Billboard
ADS_Top_Right
  • Bigsize
    Bigsize
  • google.com, pub-4530016804051003, DIRECT, f08c47fec0942fa0
Tiêu điểm

Sữa giá cao nhưng chất lượng "ơ kìa"

16:08:40 19/09/2008

Thu nhập của người Việt Nam thuộc loại thấp của thế giới nhưng giá sữa lại ở hàng “đỉnh”. Mặt khác, chất lượng của mặt hàng này chưa chắc đã tương đương với giá.

Đẩy chiếc xe chở hàng đi tới đi lui vài vòng quanh giá bày sữa trong siêu thị, chị Hoàng Thu Linh (ngụ ở 130 phố Đốc Ngữ, Hà Nội) vẫn không biết chọn mua cho con trai 3 tuổi của mình loại sữa nào.

Nâng lên đặt xuống đến mấy lần một hộp sữa ngoại 900 gr, chị thở dài: “Chẳng biết có thật sự tốt như quảng cáo trên TV và trên nhãn hộp này không mà giá cao thế, đắt gần gấp đôi sữa nội. Thôi đành tự an ủi rằng giá cao chất lượng cũng cao”.

 

Chị Vũ Thu Hiền (ở ngõ 24 Chùa Láng) chép miệng: “Giá sữa ngày càng tăng đến chóng mặt mà chẳng biết chất lượng có tăng được tí nào không. Mình là người trần mắt thịt, mua hàng cũng chỉ biết nhìn vào tên tuổi của hãng sữa đã quen thuộc với người tiêu dùng hay chưa mà mua thôi. Nếu nhà sản xuất có cho sữa kém chất lượng vào đóng hộp thì người mua cũng khó mà biết được”.

Quả thật, trở thành một “người tiêu dùng thông thái” khi chọn mua được loại sữa đáng tin cậy trên thị trường hiện nay là một việc vô cùng khó khăn. Bởi lẽ, thị trường Việt Nam đang có quá nhiều loại sữa, từ sản xuất trong nước đến nhập khẩu và cả sữa lậu. Chúng được bày bán tràn lan trên khắp các ngõ phố, chợ và siêu thị.

Có đáng “đồng tiền bát gạo”?

Số mặt hàng sữa ở Việt Nam rất nhiều nhưng giá cả vẫn cao so với nhiều nước. Đây là thông tin do một công ty nghiên cứu thị trường vừa công bố, trùng hợp với kết quả phân tích của Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn. Theo đó, trong lúc giá sữa bán lẻ bình quân 1 kg sữa ở các nước Đông Âu và Nam Mỹ chỉ có 0,4 USD, các nước Bắc Mỹ, châu Đại Dương, Trung Quốc 0,8 USD thì ở Việt Nam, con số này là 0,82 USD.

Năm 2008, giá sữa ở Việt Nam tiếp tục tăng vọt, trong đó giá các sản phẩm sữa dành cho trẻ em tăng 18-30%. Lý giải việc này, đại diện các hãng cho biết dù thuế nhập khẩu sữa thấp (chỉ khoảng 15%) nhưng giá sữa vẫn đội lên vì các chi phí quảng cáo và xâm nhập thị trường.

Giá sữa cao ngất ngưởng không có nghĩa là chất lượng cũng được đảm bảo. Bà Nguyễn Thanh Đàm, đại diện phân phối nhãn sữa Primavita nhập khẩu từ Hà Lan, cho biết: "Cùng một sản phẩm của một công ty nhưng nguồn sữa và quy trình đóng gói tại mỗi nước khác nhau, khiến cho chất lượng khác nhau". Ví dụ, sữa sản xuất và đóng gói tại Hà Lan chất lượng sẽ khác hẳn sản phẩm cùng loại sản xuất và đóng gói tại một nước khác. Theo bà Đàm, thị trường Mỹ và EU vô cùng ngặt nghèo về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, đặc biệt là đối với sữa cho trẻ em. Thế nhưng ở châu Á, đặc biệt là các nước Đông Nam Á, tiêu chí này giảm xuống mức rất thấp.

Ngoài chuyện giá cao, một số hãng sữa còn nhập nhằng trong khâu quảng cáo, chẳng hạn một sản phẩm được giới thiệu là chế biến từ sữa tươi nguyên chất nhưng thực ra thành phần chính lại là… sữa bột. Thực chất đây là sự  “lập lờ đánh lộn con đen”, lừa dối khách hàng để tăng lợi nhuận.

Khó kiểm tra chất lượng

Sau “sự kiện” sữa Sanlu (Tam Lộc) của Trung Quốc nhiễm hóa chất melamine gây sỏi thận, thị trường sữa Việt Nam có lắng lại đôi chút, đặc biệt là thị trường “chợ đen”. Các loại sữa không rõ nguồn gốc, bán theo cân ít được bày công khai tại các cửa hàng, nhưng nếu khách mua có nhu cầu thì cần bao nhiêu cũng được đáp ứng.

Ông Nguyễn Hùng Long, Phó Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Bộ Y tế, cho biết theo nguyên tắc, sản phẩm sữa muốn lưu hành trên thị trường Việt Nam phải đăng ký và công bố chất lượng, sau đó mới được phép nhập khẩu. Khi nhập vào Việt Nam, sản phẩm sẽ phải qua khâu kiểm tra của nhà nước. Hiện cả nước có 12 đơn vị có chức năng kiểm tra chất lượng sữa trên toàn quốc, như Trung tâm Kiểm nghiệm dinh dưỡng (Quartest 1-2) và một số trung tâm kiểm nghiệm thực phẩm tại các tỉnh, thành phố lớn.

Tuy nhiên, ông Long cũng thừa nhận, việc kiểm tra chỉ có thể được thực hiện với những loại sữa có đăng ký chất lượng và nhập khẩu theo đường chính ngạch. Còn với loại sữa trôi nổi, sữa xách tay không rõ nguồn gốc thì không kiểm tra hết được.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Lâm - Phó Viện trưởng Viện dinh dưỡng Quốc gia khuyến cáo người tiêu dùng rằng, dù là sữa nhập khẩu hay sản xuất trong nước thì khi mua cũng nên xem nó được sản xuất, đóng gói tại đâu, của công ty nào, ngày sản xuất, hạn dùng ra sao, có đăng ký theo quy định của nước sản xuất hay không.

Không nên mua sữa theo quảng cáo, truyền miệng. Cũng không nhất thiết mua sữa quá đắt tiền vì cơ thể của mỗi người, đặc biệt là trẻ em, có sự hấp thụ khác nhau. Cần xem kỹ các thông tin dinh dưỡng in trên nhãn sản phẩm. Cách tốt nhất là tham khảo bác sĩ dinh dưỡng để lựa chọn đúng loại thích hợp.

Theo Báo Đất Việt

Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
ADS_home_content_3
Trái
Phải
  • Sale
    Sale
LR_left_1
LR_right_1
Tin Ảnh

DV Văn Anh khoe giấy đăng ký kết hôn

Hai diễn viên Văn Anh và Tú Vi chính thức là vợ chồng.
Code_FB
 
 
ADS_681x
Trình độ học vấn của tôi là:
336x288
681x90
Quảng cáo