- google.com, pub-4530016804051003, DIRECT, f08c47fec0942fa0
-
Bạn có thể thưởng thức rất nhiều món ăn ngon mà không cần phải đặt chân vào ...
-
Đường phố và những mái nhà phủ một màu trắng xóa của tuyết.
Quán ăn "thời bao cấp" ở Hà Nội
Sự xuất hiện của quán ăn thời bao cấp đã gợi được sự tò mò của nhiều người dân Thủ đô. Khách tìm đến với quán không chỉ để được ăn cơm độn ngô, được xếp hàng theo tem phiếu… mà còn đến để nhớ về một thời đã qua.
Quán ăn đặc biệt
Anh Phạm Quang Minh (chủ quán) vốn có nhiều năm kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống, nhà hàng. Anh Minh tâm sự: “Đã từ lâu, tôi luôn muốn mở được một nhà hàng theo phong cách thời bao cấp. Bởi thời nhỏ tôi thường xuyên phải đi xếp hàng ở khu vực phố Nhà Thờ và Tôn Đản. Chuyện xếp hàng và mua bằng tem phiếu đã trở thành một dấu ấn khó phai mờ trong ký ức về tuổi thơ của tôi”.
Ấp ủ ý tưởng về một quán ăn mang phong cách bao cấp đã lâu nhưng anh Minh chưa có điều kiện thực hiện vì hiện vật sưu tầm còn hạn chế và chưa tìm được địa điểm phù hợp. Theo anh Minh, anh vô tình tìm được một ngôi nhà cũ mang đúng phong cách của Hà Nội xưa nên đã quyết tâm mở quán. Với sự trợ giúp đắc lực của 2 họa sĩ Quách Đông Phương và Lê Thiết Cương, quán ăn mang tên “Cửa hàng ăn uống mậu dịch số 37” đã ra đời.
Quán nằm trên một con phố nhỏ ven hồ Trúc Bạch. Quán không có biển hiệu bắt mắt với những đèn màu nhấp nháy mời gọi, cũng không có những nhân viên ra co kéo khách hàng… Quán được trang trí đơn giản với nhiều kỷ vật độc đáo.
Gần như toàn bộ đồ dùng của quán đều được sử dụng bằng những vật dụng thời bao cấp như bát sắt, bình tong, ca đựng nước tráng men. Không gian quán được điểm xuyết bằng một chiếc quạt tai voi, một bộ dàn âm thanh cổ, chiếc xe đạp thống nhất, những bộ tem phiếu mua hàng, những chiếc sổ gạo, một hòn gạch ghi danh để chiếm chỗ… cùng một bộ ảnh đặc biệt về những năm tháng Hà Nội xưa. Anh Minh cho biết, đây là những bức ảnh được họa sĩ Lê Thiết Cương mua lại bản quyền của một nhiếp ảnh gia người Thụy Điển rồi tặng lại cho anh.
Không chỉ trưng bày các kỷ vật, quán ăn còn phục vụ cả những món ăn của một thời khó khăn như cơm độn khoai, độn sắn, dưa xào tóp mỡ, đậu tẩm hành, cá diếc kho, bia hơi… do chính tay những cô “mậu dịch viên” phục vụ. Nhiều thực khách tỏ ra tò mò với đội ngũ mậu dịch viên và đã được chủ quán giải đáp: “Tất nhiên, thái độ của các mậu dịch viên sẽ rất cởi mở chứ không cáu gắt hay kiêu kỳ như trước đây. Thời này còn giữ thái độ đó chắc ế chỏng chơ, chẳng ai còn đến ăn”.
Dấu ấn của một thời quá vãng
Những ngày mới mở, quán thu hút khá đông người. Mặc dù được phục vụ theo phong cách “hiện đại hóa” nhưng nhiều thực khách vẫn muốn được trải nghiệm lại cảnh xếp hàng và tự nguyện đứng chờ để được các mậu dịch viên phục vụ.
Cô “mậu dịch viên” đang chuẩn bị phiếu ăn cho khách.
Ông Nguyễn Nam (một thực khách) xúc động: “Lâu lắm rồi tôi mới lại được nhìn thấy những vật dụng và không gian thế này. Trước đây tôi thấy Bảo tàng Dân tộc học có một triển lãm về thời bao cấp và đã thu hút được hàng vạn người đến xem. Tuy nhiên, ở bảo tàng thì chỉ được ngắm nhìn. Quán ăn này khiến người ta được 'sống lại'. Đến đây, tôi thấy nhớ lại một thời quá khứ đau thương. Thời ấy, đâu phải cứ có tiền là mua được như bây giờ. Muốn mua đồ ăn, cần phải có tem phiếu và phải xếp hàng từ tờ mờ sáng. Người ta dùng các đồ vật như gạch, đá, nón… để lấy chỗ. Tiêu chuẩn của mỗi người đã được định sẵn nhưng đôi khi đến lượt thì đã hết hàng phải về không. Ai trót đánh mất tem phiếu hay sổ gạo thì tháng đó không biết làm thế nào để xoay xở được thực phẩm…”.
Anh Phạm Quang Minh nhớ rõ hơn về “thời tem phiếu”: “Tiêu chuẩn cho mỗi công nhân đi làm chỉ được 4m vải một năm. Nếu được tiêu chuẩn 3 lạng thịt thì nhiều người đổi lấy sườn hay thịt thủ để được thành 6 lạng. Gạo chỉ được đong theo tiêu chuẩn nên cơm thường phải độn thêm và ăn cơm với bo bo, khoai, sắn là rất phổ biến”.
Người chủ quán đặc biệt này cũng chia sẻ: “Có người muốn quên đi quá khứ đau khổ ấy. Có người muốn nhớ lại một thời khó khăn như một kỷ niệm. Với tôi, thời bao cấp đã để lại những kỷ niệm thật sâu sắc. Tôi muốn có một nơi để những người từng trải qua thời ấy, trong đó có tôi, nhớ lại; một nơi để thế hệ sau tìm hiểu xem cha mẹ chúng đã sống qua một thời thế nào”.
Theo Hoàng Phương
Gia Đình & Xã Hội
- Trượt cát ở Quy Nhơn (10:38:00 22/08/2012)
- Quán thịt cầy, sinh tố 'mắng chửi' ở Sài Gòn (15:42:00 21/08/2012)
- Hà Nội: Bún cá cuốn thịt ngõ Trung Yên (10:09:00 16/08/2012)
- Hà Nội: Nước cóc ép phố Quang Trung (09:25:00 16/08/2012)
- Nem nướng Đà Lạt tại Sài Gòn (14:21:00 12/08/2012)
Code_FB ADS_681x |
Video 336x288 |