Billboard
ADS_Top_Right
  • Bigsize
    Bigsize
  • google.com, pub-4530016804051003, DIRECT, f08c47fec0942fa0
Tiêu điểm

Biến bì lợn bẩn thành đặc sản

10:59:40 30/09/2012

Chỉ cần ngâm vào thùng nước lớn đã pha sẵn chất tẩy, sau 3 tiếng đồng hồ, toàn bộ đống bì lợn thiu, hôi nồng đã trắng bóc và hoàn toàn sạch mùi. Dù biết độc hại, song vì lợi nhuận nên nhiều cơ sở sản xuất tại thôn Bình Lương (xã Tân Quang, Văn Lâm, Hưng Yên) vẫn sử dụng chiêu thức này để biến bì lợn bẩn thành món bóng bì (nguyên liệu cho món canh bóng hay có trong đám cỗ, Tết) đặc sản.

Xử lý bì thiu trên nền đất bẩn nhem nhuốc.
Không sợ thiếu 'đầu ra'

Chuẩn bị cho mùa cưới rồi Tết âm lịch, các cơ sở sản xuất bóng bì lại bắt đầu hoạt động nhộn nhịp. Trong vai một người mới vào nghề, chúng tôi được Tâm (một thợ lành nghề) hướng dẫn về xã Tam Đa (Yên Phong, Bắc Ninh) - đầu mối nhập nguyên liệu. Theo Tâm, đây là một trong những trạm trung chuyển nội tạng, mỡ, bì lợn lớn nhất khu vực miền Bắc. Cách đây hơn một tháng, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường và Chi cục Thú y Bắc Ninh đã bắt quả tang một kho chứa 13 tấn nội tạng đang trong quá trình phân hủy, bốc mùi, đầy ruồi nhặng. Nhưng chỉ sau ít ngày, hoạt động này lại diễn ra sôi nổi như bình thường.

Không khó để có thể tìm thấy các cơ sở phân phối bì lợn khi về Tam Đa bởi phần lớn, họ đều công khai để hàng trước cửa nhà. Tại cơ sở của chị Mai (làng Đại Lâm, xã Tam Đa), bì lợn được đổ thành đống trên nền sân bẩn nhem nhuốc, nằm ngay sát mặt đường. Bì vẫn còn dính lại một, hai phân mỡ, nhiều miếng đã ngả màu, ruồi nhặng bâu kín. Mùi thiu nồng bốc lên ngột ngạt cả một quãng đường. Sau khi phân loại, da được xếp vào bao tải to, chất lên xe máy vận chuyển tới nơi tiêu thụ. Để có được lượng hàng này, chị Mai gom hàng từ nhiều cơ sở, gần thì trong làng, xa thì tận Hải Phòng, Hải Dương. Mỗi kg bì lợn được nhập với giá 5.000đ và bán ra 7.000đ. Tính ra, mỗi chuyến hàng, cơ sở của chị Mai cũng “bỏ túi” gần một triệu đồng tiền lãi.

Chị Mai cho hay, dân buôn bì lợn không sợ thiếu đầu ra mà chỉ sợ không có nguồn vào. “Có khi vì một mối hàng mà người ta đánh nhau sứt đầu mẻ trán” - chị Mai kể. Hơn nữa, những cơ sở như của chị Mai chỉ là nhỏ lẻ, trong làng còn hai công ty lớn chuyên thu mua, mỗi lần nhập tới vài chục tấn.

Tò mò về đường đi của bì bẩn, chúng tôi mai phục cạnh cơ sở nhà chị Mai. Mặc cho bì đã được đóng kín trong túi và chất lên xe giữa trời nắng, đến 2h chiều, xe hàng mới bắt đầu chuyển bánh. Chiếc xe cũ kỹ oằn mình gánh gần nửa tấn hàng, ì ạch vượt qua quãng đường làng gồ ghề. Đi chừng 2km, lái xe dừng lại để đón thêm “đồng minh” rồi thẳng tiến về Quốc lộ 1A. Suốt dọc đường, hai xe hàng này tuyệt nhiên không gặp phải bất cứ sự kiểm tra nào. Theo lối Cầu Hồ (Thuận Thành, Bắc Ninh), khoảng hơn 3h, xe hàng đã có mặt ở cầu Phú Thị (Gia Lâm, Hà Nội) rồi rẽ vào thị trấn Như Quỳnh (Văn Lâm, Hưng Yên). Sau khi vào tới thôn Bình Lương, xã Tân Quang (Văn Lâm, Hưng Yên), hai xe hàng tách nhau ra để giao cho các mối quen. Cùng thời điểm này, chúng tôi bắt gặp hàng chục xe máy từ Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương… và một chiếc ôtô mang biển số Hải Phòng đang tấp nập đổ bì về lò sản xuất.

Bì lợn được phơi la liệt bên lề đường.
Phù phép bằng thuốc tẩy

Đi dọc thôn Bình Lương, đâu đâu cũng thấy các hộ gia đình làm nghề sản xuất bóng bì, mỡ nước. Bì lợn phơi la liệt khắp nơi, từ đất ruộng, sân vườn, vệ đường, đến cả… nóc nhà, cứ “tênh hênh” như thế, mặc cho xe cộ bên đường đi lại tấp nập, mặc cho gió cát. Cơ sở sản xuất của ông Lâm, cạnh cây cầu dẫn vào làng còn phơi hàng ngay cạnh đống than mùn đen, ướt nhẹp...

Trong vai dân lái buôn, chúng tôi tới cơ sở của anh Huy. Để quảng cáo về quy mô sản xuất, anh Huy cho hay, mỗi ngày gia đình anh nhập khoảng một tấn hàng. Vào thời gian cao điểm (tháng 10 hàng năm), lượng hàng này tăng gấp đôi, anh phải thuê nhân lực từ các làng khác mới làm xuể. Khi chúng tôi tới nơi, ba nhân công của anh Huy đang hì hục xử lý lô hàng mới về. Các bao tải da được đổ thẳng ra nền đất ướt nhẹp, dính đầy bùn đất và lẫn cả mấy đám… phân gà. Họ thoăn thoắt dùng dao vát sạch đám mỡ bèo nhèo còn dính lại dưới bì và vứt sang một bên. Khi đám mỡ đã chất thành đống, họ đổ vào chiếc chảo cỡ lớn, mỡ sôi sùng sục. Đám mỡ quắt lại thành tóp, được vớt ra để ráo. Đống tóp này sẽ được một gia đình trong làng thu mua lại, ép thành bánh và xuất đi làm thức ăn chăn nuôi cá. Còn lượng mỡ rán ra trở thành nguồn nguyên liệu cung cấp cho một lượng lớn bếp ăn của công nhân và các nhà hàng trên địa bàn Hưng Yên, Bắc Ninh, Hà Nội… Dõi theo một người làm đang chắt mỡ vào thùng, tôi không khỏi giật mình khi nhận ra một lớp đất, cát dày vẫn còn lắng lại dưới đáy chảo.

Sau khi lọc sạch, đống bì lợn được thả vào những chiếc thùng nhựa xanh to, dung tích 100 lít, xếp thẳng hàng ở một góc sân. Trong thùng, tuy nước trong vắt song bốc lên mùi hắc rất khó chịu. Qua nhiều lần dò hỏi, chúng tôi mới vỡ ra, đó là những thùng hóa chất chứa thuốc tẩy. Loại thuốc này được các cửa hàng hóa chất đóng vào từng can lớn, chở đến trực tiếp cho cơ sở sản xuất. Ngâm chừng 2-3 tiếng, từ những vết thâm đen loang lổ, những tấm ôi thiu ngả màu, bì lợn đã được “phù phép”, trở nên trắng tinh.

Cả làng sản xuất… chui

Ông Ngô Văn Mộc (Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Quang) thừa nhận, hầu hết các cơ sở sản xuất trong xã đều dùng hóa chất để tẩy trắng bì lợn. Dân trong làng vì biết độc hại nên chỉ chuyển hàng xuất đi các nơi mà không bao giờ dùng tới món đặc sản ấy. Ông Mộc rùng mình kể lại: “Loại thuốc ấy độc lắm. Có lần áo tôi bị dính mực, chủ một cơ sở bóng bì lấy cho tôi một chai nhỏ. Hòa vào nước ngâm, y rằng, chiếc áo lại trắng như mới”. Theo ông, vốn dĩ là vùng quê làm nông nghiệp nhưng những năm gần đây, người dân trong xã đều chuyển đổi việc làm để tăng thu nhập. Thôn Bình Lương là một trong những địa chỉ giàu lên bất ngờ bởi nghề làm bóng bì với khoảng 250 cơ sở sản xuất. Không chỉ cung cấp cho hai thị trường chính trong nước là Hà Nội và TP HCM, bóng bì của thôn còn được xuất khẩu sang cả Thái Lan, Lào… Tuy nhiên, ông Mộc cho hay, mấy năm gần đây, các cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) gắt gao nên cơ sở sản xuất nào cũng kêu khó.

Nắm bắt được điều này, xã đã phối hợp cùng các phòng ban chuyên trách và Hội Nông dân mời đơn vị tư vấn VSATTP, hướng dẫn đăng ký ngành nghề kinh doanh để cấp giấy phép sản xuất, giải quyết đầu ra. Tuy nhiên, kết thúc khóa học, 100% hộ dân vẫn không có được giấy phép này do các khâu sản xuất còn mất vệ sinh, không đảm bảo được tiêu chuẩn”.

Khi được hỏi, nắm rõ tình hình sản xuất bóng bì gây ảnh hưởng nguy hại tới người sử dụng, xã đã có những biện pháp nào khắc phục, ông Mộc lắc đầu phiền muộn: “Nói chung cũng chỉ nhắc nhở thôi, nếu xã có cấm đoán thì đi ngược lại với thôn. Họ lý luận, hàng của mình chỉ xuất đi, không gây ảnh hưởng tới người trong vùng nên mình cũng… không làm được gì!”.

Theo H.Anh
Phunuonline

Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
ADS_home_content_3
Trái
Phải
  • Sale
    Sale
LR_left_1
LR_right_1
Tin Ảnh

DV Văn Anh khoe giấy đăng ký kết hôn

Hai diễn viên Văn Anh và Tú Vi chính thức là vợ chồng.
Code_FB
 
 
ADS_681x
Trình độ học vấn của tôi là:
336x288
681x90
Quảng cáo