Billboard
ADS_Top_Right
  • Bigsize
    Bigsize
  • google.com, pub-4530016804051003, DIRECT, f08c47fec0942fa0
Tiêu điểm

Không có tinh trùng, bố vẫn có con "chính chủ"

14:39:14 07/10/2014

Anh Trung mắc chứng tinh hoàn ẩn, không có tinh trùng nhưng nhờ kỹ thuật chữa trị mới, con gái anh đã chào đời tháng 8 vừa qua. 

Nhiều người đàn ông không có tinh trùng trong tinh dịch đã có thể sinh con nhờ kỹ thuật vi phẫu tìm tinh trùng từ các mô tinh hoàn. Trong năm nay, tại TP HCM, đã có 6 đứa trẻ sinh ra từ kỹ thuật này.

Trong quyển nhật ký mô tả kỷ niệm ngày con chào đời, anh Nguyễn Văn Trung, 35 tuổi (ngụ quận 3, TP HCM) viết: “Bác sĩ ơi, bé gái nhà em đã chào đời lúc 15h30 ngày 16/8. Bé nặng đến 3,3kg nên bà xã em phải sinh mổ. Hiện hai mẹ con đều khỏe. Vậy là vợ chồng em đã trải qua một quãng đường dài đầy lo lắng, hồi hộp, có niềm vui lẫn nỗi buồn, cả nước mắt… mới đi đến ngày hôm nay”.

Cách đây 6 năm, anh Trung cùng vợ “gõ cửa” khoa hiếm muộn ở nhiều bệnh viện nhưng kết quả xét nghiệm cho thấy, anh không có tinh trùng. Lúc nhỏ, Trung bị chứng tinh hoàn ẩn. Đến 6 tuổi, người nhà mới đưa anh đi mổ thì đã quá trễ nên khả năng sinh tinh trùng không còn, vì nhiệt độ ở vùng bụng làm các tế bào sinh tinh bị hỏng.

Vì vậy, theo nhiều bác sĩ, nếu muốn có con, vợ chồng anh phải xin tinh trùng của người khác. Nhìn chồng đau đớn, tuyệt vọng, vợ anh không cam lòng, tiếp tục nuôi hy vọng sẽ kiếm được đứa con của chính anh. Đến năm 2013, nghe tin lần đầu tiên tại Việt Nam, các bác sĩ bệnh viện Hạnh Phúc (TP HCM) có thể can thiệp bằng kỹ thuật vi phẫu tìm tinh trùng từ các mô tinh hoàn, bơm tinh trùng vào trứng, thụ tinh trong ống nghiệm, vợ chồng anh Trung tìm đến.

Bằng phương pháp mới, đã có 6 đứa trẻ được sinh ra từ đầu năm đến nay.

Sau khi thăm khám, các bác sĩ nhận định, biến chứng teo tinh hoàn của anh Trung nặng nên khó có khả năng sinh tinh trùng. Thế nhưng, sau nhiều nỗ lực, cuối cùng, các bác sĩ đã thụ tinh được 7 phôi thai cho vợ chồng anh. Lần đầu tiên chuyển 3 phôi vào tử cung cho vợ anh bị thất bại. Vài tháng sau, vợ anh Trung tiếp tục được chuyển bốn phôi còn lại và lần này, một bé gái đã “ở lại” với vợ chồng anh.

Trong lá thư bày tỏ niềm vui gửi bác sĩ Huỳnh Thị Thu Thảo, Khoa Hỗ trợ sinh sản, bệnh viện Hạnh Phúc, anh Trung viết: “Vợ chồng em quyết định đặt tên Thảo để cảm ơn chị đã đưa con gái đến với vợ chồng em, đến với cuộc sống này. Nếu không có các bác sĩ, em thật không bao giờ dám mơ đến ngày vợ chồng em được làm bố, làm mẹ. Em mong con gái sớm đến ngày biết đi, để đưa bé đến gặp các chị, cùng các chị chia sẻ niềm hạnh phúc này”.

Anh Ngô Văn Vỹ (kỹ sư, 34 tuổi), chồng chị Vũ Thị Linh (nhân viên văn phòng, 32 tuổi, ngụ quận 1, TP HCM) đã bật khóc khi nói về niềm hạnh phúc: “Sau bao năm tuyệt vọng, gia đình tôi sắp chào đón một thành viên mới”.

Cách đây 7 năm, khi chưa kết hôn, anh Vỹ bị quai bị, dẫn đến biến chứng teo tinh hoàn. Một mình lủi thủi đi khám nam khoa, các bác sĩ cho biết, khả năng sinh tinh của anh kém và không có tinh trùng. Nghe xong, anh đau đớn nghĩ đến việc chia tay người yêu, nhưng chị Linh vẫn quyết định nên vợ nên chồng với anh. Sau đám cưới, chị kiên trì động viên chồng cùng chị đi đến các bệnh viện với hy vọng mong manh sẽ có thể sinh con. Giờ đây, điều kỳ diệu đã đến. Họ đang chờ đón đứa con đầu lòng.

Bác sĩ Huỳnh Thị Thu Thảo cho biết, qua thực hiện được kỹ thuật vi phẫu tìm tinh trùng từ tinh hoàn bị teo để tiêm tinh trùng vào trứng thực hiện tinh trùng trong ống nghiệm, bệnh viện Hạnh Phúc đã giúp nhiều cặp vợ chồng có được con của chính mình. Trong số 21 bệnh nhân nam đến thực hiện thì có đến 15 trường hợp thu được tinh trùng, chiếm 71% và tỷ lệ thai sinh còn sống đạt khoảng 63%.

Các cơ sở thực hiện tinh trùng trong ống nghiệm hiện nay chỉ thực hiện việc trích tinh trùng tinh hoàn (gọi tắt là Tese). Kỹ thuật này không cần vi phẫu, chỉ thực hiện được ở những tinh hoàn có kích thước bình thường, sinh tinh bình thường hay hơi kém. Khi mổ, bác sĩ sẽ lấy một mảnh mô tinh hoàn bất kỳ rồi tìm tinh trùng. Do đó, những bệnh nhân bị teo tinh hoàn thì không thể làm được.

Muốn tìm được tinh trùng cho những bệnh nhân này, phải chuyển qua kỹ thuật vi phẫu tìm tinh trùng từ mô tinh hoàn (gọi là micro Tese). Lúc này, bác sĩ sẽ tìm chính xác được vài điểm có khả năng sinh tinh trong cả khối tinh hoàn bị hư.

Tuy nhiên, tỷ lệ tìm được tinh trùng bằng kỹ thuật micro Tese ở những bệnh nhân nam teo tinh hoàn cũng chỉ ở khoảng 20-60%, tương đương với các nước trên thế giới. Với những bệnh nhân mà tinh hoàn teo với thể tích chỉ còn 3ml trở xuống thì không còn hy vọng để thực hiện.

Con của một người cha không có tinh trùng.

Hiện nay, nam giới bị vô tinh do các bệnh lý này chiếm khoảng 10-15% trong nhóm vô sinh ở nam. Kỹ thuật micro Tese đã được thực hiện ở nước ngoài cả chục năm nay nhưng riêng tại Việt Nam, lần đầu tiên được bệnh viện Bình Dân nghiên cứu và báo cáo vào cuối năm 2010. Tuy vậy, lúc đó chỉ tìm tinh trùng để chứng minh y học Việt Nam làm được như các nước trên thế giới chứ chưa ứng dụng vào việc thụ tinh.

Bác sĩ Lê Đăng Khoa, Khoa Hiếm muộn, bệnh viện Hùng Vương TP HCM, cho biết micro Tese là phương pháp trích tinh trùng rất hiệu quả đối với các trường hợp vô sinh nam không có tinh trùng trong tinh dịch do hội chứng ức chế sinh tinh, sinh tinh nửa chừng… gây nên. Các bác sĩ sẽ dùng kính phóng đại chuyên dụng tìm tinh trùng trong tinh hoàn để làm tinh trùng trong ống nghiệm. Kỹ thuật này có áp dụng phương pháp micro Tese của bệnh viện Hạnh Phúc là báo cáo đầu tiên của Việt Nam.

Các bác sĩ tư vấn, quai bị chỉ gây teo hai tinh hoàn khi bệnh nhân bị quai bị đã dậy thì (sau 12-14 tuổi), còn bị quai bị trước khi dậy thì hai tinh hoàn không bị teo. Tương tự, với bệnh nhân xạ trị do ung thư lân cận tinh hoàn (ung thư bàng quang, ung thư trực tràng, đại tràng...) thì tia xạ làm hư các tế bào sinh tinh nên bệnh nhân không có tinh trùng trong tinh dịch. Hoặc bệnh nhân tinh hoàn ẩn dù đã mổ hạ xuống bìu thì thường vẫn bị vô tinh…

Vì vậy, ngay sau khi bị bệnh, người bệnh cần tìm đến bác sĩ chuyên khoa đánh giá có nên lưu giữ tinh trùng trước khi thực hiện xạ trị hay bệnh quai bị gây biến chứng. Như vậy, việc lưu trữ tinh trùng chủ động sẽ tốt hơn việc tìm tinh trùng khi tinh hoàn đã bị teo.

* Tên các bệnh nhân đã được thay đổi.

Theo Phụ Nữ TP HCM

Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
ADS_home_content_3
Trái
Phải
  • Sale
    Sale
LR_left_1
LR_right_1
Tin Ảnh

DV Văn Anh khoe giấy đăng ký kết hôn

Hai diễn viên Văn Anh và Tú Vi chính thức là vợ chồng.
Code_FB
 
 
ADS_681x
Trình độ học vấn của tôi là:
336x288
681x90
Quảng cáo