Billboard
ADS_Top_Right
  • Bigsize
    Bigsize
  • google.com, pub-4530016804051003, DIRECT, f08c47fec0942fa0
Tiêu điểm

Thực phẩm đóng gói sẵn bị "rút ruột"

23:59:40 23/11/2012

Tình trạng 'móc túi' người tiêu dùng bằng cách cân thiếu, rút bớt lượng hàng đóng gói sẵn diễn ra phổ biến, nhưng cơ quan quản lý kiểm soát nửa vời. Đặc biệt, bia, rượu, nước giải khát, thủy sản, thực phẩm đông lạnh… được liệt vào hàng 'lọt lưới' kiểm soát.

Chợ, siêu thị đều cân thiếu

Hiện nay, tại các chợ truyền thống rất khó kiểm soát triệt để tình trạng cân thiếu. “Thiếu nhiều, người tiêu dùng (NTD) còn phát hiện ra, chứ thiếu ít thì… bó tay. Hôm trước, tôi mua 1kg tôm sú, về cân lại chưa tới 900g” - bà Nguyễn Thị Ngót (ngụ tại Hòa Hưng, quận 10, TP HCM) bức xúc cho biết. Ghi nhận tại những điểm bán hàng đóng gói sẵn, hàng xá, tình trạng cân thiếu là “bình thường”.

Dạo một số chợ trên địa bàn TP HCM, chúng tôi ghi nhận nhiều trường hợp ăn gian trọng lượng hàng. Cụ thể, một gói bún khô trọng lượng 500g mua tại chợ Nhật Tảo (quận 10), đem cân kiểm tra lại tại sạp trái cây thì trọng lượng “sụt xuống” thiếu 40g. Cũng mặt hàng này, kiểm tra tại sạp bánh, “nhảy vọt” lên 600g. Thử mua 600g bánh gấu nhân kem (13.000đ/100g) tại chợ Nhật Tảo, 500g bánh chao (14.000đ/100g) tại chợ Hồ Thị Kỷ (quận 10), khi đem cân lại, mỗi loại bánh đều bị thiếu 70-90g. Như vậy, chúng tôi đã bị mất khoảng 10.000đ. Được biết, mỗi ngày, người bán bánh kẹo tại chợ có thể bán 30-40kg bánh, số tiền chênh lệch từ việc cân thiếu là không nhỏ.

Tương tự, chúng tôi đã mua thử 500g khô mực (200.000đ) tại chợ Bình Tây (quận 6), khi về cân lại thiếu 20g. Bà Ứng Thị Liên (tổ trưởng ngành hàng bánh kẹo chợ Bình Tây) cho rằng: “Các tiểu thương không cố ý cân thiếu, mà có thể do sự xê dịch giữa cân này với cân khác”.

Thực phẩm đóng gói sẵn thường bị “rút ruột” trọng lượng nhưng người tiêu dùng khó biết được. Ảnh minh họa.


Tình trạng cân thiếu không chỉ diễn ra tại các chợ truyền thống, chợ tự phát, mà còn xuất hiện tại một số siêu thị lớn trên địa bàn TP HCM. Chẳng hạn, tại siêu thị Co.opMart (quận 7), sau khi đem cân thử (1kg cam, 1kg rau muống), mỗi mặt hàng đều bị thiếu khoảng 10g. Tình trạng hàng đông lạnh, sau khi rã đông cũng bị sụt cân khá lớn.

Qua kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện hàng đóng gói sẵn bán ở siêu thị bị “rút ruột” đáng kể. Theo báo cáo của Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng TP HCM mới đây, trong ba năm 2010 - 2012, đơn vị này đã kiểm tra 254 lượt các cơ sở, sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh hàng đóng gói sẵn, phát hiện 59 vụ vi phạm (khoảng 23,2%). Hành vi vi phạm chủ yếu là hàng hóa thiếu khối lượng, thể tích... tập trung ở các nhóm hàng tiêu dùng như muối, đường, bột ngọt, bánh, kẹo, mứt, khí dầu mỏ hóa lỏng, thuốc bảo vệ thực vật…

Ông Nguyễn Minh Chiến (Chi cục trưởng Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng tỉnh An Giang) cho biết, kiểm tra trên địa bàn trong tháng 9, đơn vị này phát hiện 43% mẫu hàng bán trong siêu thị không đủ trọng lượng. Trước đó, tháng 11/2011, Chi cục kiểm tra 18 mẫu trà, cafe, mì ăn liền, thủy hải sản đông lạnh, thủy hải sản khô, dầu ăn, nước tương, nước mắm, nước giải khát... Kết quả, 50% số mẫu thiếu trọng lượng 11-29%. “Qua kiểm tra đo lường các mặt hàng thực phẩm đóng gói sẵn, chúng tôi phát hiện cứ 100 đồng, nhà sản xuất ăn gian trọng lượng, móc túi của khách hàng hết 29 đồng” - ông Chiến nói.

Cân đối chứng: Có cũng như không

Khoản 3 và khoản 6 điều 5 Nghị định 99/2011/NĐ - CP quy định trách nhiệm của ban quản lý chợ, thương nhân kinh doanh chợ, trung tâm thương mại: “Đặt và duy trì hoạt động của cân đối chứng, thiết bị đo lường tại các chợ, trung tâm thương mại để NTD tự kiểm tra về số lượng, khối lượng hàng hóa”; “Định kỳ sáu tháng một lần thông báo, phối hợp với các cơ quan chức năng về thương mại…, đo lường và chất lượng trong việc kiểm soát chất lượng, số lượng nguồn gốc… đối với hàng hóa, dịch vụ trong phạm vi chợ, trung tâm thương mại do mình quản lý”.

Tuy vậy, người dân khi mua sắm tại các chợ Nhật Tảo, Hồ Thị Kỷ (quận 10), chợ Bình Tây (quận 6)… tìm đỏ mắt cũng không thấy cân đối chứng nằm ở đâu. Ngoài ra, tại các chợ không hề có chỉ dẫn cụ thể giúp NTD tìm đến cân đối chứng. Ông Nguyễn Thanh Bình (cán bộ quản lý chợ Bình Tây) cho rằng: “Đặc thù chợ Bình Tây là bán sỉ, ít bán lẻ nên tình trạng cân thiếu không phổ biến. Trước đây, chúng tôi có đặt cân đối chứng trong chợ để kiểm tra, nhưng NTD không quan tâm nên… không biết cân còn trong chợ hay không”.

Người tiêu dùng kiểm tra trọng lượng hàng hóa trên cân đối chứng tại chợ Nguyễn Văn Trỗi, quận 3.

Thực tế, tại một số chợ như Bến Thành, Tân Định, Nguyễn Văn Trỗi, Gò Vấp… (TP HCM) có đặt cân đối chứng để NTD kiểm tra lại trọng lượng hàng mua trong chợ. Tuy nhiên, khá ít khách hàng cân lại vì vừa thấy bất tiện vừa ngại cân khi lượng hàng mua không nhiều, có khiếu nại cũng chưa chắc được giải quyết. Bên cạnh đó, quy định định kỳ sáu tháng phải kiểm định cân nhưng hầu hết các chợ chỉ phối hợp Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng TP HCM kiểm định cân của tiểu thương một lần/năm, chưa kể nhiều tiểu thương dùng 2-3 cân nhưng chỉ đưa một cân đi kiểm định.

Quản lý nửa vời

Trong danh mục hàng hóa đóng gói sẵn phải quản lý nhà nước về đo lường gồm 18 chủng loại sản phẩm nhưng đến nay, lực lượng chức năng hiện mới chỉ kiểm tra khoảng chín nhóm sản phẩm, tập trung chủ yếu ở mặt hàng khô, còn nhóm thực phẩm đông lạnh, thủy sản, bia, rượu, nước giải khát… thì việc kiểm soát đo lường hiện nay vẫn “lọt lưới”. Ông Đinh Thái Xuân (Chi cục trưởng Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng TP HCM) giải thích: “Do thiếu nhân lực, thiếu các quy định hướng dẫn cụ thể về phương pháp thực hiện đo lường các mặt hàng đặc thù như bia, rượu, nước có gas và trang thiết bị chuyên dụng dùng để đo lường khối lượng, định lượng các mặt hàng nước… nên chưa thể kiểm tra được hết; thực hiện đo lường thủ công thì độ chính xác không cao”.

Được biết, thiết bị chuyên dụng đo lường mặt hàng chất lỏng có giá khoảng 9.000 USD. Hiện, tỉnh An Giang đã có thiết bị chuyên dụng đo lường mặt hàng nước, nhưng từ gói hỗ trợ của nước ngoài, còn tại TP HCM chưa được trang bị loại máy này.

Đáng nói, hiện nay công tác phối hợp thanh, kiểm tra hàng đóng gói sẵn giữa các cơ quan quản lý cũng chưa được thực hiện. Ông Phan Minh Tân (Giám đốc Sở Khoa học và công nghệ TP HCM) thẳng thắn: “Không thể biện minh là do thiếu trang bị máy móc nên không kiểm tra được”.

Theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong đo lường và chất lượng sản phẩm hàng hóa (Nghị định số 126/2005/NĐ - CP), phạt tiền từ hai tới năm triệu đồng đối với hành vi gian lận cân đong hàng hóa có giá trị lớn trong thương mại bán lẻ; cân không đủ định lượng, có sai số vượt quá mức giới hạn cho phép đối với sản xuất hàng đóng gói sẵn gây thiệt hại cho khách hàng, kèm các biện pháp xử lý bổ sung và buộc khắc phục hậu quả… Mức phạt trên so với số tiền đơn vị sản xuất, kinh doanh “móc túi” khách hàng còn quá nhẹ nên chưa đủ sức răn đe đối tượng vi phạm. Trong khi đó, Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng chỉ có chức năng kiểm tra mà không có thẩm quyền xử phạt (phải chuyển hồ sơ qua Sở Khoa học và công nghệ xử lý) nên phần lớn mới dừng lại ở việc nhắc nhở, yêu cầu khắc phục hay xử lý vi phạm hành chính khi đối tượng cố tình vi phạm nhiều lần. Vì vậy, tình trạng “rút ruột” hàng hóa vẫn diễn ra phổ biến và NTD tiếp tục chịu thiệt.

Theo Nguyễn Cẩm - Thi Hồng
Phunuonline

Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
ADS_home_content_3
Trái
Phải
  • Sale
    Sale
LR_left_1
LR_right_1
Tin Ảnh

DV Văn Anh khoe giấy đăng ký kết hôn

Hai diễn viên Văn Anh và Tú Vi chính thức là vợ chồng.
Code_FB
 
 
ADS_681x
Trình độ học vấn của tôi là:
336x288
681x90
Quảng cáo