Nhớ lại quãng thời gian trước đây, khi hai mẹ con Minh Châu phải bươn chải để nuôi nhau, chị luôn tự hỏi, làm thế nào mà mình có thể vượt qua những ngày khó khăn, cơ cực, không nhà cửa, không tiền bạc, không gia đình như vậy.
Thành công trong công việc nhưng bất hạnh trong hôn nhân
 |
Minh Châu thừa nhận trong gia đình có người làm nghệ thuật thì những người thân đều chịu sự thiệt thòi. |
Để sống và hết mình với công việc thì Minh Châu đã phải hy sinh nhiều thứ và thứ quý giá nhất là hạnh phúc gia đình. Thực ra, chuyện gia đình chị tan vỡ không hẳn do công việc mà còn nhiều thứ khác chi phối. Châu thừa nhận trong gia đình có người làm nghệ thuật thì những người thân đều chịu sự thiệt thòi. Chồng chị bị hen, mất đột tử năm 1999, nhưng thực chất họ đã ly thân từ năm 1989.
Chị và Tuấn (tên chồng Minh Châu) gặp mặt nhau lần đầu tiên khi anh tới xem phim ở Hãng phim truyện Việt Nam. Ban đầu, hai người vô tình ngồi cạnh nhau, sau Châu chuyển xuống hàng ghế dưới, thỉnh thoảng vẫn thấy người con trai đó liếc xuống nhìn trộm. Tuấn vốn là một kiến trúc sư tài hoa, nhân hậu nhưng lãng tử. Anh chơi với mấy người bạn ở Hãng – nơi Châu công tác. Tuấn nhờ bạn bè giới thiệu và tác động bắt đầu từ những buổi cafe trò chuyện, sau đến việc anh làm Châu mê tít vì biết xem bói bài Tây. Dần dần, Châu cảm mến anh qua những bài thơ anh viết. Anh lao đến chị như một cơn bão làm chị khó cưỡng lại thứ tình yêu sét đánh đó.
Hơn nữa, Minh Châu lại thích những người đàn ông mạnh mẽ và cá tính như anh. Nắm được tâm lý của chị, trong những lần gặp gỡ, anh thường rào trước đón sau với những câu tán tỉnh tếu táo nhưng khá tinh tế và rất có duyên. Chẳng hạn, khi xem bói, anh đã phán với Châu rằng "Trong tháng này, em sẽ quen thêm một người đàn ông và... người đó chính là anh".
Thế rồi, tình yêu đến với họ rất nhanh. Mãi sau này lấy nhau rồi, Châu có hỏi tại sao Tuấn thích chị thì anh bảo “Ngay từ buổi xem phim đó, anh rất ấn tượng với cô bé có đôi mắt rất to ngồi bên cạnh và tự nhiên đã có linh cảm rằng đây sẽ là vợ của anh”. Tuấn là kiến trúc sư, người Hà Nội, lại là con một nên hồi đầu gia đình không đồng ý cho anh lấy vợ là diễn viên. Nhưng anh chị yêu nhau thật lòng và quyết lấy nhau cho bằng được.
Đám cưới của họ được tổ chức vào năm 1981 và đến cuối năm 1982 thì cô con gái Kiều Linh ra đời. Tuấn là người thông minh và đa tài, sau khi lấy Châu anh quyết định đi học thêm ngành đạo diễn, nhưng nghề chính vẫn là kiến trúc sư. Sống cùng anh, chị học được rất nhiều từ cách đối nhân xử thế đến thái độ bao dung với mọi người.
Tuy nhiên, cuộc sống sau hôn nhân không hoàn toàn màu hồng như họ tưởng tượng. Châu càng ngày càng hiểu Tuấn còn nghệ sĩ hơn nhiều so với tính nghệ sĩ của chị. Châu thích ổn định từ việc lớn đến việc nhỏ, trong khi đó quan niệm của anh thì dễ dãi với mọi thứ. Trong công việc cũng như trong cuộc sống, Châu là người luôn hết lòng vì mọi chuyện, nhận việc gì giúp ai chị cũng cố gắng làm đến nơi đến chốn. Nhưng anh khác chị, ai nhờ làm việc gì anh cũng cả nể và nhận lời.
Khi công việc quá tải, chồng chất lên nhau khiến anh trở thành người thất hứa, mà điều này chị không thích vì dần dần theo đà đó sẽ biến anh thành người vô trách nhiệm. Những cuộc cãi vã bắt đầu nổ ra. Chưa hết, tính ghen bóng ghen gió của Tuấn cũng khiến Châu phải chịu đựng từ hồi còn yêu nhau. Hồi đó, Châu phải đi làm phim ở Đồ Sơn. Tuấn nhớ người yêu đến mức đi tàu từ Hà Nội xuống Hải Phòng, rồi từ đó đi bộ ra Đồ Sơn để gặp nàng. Tuấn yêu mãnh liệt nhưng ghen cũng không kém. Lần nào, anh quay lên Hà Nội thì giữa hai người cũng đã xảy ra một trận cãi nhau trước đó.
Một lần khác, Châu phải đến đoàn buổi sáng sớm vì hôm đó là ngày bấm máy nên những thành phần chính phải có mặt để làm một cái lễ cúng trời đất. Tuấn cũng biết rõ điều này, hơn nữa đạo diễn phim đó lại là bạn của anh, nhưng anh vẫn khóa trái cửa không cho Châu đi. Mãi về sau, Châu phải dùng đến biện pháp đe dọa thì anh mới mở cửa cho chị tới đoàn trong bộ dạng nước mắt ngắn nước mắt dài. Có những phim Tuấn là phó đạo diễn như Cô gái trên sông, dù đã thuộc làu kịch bản và lúc nào cũng có mặt ở hiện trường, nhưng hễ có những cảnh Châu phải thân mật với bạn diễn thì anh vẫn ghen.
 |
Diễn viên Minh Châu và con gái Kiều Linh năm 1983 |
Thái độ của anh thể hiện ở sự khó chịu ra mặt, khiến Châu luôn cảm thấy mệt mỏi. Mặc dù trước đó, đạo diễn Đặng Nhật Minh đã động viên "Nếu Châu nhận vai này thì sẽ không quay những cảnh hở hang mà có người đóng thế". Cuối cùng, từ những mâu thuẫn tưởng chừng rất nhỏ đã đẩy mối quan hệ của hai vợ chồng đến bên bờ vực thẳm. Và giọt nước tràn ly khi con gái anh chị đến tuổi đi học.
Trong chuyến đi tham dự Liên hoan phim ở Tiệp Khắc, Minh Châu luôn ở trong tâm trạng áy náy vì chưa xin được cho con nhập học. Mặc dù, trước đó chị đã nhắm một trường có tên tuổi và chồng chị hứa sẽ đảm nhận việc này. Nhưng cuối cùng, anh đã làm lỡ việc học của con khi chị trở về mà ngày khai giảng lại đang gần kề. Các trường đã chốt danh sách nhận học sinh nhưng Minh Châu vẫn đánh liều sang trường Hồng Hà ở gần nhà trực tiếp nói chuyện với cô hiệu trưởng nhờ giúp đỡ.
Sau khi nghe Châu nói nguyện vọng của cô con gái là nếu không xin được đi học thì chỉ cần hôm nào khai giảng mẹ đưa đến xem, cô hiệu trưởng đã bật khóc và rất thương hoàn cảnh của Châu. Cô đã dành cho con gái chị một sự ưu ái mặc dù trường không nhận học sinh từ trước đó khá lâu.
 |
Chị bảo là chấp nhận bốn chữ "hồng nhan bạc phận" nếu đó là số phận. |
Sau vết rạn này, Minh Châu và chồng bắt đầu cuộc sống ly thân. Suốt 10 năm ly thân, anh chị vẫn quan tâm tới nhau mặc dù tình cảm vợ chồng không còn, giữa họ đã có một hố sâu ngăn cách nên chỉ còn tình thương. Căn nhà anh đang xây dở với tất cả đồ đạc trang trí đều được làm bằng chữ C. Anh vẫn bảo xây nhà xong thì sẽ đón Châu về nhưng anh ra đi quá đột ngột.
Hồi anh mất, Châu tưởng mình không sống nổi vì xung quanh mọi người điều tiếng, dèm pha. Người đời vẫn ít có cái nhìn rộng lượng với người phụ nữ, cho dù lỗi không phải tất cả ở họ. Mọi người nhìn chị với ánh mắt trách móc, nhiều lời nói bóng gió ám chỉ cái chết của anh cũng là một phần lỗi ở chị nhưng chị không thanh minh.
Sau cái chết của anh, chị đã phải thuê luật sư, bán căn nhà đó để trả nợ vì anh nợ nần quá nhiều. Ba tháng sau ngày anh mất, Châu mất ngủ triền miên vì sợ cái chết đột ngột của anh, sợ tiếng chuông điện thoại ban đêm, sợ bóng tối và liên tục phải nhờ đến rượu để chợp mắt. Nhưng cuối cùng, chị nghĩ rằng phải sống để nuôi con nên người. Ơn trời, Kiều Linh – con chị khôn trước tuổi, hiểu được tình cảnh của bố mẹ nên chẳng bao giờ trách giận ai.
Một mình chèo chống nuôi con
 |
Giờ thì chị nhận ra rằng, không có tình yêu nhưng chị vẫn có những tình cảm khác đáng trân trọng hơn. Đó là một cô con gái ngoan ngoãn, thành đạt và một công việc ổn đinh với những niềm vui riêng. |
Nhớ lại quãng thời gian trước đây, khi hai mẹ con Minh Châu phải bươn chải để nuôi nhau, chị luôn tự hỏi, làm thế nào mà mình có thể vượt qua những ngày khó khăn, cơ cực, không nhà cửa, không tiền bạc, không gia đình như vậy. Chị đã xách valy và mang theo con gái ra khỏi ngôi nhà chung và chưa một lần quay trở lại. Hai mẹ con chị đi ở nhờ khắp nơi.
Sau này, tiền làm phim dành dụm được chị mua một căn nhà, nhưng chẳng khác gì túp lều rách, rộng chừng 8m2 dột nát và thiếu thốn. Thế rồi, nhà bên cạnh có ý muốn mua lại túp lều ấy để thông sang cho rộng hơn nên chị bán vì họ trả giá hời. Chị cầm tiền đó đi mua chỗ khác rộng hơn, nhưng môi trường ở đây không an toàn, đầy tệ nạn nên chị lại quyết định bán nhà. Sau mỗi lần bán, chị đều lời ra một chút và không lâu sau, hai mẹ con về sống với chị gái.
Những năm 1990, giá nhà đất bắt đầu sốt lên, tiền bán nhà còn lại Minh Châu dành để mua đất. Chị mua chỗ này rồi lại bán chỗ khác, như có lộc đất đai nhà cửa. Có những lần chị mua và bán nhà trong cùng một ngày, nghĩ lại nhiều khi chị thấy mình liều thật. Mọi người nói, chị mạng Hỏa nên hợp Thổ. Thật ra, chị cũng không hiểu mình mê kiến trúc tự bao giờ, có lẽ từ khi làm vợ của một kiến trúc sư. Ai rủ đi xem đất, dù thời tiết có xấu chị cũng đi ngay. Còn khi bắt gặp một nét kiến trúc tinh tế trên đường đi là chị dừng lại. Thú vui của chị là muốn biến những gì méo mó thành thứ có duyên. Nhiều mảnh đất xấu, không ai mua, nhưng dưới con mắt của chị, luôn tin rằng sẽ biến thành một căn nhà đẹp.
Quả thực, mỗi tổ ấm xinh xắn đó đều in dấu bàn tay và tâm huyết của chị. Chị thích được chăm chút cho căn nhà từ những góc nhỏ nhất. Và chị sẽ nhượng lại căn nhà cho những ai có sự đồng điệu về gu thẩm mỹ và khi có chút lãi đủ trang trải cuộc sống, chị lại đến nơi ở mới. Chị chuyển chỗ ở hàng chục lần và ngôi nhà hiện tại chị đang ở cũng là đi thuê để có thời gian chuẩn bị cho căn nhà mới.
 |
Minh Châu trong ngày vui của con gái |
Trên phim, Minh Châu luôn phải vào những vai bị chồng bỏ hoặc chồng chê nhưng ngoài đời, chị trẻ hơn nhiều so với tuổi của mình. Chị bảo là chấp nhận bốn chữ "hồng nhan bạc phận" nếu đó là số phận. Hồi trẻ, chị lầm tưởng về một thứ tình yêu vĩnh cửu. Nếu yêu ai đó thì sẽ sống với người ấy đến trọn đời. Giờ thì nhận ra rằng, không có tình yêu nhưng chị vẫn có những tình cảm khác đáng trân trọng hơn. Đó là một cô con gái ngoan ngoãn, thành đạt và một công việc ổn đinh với những niềm vui riêng.
Trước đây, Minh Châu đã từng trả lời trên báo chí rằng cũng có lúc còn ham hố chuyện gia đình, khát khao có một sự chia sẻ. Nhưng ngay lập tức, chị lại phản biện rằng sợ cuộc sống gia đình vì biết nghề nghiệp và tính cách của mình sẽ làm khổ những người thân bên cạnh. Chưa kể chị còn sợ mình không thể hy sinh cái tôi để làm tròn bổn phận của một người vợ. Trong công việc, chị là người nhạy cảm và đó là phẩm chất quan trọng của người nghệ thuật. Nhưng cũng bởi quá nhạy cảm mà những hệ lụy của nó khiến cho người ta khó kiếm tìm một cuộc sống như ta mong đợi.
Nhiều lúc, Châu nghĩ rằng có lẽ mình sống quá mạnh mẽ nên mới thiệt thòi như vậy, mà một người đàn ông thường thích ở cạnh một người phụ nữ yếu đuối để họ có thể bảo vệ và chăm sóc. Có lẽ vậy nên chồng chị từng ví von trên một con thuyền thì không thể cả hai cùng làm thuyền trưởng.
Theo TGDA