Billboard
ADS_Top_Right
  • Bigsize
    Bigsize
  • google.com, pub-4530016804051003, DIRECT, f08c47fec0942fa0
Tiêu điểm

Cặp song sinh sống sót kỳ diệu sau hội chứng hiếm gặp

15:43:25 20/08/2014

Bị hội chứng truyền máu song thai bất thường vào tuần thứ 21 có thể hủy con, chị Ngô Thị Thu Dung (TP HCM) cùng chồng quyết định sang Malaysia phẫu thuật cứu thai.

Chào đời bằng phương pháp sinh mổ ngày 6/7, hai anh em Nguyễn Đình Gia Bình và Nguyễn Đình Gia An đều có cân nặng 2kg. Một tháng tuổi, mỗi bé cân nặng 3,2kg. Ít ai biết rằng cách đây 5 tháng, hai bé được tiên lượng sẽ tử vong trong bụng mẹ. Câu chuyện về sự chào đời của cặp song sinh kháu khỉnh, đáng yêu này là một điều kỳ diệu.

Tất bật một tay cho bé Bình bú, một tay dỗ bé An ngủ, chị Dung rạng ngời niềm vui. Để có được hạnh phúc trọn vẹn hôm nay, mấy tháng dài vừa qua với người mẹ sinh năm 1982 là những chuỗi ngày đầy chông gai.

Cặp song sinh An, Bình đang ngủ bình yên bên vòng tay mẹ. Ảnh: Lê Phương.

Khi mang song thai 21 tuần tuổi, chị Dung tới Bệnh viện Từ Dũ thăm khám. Kết quả cho thấy song thai có hiện tượng truyền máu bất thường cấp độ 2, không nhìn rõ bàng quang với thai 1 thiểu ối, thai 2 đa ối.

“Khi nghe bác sĩ sản khoa bảo hai bé sẽ tử vong trong bụng mẹ bất kỳ lúc nào và ở Việt Nam không chữa được chỉ có các nước Mỹ, Pháp, Nhật thì may ra, tôi khóc nức nở, không đám đối diện với chuyện con đã 21 tuần tuổi mà sẽ mất đi" - chị Dung nhớ lại.

Khi hai con đang từng giờ từng phút giành giật sự sống thì người mẹ đứng ngồi không yên, hoang mang tột độ tìm cách cứu con thoát khỏi tử thần. Ba ngày sau đó chị đi siêu âm kiểm tra lần nữa thì một bé tim đã bị phù to, khả năng chết rất cao. Chị tìm thông tin ở Mỹ, Nhật Bản, thì chi phí chữa trị khá cao mà thủ tục bảo lãnh một bà bầu qua chữa bệnh cũng sẽ mất rất nhiều thời gian, các con không thể chờ kịp.

May mắn một người quen giới thiệu về trường hợp một bà mẹ cũng mang song thai bị hội chứng truyền máu hiếm gặp đã sinh con khỏe mạnh, chị nhanh chóng liên hệ và có thông tin của vị bác sĩ người Malaysia. Chị gửi email, bác sĩ phản hồi bảo sẽ cứu chữa được, chị lập tức chuẩn bị hành trang lên đường.

“Lúc đó sắp đến đợt nghỉ lễ 30/4 nên hai vợ chồng phải gấp rút hoàn thành thủ tục giấy tờ. Nhận được passport lúc 2h chiều, chúng tôi đặt vé chuyến sớm nhất lúc 5h chiều. Cảm giác giống như chạy đua với thời gian” - chị Dung tâm sự.

Đến Malaysia gặp bác sĩ vào sáng sớm hôm sau, sau khi siêu âm, chị được tư vấn cặn kẽ. Chị đang có một thai to và một thai nhỏ, nước ối rất nhiều, nếu không phẫu thuật 95% sẽ mất cả hai bé, nếu phẫu thuật thì 70% cứu được một bé và 50% cứu được cả hai. Mọi việc cần phải tiến hành làm sớm. Ngày hôm sau, ca phẫu thuật laser đốt các mạch máu thông nối giữa hai thai nhi diễn ra trong vòng 1 tiếng đồng hồ. Sau mổ, kết quả siêu âm cho thấy hai bé có sự hồi phục rất tốt. Sau 3 ngày chị được xuất viện.

Sau hơn một tháng tuổi, mỗi bé cân nặng 3,2 kg. Ảnh: Lê Phương.

“Tôi khá bất ngờ vì tiền thanh toán viện phí tính ra chỉ chưa tới 8 triệu đồng Việt Nam. Bệnh viện tuy cơ sở vật chất không quá khang trang nhưng bác sĩ, y tá đều rất nhiệt tình. Trở về Việt Nam, mỗi lần siêu âm, khám thai tôi đều email qua cho bác sĩ theo dõi và nhận được phản hồi rất nhanh” - chị Dung cảm kích.

Tiến sĩ, bác sĩ Huỳnh Thị Thu Thủy - Phó giám đốc Bệnh viện Từ Dũ cho biết, truyền máu song thai là hội chứng khá hiếm gặp với tỷ lệ 1/10.000 song thai, dễ bị bỏ sót nếu thiếu kinh nghiệm và kiến thức. Hội chứng này thường gặp trong song thai cùng trứng có sự phân chia trễ. Bình thường song thai nếu phân chia sớm sẽ có 2 túi ối, 2 bánh nhau. Nếu sự phân chia diễn ra trễ sẽ xảy ra hiện tượng 1 túi ối, 1 bánh nhau. Nếu trễ nữa sẽ dẫn đến song thai dính nhau.

Song thai cùng trứng với một túi ối, một bánh nhau dễ diễn ra hiện tượng truyền máu thai nhi, chiếm đến 95%. Sự thông nối giữa mạch máu của hai thai nhi ở trong bánh nhau khiến máu của một thai sẽ truyền cho thai còn lại. Thai cho máu sẽ kém phát triển, thiếu ối, yếu ớt, teo tóp dần đi. Thai nhận máu do lượng máu quá nhiều sẽ phát triển nhanh dẫn đến suy tim, phù thai, đa ối, bàng quang căng to, đa niệu… Cả hai thai nhi đều có khả năng tử vong trong bụng mẹ rất lớn.

Hội chứng truyền máu trong cặp song sinh cùng trứng khiến cho máu chỉ chảy chủ yếu về một bào thai, và bào thai kia sẽ bị suy kiệt mà chết. Ảnh: ABC.

Bác sĩ Thủy chính là người trực tiếp mổ đẻ cho chị Dung sau khi chị chữa bệnh từ Malaysia trở về và chứng kiến “sự hồi phục ngoạn mục” của thai nhi trong thời điểm sau chữa trị.

Trước đó, bác sĩ Thủy cũng điều trị một trường hợp mắc hội chứng song thai truyền máu tương tự bằng phương pháp dưỡng thai. Sản phụ được nuôi dưỡng thai bằng chế độ nhiều vi chất, tăng cường acid folic, kẽm, hạn chế đạm, đường… kết hợp vận động hợp lý và được đánh giá, theo dõi thai kỳ gắt gao. May mắn cũng đã mẹ tròn con vuông nhưng không thể có sự chuyển biến nhanh và tốt giống như phương pháp điều trị đốt laser mạch máu thông nối của chị Dung.

“Hội chứng truyền máu song thai khá hiếm gặp, cơ sở vật chất để chữa trị tại Việt Nam chưa được trang bị đầy đủ nên thực sự chưa được quan tâm nghiên cứu đúng mức. Tôi đã báo cáo trường hợp này lên giám đốc bệnh viện để có hướng cập nhật phương pháp điều trị của nước bạn trong thời gian sớm” - bác sĩ Thủy cho biết.

Theo VnExpress

Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
ADS_home_content_3
Trái
Phải
  • Sale
    Sale
LR_left_1
LR_right_1
Tin Ảnh

DV Văn Anh khoe giấy đăng ký kết hôn

Hai diễn viên Văn Anh và Tú Vi chính thức là vợ chồng.
Code_FB
 
 
ADS_681x
Trình độ học vấn của tôi là:
336x288
681x90
Quảng cáo