Billboard
ADS_Top_Right
  • Bigsize
    Bigsize
  • google.com, pub-4530016804051003, DIRECT, f08c47fec0942fa0
Tiêu điểm

Khi bé ‘nổi đóa’

09:43:20 17/01/2012

Thấy cu Tôm định lao ra ngoài trong khi trời lạnh, Hiền nhanh chân chạy tới đóng sầm cửa lại. Bị mẹ ngăn cản, Tôm gào lên: ‘Mẹ, mở cửa đi’ nhưng mẹ cương quyết lắc đầu: ‘Không đi đâu hết, lạnh, ốm’, Tôm tiếp tục thét to hơn và lăn giãy dưới sàn nhà đến nỗi tuột cả giày.

>> Bé phản ứng vì bị áp đặt
>> Sinh nhầm 'quỷ sứ'

Một lúc, dường như không thấy mẹ “không động tĩnh” gì, Tôm xông vào nhà, vớ được đôi dép bông mẹ hay đi trong nhà, ném luôn ra phía cánh cửa đang đóng. Miệng chưa ngớt gào khóc, Tôm tiếp tục đá bung thùng rác nhựa, loại mini mẹ để cạnh bàn uống nước. Bực mình, Hiền giữ tay con lại, nghiêm mặt quát con thì Tôm lại lăn lộn, uốn éo dưới sàn. Sợ con gập tay rồi bị gãy, Hiền đành “tạm thua”, bỏ tay con ra. Tôm vùng dậy, nhìn thấy cái điện thoại di động của mẹ để trên ghế liền “chộp” luôn, nhanh tay mở nắp bô nhựa bỏ tọt vào trong đó.

“May lúc đó bô sạch và khô nên điện thoại của mẹ mới không bị ‘ông quỷ con’ đó làm hỏng. Bé nhà mình trái ý việc gì là giận dữ đùng đùng thế đấy, càng cản cháu càng giận hăng” – Hiền chia sẻ.

Vẫn trò “bỏ đồ vật vào bô” của Tôm, hôm trước Tôm đòi bóc kẹo nhưng bà nội bảo đã đến giờ cơm, không cho ăn, Tôm “hầm hầm” mặt, vớ được cái khăn quàng cổ của bà nội, cho luôn vào bô rồi đậy nắp bô lại khiến bà nội kêu ầm ĩ. Lần khác, ông nội làm Tôm “phật lòng” vì cứ mải xem phim tài liệu, không chịu chuyển kênh theo ý Tôm, Tôm lấy luôn hộp thuốc bổ của ông, bỏ vào bô nhựa. Đến giờ uống thuốc, ông nội tìm mãi không thấy thuốc đâu, hỏi thì Tôm “bơ” đi. Mãi đến khi ông nội rên lên suýt soa: “Tôm, mau tìm thuốc cho ông đi. Ông ốm chết mất” thì Tôm mới “thương tình”, mở nắp bô, lấy lọ thuốc cho ông.

Hiền đang muốn dạy con “thuần tính” hơn nhưng chưa biết cách nào mới hiệu quả.

Có con gái gần 3 tuổi rất hay “nổi đóa”, My (Cầu Giấy, Hà Nội) không ít lần phải “tét đít” con. Dù biết cách này không hiệu quả nhưng khi bé Cún nóng nảy thì người My cũng như “sôi lên”, không kiềm chế nổi. Một hôm, Cún nằng nặc đòi đi công viên chơi thú nhún trong khi nhà đang có khách. My nhẹ nhàng bảo con: “Ra kia chơi một tý, lát mẹ cho đi” nhưng ngay lập tức, Cún gào lên, giật đầu, giật tóc mẹ, hờn giãy, đấm đá mẹ lia lịa khiến My tức giận, quát to hơn: “Con còn ăn vạ thì không đi đâu hết”. Thấy mẹ quát to, Cún càng “được nước” nổi cáu, giãy lên đến mức ngã úp cả xuống sàn nhà. My xấu hổ với khách nên định bế con lên, cho vào phòng, đóng cửa lại nhưng không thành vì Cún giãy nảy tuồn xuống rồi bấu má, bẹo mắt mẹ đến mức mặt My đầy sứt sẹo sau đó.

“Chẳng biết làm sao với bé nhà mình. Con gái mà ương khủng khiếp” – My cho biết.

‘Mềm nắn, rắn... nịnh’

Nhiều bậc cha mẹ có con nhỏ than phiền là các bé dễ “nổi đóa”. Khi “nổi đóa” thì hay cào, cấu, đấm đá cha mẹ hoặc hất tung, ném đồ đạc trong nhà. Có bé giận dữ thì tự làm đau mình như đập đầu xuống đất, đạp vào tường nhà hay cánh cửa, giãy giụa dưới sàn nhà... Cha mẹ càng nổi giận thì bé càng “hăng máu” hơn khiến không ít phụ huynh lâm vào “thế bí”.

Tâm lý cáu giận ở bé là hoàn toàn bình thường và rất dễ thấy. Nguyên nhân chủ yếu là do cha mẹ không đáp ứng yêu cầu của bé, bé bị ngăn cản trong một số việc hoặc bé muốn làm gì đó ngay lập tức nhưng lại bị cha mẹ trì hoãn. Có những bé cáu giận với cha mẹ vì bị ép làm việc nọ - việc kia, ăn thứ này – mặc thứ kia... mà bé không muốn.

Các chuyên gia cho rằng, khi bé cáu giận, cha mẹ phải cực kỳ bình tĩnh, đừng để bị cuốn vào “guồng xoáy” giận dữ của con. Bởi như thế chỉ làm cha mẹ và con nhỏ cùng “điên” lên mà không giải quyết hoặc dạy bé được việc gì. Do các bé còn nhỏ nên khái niệm về thời gian còn hạn chế, chẳng hạn khi bé muốn ăn bánh nhưng cha mẹ lại bảo để lát nữa thì bé ngay lập tức sẽ gào thét (bởi với bé, khái niệm thời gian có khi chỉ là “bây giờ, ngay lập tức”, chứ bé chưa hiểu “để lát nữa” là ra sao). Bởi thế, với hầu hết các bé khi muốn gì là phải đòi bằng được, đòi ngay chứ không thể chờ. Nguyên nhân này sẽ được điều chỉnh dần khi bé lớn hơn, bé nắm bắt tốt hơn về khái niệm thời gian.

Một khi đã hiểu được tâm lý của con thì với những việc cha mẹ có thể đáp ứng thì nên tạm “xuống nước” nhưng cần nhấn mạnh để bé hiểu là: “Con còn gào khóc là mẹ không cho”. Ngoài ra, cha mẹ cũng nên giúp con bộc lộ cảm xúc tức giận theo hướng tích cực. Thử nói với bé là: “Mẹ biết con đang tức vì không được đi chơi nhưng bây giờ chưa thể đi được. Mẹ sẽ cho con đi chơi sau”, tiếp theo tạm thời “bỏ qua” bé. Hoặc có thể chọn cách làm xao nhãng cơn giận dữ của con. Các bé còn nhỏ nên rất dễ bị đánh lạc hướng, chỉ cần dụ bé chơi một trò gì vui vui trong nhà là bé sẽ quên ngay chuyện vừa đòi ra ngoài.

“Chiêu” khác là bé càng “nổi đóa” thì phụ huynh càng cần “mềm mại”, nhẹ nhàng, nịnh nọt, vỗ về để bé nghe lời. Nhiều bé rất “háo ngọt” nên chỉ cần cha mẹ nhẹ nhàng, ân cần phân tích đúng – sai là bé sẽ thôi cáu ngay. Hoặc dùng mẹo “khích tướng”, nếu bé có anh chị em trong nhà, ví dụ, mẹ chạy tới em của bé vỗ về: “A, em Bi ngoan, em Bi không đòi ra ngoài đâu, lạnh lắm, ốm đấy. Mẹ yêu em Bi” là cũng đủ làm bé “ghen tức” mà nổi máu "anh hùng ngoan", chạy ngay lại chỗ mẹ để được mẹ yêu.

Ngọc Bình

Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
ADS_home_content_3
Trái
Phải
  • Sale
    Sale
LR_left_1
LR_right_1
Tin Ảnh

DV Văn Anh khoe giấy đăng ký kết hôn

Hai diễn viên Văn Anh và Tú Vi chính thức là vợ chồng.
Code_FB
 
 
ADS_681x
Trình độ học vấn của tôi là:
336x288
681x90
Quảng cáo