Billboard
ADS_Top_Right
  • Bigsize
    Bigsize
  • google.com, pub-4530016804051003, DIRECT, f08c47fec0942fa0
Tiêu điểm

Gợi ý dành 3 triệu nuôi con nhỏ mỗi tháng

14:05:40 25/03/2013

Từ ngày sinh em bé, Thúy Hạnh (nhân viên truyền thông tại TP HCM) không tiết kiệm được đồng nào, thỉnh thoảng lại còn phải xin thêm ông bà nội ngoại. Hạnh thắc mắc làm thế nào để nuôi con tốt mà vẫn tích lũy được. 

>> Gợi ý chi tiêu gia đình thu nhập 12 triệu

Hạnh cho biết vợ chồng mình thu nhập 15 triệu đồng một tháng, mới sinh một bé. Có con rồi Hạnh không làm sao dành dụm tiết kiệm được, thậm chí còn phải xin các nguồn khác hỗ trợ mới đủ chi tiêu. "Chi phí bao nhiêu cho việc chăm sóc con là đủ? Tính toán làm sao để vừa với thu nhập gia đình mà còn để dành được cho tương lai nữa?" - Hạnh hỏi.

Chia sẻ trên một tạp chí, bà Vũ Minh Hạnh (Trưởng khoa Công nghệ May thời trang, Trưởng bộ môn Kinh tế Gia đình, ĐH Sư phạm kỹ thuật TP HCM) khuyên để đảm bảo chi tiêu trong gia đình, từ tổng thu nhập hàng tháng của hai vợ chồng, bạn nên chia ra thành 4 phần: Chi tiêu chung cả nhà, chi tiêu cho riêng vợ và chồng, chi tiêu cho con và phần còn lại tích lũy; có thể theo tỷ lệ lần lượt là 4-3-2-1 hay 3-3-3-1… tùy điều kiện thực tế của gia đình. Nên bỏ riêng từng khoản để chi dùng.

Đồng quan điểm với bà Minh Hạnh, chị Thu Hà (giảng viên kế toán một trường cao đẳng tại Hà Nội) cho rằng dù thu nhập gia đình bạn là bao nhiêu, cũng nên để dành tiết kiệm ít nhất là 10%. Với thu nhập 10 triệu đồng mỗi tháng, vợ chồng bạn chỉ nên dành ngân sách tối đa cho bé là 3 triệu đồng. Bạn nên nhớ, khi có bé, chi phí cho giặt giũ, điện, nước, gas… của gia đình sẽ tăng lên đáng kể. Đấy là chưa kể nếu nhà không có ông bà hay người thân hỗ trợ thì phải thuê người làm, người trông trẻ hoặc gửi giữ.

Chị Thu Hà gợi ý tính toán chi tiêu chi tiết hàng tháng cho con (để riêng phần thuê người giúp việc hay trông trẻ, xem đây là chi phí chi tiêu chung cho gia đình), như sau:

Với bé dưới hai tuổi, còn ăn dặm hoặc ăn cháo, chưa ăn cơm cùng gia đình:

- Sữa bột: 2 hộp 900gr (nếu loại sữa đó đóng hộp 1,5kg hoặc 1,8kg thì mua loại hộp to sẽ rẻ hơn): 700.000 đồng.

- Các sản phẩm khác của sữa như sữa chua, váng sữa, phô mai: 450.000 đồng.

- Thức ăn riêng (cho ăn dặm): 750.000 đồng.

- Hoa quả: 150.000 đồng.

- Bỉm: 200.000 đồng.

- Giải trí (như đi tàu hỏa, cưỡi thú nhún…): 150.000 đồng.

- Chi tiêu khác (quần áo, đồ chơi): 150.000 đồng - thật ra vài tháng bạn mới mua quần áo cho bé một lần.

- Các chi phí dùng ké với bố mẹ (xà phòng, điện, nước): 400.000 đồng.

Tổng cộng: 2.950.000 đồng

Bạn hãy lên thực đơn cho bé theo tuần nhằm đảm bảo đầy đủ năng lượng và dưỡng chất. Bạn cũng nên cố gắng xếp tối đa số bữa ăn của bé phù hợp với thực đơn của cả nhà để có thể lấy một phần từ thức ăn chung chế biến riêng cho bé. Hãy chọn mua rau củ quả đúng vụ, không ăn rau củ quả trái vụ vừa đắt vừa không an toàn.

Dựa vào nhu cầu của con để chuẩn bị đủ lượng sữa trong tháng. Bạn có thể chọn sữa nội, đã được các cơ quan chức năng trong nước kiểm nghiệm và chứng nhận chất lượng thực phẩm, vẫn cung cấp đầy đủ dưỡng chất và giá thành không cao. Bạn có thể tự làm sữa chua cho bé, giá thành sẽ giảm đáng kể, có thể thay váng sữa bằng phô mai hay các loại thực phẩm khác mà giá cả rẻ hơn.

Nếu đã đi mầm non, bé thường ăn sáng và trưa tại lớp học, ăn tối tại gia đình:

- Sữa bột: Một hộp 900gr: 300.000 đồng.

- Sữa tươi mang đến lớp: 400.000 đồng.

- Các sản phẩm khác của sữa như sữa chua, váng sữa, phô mai: 450.000 đồng.

- Học phí: 1.200.000 đồng.

- Giải trí (như đi tàu hỏa, cưỡi thú nhún…): 150.000 đồng.

- Các chi tiêu khác (quần áo, đồ chơi, sách tô màu): 200.000 đồng.

- Các chi phí dùng ké với bố mẹ (xà phòng, điện, nước): 200.000 đồng.

Tổng cộng: 2.900.000 đồng.

Nếu thu nhập không cao, bố mẹ nên cho bé học trường công để giảm học phí. Tại Hà Nội, học phí và ăn uống tại trường công (không có ăn sáng) khoảng 700.000 đồng một tháng. Học trường tư với cơ sở vật chất tương tự, học phí (có ăn sáng) thường hơn 2 triệu đồng. Tại TP HCM, học phí trường công (có ăn sáng) xê dịch trong khoảng 1,2 triệu đồng, trong khi trường tư, với cơ sở vật chất tương tự, học phí khoảng 1,8 triệu đồng trở lên.

Các khoản chi tiêu không bắt buộc: Đồ chơi, quần áo, một số vật dụng như xe đẩy, xe tập đi…

Ai cũng muốn đem đến những điều tốt nhất cho con mình, trong đó có quần áo, đồ chơi đắt tiền. Tuy nhiên, chia sẻ trong một buổi nói chuyện với phụ huynh tại trường Mầm non Hoa Quỳnh (Quận 1, TP HCM), thạc sĩ Xã hội học Phạm Thị Thúy (người đang làm luận văn tiến sĩ với đề tài nuôi dạy bé 0-6 tuổi) cho rằng thực tế, đồ chơi đắt tiền không hấp dẫn bé. Các bé thích những món đồ nhiều màu sắc, nhiều hình thù, có thể thay đổi và sắp xếp theo ý bé. Các bé mau chán, bạn không nên mua quá nhiều đồ chơi cho bé, chỉ nên chọn những loại rèn luyện kỹ năng như xếp hình. Một năm, chỉ cần mua đồ chơi cho bé vào các dịp sinh nhật, 1/6, tết Trung thu, Noel… Bạn có thể tận dụng những vỏ hộp cũ để làm món đồ chơi thủ công, bé vẫn rất thích.

Quần áo, giày dép: Chỉ nên mua vừa đủ bởi vì các bé lớn lên từng ngày, quần áo và giày dép rất nhanh chật. Nếu mua quá nhiều, có những bộ quần áo bé chỉ mặc 1-2 lần đã không sử dụng được. Khoảng 4 tháng một lần, bổ sung vào tủ quần áo của bé 2-3 bộ là đủ. Bạn có thể tận dụng quần áo cũ của anh chị em trong gia đình hay người quen. Các bé hiếu động, bạn nên chọn mua những bộ quần áo được sản xuất trong nước với chất liệu nhiều cotton để bé có thể thoải mái chơi đùa mà giá cả lại phải chăng.

Những món đồ như xe đẩy, xe tập đi, ghế tập ăn… thời gian sử dụng của bé không nhiều, bạn có thể mượn lại của người quen, mua lại đồ cũ, hãy kiểm tra cẩn thận trước khi mua để đảm bảo an toàn cho bé. Nếu cảm thấy do dự trước một món đồ nào đó muốn mua cho con, hãy hoãn lại 1-2 ngày để suy nghĩ kỹ hơn.

Theo chị Thu Hà, bạn không nên đầu tư quá nhiều vào thức ăn, quần áo, đồ chơi đắt tiền... Nếu vợ chồng bạn có thu nhập cao hơn, bạn hãy mua bảo hiểm nhân thọ cho bé, gửi tiền tiết kiệm để phục vụ những mục đích học tập sau này của con. Ngoài ra, vì các bé hay ốm vặt, bạn nên mua bảo hiểm y tế cho bé để giảm chi phí khám chữa bệnh.

Cách tính toán này còn tùy thuộc điều kiện kinh tế, nhu cầu và quan điểm của mỗi gia đình, theo chị Hà, để tăng khoản này hoặc bớt khoản kia.

Theo Kim Anh
VnExpress

Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
ADS_home_content_3
Trái
Phải
  • Sale
    Sale
LR_left_1
LR_right_1
Tin Ảnh

DV Văn Anh khoe giấy đăng ký kết hôn

Hai diễn viên Văn Anh và Tú Vi chính thức là vợ chồng.
Code_FB
 
 
ADS_681x
Trình độ học vấn của tôi là:
336x288
681x90
Quảng cáo