Billboard
ADS_Top_Right
  • Bigsize
    Bigsize
  • google.com, pub-4530016804051003, DIRECT, f08c47fec0942fa0
Tiêu điểm

Khổ nhục vì cố "moi tiền" của chồng

10:05:40 09/03/2009

Do chồng không chịu “nộp” tiền hàng tháng để chi tiêu trong gia đình, các bà vợ đã tìm đủ mọi cách để “moi” tiền của chồng. Có người móc ví, lột tất, có người giao cho chồng phải trực tiếp đóng một số khoản cụ thể nào đó trong tháng như: Tiền điện, tiền học của con...

Nhưng không ít bà vợ đành phải bất lực kêu trời và gọi điện đến các trung tâm tư vấn...

Suốt 2 tháng nay, gia đình chị Thuận liên tục bị cắt điện do chậm đóng tiền điện hàng tháng. Con gái chị đang học lớp 2 cũng bị cô giáo nhắc nhở vì bố mẹ chưa đóng học phí. Nguy cơ con gái bị đuổi học khiến lòng người mẹ rối bời không biết nên bỏ tiền túi ra đóng hay tiếp tục chờ chồng mang tiền về...

Có mà như không

Chuyên gia Nguyễn Yến Nhi (Trung tâm tư vấn Tuổi trẻ hạnh phúc và kỹ năng cuộc sống) nói: “Những cuộc gọi liên quan đến tài chính trong gia đình chủ yếu là của phụ nữ, chiếm khoảng 98%. Hầu hết họ phàn nàn về việc chồng không có thói quen, không có trách nhiệm đóng tiền cho vợ khiến gánh nặng tài chính gia đình đè nặng lên vai họ.
 
Theo tôi, việc nhiều người đàn ông hiện nay vô trách nhiệm về vấn đề tài chính, là bởi suy nghĩ của đàn ông về phụ nữ hiện đang có nhiều thay đổi.
 
Trong những trường hợp chúng tôi tư vấn về vấn đề này, lý do khiến các ông chồng không chịu đưa tiền cho vợ là vì họ không kiếm ra tiền, hoặc không tin tưởng vợ. Những gia đình này thường phải sống trong không khí căng thẳng vì vợ chồng thường xuyên cãi vã. Nhiều phụ nữ gọi điện thoại trong tâm trạng muốn ly hôn vì cảm thấy “có chồng cũng như không”.

Chị Nguyễn Thị Thuận (Hàng Bột, Đống Đa, Hà Nội) lấy chồng đã gần chục năm nay. Vợ chồng chị có hai đứa con gái.

Chị là cán bộ, thu nhập vào mức trung bình, đủ để chi tiêu cho gia đình. Chồng chị - anh Lê Nam Cường làm nghề kinh doanh khung nhôm kính. Cả hai vợ chồng chị đều là dân tỉnh lẻ đến Hà Nội lập nghiệp, nhà vẫn phải đi thuê.

Mặc dù thu nhập của chị Thuận khoảng 6 triệu đồng/tháng, nhưng do phải chi tiêu trong gia đình từ A – Z nên chị chẳng để ra được đồng nào.
 
Bảo chồng đóng tiền hàng tháng, anh Cường ậm ờ lúc có lúc không. Nếu có thì số tiền anh đóng cũng chẳng đáng bao nhiêu, lại phải mất thời gian suy nghĩ, nhiều khi còn trở nên chán nản vì thái độ vô trách nhiệm của chồng, nên chị Thuận đành tặc lưỡi, coi như “có mà như không”.

Vì vậy suốt gần chục năm nay, chị Thuận phải một mình “kéo cày” nuôi con và chi trả mọi khoản chi tiêu trong gia đình. Mọi sự sẽ cứ trôi đi êm ả trong sự “chấp nhận” số phận, nếu như chị Thuận không gặp lại những người bạn học cũ thời cấp 3. Chị vốn là lớp trưởng, vừa là bí thư chi đoàn, lại là người duy nhất thi đỗ đại học nên khi gặp lại, họ trách chị nhiều lắm. Các bạn chị trách chị thành đạt rồi quên hết bạn bè. Họ không hề biết rằng, trong số bạn bè, chị nghèo nhất, vì cho đến giờ vẫn chưa mua được nhà.

Sau khi đến thăm nhà mấy người bạn cũ về, chị Thuận thấy mình không thể thả trôi vấn đề tài chính của gia đình được nữa. Chị lấy lý do cơ quan giảm thu nhập, không đủ tiền chi trả các khoản như trước nên chồng chị phải đóng thêm khoản tiền điện, tiền học phí cho con, ngoài khoản tiền thuê nhà anh vẫn đóng từ trước đến nay.

Con gánh hậu quả

Tháng đầu tiên thực hiện chiêu "moi tiền" này từ chồng, được chồng đỡ cho khoản học phí của con, chị Thuận  mừng lắm. Nhưng niềm vui “ngắn chẳng tày gang”, sau ba lần nhận thông báo đóng tiền điện, gia đình chị bị cắt điện.

Do được “thả rông” trong suốt nhiều năm qua, nên anh Cường chưa quen với “bổn phận” mới. Lúc thì anh quên, lúc lấy lý do chưa có tiền, lúc lấy lý do bận... nên có mỗi tờ thông báo đóng tiền điện cứ bị đá qua đá lại từ vợ sang chồng. Hậu quả là 3 mẹ con chị Thuận phải sống trong tăm tối suốt 3 ngày liền, còn anh Cường thì đang đi công tác tại... Quảng Ninh. 
 
Nỗi kinh hoàng vì bị mất điện chưa kịp nguôi ngoai thì đã bước sang tháng mới. Tiền học phí của con thường đóng vào ngày mùng 1 hàng tháng nhưng lần này chồng chị đóng tiền học phí cho con gái chậm mất 10 ngày. Mỗi lần đi đón con, cô giáo nhắc khiến chị vô cùng xấu hổ. Vậy nhưng vì nghĩ đến “tương lai”, chị đành lấy lý do này nọ để hoãn chuyện đóng tiền học phí của con. Chị quyết tâm thực hiện chiến lược buộc trách nhiệm tài chính của gia đình với chồng.

Sự ràng buộc chính đáng này không phải vì thế mà thành công. Gia đình chị Thuận lại tiếp tục bị cắt điện và con gái chị lại tiếp tục bị nhắc nhở vì đóng học phí muộn. Lần này, đúng vào dịp kỷ niệm ngày 8/3, học phí lại phải nộp vào đầu tháng nên chị Thuận đã réo rắt giục chồng ngay từ đầu tháng. Chẳng biết chồng có đủ khả năng “chi” hay không, nhưng chị Thuận vẫn nhất quyết “nếu anh không đóng tiền, cô giáo ghét con là coi như con thất học luôn đấy!”. Mặc dù đã nhắc nhở chồng như vậy, nhưng tiền học phí của con, chồng chị đến nay vẫn chưa đóng. Trong khi các phụ huynh trong lớp của con gái chị đã có quà cho cô giáo từ ngày 6/3 nhưng đến trưa ngày 8/3, vợ chồng chị vẫn im hơi lặng tiếng. Chị Thuận vẫn còn ngồi chờ chồng, còn anh Cường vẫn mải miết đi... công tác xa.

Chị Thuận rối bời vì quá lo cho con gái. Không thể chịu đựng thêm, chị đã gọi điện đến Trung tâm tư vấn Tuổi trẻ hạnh phúc và kỹ năng cuộc sống để tìm hướng giải quyết. Rốt cuộc chị đành phải trở về “cái máng lợn” của mình, bỏ hết mọi ưu tư về tiền bạc, nhà cửa, lại một mình chèo kéo lo nuôi dạy con đến nơi đến chốn.

Chiêu “moi” tiền chồng của chị Thuận coi như thất bại, nhưng theo chị, đó chỉ là tạm thời. Hiện chị vẫn tiếp tục nhờ chuyên gia tư vấn tìm cách buộc trách nhiệm tài chính của chồng với gia đình. 

* Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi

 Theo Gia Đình & Xã Hội

Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
ADS_home_content_3
Trái
Phải
  • Sale
    Sale
LR_left_1
LR_right_1
Tin Ảnh

DV Văn Anh khoe giấy đăng ký kết hôn

Hai diễn viên Văn Anh và Tú Vi chính thức là vợ chồng.
Code_FB
 
 
ADS_681x
Trình độ học vấn của tôi là:
336x288
681x90
Quảng cáo