Billboard
ADS_Top_Right
  • Bigsize
    Bigsize
  • google.com, pub-4530016804051003, DIRECT, f08c47fec0942fa0
Tiêu điểm

50.000 đồng phí đổi một lượng vàng SJC méo

11:20:40 13/10/2012

13 tấn vàng gia công chưa xong, SJC tiếp tục được Ngân hàng Nhà nước cho phép gia công thêm 4.000 lượng vàng méo để đổi cho khách.

Từ 11/10, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn bắt đầu đổi vàng SJC móp méo cho dân trong đợt đổi kéo dài 9 ngày. Tổng số vàng cong vênh được phép thu vào và gia công lại là 4.000 lượng, theo sự cho phép của Ngân hàng Nhà nước. Ảnh minh họa.
 
Hôm 19/9 Ngân hàng Nhà nước đã cấp phép dập đúc 350.000 lượng vàng SJC (tương đương hơn 13 tấn) cho công ty này. Trong số đó, phần lớn là vàng phi SJC do các ngân hàng, tổ chức tín dụng đang cất giữ, chỉ có một phần nhỏ là vàng móp méo. Theo kế hoạch, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn chỉ cần một tuần để dập đúc hết số vàng trên nếu hoạt động hết công suất. Nhưng trên thực tế, cho đến hôm nay vẫn chưa làm xong.

"Đối với vàng SJC móp méo, việc kiểm định chất lượng để dập lại khá đơn giản. Nhưng với một số loại vàng phi SJC, chúng tôi mất nhiều thời gian kiểm định hơn, có khi phải xem xét từng miếng vàng" - đại diện công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn cho biết.
Trong ngày đầu tiên, đã có khoảng 1.800 lượng được tiêu thụ. Đại diện công ty này nhận định với số lượng khách đông thế này, có thể chưa đến ngày 20/10 đã hết 4.000 lượng vàng. Trong trường hợp này, công ty cho biết sẽ xin phép Ngân hàng Nhà nước cho gia công thêm.

Với mỗi lượng SJC méo đến đổi lấy vàng đúng tiêu chuẩn, khách hàng sẽ mất phí 50.000 đồng. Hôm đầu tháng, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn cũng có đợt đổi vỏ bao bì cho khách, với phí 5.000 đồng cho mỗi miếng vàng một lượng.

Riêng đối với việc đổi vàng tại các chi nhánh của Công ty SJC trên toàn quốc, nhân viên sẽ ghi phiếu hẹn vài ngày cho các cá nhân, tổ chức đến đổi. Trường hợp số vàng khách hàng đem đến đổi vượt số lượng được cấp phép, công ty sẽ tạm dừng để xin phép Ngân hàng Nhà nước.

Trước đó, theo phản ánh của nhiều người dân, khi họ mang vàng miếng móp méo đến bán tại các cửa hàng vàng, doanh nghiệp đã từ chối thu mua lại.

Giá vàng tăng trở lại, USD tiếp đà giảm

Mở cửa sáng 12/10, Tập đoàn DOJI báo giá vàng miếng SJC ở 47,66 - 47,74 triệu đồng mỗi lượng. So với cùng thời điểm hôm qua, giá tăng 290.000 - 250.000 đồng ở lần lượt hai chiều mua và bán. Tương tự, Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận công bố bán ở 47,74 triệu đồng, nhưng chiều thu mua ở mức 47,54 triệu đồng, cách biệt 200.000 đồng so với bán ra.

Giới doanh nghiệp cho biết trong tuần vừa rồi, lực mua vàng tăng nhẹ mỗi khi giá giảm. Nhất là vào hôm qua, có lúc niêm yết bán USD xuống 47,48 triệu đồng, mức thấp nhất kể từ ngày đầu tháng.

Giá mua vào USD tại các ngân hàng thương mại tiếp tục xuống mạnh sáng nay. Ngân hàng Ngoại Thương Việt Nam hạ 20 đồng so với hôm 10/10, đưa giá mua USD còn 20.820 đồng. Còn tại các ngân hàng khác như Eximbank, ACB, niêm yết mua giảm 10 đồng, cũng xuống 20.820 đồng ăn một USD.

Trong khi Vietcombank, Vietinbank giữ nguyên giá bán USD, Eximbank và ACB lại hạ 10 đồng ở chiều bán, đưa giá xuống ngang bằng với hai ngân hàng trên ở 20.880 đồng. Trong tuần vừa rồi, tỷ giá tại Vietcombank biến động mạnh nhất trong số các ngân hàng lớn, với niêm yết mua, bán hiện thấp hơn lần lượt 60 và 80 đồng so với sáng thứ hai.

Tính theo tỷ giá ngân hàng, vàng trong nước hiện vẫn đắt hơn quốc tế gần 3,2 triệu đồng. Trong vòng 2 tuần gần đây, độ vênh của giá vàng nội và ngoại luôn ở mức 3 triệu đồng trở lên.

Còn thị trường vàng quốc tế vừa có phiên tăng nhẹ vài USD mỗi ounce vào hôm qua, tuy nhiên nhìn chung cả tuần vẫn giảm mạnh nhất trong vòng một tháng. Tính đến nay, giá đã mất 0,7% kể từ đầu tuần. Giá đi xuống tuần này sau thông tin hôm thứ sáu tuần trước cho thấy thị trường việc làm Mỹ bất ngờ khởi sắc.

Sáng 12/10, thị trường tiếp tục hồi phục nhẹ do đồng USD hạ nhiệt từ mức cao của một tháng. Tính đến 9h09 sáng nay theo giờ Hà Nội, mỗi ounce tương đương 1.769,80 USD, có thêm 2,60 USD so với mở cửa.

TP HCM: Tá hỏa vì vàng, nữ trang đểu

Chủ tiệm vàng gần chợ Nhị Thiên Đường (quận 8, TP HCM) cho biết, gần đây thường có đối tượng đến cầm vàng nữ trang nhưng phần lớn là vàng đểu, lõi có độn tạp chất như nhôm, đồng, kẽm...
 
Bán giá thấp cũng không dễ: Tình trạng này khá phổ biến làm nhiều chủ tiệm cầm đồ, cầm vàng bị “dính quả” vì chỉ kiểm tra bằng phương pháp thông thường như đánh đá, axít… Sau đó, vài tiệm cầm đồ “dính” phải trang sức vàng đểu lại đem đến tiệm vàng bán với hy vọng “gỡ gạc” nhưng không thành, gây nên tình trạng bát nháo vàng nữ trang.

Chị Loan (nhà ở quận 3, TP HCM) cho biết, khi chị đem mấy món nữ trang gồm kiềng, lắc tay, ra tiệm vàng trên đường Lê Thánh Tôn (quận 1) hỏi bán thì chủ tiệm khuyên đem về. Theo chủ tiệm này, tình trạng vàng nữ trang có ruột rỗng như kiềng, lắc, vòng tay, nhẫn bản to… bị làm đểu, kém chất lượng, rồi độn hợp chất khá nhiều. Vì vậy, để đề phòng, các tiệm vàng chỉ mua vào nếu khách hàng đồng ý nấu chảy vàng rồi cân lại trọng lượng, được bao nhiêu bán bấy nhiêu.

“Nhưng lúc nấu chảy, làm sao khách hàng kiểm soát được tuổi vàng, trọng lượng vì vàng đã nằm trong tay tiệm vàng. Thà mua rẻ hơn vài trăm ngàn đồng/lượng còn chấp nhận được” - chị Loan nói.

Tình trạng vàng nữ trang nhái thương hiệu một cách rất tinh vi vẫn tồn tại. Các đối tượng chỉ giữ lại phần đai, kiện khắc tên thương hiệu, phần vàng còn lại của món trang sức được cắt bỏ và thay bằng vàng kém tuổi, vàng đểu… rất khó phát hiện.

“Thậm chí, một số tiệm vàng bán nữ trang theo giá vàng SJC nhưng lúc mua vào lại theo giá vàng nguyên liệu rất thấp, gây thiệt hại cho người bán. Giá vàng tăng cao, thị trường vàng nữ trang ế ẩm khiến các tiệm vàng đẩy chênh lệch mua vào - bán ra lên cao để kiếm lời nhiều, còn khách hàng chịu thiệt” - đại diện một cơ sở sản xuất vàng nữ trang tiết lộ.

Biến tướng để lách luật:

Nghị định 24/CP về quản lý thị trường vàng, trong đó gồm vàng nữ trang, có hiệu lực từ ngày 25/5 nhưng đến nay, thông tư hướng dẫn quy định về tiêu chuẩn vàng trang sức mỹ nghệ vẫn bỏ ngỏ.

Mới đây, Hiệp hội Mỹ nghệ Kim hoàn TP HCM (SJA) đã gửi văn bản đến Sở Khoa học - Công nghệ TP HCM kiến nghị về việc này. Theo SJA, tại Nghị định 24/CP, vàng trang sức mỹ nghệ là các sản phẩm vàng có hàm lượng từ 8 Kara (tương đương 33,33%) trở lên đã qua gia công, chế tác…

Ông Nguyễn Văn Dưng (Chủ tịch SJA) nhận xét, các nước như Thái Lan, Mỹ, Ấn Độ, Malaysia… đều quy định cụ thể tiêu chuẩn vàng 14K, 18K, 22K hoặc 24K. Vàng có tuổi thấp 8K, 9K chỉ dùng cho thời trang chứ không phải là trang sức. “Còn với quy định về tuổi vàng tại nghị định này, người mua vàng nếu kiện cơ quan quản lý cũng không có cơ sở xử lý” - ông Dưng nhận xét.

Thực tế, các doanh nghiệp rất ít đóng dấu mã hiệu và hàm lượng vàng trên sản phẩm mà lập lờ gian lận tuổi vàng bằng cách khắc chữ st, sb, sl, sn hay NL, NB, NT… để đối phó khi bị “sờ gáy”.

Ngoài ra, một số tiệm vàng đã biến tướng để lách luật bằng cách bỏ giấy phép kinh doanh cũ (do Sở Kế hoạch - Đầu tư cấp) và xuống phường, quận đăng ký lại giấy phép gia công kim loại. Với giấy phép này, doanh nghiệp có thể lách gia công kim loại… vàng trang sức hoặc chuyển nghề cầm đồ nhưng thực chất là biến tướng mua bán vàng miếng.

Theo Dân Trí / Người Lao Động / VnExpress

Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
ADS_home_content_3
Trái
Phải
  • Sale
    Sale
LR_left_1
LR_right_1
Tin Ảnh

DV Văn Anh khoe giấy đăng ký kết hôn

Hai diễn viên Văn Anh và Tú Vi chính thức là vợ chồng.
Code_FB
 
 
ADS_681x
Trình độ học vấn của tôi là:
336x288
681x90
Quảng cáo