- google.com, pub-4530016804051003, DIRECT, f08c47fec0942fa0
-
Sau 2 tuần tổ chức, nhãn hàng BlueStone đã trao 4 giải “Trọn gói đa năng”, 4 ...
-
Có mẫu mã đẹp, chất lượng đảm bảo nên hàng nhập ngoại vẫn được khá đông khách ...
-
Bắp cải Đà Lạt to, hình tròn dẹp, lá bao bên ngoài có màu xanh nhạt, lá cuốn ...
-
Nói cách khác, quả lê bị nhiễm phóng xạ và điều này thật sự gây nguy hiểm đối ...
-
Thành phần của hộp sữa đều có nguồn gốc từ Trung Quốc.
-
Thành phần của các loại kem trộn hầu hết đều có corticoid khiến người dùng bị ...
-
Anh Tấn Minh mua liền một lúc 4 chiếc quạt về sau 2 tuần đành phải xếp xó.
-
Chỉ có vài hãng sữa được tăng giá bán, nhưng nhiều điểm bán cùng cho rằng ...
-
Chị em dễ mắc chiêu trò giảm giá khủng mà vô tình bỏ quên chất lượng sản phẩm.
Tài chính gia đình, nhà ai cũng có thể mâu thuẫn
Thanh Phương, 27 tuổi, vừa mới kết hôn chưa đầy năm đã giận dữ khăn gói về nhà mẹ đẻ. Lý do vì cô không chịu nổi cách phân chia tài chính của chồng.
Trước khi cưới, Hùng - chồng cô phân công: “Anh là chồng, dĩ nhiên phải là trụ cột của gia đình. Những món chi tiêu lớn như xe cộ, nhà cửa máy móc anh lo, còn lại những khoản lặt vặt hàng ngày là phần em. Anh làm việc nhà nước, lương không cao nên anh giữ lại để lo liên kết trong, ngoài làm ăn. Khi nào trúng những mối lớn, mấy chục triệu trở lên, anh sẽ đưa em giữ cả”.
Phương nghe cũng hợp lý. Hơn nữa, cô nghĩ những khoản lặt vặt chi tiêu trong nhà chả là bao. Nhưng mọi việc nào đơn giản như thế. Xe cộ và máy móc, hầu như cả hai đều có sẵn trước khi cưới nên Hùng không phải tốn tiền mua, còn bao nhiêu tiền lương Phương kiếm đều được dồn vào các khoản “lặt vặt” hàng ngày. Nào là gạo, mắm muối, giấy vệ sinh, xà phòng… Rồi hàng tháng còn tiền điện, nước, gas, Internet…
Ngày còn độc thân, mỗi tháng Phương còn để dành được non nửa khoản lương. Còn bây giờ, tháng nào không âm là cô đã mừng lắm rồi. Cầm cự đến tháng thứ năm, Hùng đưa về cho vợ 30 triệu đồng. Phương chưa kịp thở phào, Hùng đã lấy lại một nửa để làm ăn tiếp, còn lấy thêm 5 triệu đồng cho bạn mượn.
Đó là còn chưa kể đến việc cô không biết thu nhập chính thức của chồng mình là bao nhiêu, anh tiêu tiền vào những việc gì. Bởi lẽ, theo mức lương hiện thời của Hùng, anh không hào phóng như vậy. Hỏi thì anh chỉ ậm à ậm ừ. Bạn bè bảo cô dại vì lỡ như chuyện gì có chuyện gì xảy ra, cô sẽ là người lãnh đủ, không còn một xu tiết kiệm trong túi.
Đến một hôm, cô phát hiện ra Hùng lấy tiền bố mẹ cho hai người đem đi mua chứng khoán bị thua lỗ mà không hề nói cho cô biết. Lúc này thì “tức nước vỡ bờ”, cô trách chồng không tôn trọng mình, không chia sẻ cùng vợ. Hùng càu nhàu sao Phương cứ can thiệp vào công việc kiếm tiền của đàn ông. Chiến tranh lạnh diễn ra, Phương bỏ về nhà mẹ đẻ.
Tiền bạc là một trong những yếu tố dẫn đến tan vỡ
Trường hợp như vợ chồng Phương và Hùng không phải là ít, nếu không muốn nói là thường xuyên xảy ra đối với các cặp vợ chồng trẻ, mới cưới. Nhiều người cho rằng nguyên nhân vợ chồng cãi nhau hay chia tay thông thường liên quan đến những vấn đề về tình dục, con cái hoặc không hòa hợp. Tuy nhiên trên thực tế, trong một số trường hợp, tiền bạc là yếu tố chính dẫn đến hôn nhân tan vỡ.
Bất đồng trong việc tiêu tiền, giữ tiền và kiếm tiền đã thế, nhưng đôi khi cho dù đồng quan điểm, đồng tiền vẫn có thể là đầu mối của sự bất hòa.
Ngọc Liên và Trung Cương là một điển hình trong mơ của các cặp uyên ương. Chàng là tổng giám đốc của một công ty tư nhân, nàng quản lý hệ thống resort của gia đình. Đôi uyên ương từ nhỏ đến lớn đã quen ăn sung mặc sướng, thích mua gì thì mua, tiền bạc không bao giờ là vấn đề.
Thỉnh thoảng, vợ chồng lại làm một chuyến du lịch nước ngoài. Mỗi chuyến đi như vậy không biết tốn bao nhiêu tiền cho việc mua sắm của hai người. Nàng thì mua quần áo, phụ kiện, trang sức hàng hiệu, còn chàng thì "rinh" cả cặp một bộ thảm Ba Tư hay bức tượng ngọc thạch Quan Âm về trang trí nhà cửa.
Họ khá công bằng trong vấn đề tiền bạc: tiền anh, anh giữ, tiền tôi, tôi tiêu. Mỗi tháng, cả hai chỉ cần đóng góp một phần vào ngân sách chung để chi trả cho các sinh hoạt trong nhà.
Cuộc sống cứ thế yên ả trôi qua, mãi cho đến khi kinh tế toàn cầu xuống dốc, kéo theo công việc làm ăn của cả hai trên đà bấp bênh. Hàng tồn kho, nợ ngân hàng khiến tài khoản của chàng gần như cạn kiệt. Nàng cũng chẳng khá hơn bởi lượng khách du lịch thưa thớt, lại còn biết bao khoản vay, khoản chi. Hơn nữa, thói quen sử dụng credit card để thanh toán các đợt shopping ngập đầu khiến nàng nợ ngân hàng không ít.
Vấn đề là cả hai đều không biết gì về tình hình tài chính của bên kia, vẫn nghĩ chồng hoặc vợ có thể giúp mình trang trải được phần nào. Đến khi vỡ lẽ không ai còn một khoản tiết kiệm nào, cả hai mới bật ngửa.
Lúc bấy giờ, hai người mới chĩa mũi dùi vào nhau. Chàng trách nàng làm vợ mà không biết tiết kiệm, vun vén chi tiêu. Nàng trách chàng làm chồng mà không biết tính toán, đảm bảo tài chính cho gia đình. Đó âu cũng là một điển hình tiêu biểu cho những mâu thuẫn trong vấn đề quản lý tài chính gia đình.
Phương pháp quản lý chi tiêu - chuyện 'đèn nhà ai nấy tỏ'
Chưa kể đến những cặp chồng Âu - vợ Á, họ khác nhau hoàn toàn trong suy nghĩ kiếm tiền và sử dụng tiền. Tôi còn nhớ trong truyện Từ điển Trung - Anh cho người đang yêu (của Quách Tiểu Lộ - nhà văn nữ người Trung Quốc), nhân vật nữ chính - Trương Hiếu Kiều đã rất bất ngờ khi anh chàng người yêu người Anh đề nghị chia đôi hóa đơn tiền ăn: “Ở phương Tây, đàn ông và đàn bà bình đẳng. Chúng ta nên chia đều tiền ăn và tiền thuê nhà”.
Lúc này, Hiếu Kiều mới nhận ra: “Vậy là đàn ông và đàn bà trả một nửa tiền ngay cả khi họ sống cùng nhau. Đàn bà và đàn ông có những chuyện riêng tư và có bạn bè riêng. Đàn bà và đàn ông có tài khoản riêng ở nhà băng. Có phải chính vì thế các cặp vợ chồng phương Tây dễ dàng chia tách và ly hôn nhanh chóng vô cùng?”.
Mặt khác, giới trẻ ngày nay có quan điểm về gia đình và tiền bạc khác hẳn ngày xưa. Nói chung, mỗi gia đình có một suy nghĩ và cách xử lý khác nhau.
Như tôi, lập gia đình đã mấy chục năm, con cái đều lớn, vợ chồng tương đối hòa thuận, êm ấm. Vậy mà khi cố con gái lớn sắp lấy chồng hỏi về cách quản lý chi tiêu, tôi đâm lúng túng, không biết phải khuyên bảo làm sao cho đúng.
Người ta thường bảo vợ là tay hòm chìa khóa nhưng với bố mẹ tôi, nếu để mẹ giữ tiền thì chắc nhà chẳng còn của ăn của để. Tính mẹ vốn vô tư, vô lo nên bố tôi phải quản lý hết mọi chi tiêu trong nhà. Còn em trai và em dâu tôi chia đều mọi khoản thu, chi trong nhà. Nhưng cũng có trường hợp, vợ chồng mở chung công ty, tất cả giấy tờ đều do vợ đứng tên và quản lý luôn cả thu nhập.
Do đó, thật khó để áp dụng một quy tắc tài chính chung cho tất cả các gia đình. “Đèn nhà ai nấy tỏ”. Tôi chỉ có thể dựa vào kinh nghiệm bản thân, của những người xung quanh và cả kiến thức từ giới chuyên gia để đưa ra những lời khuyên cơ bản nhất.
Cùng nhau lập kế hoạch cho cả tương lai gần và xa
Trước hết, không gì quan trọng bằng việc bàn bạc và chia sẻ mục tiêu một cách thẳng thắn. Một số người cứ hay nhạy cảm khi đề cập đến tiền bạc, bởi họ cho rằng đó là vấn đề cá nhân rất riêng tư. Nhưng nên nhớ, một khi quyết định tiến tới hôn nhân nghĩa là đôi bên đồng ý kết hợp hai cuộc đời lại với nhau, dựa trên căn bản của sự thành thật và có niềm tin.
Trước khi kết hôn, các cặp đôi nên thảo luận về tình hình tài chính của cả hai. Nên đặt ra những câu hỏi khó để cùng nhau thương lượng và tìm cách giải quyết. Ví dụ như, mức sống của chúng ra sẽ như thế nào? Trung bình một tháng nên đóng góp bao nhiêu tiền cho gia đình? Khi nào chúng ta sẽ có con? Ai sẽ là người chăm sóc con cái? Có kế hoạch cho chúng đi học nước ngoài hay không?...
Nên vạch ra những kế hoạch cho cả tương lai gần lẫn xa. Thậm chí sau khi kết hôn, mỗi tháng một lần, vợ chồng nên ngồi lại với nhau để bàn về tài chính, chi tiêu. Việc thành lập quỹ chung, quỹ riêng như thế nào là do đôi bên cùng tình nguyện, dựa theo các định mức trong gia đình.
Anh Tuấn Vỹ - một chuyên gia tài chính, chia sẻ: “Thu nhập của tôi khá cao và ổn định. Mỗi tháng, tôi trích ra một khoản để giúp bố mẹ, một khoản để đóng tiền mua nhà trả góp, thanh toán các thẻ tín dụng, nợ ngân hàng và gửi tiết kiệm (để dành khi có con). Phần còn lại, tôi đưa hết cho vợ. Cô ấy cũng sẽ bỏ thêm khoảng 50% thu nhập của mình vào quỹ chung để chi trả các hóa đơn khác trong nhà. Tôi nghĩ cô ấy là phụ nữ, không cần phải chịu khánh nặng như đàn ông. Tôi muốn cô ấy để dành tiền mua sắm quần áo, đồ trang điểm. Từ quỹ chung đó, chúng tôi tiếp tục chia nhỏ ra làm nhiều mục khác như tiền ăn uống, điện nước, dự phòng, du lịch…
Thông thường, nếu muốn chi tiêu một món gì vượt quá mức giới hạn hoặc đầu tư thêm, chúng tôi bàn bạc với nhau trước. Đôi khi, cô ấy mượn tiền tôi để mua đồ, sau đó trả lại cho tôi đầy đủ. Cô ấy không muốn chồng phải thanh toán tất cả các hóa đơn cho vợ. Bởi cô ấy biết, tôi phải luôn cân đối tài chính, quản lý đồng tiền một cách cẩn thận. Trách nhiệm của chúng tôi là đảm bảo gia đình mình có một đời sống kinh tế ổn định”.
Đừng quên tiếp tục đầu tư vào hôn nhân và tình yêu
Xu hướng của các cặp vợ chồng hiện nay là tổ chức sự và quản lý chuyện nhà giống như một công việc kinh doanh: Lập một ngân sách theo dõi thu, chi, nợ của cả hai, cùng thảo luận trước khi đưa ra quyết định…
Vợ chồng nên cùng nhau chia sẻ trách nhiệm. Thông thường, chỉ một trong hai người đảm nhận việc quản lý tài chính, nhưng nếu được, vợ và chồng nên thay nhau làm nhiệm vụ này. Một người nên giải quyết các khoản đầu tư trong một thời gian nhất định, còn người kia thanh toán các hóa đơn, cứ thế xoay vòng và lặp lại.
Góp tài chính là điều quan trọng, tuy nhiên cả hai cũng nên giữ một khoản tiền độc lập riêng. Điều đó không có nghĩa bạn phải giấu diếm đối phương. Bản thân chúng ta cũng không nên so đo về việc bạn đời để dành được nhiều tiền hơn mình.
Tôi đã từng thấy nhiều trường hợp người chồng lo sợ nếu mình đóng vào quỹ chung nhiều hơn, nếu lỡ chia tay, coi như công sức mất trắng. Còn người vợ nhấp nhỏm nếu mình bỏ nhiều tiền vào quỹ chung, chồng mình sẽ thảnh thơi dư tiền bao bồ nhí. Cứ thế, mạnh chồng, chồng cắt, mạnh vợ, vợ giảm. Quỹ chung của cả hai ngày càng teo tóp.
Tiền bạc luôn là vẫn đề nhạy cảm nên cần niềm tin và sự tế nhị của cả hai. Nếu cả vợ và chồng quá bất đồng ý kiến, cách tốt nhất là nhờ người thứ ba làm trung gian, có thể là một chuyên gia tài chính hoặc một tư vấn viên tâm lý.
Cuối cùng, điều quan trọng nhất mà tiền bạc có thể giúp ích rất nhiều là đầy tư vào hôn nhân Hãy tiếp tục hẹn hò, tặng những món quà bất ngờ cho nhau như ngày mới yêu. Các khoản đầu tư nho nhỏ sẽ giúp hâm nóng cuộc hôn nhân của bạn. Đừng đợi đến khi về hưu mới dành thời gian cho nhà, vì khi ấy có thể đã quá muộn.
Cùng nhau lập kế hoạch cho tương lai
1. Mở tài khoản ngân hàng: Dù là quỹ chung hay quỹ riêng, đây là điều quan trọng đầu tiên mà hai bạn nên bàn bạc kỹ lưỡng trước hôn nhân. Cách tốt nhất là nên có cả hai quỹ: quỹ chung dùng để chi trả cho gia đình, quỹ riêng để tiết kiệm hoặc mua sắm những món riêng.
2. Tạo một ngân sách gia đình: Cùng nhau thảo luận với người bạn đời về những khoản thu, chi nợ… để xem có thể tiết kiệm bao nhiêu mỗi tháng. Tìm ra các cách tiết kiệm hữu ích như kết hợp các khoản chi… Đặt câu hỏi và trả lời để phát triển một ngân sách hôn nhân an toàn về lâu dài.
3. Kế hoạch dự phòng: Luôn có những dự tính xa hơn cho tương lai, về nhà cửa, đất đai và bảo hiểm. Bạn sẽ ở nhà thuê trong bao lâu? Khi nào mua nhà riêng? Khi nào có con? Đây cũng là lúc nên mua bảo hiểm nhân thọ và nghề nghiệp. Bởi nếu không may có chuyện gì xảy ra cho người bạn đời, bạn vẫn có thể tiếp tục gánh vác phần còn lại.
4. Kế hoạch nghỉ hưu: Nghe có vẻ xa vời nhưng bạn nên suy tính đến chuyện ấy là vừa. Khi về già, không còn thu nhập từ công việc, bạn sẽ sống nhờ vào trợ cấp, tiết kiệm, bảo hiểm, bất động sản hay lương hưu? Bắt đầu dành dụm mỗi ngày một ít là cách tính toán khôn ngoan nhất.
5. Chia sẻ nỗi lo: Để các kế hoạch tài chính thành công, bạn nên thảo luận kỹ cùng người bạn đời. Rất nhiều cặp cảm thấy khó khăn khi đề cập đến chuyện tiền bạc. Hãy hình dung, khi còn độc thân, chuyện tiền bạc đã là gánh nặng thế nào, huống hồ gì sau khi kết hôn, nó còn tăng lên gấp đôi. Vì vậy hãy chia sẻ những khó khăn để cùng tìm cách giải quyết.
Theo Phong Cách
- Xu hướng tiêu dùng trong khó khăn ở TP HCM (13:21:00 31/03/2009)
- Phụ nữ dễ tiêu hoang trước ngày 'đèn đỏ' (08:26:00 31/03/2009)
- 'Mẹo' giảm tiền điện cho mùa hè (17:11:00 30/03/2009)
- Chi tiêu khi ở riêng (15:23:00 30/03/2009)
- TPHCM: Hơn 20 loại văcxin tăng giá (07:20:00 30/03/2009)
Code_FB ADS_681x |
Video 336x288 |