Billboard
ADS_Top_Right
  • Bigsize
    Bigsize
  • google.com, pub-4530016804051003, DIRECT, f08c47fec0942fa0
Tiêu điểm

NSND Thanh Hoa dè dặt khi nói về chồng cũ

18:00:22 17/05/2013
Nhiều chuyện đời chuyện nghề không hẳn nhiều người biết, chị đều trải lòng trong cuộc trò chuyện với tôi. Nhưng riêng chuyện về người chồng quá cố, nhạc sĩ Phan Lạc Hoa thì khá dè dặt. Chị nói sẽ viết trong một cuốn tự truyện, mà có thể sẽ không bao giờ công bố. Từng mưu sinh với nghề bán hàng nước - Là NSND với 40 năm ca hát, là chủ phòng trà Aladin nhưng nghe nói có lúc chị đã từng phải đi bán nước để kiếm sống?
NSND Thanh Hoa tự “vẽ chân dung”: “Cá tính, nhiều tham vọng, đa sầu đa cảm và đa tình. Hơi nhiều nhỉ? Nhưng chắc là do cái mạng của tôi là cây tùng bách mẫu, một mình đứng trên núi cao nên thế chăng?”.
- Đó là năm 1989-1990, lúc đó tôi đang là ca sĩ cho Đài Tiếng nói Việt Nam. Thời đó kinh tế khó khăn là cảnh chung của đất nước. Khó khăn, thiếu thốn đến mức mà nếu bây giờ kể lại cho lớp trẻ họ cũng khó mà tin được. Nhưng sự vất vả của tôi cũng chỉ kéo dài trong khoảng 2 năm đó thôi.  
Những năm đó, miền Bắc tràn ngập ca sĩ miền Nam. Có tới 10 năm liền, ca sĩ miền Bắc vắng bóng trên các sàn diễn. Huyền Thư - con gái đầu của tôi khi đó đang học tổng hợp văn. Cô con gái thứ 2 thì đang học lớp 10. Thằng út thì còn bé. Lương của tôi làm sao đủ để nuôi các con ăn học. Đành phải nghĩ cách để kiếm thêm tiền. Mà để đi bán hàng nước đâu có dễ, hồi đó, tôi gom mãi mới được 37 đồng làm vốn. Bàn ghế thì cũng đi mượn của mỗi nhà một vài cái. Đi lấy hàng thì mọi người thương nên bảo, cứ bán đi rồi lấy tiền sau, thành thử cũng không phải bỏ vốn là mấy. Được cái, tôi bán hàng cũng có duyên, lại ở 51 Trần Hưng Đạo (Hà Nội), chỗ đó có nhiều tổ chức hội nghề nghiệp nên quán của tôi thành chỗ đi về của rất đông anh em nghệ sĩ. Cứ 5 giờ sáng là đã có khách rồi. Không những thế, anh em nghệ sĩ ở khắp nơi, mỗi khi ra Hà Nội, thể nào cũng ghé thăm cái quán đó. Thành thử ra việc ca sĩ Thanh Hoa đi bán nước hồi đó không ai là không biết.   - Sau này chị mở quán Aladin hẳn là cũng xuất phát từ cái duyên biết lấy lòng khách này? -  Đúng vậy. Những ngày đó cho tôi rất nhiều kinh nghiệm sống. Cũng lận đận lắm mới tạo nên được thương hiệu Aladin như bây giờ. Khi Aladin còn ở phố Hàng Bột, đã có lúc, 5 người hát cho 4 người nghe. Ý định thành lập Aladin cũng hết sức tình cờ. Hồi đó, 90% là nhạc thị trường, tụ điểm văn hoá ở Hà Nội lại quá trống trải. Tôi muốn tạo nên một địa điểm để khán giả có điều kiện thưởng thức dòng nhạc chính thống. Và rồi Aladin cũng đã làm được điều đó và đến nay đã trở thành một thương hiệu riêng gắn với Thanh Hoa. 30 năm - ít nhất mỗi ngày cũng “lái tàu” 2 - 3 lần - Có một bình chọn hết sức dễ thương đó là nếu phải trao giải thì chị xứng đáng là nữ “lái tàu” qua đèo Hải Vân bền bỉ nhất, lâu năm nhất và an toàn nhất từ trước đến nay? -  Bạn cứ thử hình dung mà xem, bài hát ra đời năm 1978, ngày “qua núi” nhiều nhất là 6-7 lần, ít cũng 2-3 lần. Trong vòng 10 năm đầu, ngày nào cũng giữ kỷ lục đó. Khi tôi mở phòng trà Aladin cũng thế, hầu như ngày nào cũng được yêu cầu hát bài đó. Tính ra cũng đã 30 năm “qua đèo Hải Vân” an toàn còn gì. Cứ nhân lên với số năm, số tháng, số ngày thì đúng là một kỷ lục hiếm thấy. - Được biết, bài hát “Tàu anh qua núi” lúc đầu cũng có một số phận hết sức lận đận mới có được tên tuổi của nó? -  Đúng thế. Nó phải thu đi thu lại rất nhiều lần và qua nhiều khâu kiểm duyệt. Bởi lúc đó, Đài chỉ thu những bài của các nhạc sĩ nổi tiếng, được học hành bài bản chứ không chấp nhận nhạc sĩ nghiệp dư. Trong khi đó, anh Phan Lạc Hoa lại không phải là người học hành chính quy, lại chưa có tên tuổi gì. Vì thế, bài hát đó phải đi “đường vòng” là đến với khán giả trước rồi mới được thu thanh chính thức.   - Bài “Tàu anh qua núi” đã được ấn định bởi tên tuổi của NSND Thanh Hoa, liệu phải chăng điều đó có được là từ sự cộng hưởng bởi mối tình của chị với nhạc sĩ Phan Lạc Hoa, chồng chị? -  Không đúng. Bài hát làm nên sự nổi tiếng đầu tiên của tôi lại không phải là “Tàu anh qua núi” mà là “Em chọn lối này”, “Tình yêu của đất và nước”, “Làng lúa làng hoa”... Năm 1976, tôi về Đài và đến đầu năm 1977 thì được thu thanh bài hát “Con kênh ta đào”, trong khi đó, “Tàu anh qua núi” năm 1978 mới ra đời cơ mà. - Những bài hát nổi tiếng thường được nhiều ca sĩ tìm hát, nhưng với những bài đã được ấn định bởi NSND Thanh Hoa thì ít ai dám “đụng hàng”. Họ ngại bị so sánh hay bởi chị là người “độc quyền” ca khúc đó? - Cũng không hẳn đâu. Sau này, bài “Làng lúa làng hoa” thì ca sỹ Trung Anh hát cũng rất dễ thương. Mới đây, chị Thu Hiền cũng nói chuẩn bị ra một đĩa mới trong đó có bài “Tàu anh qua núi”. Khán giả hay so sánh chẳng qua vì ưu ái với mình thôi, chứ một bài hát mà chỉ một người hát thì thiệt thòi cho nhạc sĩ quá. Tác phẩm hay thì sống muôn đời và cần có người kế tục chứ. Âm nhạc cũng giống như một vườn hoa mà mỗi giọng hát là một bông hoa, nếu có nhiều người hát thì bài hát đó cũng được mang nhiều phong cách khác nhau, hương vị khác nhau.   Thích gặm nhấm nỗi cô đơn - Xung quanh cuộc đời chị có quá nhiều chuyện vui có, buồn có, ngay cả cái tên của chị mà khán giả yêu mến vẫn quen gọi là Thanh Hoa cũng là cả một câu chuyện giống như một định mệnh. - (Cười). Thực ra, nếu gọi đúng tên cha mẹ đặt thì tôi là Nguyễn Thị Thanh. Nhiều người cứ nghĩ cái tên Thanh Hoa của tôi là ghép với tên của anh Phan Lạc Hoa. Nhưng thực ra, cái tên đó có từ trước khi tôi gặp anh Hoa kia. Chắc đó cũng là duyên phận được sắp đặt trước. Năm 1969 tôi về làm cộng tác viên của Đài Tiếng nói Giải phóng. Chẳng nhẽ, mỗi khi giới thiệu tôi lên hát lại nói là: “Sau đây là ca khúc do ca sĩ Nguyễn Thị Thanh hát” thì nghe có vẻ không ổn. Lúc đó, ở Đài có một cặp song ca rất nổi tiếng là Thanh Hùng - Ngọc Hoa. Hai anh chị ấy đã gợi ý bảo tôi lấy tên ghép của hai người đó làm nghệ danh. Tôi thấy cũng hay và hợp nên cái tên Thanh Hoa bắt đầu xuất hiện từ ngày đó. - Ở tuổi này, điều chị thấy hài lòng nhất ở mình là gì? - Là sự bình yên trong tâm hồn và trong gia đình mình. Còn với bản thân, điều khiến tôi hài lòng đó là được trải nghiệm nỗi cô đơn. Vì tôi sinh ra đã là người của công chúng, ra sân khấu là nghe tiếng vỗ tay của khán giả dành cho mình. Chỉ có nỗi cô đơn là còn lại mình và là cái riêng của mình một cách trọn vẹn nhất. - Nhưng như thế cũng có nghĩa là chị không thể chia sẻ được với ai. Và người ta vẫn nói, khi buồn nếu được chia sẻ sẽ nhanh chóng vượt qua hơn? - Chắc chắn là như vậy, 90% con người trong cuộc đời này phải mang nỗi cô đơn nhưng không chia sẻ được với ai. Chỉ có điều, người khác có biết hay không thôi. Con người, ai cũng có khoảng trời riêng cho mình. Vượt qua chỉ là cách nói, một hành động mang tính khích lệ, còn thực ra, bản thân mỗi người nên biết giá trị của nỗi cô đơn. Tại sao lại phải vượt qua khi mà chỉ có lúc đó, mình mới được là chính mình và cũng chính lúc đó, mình sẽ tự tìm ra được lối đi. - Trước khi đến gặp chị tôi có đọc được một câu nói rằng: “Giữ bí mật để thế giới trong sạch hơn”. Chị có nhiều bí mật phải giữ kín không? - Tôi có nhiều bí mật chứ. Biết giữ bí mật chính là biết hưởng thụ nỗi cô đơn và cũng là để không làm tổn hại đến người khác. Giữ bí mật để không làm tổn hại đến thế giới thì hơi ghê. Tôi chỉ là người phụ nữ nhỏ bé. Cách làm trong sạch của tôi chỉ là tự mình gặm nhấm nỗi cô đơn của mình để không phải chia sẻ với ai, chỉ mình mình biết và gánh lấy mà thôi. Ai càng dấu được nỗi cô đơn cho mình thì càng giàu có về tâm hồn. Tôi biết giọng mình cũng... chua - Những lúc không ở trên sân khấu, chị là người như thế nào? - Lúc ở trên sân khấu, tôi là người rất dịu dàng, nhẹ nhàng và đằm thắm. Nhưng khi bước xuống sân khấu thì tôi như hổ vồ, sẵn sàng lao vào ai đó nếu họ làm điều gì sai với mình. Đã nát thì cho nát như cám luôn (cười). - Như thế thì sẽ bị coi là ghê gớm và làm mất lòng nhiều người? - Đúng thế. Tôi là người thẳng thắn đến mức không biết lấy lòng ai cả. Nhân thể nói về điều này, cho tôi được xin lỗi tất cả những ai từng bị tôi làm tổn thương. - Cá tính của chị là do bẩm sinh hay nó được hun đúc từ sự va đập trong cuộc sống mà nên? - Từ hồi trẻ tôi đã nổi tiếng là đanh đá rồi. Nhưng điều đó cũng một phần do cuộc sống tạo nên. Khi đã nổi tiếng, được công chúng nuông chiều và tung hô nên không biết sợ ai là gì. Nhưng tôi không mang tất cả những cái đó để đòi hỏi cho riêng mình, mà chỉ đanh đá trong nghệ thuật thôi. Vì thế mà đến giờ tôi vẫn ở nhà tập thể chứ đã mua được nhà đâu. Cứ định mua thì nhà lại lên giá. Chắc số tôi “trượt giá” với đất đai (cười). - Thẳng tính như chị thì hẳn là bị nhiều người không ưa rồi. Chị có tìm cách “phản pháo” không? - Nếu bị ai ghét thì tôi cũng không lấy đó làm buồn và ngược lại, nếu ai có yêu mình bằng trời thì nếu mình sốt 39 độ C thì cũng không ai sốt hộ mình một độ nào cả. Vì thế, chỉ có mình phải sống trách nhiệm với chính bản thân mình. Hay tại vì tôi xấu nên lúc nào tôi cũng cố gắng để mình đẹp hơn so với những gì mình có? Tôi chỉ đau khổ khi con cái không yêu mình và khi bước ra sân khấu thì bị đuổi xuống. - Tôi từng chứng kiến một chuyện khi còn bé, mỗi khi có ai đó mở băng của Thanh Hoa thì ngay lập tức người lớn bảo  “tắt ngay cái băng đó đi, hát gì mà chua như giấm. Mở băng Thu Hiền hoặc Trung Đức ấy”. Điều đó có khiến chị chạnh lòng? - Với những bài hát mang âm hưởng miền Trung thì không ai qua được chị Thu Hiền. Thế thì chẳng ai dại gì mà lại đi “lao” vào miền Trung cả. Tôi vẫn tự răn mình rằng đừng bao giờ ảo tưởng mình là số 1, rằng cả nhân loại thích mình. Về nhà, ra đường là mình phải được yêu mến, kính trọng. Hãy cứ hy vọng rằng mình chỉ làm được một nửa như mong muốn, như kỳ vọng thôi cũng đã tốt lắm rồi. Giọng của tôi thực ra không có gì đặc biệt, mảnh và lại còn “chua” nữa. Tôi biết có nhiều khán giả không thích giọng cao mà lại mảnh của tôi nhưng họ vẫn phải ghi nhận một điều là khi hát, tôi hát bằng cả tâm hồn mình. Thực ra, ít bị chê cũng là hạnh phúc lắm rồi.
Quan niệm của NSND Thanh Hoa về gia đình: “Tôi có quan niệm hơi khác về gia đình. Người ta vẫn hay nói gia đình là tổ ấm như một câu nói điển hình nhưng tôi không cho là như thế. Trong quan điểm của tôi, gia đình là nơi hưởng sự yêu thương nhưng đồng thời phải biết chịu đựng những thói hư tật xấu của nhau. Không có ở đâu bằng gia đình mà những khiếm khuyết, những nhược điểm của nhau được bộc lộ một cách rõ nét nhất. Anh được hưởng sự tinh tế, đẹp đẽ của vợ thì cũng phải biết chấp nhận những tật xấu, những cái chưa hoàn thiện của vợ chứ. Đó là chưa nói, những thói hư ấy nhiều khi còn là cá tính của mỗi người”.
- Đời của ca sĩ rất ngắn, thế mà chị có tới 40 năm và vẫn giữ được phong độ của mình.
- Khi còn trẻ tôi đã nghĩ đến một ngày nào đó mình sẽ hết thời. Lúc được vỗ tay nhiều nhất, tôi đã nghĩ sẽ đến lúc mình không còn được chào đón nữa. Nghệ thuật cũng giống như thời trang, luôn luôn thay đổi, mỗi ngày xu hướng đó lại được điều chỉnh theo nhu cầu và thị hiếu mới. Chỉ có khẳng định được cá tính của mình thì mới đứng vững, đứng lâu được. - Điều gì ở chị khiến chị chưa hài lòng nhất ở bản thân mình? - Đó là hình thức. Tôi mặc cảm với hình thức vừa thấp vừa béo của mình. - Nhưng tôi vẫn thấy mọi người khen chị trẻ lâu và đặc biệt là đôi mắt rất sáng và có hồn? - Nói về đôi mắt của tôi thì mọi người vẫn hay nói đùa là mắt Thanh Hoa có 2 cái hồn, đó là: hút hồn và hết hồn. Nếu tôi không có cảm tình với ai hoặc biết ai đó nói dối tôi thì tôi nhìn khiến họ hết hồn luôn. Nhưng nếu có cảm tình với ai thì nhìn đắm đuối, long lanh, nồng nàn vô cùng. Ấy là mọi người nói thế. - Vậy nếu được sửa chữa “sai lầm” của tạo hoá ở mình, chị muốn thay đổi điều gì? - Tôi vẫn muốn được là mình, với những buồn vui, cay đắng, bất hạnh nhưng vinh quang và hạnh phúc. Tuy nhiên, tôi muốn mình cao hơn một chút, đỡ béo hơn một chút thì tuyệt hơn (cười). Theo Gia Đình & Xã Hội
Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
ADS_home_content_3
Trái
Phải
  • Sale
    Sale
LR_left_1
LR_right_1
Tin Ảnh

DV Văn Anh khoe giấy đăng ký kết hôn

Hai diễn viên Văn Anh và Tú Vi chính thức là vợ chồng.
Code_FB
 
 
ADS_681x
Trình độ học vấn của tôi là:
336x288
681x90
Quảng cáo