Billboard
ADS_Top_Right
  • Bigsize
    Bigsize
  • google.com, pub-4530016804051003, DIRECT, f08c47fec0942fa0
Tiêu điểm

Tìm chất độc trong táo đỏ Trung Quốc

11:18:40 20/06/2012

Trước thông tin, táo Fuji xuất xứ từ Yên Đài, Sơn Đông, Trung Quốc được trồng bằng phương pháp ủ bọc nhựa tẩm bột độc hại, Cục Bảo vệ Thực vật Việt Nam đã lấy mẫu táo ở cửa khẩu và trên thị trường kiểm tra.

Táo Trung Quốc tẩm trong bọc nhựa chứa chất độc hại. Ảnh: Chinawhisper.

Trước đó, nhiều tờ báo Trung Quốc đưa tin phát hiện chất bột trong các bọc nhựa được người nông dân Sơn Đông dùng bọc táo là thiram (một loại thuốc diệt nấm độc hại) và melarsoprol (hợp chất hữu cơ độc hại chứa arsen).

Táo Trung Quốc là một trong những mặt hàng được xác định là nguy cơ cao, thường xuyên được kiểm tra để đánh giá độ an toàn đối với người sử dụng. Kết quả kiểm tra mới nhất cho thấy, có khoảng 30% mẫu táo chứa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật nhưng đều nằm dưới ngưỡng cho phép.

Ông Nguyễn Xuân Hồng (Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) cho biết, hiện Cục theo dõi mọi thông tin cũng như động thái xử lý từ phía nhà chức trách Trung Quốc. Họ đã thu giữ 2,7 triệu chiếc túi để bọc táo, đóng cửa, xử lý những xưởng sản xuất loại túi độc hại này.

Đồng thời, Cục cũng theo dõi động thái từ các nước khác. Một số công ty tại Nhật Bản đã tạm dừng nhập khẩu táo từ một số nhà sản xuất ở vùng Sơn Đông. Phía Indonesia cũng có các biện pháp tăng cường kiểm soát táo Trung Quốc.

Tại Việt Nam, Cục đã chỉ đạo các đơn vị ở cửa khẩu tăng cường kiểm soát lấy mẫu, đặc biệt là táo có xuất xứ từ Trung Quốc. Ngoài ra cũng yêu cầu đơn vị kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật kiểm tra kỹ, chặt, phát hiện xem hai hóa chất này có trên mẫu táo của Trung Quốc nhập vào Việt Nam hay không. Dự kiến cuối tuần này sẽ có kết quả.

"Việt Nam nhập khẩu nhiều táo Trung Quốc, mỗi năm hàng trăm nghìn tấn. Tuy nhiên, thời điểm này táo Trung Quốc xuất sang nước ta ít, vì chưa đúng vụ mùa, số táo hiện nay trên thị trường là còn lại từ vụ năm ngoái" - ông Hồng cho biết.

Ông cũng khuyến cáo, người dân không nên lo lắng vì hàng nhập khẩu, đặc biệt là táo vào nước ta được kiểm tra, giám sát theo quy định. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn, người dân nên mua ở các cửa hàng có địa chỉ, nguồn gốc, nhãn mác rõ ràng được các cơ quan quản lý nhà nước kiểm soát chặt chẽ. Việc mua hàng trôi nổi thì rất khó biết được chất lượng thế nào, cũng khó để có thể phân biệt táo đỏ từ Trung Quốc, Mỹ hay Australia. Thực tế táo Trung Quốc xuất đi rất nhiều nước trên thế giới, chiếm 40% lượng táo đường cung cấp trên thị trường thế giới.

TPHCM, Hà Nội: Người tiêu dùng tẩy chay táo Trung Quốc

Tại chợ Bến Thành (quận 1) tối 17/6, chị Trang mân mê lựa những trái táo (bom) đỏ để mua về ăn. Vốn thích ăn táo, chị cho biết trước đây thường chỉ quan tâm chọn loại có màu sắc đẹp mắt, vỏ bóng và không bị dập. Tuy nhiên nghe thông tin táo Trung Quốc nhiễm thuốc trừ sâu, chị luôn để ý hỏi về xuất xứ sản phẩm và mua loại nhập khẩu từ Mỹ hoặc New Zealand.

"Hễ nghe đến trái cây Trung Quốc là mình thấy sợ sợ. Mặc dù giá táo Mỹ hay New Zealand đắt hơn cả chục nghìn đồng so với các loại khác nhưng tiền nào của nấy, thà đắt chút mà an toàn" - chị Trang (nhân viên một ngân hàng tại TP HCM) nói sau khi lựa được 2 kg táo của Mỹ. 

Một cửa hàng trái cây tại chợ Bến Thành có bán táo Fuji nhập khẩu. Tuy nhiên, nhiều khi ngay cả người bán cũng không phân biệt được đâu là táo Trung Quốc hay Mỹ. Ảnh: Thi Trân.

Bán hàng trăm loại trái cây ở chợ Bến Thành gần chục năm nay, anh Tùng cho biết trước đây anh thường nhập các loại trái cây, trong đó có táo Fuji Trung Quốc về bán. Nhờ giá thành rẻ hơn so với các loại khác nên mặt hàng này bán khá chạy. Tuy nhiên khoảng vài năm nay người tiêu dùng tỏ ra dè chừng, nhất là sau khi có thông tin táo Trung Quốc được ủ thuốc trừ sâu, khách hàng dường như quay lưng với loại quả này.

"Hồi đó có ngày tôi bán được cả gần 100 kg táo Fuji nhưng về sau chẳng ai mua nữa, chỉ cần nói hàng Trung Quốc là bà con lắc đầu ái ngại nên chúng tôi chỉ nhập hàng Nhật, Mỹ, Úc..." - anh nói.

Anh Tùng kể, trước đây khách hàng TP HCM thường chỉ chú ý chọn những loại trái cây đẹp mắt thì hiện nay mọi người bắt đầu quan tâm hỏi về nguồn gốc sản phẩm. Nắm bắt được tâm lý người tiêu dùng nên hiện nay nên các tiểu thương khu chợ này thường không nhập hàng Trung Quốc về bán.

Tuy nhiên anh Tùng cũng thừa nhận, bản thân làm lâu năm trong lĩnh vực này nhưng anh không thể phân biệt được đâu là táo Trung Quốc hay Mỹ. "Phía công ty họ giao hàng có dán tem của nước nào thì biết vậy thôi chứ của Trung Quốc mà họ bảo là New Zealand chúng tôi cũng chẳng kiểm chứng được" - anh phân trần.

Vừa mua được 6 trái táo to màu hồng đẹp mắt ở cửa hàng của anh Tùng, chị Hương cho biết chỉ khi có giỗ chạp hoặc biếu ai đó chị mới mua trái cây bóng đẹp thế này chứ không để ăn. Chị kể mặc dù thích ăn táo nhưng có lần mua táo về để quên trong tủ lạnh cả 2 tuần mà trái vẫn tươi nguyên, từ đó chị không thiết tha ăn loại trái cây này nữa.

Theo khảo sát của phóng viên tại TP HCM, đa số chợ và siêu thị đều có bán táo Fuji loại to, tròn có màu sắc đẹp mắt. Tuy nhiên khi được hỏi về nguồn gốc xuất xứ, hầu hết các chủ tiệm đều nói là hàng nhập khẩu từ Mỹ, Australia hoặc New Zealand.

Như cửa hàng của bà Hoa (đường 3 tháng 2, quận 10) bày bán rất nhiều loại trái cây, đặc biệt là táo có đến 5 loại với màu sắc, chủng loại và xuất xứ khác nhau. Riêng về táo Fuji, chủ tiệm này cho biết chỉ có bán 2 loại Fuji nhập từ Nhật (giá 50.000 đồng một kg) và Mỹ (70.000 đồng một kg).

Bà chủ cho biết thông thường khách mua những loại táo có màu sắc đẹp mắt này để biếu hoặc cúng chứ ít khi ăn nên bán khá chậm. Trước đây mỗi ngày cửa hàng bán được gần 50 kg táo thì hiện nay trung bình chỉ từ 10 đến 20 kg.

"Một số khách hàng đến đây hỏi mua, khi tôi đưa táo Fuji Nhật ra họ cũng bảo là giống loại của Trung Quốc lắm nhưng tôi cũng chịu chẳng biết thực hư thế nào. Có khi phía công ty họ cố tình tráo đổi tem nhãn thì mình làm sao phân biệt được" - bà Hoa băn khoăn.

Tại Hà Nội, đa số các cửa hàng hoa quả đều có bán loại táo Fuji Trung Quốc, có giá chênh lệch rõ rệt so với các loại xuất xứ từ Mỹ, Australia. Tại một số cửa hàng lớn có 2 loại táo Trung Quốc: táo bở giá 30.000 – 40.000 đồng một kg và táo đường Fuji vỏ bóng đẹp giá 60.000 - 70.000 đồng một kg.

Chủ một cửa hàng hoa quả nhập khẩu trên đường Cầu Giấy giới thiệu: “Loại táo Trung Quốc này có màu sắc đẹp mắt, để được lâu nhưng ít người mua hơn. Thông thường khách hàng hay mua táo Úc, táo Mỹ, ăn giòn, ngọt và bảo đảm an toàn. Táo Trung Quốc chỉ sử dụng để bày mâm ngũ quả thôi”.

Tương tự tại chợ Nghĩa Tân hầu hết cửa hàng đều bán loại táo Fuji với giá từ 60.000 đồng một kg (xuất xứ Trung Quốc), 100.000 đồng một kg (Australia).

Từ vài năm qua người Hà Nội đã không mấy mặn mà với táo Trung Quốc, nhất là từ khi có thông tin về loại táo "cực đẹp cực độc", người tiêu dùng càng lo ngại.

"Giờ miền Bắc đang là mùa vải, mận, dưa hấu, giá lại rất rẻ nên chúng tôi toàn mua các loại quả này thôi, ai dại gì mua táo Trung Quốc ăn. Nếu có mua cũng chỉ để cúng vào ngày rằm, 30 vì táo đó to đẹp, lại thơm và để được lâu" - một vị khách nữ trên đường Hồ Tùng Mậu cho biết.

Trước tình hình này, một số chủ cửa hàng nhỏ đã nói dối rằng các loại táo bở (táo tàu) và táo đường (hay táo Fuji, táo dai) đều trồng ở Việt Nam. Nhiều chủ cửa hàng còn quảng cáo táo Fuji là loại táo xịn, màu sắc đẹp, ăn giòn và ngọt không như loại táo tàu (táo bở) có giá chỉ bằng một nửa.

Theo Nam Phương - Tri Ân - Phan Dương
VnExpress

Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
ADS_home_content_3
Trái
Phải
  • Sale
    Sale
LR_left_1
LR_right_1
Tin Ảnh

DV Văn Anh khoe giấy đăng ký kết hôn

Hai diễn viên Văn Anh và Tú Vi chính thức là vợ chồng.
Code_FB
 
 
ADS_681x
Trình độ học vấn của tôi là:
336x288
681x90
Quảng cáo