Billboard
ADS_Top_Right
  • Bigsize
    Bigsize
  • google.com, pub-4530016804051003, DIRECT, f08c47fec0942fa0
Tiêu điểm

Khóc - cười với hàng "đại hạ giá"

14:56:40 10/04/2009

Phần lớn các chủ hàng giảm giá để thu hồi vốn; nhưng cũng không ít người lợi dụng biển 'đại hạ giá' để… móc thêm tiền từ túi khách hàng.

Mừng như vớ được… vàng

Dọc các con đường khắp 36 phố phường Hà Nội đâu đâu cũng la liệt các banrol, biển hiệu "Siêu rẻ, Giá cực sốc, Thanh lý, Xả hàng, Đại hạ giá, Giảm giá từ 30- 70%"… làm mê hoặc các “thượng đế”. Năm nào các mặt hàng cũng giảm giá nhưng chưa năm nào chiến dịch này lại nở rộ như năm nay. Mới mấy tháng đầu năm mà hầu hết các mặt hàng đều giảm giá, từ đồ điện tử, đến quần áo, giày dép… từ trong các siêu thị đến cửa hàng, cửa hiệu nơi vỉa hè và các chợ đêm… Và các chuyên gia “săn” hàng giảm giá lại bước vào mùa ráo riết đi mua hàng cực rẻ trong niềm vui sướng như… vớ được vàng.

 

Tại một cửa hàng chuyên bán đồ hiệu trên phố Hàng Bài, chị Nguyễn Thị Hà – nhân viên hãng bảo hiểm Prudential vừa ngắm nghía nàng manequin vận bộ đồ hiệu “Made in Italia”, vừa xuýt xoa: “Những bộ đồ này ngày thường với túi tiền của mình là “xa xỉ” nhưng giảm giá 40% thì chẳng tội gì không ăn diện một chút. Mặc hàng hiệu mà giá rẻ vừa tiết kiệm mà vẫn đẹp”. Sau khi ướm thử, chị cười rất tươi, rút ví trả tiền không hề do dự, như thể sợ chủ hàng đổi ý. Quả thực bộ quần áo chị chọn rất đẹp khiến mấy bà, mấy cô chậm chân hơn, cứ xuýt xoa, ngẩn ngơ vì tiếc.

Ngày cuối tuần, mấy cửa hàng giày dép trên phố Bà Triệu đông nghịt người khi tấm vải đỏ đề “giảm 30% siêu khuyến mại” được treo lên. Chị Trần Thanh Hoa, chủ một cửa hàng đon đả mời khách ngay trước cửa hàng. Khi được hỏi về việc giảm giá có ảnh hưởng đến doanh thu của cửa hàng không, chị thành thật chia sẻ: “Bán hàng phải có lãi chứ em.

Cứ dịp nào giảm giá thì lượng khách tăng lên rõ rệt vì giá giảm nhưng chất lượng vẫn tốt. Thôi thì lãi ít đi một tý nhưng giữ và thu hút khách cũng là chiến lược kinh doanh lâu dài trong tình hình kinh tế khó khăn hiện nay”. Cứ nhìn từng tốp khách vào ra cửa hàng đủ thấy người mua thích thú thế nào với hai từ “giảm giá”.

Chợ đêm Hàng Đào – Hàng Ngang những ngày này cũng đông nghịt khách. Tôi hăm hở theo chân đám bạn đến tiếng là để “mục sở thị” thị trường giá cả nhưng kì thực là cũng mong mỏi mua được một vài thứ phù hợp với túi tiền không mấy “phổng phao” của mình. Vừa đặt chân tới nơi, chúng tôi đã bị hút theo tiếng rao “mua áo 25 nghìn một chiếc” của chị chủ quầy quần áo.

Ngay lập đám thanh niên xúm lại chọn lựa, đám bạn “vô trách nhiệm” của tôi cũng nhanh chân len vào, bỏ mặc tôi như con nai vàng ngơ ngác giữa chốn phồn hoa. Chờ mãi cũng sốt ruột, tôi đánh liều lao vào quầy hàng với niềm hy vọng sẽ kiếm được một vài cái rẻ cho đáng mặt đi chợ đêm. Đám khách hàng trẻ tuổi có, đứng tuổi có cứ bới tung đám quần áo mà không hề e ngại bị chủ hàng quở trách. Ai nấy đều hí hửng ra mặt, hài lòng với sự lựa chọn của mình.

Bùi Thị Phương – sinh viên trường ĐH Kinh tế Quốc dân cầm chiếc áo đã qua cuộc “tuyển chọn” khắt khe hồ hởi khoe: “Không mất nhiều tiền lại được chọn thoải mái, tìm được cái ưng ý là thích rồi. Tớ không chạy theo mốt, chỉ cần phù hợp với mình thôi. Cậu xem cái áo này được không? Cái áo này mà ở shop phải gần trăm ngàn đấy”. Nhìn cái vẻ vui mừng của bạn sinh viên nọ, tôi cũng “nổi hứng” lấy “đại” một cái áo sau nhiều lần nhấc lên đặt xuống trong lòng mừng thầm: lớ ngớ như mình cũng mua được hàng rẻ!

 

Giảm giá… ngược

Thấy cửa hàng có biển giảm giá tới 50% ở phố Phạm Ngọc Thạch, tôi và lũ bạn ào vào trong cái nhìn ngơ ngác của mấy bà bầu và câu hỏi của chị chủ hàng làm chúng tôi tái cả mặt: Bọn em mua đồ bầu à?

Hốt hoảng vài giây rồi nhìn vào đám quần áo trong cửa hiệu chúng tôi đồng thanh “không ạ” rồi lủi thật nhanh để khỏi phải nghe tiếng cười của đám khách đang mua hàng. Những cái “big sale” (đại hạ giá), siêu rẻ… làm chúng tôi bị choáng ngợp quên mất cả việc phải đọc tên cửa hàng. Cứ thấy khuyến mại, giảm giá là sà vào như một con chiên cuồng tín đồ rẻ đến mức bước nhầm vào cửa hàng quần áo dành cho… bà bầu.

Hàng đại hạ giá không chỉ “ghi điểm” trong con mắt của phụ nữ mà các đấng mày râu cũng coi việc đi mua được hàng rẻ là dịp thể hiện cái khả năng mua bán của mình trước mặt phái đẹp. Anh Phạm Duy Quang – giáo viên, trước nay thường quen với việc vợ mua gì mặc nấy. Mấy hôm trước, dọc đường đi làm về thấy cửa hàng “sale off” (giảm giá) anh vào chọn cho mình một chiếc quần thô khá chỉn chu rồi vội vã về nhà “khoe” vợ. Không một lời khen mà còn bị vợ “ca” cho một bài. Anh Quang than thở: “Có biết giá cả thế nào đâu. Thấy họ đề giảm giá thì chắc mẩm sẽ rẻ hơn bình thường. Người ta đã hạ giá thành thì nào mình nỡ mặc cả. Ai dè lại mua đắt hơn mấy chục nghìn”.
Cơ quan tôi có mấy chị được phong là “cóc cụ”, chả mấy khi lượn lờ các cửa hàng thời trang. Trong phòng làm việc, họ là những cái máy siêu tốc, xử lý công việc cực nhanh. Ấy vậy mà, đi ra đường họ cứ ngơ ngơ như bò đội nón. Thấy thiên hạ lũ lượt đi mua hàng đại hạ giá, mấy “cóc cụ” cũng thì thào rủ nhau đi. Cả một ngày chủ nhật, mỗi “cụ” khuân về được một đống quần áo, cụ nào cũng cười rinh rích vì mua được hàng với giá “bèo”, hàng hiệu hẳn hoi…

Hôm sau, mấy đàn em nghe kể liền tò mò ghé thăm “hàng”. Ôi thôi! Cả một mớ áo quần của những năm 80 thuộc về thế kỷ trước. Nếu ra phố hàng thùng (khu vực Kim Liên) thì mỗi chiếc áo này chỉ có giá 20 ngàn. Chủ hàng giặt là cẩn thận, treo biển “đại hạ giá” 50 – 70% và khéo mời khách, thế là mấy “cóc cụ” với tư duy thời trang của những năm 80 sập bẫy: 100 ngàn đồng/chiếc.

Nhắc tới việc mua hàng giảm giá ở các chợ đêm cũng có nhiều phen “hú vía”. Theo như đánh giá của các “chuyên gia săn hàng rẻ” thì các mặt hàng có lỗi hoặc không còn hợp mốt… thường được bán rẻ vào buổi tối để che giấu nhược điểm, “loè” người mua. Thế nên quầy hàng nào cũng có một quy tắc “không mặc thử”, ưng cái nào thì “tiền trao cháo múc”. Thuỳ Linh – sinh viên báo chí mua được chiếc áo phông khá màu mè với cái giá “bèo” 20.000 đồng.

 Tuy nhiên, cô chẳng có cơ hội được diện vì vừa qua một nước giặt, chiếc áo đã bạc phếch bạc phơ. Cũng chẳng hơn gì Linh, Ngọc chỉ được sở hữu cái áo mua ở chợ Xanh vài lần thì buộc phải ngậm ngùi làm “giẻ lau bàn” vì chẳng hiểu chất vải thế nào mà sau khi giặt, chiếc áo cứ quăn lên, co lại đến tận… rốn.

Đại hạ giá là một cách để kích cầu và được anh được ả, được cả hai bên nên phần lớn người bán kẻ mua đều hồ hởi chào đón chiến dịch này. Chỉ có điều, người mua phải tinh tường để tránh tình trạng “tham rẻ” mà vội vàng, thấy giảm giá, “tưởng bở” mà “sập bẫy”…

Theo Nhà Báo & Công Luận

Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
ADS_home_content_3
Trái
Phải
  • Sale
    Sale
LR_left_1
LR_right_1
Tin Ảnh

DV Văn Anh khoe giấy đăng ký kết hôn

Hai diễn viên Văn Anh và Tú Vi chính thức là vợ chồng.
Code_FB
 
 
ADS_681x
Trình độ học vấn của tôi là:
336x288
681x90
Quảng cáo