Billboard
ADS_Top_Right
  • Bigsize
    Bigsize
  • google.com, pub-4530016804051003, DIRECT, f08c47fec0942fa0
Tiêu điểm

TP HCM: Nhiều mặt hàng tăng giá

08:40:40 31/08/2010

Ở kênh chợ truyền thống, những mặt hàng như: gas, dầu ăn, gạo, đường... đã tăng giá từ nửa tháng nay, khiến bà nội trợ đau đầu với bài toán chi phí hàng ngày.

Các loại gạo, nếp nhích lên 500-2.000 đồng mỗi kg, trong đó, gạo ngang tăng mạnh nhất. Bán gạo tại chợ Thị Nghè (quận Bình Thạnh), bà Tâm than thở: "Gạo ngon tuy chỉ lên vài trăm đồng, nhưng cũng rất khó bán. Người mua so kè giá từng loại, thậm chí dùng hẳn loại khác và cũng không mua một lần cả chục kg như trước".

Dịch heo tai xanh lan rộng khắp các địa phương là một trong những nguyên nhân khiến sức tiêu thụ thủy hải sản, thịt gà, bò tăng lên. Hiện tất cả các loại cá đều điều chỉnh giá, thấp nhất 1.000-3.000, có loại vượt tháng trước gần chục nghìn đồng. Cá thu nguyên con ở mức 80.000 đồng một kg, con to trên 90.000 đồng. Cá nục, hường, vượt 30.000 đồng một kg, trong khi nửa tháng trước chỉ xấp xỉ 23.000-27.000 đồng. Thịt bò thăn cũng lên nhẹ, hiện các chợ chào giá 140.000 đồng mỗi kg.

Trứng gia cầm (gà, vịt) lên 1.000 đồng một chục, từ cả tuần nay. Giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng là 20.000-21.000 đồng. Song, theo các tiểu thương, do đang là tháng ăn chay lớn trong năm, nên sức mua mặt hàng này giảm đáng kể so với trước đó.

Gạo, nếp tăng 500-2.000 đồng một kg, từ cả tuần nay.

Dầu ăn các loại sau áp giá mới đã cao hơn đầu tháng 1.000-2.000 đồng (27.000-31.000 đồng), trong khi giá áp dụng đến hết năm ở các điểm bán hàng bình ổn chỉ 24.500-25.600 đồng. Đường bán lẻ cũng tăng lên 19.000-20.000 đồng, thay vì phổ biến mức 18.000 đồng. Hiện đường túi Biên Hòa, đường kem Bến Tre đều 21.000 đồng một kg, đắt hơn 3.000 đồng so với giá bán của các doanh nghiệp tham gia bình ổn năm 2010 và Tết Tân Mão 2011.

Giá nhiều nguyên liệu thay đổi và tăng cao so với cùng kỳ, là nguyên nhân khiến chiếc bánh trung thu đến tay người tiêu dùng năm nay đắt hơn năm ngoái ít nhất 10%. Các đơn vị kinh doanh còn "dọa" phải tăng 25-30% mới tương thích với sự leo thang của hàng loạt mặt hàng.

Giám đốc kênh phân phối siêu thị phía Nam, Công ty TNHH dầu thực vật Cái Lân Tô Nguyễn Thanh Phong cho biết: "Doanh nghiệp đã có kế hoạch tăng giá từ cuối tháng 7 vì nguyên liệu đầu vào trên thị trường thế giới tăng lên". Nhiều nước châu Á trong đó có Trung Quốc gom nguyên liệu sản xuất dầu ăn để làm bánh trung thu, khiến nguyên liệu sản xuất khan hiếm và tăng giá. Cộng thêm biến động về tỷ giá đồng USD, nên việc tăng giá hàng hoá, theo ông Phong chỉ là sớm hay muộn.

Thế nhưng, do có thể cầm cự sử dụng nguồn nguyên liệu dự trữ nên đến tháng 8 công ty mới chính thức tăng giá dầu ăn ở các chợ. Tuy nhiên, ở một số hệ thống siêu thị, giá không đổi, do doanh nghiệp đã đăng ký tham gia tháng bán hàng khuyến mãi, bình ổn giá, để hỗ trợ người tiêu dùng mua sắm trong tháng 9.

Chưa thể khẳng định có tăng giá dầu ăn tiếp tục trong thời gian tới, bởi "Tất cả tuỳ thuộc vào lượng nguyên liệu đầu vào dự trữ còn nhiều hay ít. Nếu nguyên liệu đã hết thì việc tăng giá là khó tránh khỏi" - ông Phong chia sẻ.

Trong khi đó, nhiều ngày qua, các siêu thị cũng nhận được yêu cầu đề nghị tăng giá của nhiều nhà sản xuất.

Theo lãnh đạo siêu thị Citimart, một số nhà cung cấp đề nghị giá hàng hóa tăng 5-8% từ vài tháng nay. Trong đó, thức uống, nước giải khát tăng 10%, hàng may mặc lên 5%, sữa 6-8%, nhựa gia dụng tăng khoảng 7%.

Tổng giám đốc Liên hiệp hợp tác xã thương mại TP HCM (Saigon Co.op) Nguyễn Thị Hạnh cho biết một số nhà sản xuất, phân phối các ngành hàng may mặc, hoá mỹ phẩm, đồ dùng gia đình đề nghị tăng giá. Tuy nhiên, Saigon Co.op sẽ cân nhắc và xem xét lại toàn bộ hợp đồng đã ký cũng như tình hình thực tế của thị trường mới tính đến chuyện chấp thuận hay từ chối.

Bà Hạnh cho hay, nhóm hàng gia dụng có nguồn gốc nhập khẩu, hàng may mặc có nguồn nguyên liệu nhập, ngành nhựa, hàng gia dụng cũng khó tránh khỏi cơn bão tăng giá trong thời gian tới. Bởi tuy hàng hoá "made in Việt Nam" nhưng đầu vào đều phải nhập, nên các nhà sản xuất gặp không ít khó khăn. Đây cũng là điểm yếu mà các doanh nghiệp trong nước cần khắc phục để tránh tình trạng bị sức ép quá lớn khi nguồn nguyên liệu đầu vào khan hiếm hoặc tăng cao.

Lãnh đạo Saigon Co.op cho hay, thời gian tối thiểu để phản hồi với các nhà phân phối về đề nghị tăng giá là một tháng vì nếu sự điều chỉnh giá chậm trễ thì bản thân nhà sản xuất hàng hóa cũng rút lui.

"Thuận lợi của Saigon Co.op chính là có sự chuẩn bị, dự trữ và bình ổn giá tốt nên tạm thời giá cả hàng hoá tại siêu thị vẫn ổn định không có sự điều chỉnh" - bà Hạnh nói.

Theo VnExpress

Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
ADS_home_content_3
Trái
Phải
  • Sale
    Sale
LR_left_1
LR_right_1
Tin Ảnh

DV Văn Anh khoe giấy đăng ký kết hôn

Hai diễn viên Văn Anh và Tú Vi chính thức là vợ chồng.
Code_FB
 
 
ADS_681x
Trình độ học vấn của tôi là:
336x288
681x90
Quảng cáo