Billboard
ADS_Top_Right
  • Bigsize
    Bigsize
  • google.com, pub-4530016804051003, DIRECT, f08c47fec0942fa0
Tiêu điểm

Nhiều hãng sữa đề nghị nâng giá

11:15:40 11/12/2011

Các hãng sữa Mead Johnson, Abbott và Nestlé vừa nộp hồ sơ cho Bộ Tài chính, đăng ký nâng giá sản phẩm. Trong đó, một số loại có thể tăng giá đến 19%.

Công ty Mead Johnson đăng ký tăng giá 18-19% cho 3 trong 35 dòng sản phẩm như Anfalac loại 400 gram, Lactofree powder 400 gram, Prgestimil lipid powder 400 gram từ ngày 1/12.

Công ty TNHH Dược phẩm 3A chuyên phân phối sữa của Hãng Abbott nâng giá khoảng 9% đối với tất cả các loại sữa.

 

Từ ngày 20/12, công ty Nestlé Việt Nam cũng áp dụng điều chỉnh giá lên 8% đến 10% đối với 2 loại sữa là Nan và Lactogen Gold. Cách đây hơn 3 tháng, dòng sữa Lactogen, nhập khẩu từ Philippines của đơn vị này đã nâng giá 3% đến 10%. Đây cũng là đợt tăng giá thứ 3 trong năm 2011 của thị trường sữa bột.

Các loại sữa tăng giá trong lần này đều là sữa ngoại. Với mức tăng từ 8% đến đỉnh điểm là 19% như trên, giá các loại sữa của những hãng trên sẽ lên giá từ 10.000 đồng đến hơn 100.000 đồng mỗi hộp, tùy theo thương hiệu và khối lượng.

Đại diện của hãng Abbott Việt Nam cho rằng, sau khi điều chỉnh, giá sản phẩm của họ vẫn ở mức hợp lý so với dòng sữa cao cấp. Tình hình thị trường và chi phí hàng hóa tăng cao như hiện nay là nguyên nhân chính để nâng giá sữa trong đợt này. "Chi phí tăng trong những tháng gần đây liên quan nhiều đến vận chuyển, thuế và giá nguyên liệu trên thế giới" - anh nói.

Cùng quan điểm như vậy, nguồn tin từ Nestlé Việt Nam cho biết, lý do khiến giá 2 loại sữa trên của công ty này nâng từ 8% đến 10% là do nguyên liệu nhập đắt, lương nhân công cùng chi phí sản xuất đều tăng. Giải thích về việc hiện tượng các hãng sữa thường đồng loạt tăng giá cùng một thời điểm, đại diện của Nestlé thừa nhận giá cả hàng hóa phụ thuộc nhiều vào thị trường và đối thủ cạnh tranh.

"Nếu hãng đối thủ không tăng giá thì dù khó khăn, bằng mọi cách, mình cũng phải giữ giá để cạnh tranh. Đây là nguyên nhân khiến các hãng sữa thường cùng điều chỉnh giá một đợt" - anh nói. Thêm đó, nhiều nhà máy có trụ sở sản xuất tại Thái Lan, trong tình hình lụt lội như hiện nay khiến tổng cung của thị trường bị ảnh hưởng, góp phần khiến giá sữa đắt lên.

Một số đơn vị sản xuất sữa trong nước chưa có ý định tăng giá thời gian này. Bà Bùi Thị Hương (Giám đốc đối ngoại Công ty cổ phần Sữa Vinamilk) khẳng định doanh nghiệp này đã cam kết thực hiện chương trình bình ổn giá nên đến hết năm nay không có sản phẩm nào tăng giá.

PGS. TS. Ngô Trí Long (chuyên gia kinh tế) cho rằng hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh sữa đều nhập khẩu độc quyền và có chi phí quảng cáo rất lớn. Đó lại là thực phẩm dinh dưỡng, vấn đề an toàn là số một nên không tránh khỏi việc bị đẩy giá do tâm lý tiêu dùng.

Theo ông, sữa không phải là mặt hàng do Chính phủ định giá nên dù đã áp dụng chương trình bình ổn giá thì vẫn rất khó kiểm soát. "Để quản lý mặt hàng này, các cơ quan thuế cần kiểm tra chi phí nguyên liệu đầu vào, sản xuất và doanh thu. Nếu thấy lãi quá lớn, nâng giá bất hợp lý thì cần đánh thuế cao phần lợi nhuận, lấy số tiền đó đóng góp vào phúc lợi xã hội" - ông Long nói.

Một vấn đề bất hợp lý nữa là so với mặt bằng chung trên thế giới, thuế nhập khẩu sữa tại Việt Nam và nhu cầu sử dụng còn khá thấp, song giá lại thuộc hàng rất cao. "Nếu tăng giá sữa, người tiêu dùng chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng rất lớn, nhất là khi thu nhập của người lao động nói chung đều chưa cao" - chuyên gia Ngô Trí Long nhận định.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó cục trưởng Cục quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết đơn vị này sẽ tiến hành rà soát và yêu cầu các công ty trên giải trình về mức tăng giá sữa trên. Kể cả sau thời điểm áp dụng mức giá mới, nếu nhận thấy bất cập và sai phạm trên thị trường , cơ quan Nhà nước vẫn có quyền yêu cầu dừng việc nâng giá của doanh nghiệp.

Bỏ sữa Nhật xách tay vì sợ phóng xạ

Ngay sau khi nhận được thông tin sữa Meiji Step của Nhật bị nhiễm phóng xạ, Quỳnh Thư (nhân viên văn phòng tại Hà Nội) bất chấp mưa gió, về nhà, kiểm tra ngày sản xuất và hạn sử dụng thùng sữa Meiji đã mua. Cô hoảng hốt khi thấy hộp sữa con uống dở Meiji số 9 có ngày hết hạn là tháng 10/2012, đúng với lô hàng mà hãng Meiji bên Nhật đang thu hồi.

"Không chỉ hộp đang uống dở này mà 6 trong số 9 hộp sữa xách tay còn lại cũng có cùng hạn như trên" - Thư than vãn với các bà bạn quen cũng đang nuôi con nhỏ. Không những bỏ ngay hộp Meiji đang uống, cô cũng bỏ luôn cả những hộp chưa dùng, dù mỗi hộp có giá tới 550.000 đồng. "Chỉ thương con đã uống gần hết một hộp sữa có nhiễm xạ" - Thư sụt sùi nói.

Nhiều người khác tỉnh táo nhận định hàm lượng phóng xạ phát hiện được vẫn nằm trong mức cho phép nên không cần phải lo lắng thái quá. Mặc dù vậy, không ít bà mẹ chuyển cho con sang dùng các loại sữa khác hoặc hạn sử dụng khác để yên tâm.

Việc các bà mẹ lo lắng trước thông tin Nhật thu hồi sữa Meiji Step cũng ảnh hưởng không nhỏ đến việc kinh doanh mặt hàng này tại Hà Nội lẫn TP HCM. Chị Hương (chủ chuỗi cửa hàng Hương Diện Baby Shop, một trong những kênh phân phối hàng Nhật lớn tại Hà Nội) cho biết, sau khi có tin hãng Meiji thu hồi sữa, chị đã thông báo ngay cho các khách hàng mua sữa Meiji số 9 có date tháng 10/2012 mang hàng lại đổi.

"Từ lúc ra thông báo hôm qua đến nay, đã có nhiều người mang sữa date như trên đến hoàn trả. Ngoài ra, có cả khách từ TP HCM gọi điện cho biết sẽ gửi sữa ra theo đường bưu điện. Việc đổi trả như thế này cũng gây khá nhiều thiệt hại cho doanh nghiệp. Riêng lãi suất ngân hàng trong quá trình đặt hàng, chờ hàng về, tiền thuế đều là do chúng tôi bỏ ra" - chị cho biết.

Anh Hoàng (chủ cửa hàng kinh doanh sữa ở Nguyễn Thông, quận 3, TP HCM) cho biết, một số khách quen cũng lo lắng chất lượng sữa Meiji tại Việt Nam nên không mua tiếp và chờ kết luận của cơ quan chức năng. "Dù có thuyết phục hàng nhập về đã được kiểm tra kỹ mới cho lưu thông trên thị trường, nhưng thông tin này ít nhiều cũng ảnh hưởng tới tâm lý người tiêu dùng, khiến họ e ngại sử dụng" - anh Hoàng nói. Chính vì vậy, sữa Meiji loại 1 giá 390.000 đồng, 380.000 đồng đối với loại 2, loại 3 có giá 360.000 đồng, hộp 900 gr, cửa hàng của anh cả ngày nay không bán được hộp nào.

"Tuy người bán nói đây là hàng có chứng nhận nguồn gốc hẳn hoi, được kiểm tra mức an toàn phóng xạ tại Việt Nam nhưng họ không chứng minh, bởi đó có thể là hàng xách tay không rõ xuất xứ. Tạm thời tôi cho con dùng loại khác" - chị Hằng (ở quận Bình Thạnh, TP HCM) lo lắng.

Tại Việt Nam, nhiều bà mẹ chuộng sữa Nhật xách tay, nhất là những người chọn phương pháp nuôi con kiểu Nhật. Trên thị trường, một số loại sữa Nhật như Meiji, Wakodo, Icreo hay Morinaga đều được nhiều người tiêu dùng lựa chọn, dù giá cả khá cao so với mặt bằng chung. Mỗi hộp sữa Meiji giá từ 300.000 đồng đến 550.000 đồng, sữa Wakodo có giá 225.000 - 418.000 đồng, sữa Morinaga có giá 215.000 - 485.000 đồng, tùy theo trọng lượng 320gr hay 850gr, sữa Icreo giá lên đến 600.000 - 700.000 đồng loại số 0 và số 9.

Ngày 8/12, Meiji Việt Nam đã chính thức khẳng định toàn bộ lô hàng của hãng khi xuất đi và nhập về Việt Nam đều được kiểm tra mức an toàn phóng xạ. Mẫu được gửi kiểm nghiệm tại Viện Vệ sinh y tế công cộng TP HCM. Hiện Meiji tại Việt Nam phân phối 5 dòng sản phẩm: Meiji Mama, Meiji Gold 1, Meiji Gold2, Meiji Gold 3, Meiji Gold 4. Trong đó Meiji Gold 1 và 2 sản xuất đóng gói tại Nhật Bản; Meiji mama và Meiji Gold 3, 4 sản xuất đóng gói ở Australia.

 Theo VnExpress

Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
ADS_home_content_3
Trái
Phải
  • Sale
    Sale
LR_left_1
LR_right_1
Tin Ảnh

DV Văn Anh khoe giấy đăng ký kết hôn

Hai diễn viên Văn Anh và Tú Vi chính thức là vợ chồng.
Code_FB
 
 
ADS_681x
Trình độ học vấn của tôi là:
336x288
681x90
Quảng cáo