, Trần Minh Sang (8 tuổi, quê Đà Nẵng) luôn miệng kêu nhớ ba và đòi cô giáo gọi điện cho ba. Khoảng 18h40, Sang chạy từ lầu một xuống đất, có lẽ định ra cổng thì bị cô Nga (bảo mẫu) cùng cô Lam (giáo viên) ngăn lại. Một bên cố vùng chạy, một bên ra sức kéo lại. Dường như bị ức chế, Sang ngồi thụp xuống và tự mình đập đầu vào cửa sắt. Cô Lam vừa quát tháo, vừa nắm đầu Sang đập liên tiếp vào cửa sắt rồi bỏ em một mình ở đó. Thấy vậy, cô Vân (giáo viên) từ trên lầu nhanh chóng chạy xuống. Lúc này Sang đã đi ra tới cổng lớn, cô Vân nắm tay kéo vào nhưng em không chịu. Thay vì dỗ dành, cô Vân đánh tới tấp vào mặt Sang khiến em nằm dài ra nền gạch, rồi lôi em vào trong nhà và dọa: “Đi lên bồn cầu tiêu cho mày biết lễ nghi”. Khi mới lên tới nhà chơi bóng ở lầu một, cô Vân tiếp tục dùng roi sắt đánh Sang khiến em khóc tức tưởi.

17h, ngày 7/7, trong lúc chuẩn bị ăn cơm, em Trần An Tường lấy áo của một người trong trường mặc. Sau khi phát hiện, cô Vân cầm chiếc roi sắt (bẻ từ chiếc móc phơi quần áo) đuổi theo Tường, la mắng, quát tháo khiến em hoảng sợ, không thể nhớ chiếc áo mình từng mặc trước đó đang để đâu. Bị cô Vân dùng roi sắt đánh vào lưng và đầu, Tường càng trở nên hoảng, chạy luồn khắp từ trong nhà ra sân phơi đồ để né đòn. Khuôn mặt đờ đẫn, Tường khóc rưng rức, co ro núp sau những chiếc áo phơi trong sân.

Khoảng 10h ngày 9/7, trongh học, em Nguyễn Phi Bằng chạy ra ngoài mở ti vi thì bị cô Loa và cô Trúc ngăn lại, kéo vào góc trái của lớp học rồi dùng một chiếc bàn chắn lại. Bằng vùng vẫy để ra ngoài nhưng mỗi lần trèo lên lại bị cô Loa và cô Trúc dùng một khung hình bằng gỗ dày và một cây nhựa đánh vào chân, tay. Cùng lúc, cô Loa còn dùng tay gí cổ và bóp miệng Bằng để ngăn em la hét. Càng bị đánh, Bằng càng phản ứng mạnh. Những học sinh khác chỉ dám đứng nhìn với ánh mắt vô cùng sợ sệt.

Trong những ngày thâm nhập, PV đều chứng kiến nhữngh ăn đầy nước mắt của các em tại trường. Không ai quan tâm các em nhai hay nuốt chửng thức ăn, miễn ăn nhanh là giỏi, còn ăn chậm, hoặc không ăn sẽ bị đánh đập.

11h5 ngày 5/7, trongh ăn trưa, thấy Bằng không chịu ăn cơm với rau xào, cô Vân dùng một roi sắt dài khoảng 40cm đánh liên tiếp vào người khiến em sợ hãi chạy vòng quanh phòng ăn. Tay lăm lăm cầm chiếc roi, cô Vân đuổi theo, miệng luôn quát tháo. Khi tới hành lang phía sau nhà, cô Vân bắt kịp và vung tay tát thẳng vào mặt em. Từ bàn khác, cô Trâm (quản lý) chạy lại giữ đầu Bằng, buộc em phải nuốt cơm. Bằng vùng vẫy liền bị cô Trâm vặn tay, nắm cổ áo lôi tới bàn ăn và chỉ vào mặt dọa, buộc em phải ăn cơm.

Ngày 9/7, do ăn chậm nên em Kỳ Nam bị cô Lam kéo từ nhà ăn ra hồ cá dọa: “Ăn cá nha. Ăn cá dưới hồ nha!”. Trong lúc kéo Nam ra, nhiều lần cô này tát vào mặt và đá vào người khiến em vừa ăn vừa nuốt nước mắt. 

Tới 11h cùng ngày, trong lúc ăn cơm, em Đặng Lê Phương Nam chạy đi uống nước. Vừa tới chỗ bình, chưa kịp uống thì bị bảo mẫu Nguyễn Thị Nhờ bắt gặp. Cầm sẵn một cành cây trên tay, cô Nhờ chạy tới đánh mạnh hai cái vào đầu, cổ Nam. Bị đánh đau, Nam vội chạy về bàn ăn nhưng cô Nhờ vẫn không buông tha, đuổi theo đánh tới tấp...

Khoảng 8h ngày 12/7, cô Nga cùng cô Lan, người giữ chân, người giữ tay bé Danh Phương (học sinh nhỏ tuổi nhất đang nội trú tại trường) để đút bún gạo vì “em bị sốt và không chịu ăn”. Quá trình ép đút, thức ăn lọt vào mũi khiến Phương phản ứng, nhưng càng giãy thì càng bị tống táng thức ăn vào miệng.
Buổi trưa cùng ngày, cô Loa đút cho bé Hà My ăn. Nhìn thấy tô cơm lớn trên tay cô giáo, bé My sợ hãi gào khóc. Thay vì cho em ăn từng muỗng nhỏ chậm rãi, cô Loa dồn dập đút đầy miệng bé. Thấy Hà My nôn ói, cô này la mắng, dọa đánh khiến em sợ tiểu ra quần.

Phản giáo dục

Trường hiện có khoảng 30 học sinh tự kỷ và chậm phát triển trí tuệ với 3 giáo viên và 3 bảo mẫu. Trong đó, có người không có bằng cấp chuyên môn như trường hợp cô Nhờ (quê Vĩnh Long) vốn là thợ may. Bên cạnh 3 bảo mẫu còn có Trúc đang là sinh viên năm cuối của một trường đại học không liên quan tới ngành giáo dục đặc biệt. Thế nhưng, Trúc lại làm giáo viên hướng ngoại cùng phụ trách lớp ngôn ngữ tiếp nhận với cô Loa.

Những giáo viên, bảo mẫu này thường mắc phải những sai lầm khi xử lý hành vi của trẻ tự kỷ. Thay vì kiên trì tập cho trẻ kỹ năng tự ăn cơm, thay đồ, tắm rửa... các cô này lại làm thay tất cả khiến trẻ dần bị lệ thuộc. Việc quát tháo, dọa nạt, đánh đập... khiến hành vi (khóc la, bướng bỉnh...) của trẻ không những không giảm bớt mà nhiều khi có tác dụng ngược, khiến các em bị kích động, hay quậy phá, thậm chí là xuất hiện thêm hành vi mới theo hướng tiêu cực.

Theo quan sát của chúng tôi, cô Loa (giáo viên chủ nhiệm lớp ngôn ngữ tiếp nhận) thường xuyên vắng mặt trong các buổi học và nhờ Trúc thay mình giảng dạy, quản lý lớp. 11 học sinh trong lớp cứ tự do đùa nghịch, đánh nhau, thậm chí có em bị bạn cắn 3, 4 vết vào ngực chảy máu...

Cô Lam tát vào mặt Minh Sang.

Dàn cảnh khi phụ huynh thăm lớp

Thường ngày, lớp học ngôn ngữ tiếp nhận rất lộn xộn, bát nháo nhưng khi có phụ huynh khảo sát để gửi con vào học, thì ngay lập tức lớp học được dọn dẹp ngăn nắp. Hai chiếc bàn được kê ở giữa lớp ngay ngắn. Ghế được xếp thành hình vòng cung tương đối trật tự. Cánh cửa lớp mở, giáo viên, bảo mẫu ai vào việc đó, mặt tươi cười niềm nở. Hai học sinh ngoan nhất được sắp xếp ngồi sẵn ở ghế chờ trả bài. Khi cánh cửa lớp vừa khép lại, những phụ huynh chưa bước ra khỏi cổng trường thì lớp học đã trở lại nguyên trạng như một cái chợ.

Phi Bằng bị cô Trúc “bóp chim”

Tàn độc với trẻ nam

Khoảng 7h ngày 13/7, Bằng vô tình làm vỡ một bình hoa. Ngay lập tức em bị cô Trúc nắm áo kéo tới bắt nhìn những mảnh vỡ. Sau đó cô này hỏi cô Trâm (quản lý nội trú kiêm nhân viên y tế của trường) “nên xử” Bằng thế nào? Vừa dứt lời, cô Trúc liền nắm lấy tóc Bằng rồi túm áo kéo xuống nhà banh ở tầng 1, vừa đi vừa nhéo tai, nắm đầu em. Sau đó, cô này vật em nằm xuống sàn nhà rồi ngồi lên mình em. Cô Nga có mặt tại đó không can ngăn mà còn giúp cô Trúc vạch quần của em ra để cùng thực hiện hành vi “nhéo chim” khiến em đau đớn kêu gào và khóc rất dữ dội.

Phi Bằng, Danh Phương là những nạn nhân đã từng bị các cô “nhéo chim” tới tróc da phải bôi thuốc.

Mỗi phụ huynh có con nội trú tại trường phải trả từ 7 - 8 triệu đồng/tháng, bán trú từ 3 - 4 triệu đồng/tháng với mong muốn con em mình được chăm sóc tốt. Nhưng không ai biết các cháu đã bị “chăm sóc” như thế nào.

Công khai hoạt động trá hình

Làm việc với đoàn kiểm tra, chủ trường Chu Văn Việt xuất trình Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp - công ty TNHH một thành viên do Sở KH-ĐT cấp ngày 5/5/2014. Theo nội dung giấy phép này, ông Việt (44 tuổi, ngụ phường 15, quận Tân Bình) làm chủ sở hữu Công ty TNHH chăm sóc khuyết tật Anh Vương (địa chỉ trụ sở chính 86 Cống Lở, phường 15, quận Tân Bình); ngành nghề kinh doanh: hoạt động chăm sóc sức khỏe người có công, người già và người tàn tật không có khả năng tự chăm sóc, với vốn điều lệ 1,8 tỉ đồng. Vin vào giấy phép này, ông Việt cho rằng mình không sai, mà chỉ có “thiếu sót là quên tháo bảng hiệu” Trường tiểu học chuyên biệt Anh Vương xuống.

Công an làm việc với ông Chu Văn Việt sáng 21/7 - Ảnh: Đình Phú.

Trong khi đó, “thương hiệu” Anh Vương từ nhiều năm qua đã không hề xa lạ với cơ quan chức năng quận Tân Bình. Ngày 15/10/2013, đoàn kiểm tra của Phòng GD-ĐT đã phát hiện trường hoạt động trong tình trạng không có hiệu trưởng từ ngày 19/9/2011 do mâu thuẫn nội bộ. Đến ngày 3/12/2011, ông Việt dời trường đến địa điểm mới cũng không trình báo cơ quan chức năng. Ngày 26/6/2013, đoàn kiểm tra của Phòng GD-ĐT mới bất ngờ phát hiện trường này hoạt động tại địa chỉ 86 Cống Lở, phường 15, quận Tân Bình.

Bà Nga, bà nội của bé Kỳ Nam rơm rớm nước mắt khi thấy hình ảnh cháu trai bị đánh trên báo. Ảnh: Đức Tiến.

Do không có hiệu trưởng để quản lý công tác chuyên môn và ông Việt cũng không có nghiệp vụ về giáo dục chuyên biệt nên Phòng GD-ĐT quận Tân Bình đã thu hồi con dấu và quyết định thành lập trường, yêu cầu giải thể để thành lập nhóm trẻ chuyên biệt để hoạt động theo đúng quy định. Thế nhưng ông Việt vẫn điều hành hoạt động của trường bất chấp quy định pháp luật. Ngày 30/12/2013, Chủ tịch UBND quận Tân Bình Châu Văn La đã ký quyết định giải thể trường này nhưng trên thực tế nó vẫn công khai tồn tại hoạt động trá hình với hàng loạt những kiểu hành hạ trẻ tự kỷ phản giáo dục như Thanh Niên đã phản ánh.

Bà Trần Thị Kim Thanh, Phó giám đốc Sở GD-ĐT khẳng định: “Đây không phải là trường nhưng đã hoạt động trá hình, không đúng chức năng”. “Yêu cầu ngay sau khi đoàn điểm tra làm việc xong phải đóng cửa, tiến hành tháo dỡ bảng hiệu”, bà Thanh nói thêm.

Nằm sau lưng trụ sở UBND phường 15 nhưng vì sao Trường tiểu học chuyên biệt Anh Vương lại có thể ngang nhiên hoạt động bất chấp pháp luật như vậy?

Chính Phó giám đốc Sở GD-ĐT Trần Thị Kim Thanh cũng khẳng định trong buổi làm việc hôm qua: “Trách nhiệm của địa phương rất là quan trọng, các cơ sở nằm trên địa bàn quận, huyện, phường, xã khi họ có quyết định hoạt động thì bắt buộc họ phải trình báo với địa phương và địa phương phải giám sát, kiểm tra. Việc đội lốt từ một nơi chăm sóc người già, người tàn tật thành một trường tiểu học, mà địa phương cũng không giám sát, phát hiện kịp thời. Đây là việc chúng tôi thấy trách nhiệm của chính quyền địa phương…”.

Em Kỳ Nam được ông bà nội từ Long An lên đón về nhà vào sáng 21/7. Ảnh: Đức Tiến.

Ông Lê Sơn - Phó chủ tịch thường trực UBND quận Tân Bình, cho biết rất bất bình khi xem những hình ảnh các giáo viên, bảo mẫu đánh đập trẻ tự kỷ. Về trách nhiệm buông lỏng quản lý của chính quyền địa phương, ông Sơn khẳng định sẽ kiểm tra, xử lý nghiêm.

Chánh văn phòng kiêm người phát ngôn của UBND TP HCM Võ Văn Luận cũng khẳng định: “Quan điểm của UBND TP là xử lý nghiêm khắc những hành vi sai phạm của đơn vị, cá nhân liên quan. TP sẽ chỉ đạo tổng rà soát các cơ sở dạy trẻ khuyết tật, trong đó có nuôi dạy trẻ tự kỷ trên toàn địa bàn”.

Có dấu hiệu phạm tội hình sự

Trong khi đó, luật sư Nguyễn Minh Thuận (Công ty luật Sài Gòn VN), khẳng định các giáo viên, bảo mẫu có dấu hiệu phạm tội "hành hạ người khác" được quy định tại điều 110 bộ luật Hình sự. Điều luật này nêu rõ: “Người nào đối xử tàn ác với người lệ thuộc mình thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm. Phạm tội thuộc 1 trong các trường hợp như phạm tội đối với người già, trẻ em, phụ nữ có thai hoặc người tàn tật, hoặc phạm tội với nhiều người thì phạt tù từ 1 năm đến 3 năm”.

Luật sư Thuận phân tích, theo điều luật thì tội phạm hoàn thành khi có 2 dấu hiệu là “các cháu bị đối xử tàn ác” và “các cháu bị lệ thuộc vào các giáo viên, bảo mẫu”. “Với chứng cứ mà phóng viên ghi nhận thì dấu hiệu phạm tội này tương đối rõ” - luật sư Thuận khẳng định. Ngoài ra, trong trường hợp nếu phát hiện các giáo viên, bảo mẫu hành hạ và gây thương tích cho trẻ thì hành vi đó có dấu hiệu phạm tội "cố ý gây thương tích” hoặc “gây tổn hại cho sức khỏe người khác" được quy định tại điều 104 bộ luật Hình sự.

Kỳ Nam cố nán lại nhìn bạn bè trước khi theo ông bà nội trở về nhà. Ảnh: Đức Tiến.

Phụ huynh bàng hoàng

Nhiều người thân của các em học sinh sau khi đọc báo đã vội vàng chạy lên trường đón con, cháu về nhà. PV đã chứng kiến ai nấy đều bần thần, mắt đỏ hoe. Thương cảm nhất là trường hợp em Kỳ Nam (8 tuổi, quê Cần Đước, Long An). Khi Nam mới 2 tuổi, bố mẹ ly dị nên em ở với ông bà nội. “Mới sáng sớm đọc, lòng tôi quặn thắt, ruột gan như bị cắt khúc. Phải chắt chiu lắm tôi mới có đủ tiền gửi cháu vào trường nhưng không ngờ cháu lại bị đánh đập. Có lẽ do cháu ít biết nói nên chưa thể tự kể lại việc bị đánh” - bà Nga (bà nội Kỳ Nam) rưng rức.

Bên cạnh đó, rất nhiều bạn đọc đã gửi email, gọi điện thoại đến tòa soạn bày tỏ sự phẫn nộ trước hành vi các cô giáo và bảo mẫu. Bà Huệ, ở Đà Nẵng, mẹ của em Minh Sang uất nghẹn nói qua điện thoại: “Đọc xong bài báo, nhìn hình ảnh con bị hành hạ, ngược đãi, tôi rụng rời chân tay”. Theo chia sẻ của bà Huệ, Sang (11 tuổi) bị tự kỷ từ nhỏ. Gia đình gửi em vào trường chuyên biệt để nhờ chăm sóc, dạy dỗ với mong muốn em tiến bộ. Vợ chồng bà đã tìm hiểu nhiều trường và quyết định chọn trường này “vì cứ nghĩ đây là một ngôi trường tốt có thể yên tâm gửi con theo học”. Em Minh Sang vào học từ 13/7/2013, gia đình phải đóng 5 triệu đồng cơ sở vật chất, học phí cho mỗi tháng là 8 triệu đồng (nộp trước theo quý, tức 24 triệu đồng/quý). Bước sang năm 2014, trường lại thông báo phải đóng thêm 3 triệu đồng tiền cơ sở vật chất và 3 triệu đồng tiền khám sức khỏe định kỳ hằng tháng. Với số tiền này vợ chồng bà Huệ phải chấp nhận cảnh sống xa nhau, một người làm việc ở Đà Nẵng, một người làm việc ở Đồng Nai để có tiền đóng tiền học cho con.

Theo TNO

Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
ADS_home_content_3
Trái
Phải
  • Sale
    Sale
LR_left_1
LR_right_1
Tin Ảnh

DV Văn Anh khoe giấy đăng ký kết hôn

Hai diễn viên Văn Anh và Tú Vi chính thức là vợ chồng.
Code_FB
 
 
ADS_681x
Trình độ học vấn của tôi là:
336x288
681x90
Quảng cáo