Billboard
ADS_Top_Right
  • Bigsize
    Bigsize
  • google.com, pub-4530016804051003, DIRECT, f08c47fec0942fa0
Tiêu điểm

Nụ cười và nước mắt của Nghĩa sau 1 tháng bị bắt

17:30:30 20/06/2010

Sáng 16/6, phóng viên đã có một cuộc trò chuyện kéo dài đúng 1 tiếngđồng hồ với hung thủ Nguyễn Đức Nghĩa tại trại giam Công an Hà Nội.

>> Bố Nguyễn Đức Nghĩa: Con tôi như đã chết rồi
>> Bố Phương Linh từ chối gặp bố Đức Nghĩa
>> Bố đẻ Nguyễn Đức Nghĩa xin gặp gia đình nạn nhân chia sẻ nỗi đau 

Nguyễn Đức Nghĩa trong trại giam.
Trong cuộc trò chuyện này, dù có lúc, nước mắt đã rơi trên khuôn mặt của Nghĩa nhưng những khi nói về động cơ gây án, Nghĩa vẫn tìm mọi cách, vận dụng mọi tri thức đã được học để biện bạch, che đậy… Nghĩa gầy hơn so với hôm mới bị bắt tạm giam. Gương mặt bây giờ cũng không thản nhiên như những ngày đầu nữa. Nhưng cách nói chuyện thì vẫn vậy: từ tốn, nhỏ nhẹ, khúc chiết.

Hà Nội đang trong những ngày nóng khủng khiếp nhất từ đầu hè đến nay. Ở trong buồng giam, cũng vì thế mà Nghĩa không ngủ được. Buổi sáng, trời dịu đi chút ít, Nghĩa đang vùi mình trong giấc ngủ bù mệt nhọc thì có tiếng quản giáo gọi đi cung. Nghĩa bảo, không ngờ lại gặp nhà báo thế nên chả chuẩn bị gì.

- Sao lại phải chuẩn bị khi gặp nhà báo kia chứ, một cuộc trò chuyện thôi mà?

- Thì có quay phim, chụp ảnh, ít ra hình thức cũng phải tươm tất chút. Đằng này, chỉ khoác vội vào người bộ quần áo trại, đầu chưa chải, mặt còn chưa rửa nữa…

Nói rồi Nghĩa cười, gương mặt bỗng trở nên rạng rỡ, khôi ngô. Nhưng cũng chỉ trong khoảnh khắc nụ cười vụt tắt. Trong phúc chốc gương mặt Nghĩa trở nên tối lại. Nghĩa cúi đầu như cố thu mình lại trước ống kính máy ảnh.

- Anh chắc phải biệt giam ở buồng giam riêng nhỉ?

- Không, tôi không phải giam riêng mà ở chung buồng với 2 người nữa. Cũng toàn thanh niên nên dễ trò chuyện. Một người là bị can trong vụ bắn nhau ở đường Láng – Hoà Lạc. Lúc tôi chưa bị bắt, ở ngoài tôi cũng đọc báo về vụ này rồi nên vào buồng là nhận ra người đó ngay. Một người nữa là bị can phạm tội giết người.

- Các bạn tù cùng buồng đối với anh tốt không?

- Tốt chị ạ. Các chú quản giáo cũng đối xử tốt với tôi.

- Anh vẫn nhận được quà thăm nuôi của gia đình đều chứ?

- Tuần nào cũng có quà chị ạ, đầy đủ mọi thứ vật dụng thiết yếu.

(Giọng Nghĩa bắt đầu nghẹn lại. Mười ngón tay trên bàn cứ thế đan ghì vào nhau. Nghĩa bặm môi lại, im lặng một hồi, cố kìm nén để khỏi bật ra tiếng khóc).

Bố mẹ tôi thật khổ, chắt chiu từng đồng bạc nuôi tôi khôn lớn, ăn học đàng hoàng. Thế mà, tôi chưa trả nghĩa được gì thì bây giờ ông bà lại phải lặn lội từ Hải Phòng lên gửi quà cáp, thăm nuôi tôi. Chắc mẹ tôi khóc nhiều lắm đấy…

- Ở trong này, anh nhớ mẹ nhiều không?

- Nhiều lắm chị ạ. Cả ngày ngồi bó gối trong buồng giam, ký ức tuổi thơ cứ thế hiện về như một cuốn phim quay chậm mà tất cả mọi khuôn hình đều làm tôi đau đớn. Nhớ từ khi còn học tiểu học, ngày ngày mẹ dắt đi học, sợ tôi cận thị nặng, qua đường nhỡ va quệt vào người đi xe máy. Tôi phải đeo kính từ năm học lớp 1. Số kính cứ tăng vùn vụt. Bây giờ đã phải đeo kính tới 9,5 điốp.

Hồi học THPT, ra mãi Trường Ngô Quyền học, cách nhà cả chục cây số. Chiều chiều tan học cứ thấy tôi về muộn là bố tôi lo. Tôi nhớ nhất là dáng bố ngồi chờ tôi ngoài cửa và hình ảnh mẹ tất bật vào bếp chuẩn bị cơm mỗi chiều thứ Bảy khi đón tôi từ Hà Nội trở về. Bây giờ mọi thứ đã vĩnh viễn là quá khứ không bao giờ trở lại được nữa. Tôi không bao giờ còn cơ hội được trở về với cha mẹ, với ngôi nhà nhỏ ở Hải Phòng nữa rồi.

(Nghĩa lắc đầu, hai bàn tay bấu chặt lấy mặt bàn, mặc cho nước mắt cứ thế tuôn rơi).

Tôi đã làm đơn xin được lĩnh án tử hình rồi. Tôi biết, dù tôi có chết nghìn lần cũng đáng, cũng không thể nào bù đắp được những tội ác quá ghê sợ mà mình đã gây ra với gia đình Linh, với gia đình tôi và những người có liên quan khác. Tội ác của tôi gây ra là quá lớn, không một ai kể cả bản thân tôi, tôi cũng không thể tha thứ được cho mình. Ngay từ cái khoảnh khắc cầm dao đâm Linh là tôi biết, tôi đã tự tước đi cuộc sống của mình rồi.

- Biết vậy mà sao anh lại còn cố tình xoá bỏ dấu vết, che đậy tội ác của mình man rợ đến mất nhân tính thế?

(Nghĩa im lặng, cúi đầu cố lảng tránh câu hỏi của tôi bằng cách vòng vo hiếm thấy ở một người mà ở trong những lần khai báo đều tỏ ra rất khúc chiết, rành mạch. Các cán bộ của Đội điều tra trọng án kể lại rằng, trong lần hỏi cung đầu tiên ngay sau khi Nghĩa bị bắt kéo dài khoảng 4 tiếng đồng hồ, tất cả đều tỏ ra kinh ngạc bởi Nghĩa nhớ rành rẽ đến từng chi tiết nhỏ. Chuyện giết người man rợ được Nghĩa thuật lại một cách rành mạch đã khiến tất cả các cán bộ điều tra tham gia cuộc hỏi cung ấy đều bị ám ảnh).

- Tôi đã xem rất nhiều bộ phim trinh thám của nước ngoài và tôi hiểu, tội ác dù có nguỵ trang, che giấu khéo đến mấy thì cuối cùng cũng sẽ bị phát hiện. Lúc đó, tôi nảy ra ý định phải dọn dẹp hiện trường nhằm trốn tránh sự trừng phạt của pháp luật hoặc chí ít là có thể kéo dài thời gian để tôi có thể làm một số việc cuối cùng của mình trước khi ra đầu thú hoặc trước khi kết liễu cuộc sống của mình như là về thú tội với cha mẹ, với tổ tiên.

- Nhưng trong tất cả những cái được gọi là “việc cuối cùng” đó hình như anh không làm gì cả, ngoài việc bỏ trốn?

- Trong khoảng thời gian từ khi gây án đến khi bị bắt, tôi có về nhà hai lần. Thấy tôi có vẻ buồn bã, bồn chồn, mẹ tôi hỏi có gì bất an không nhưng tôi không dám thú nhận. Tôi cũng đi lễ nhà thờ hai lần, một lần ở Toà thánh trên đường Hoàng Văn Thụ cách nhà tôi khoảng gần chục cây số và một lần ở nhà thờ Nam Hà ngay gần nhà, nhưng tôi cũng không dám xưng tội trước Chúa.

Tôi cũng nghĩ đến chuyện ra đầu thú hoặc tự vẫn bằng thuốc ngủ cho nhẹ nhàng và được toàn thây khi về với cát bụi. Nhưng rồi tôi đã không làm được gì cả. Đó là những ngày khủng khiếp nhất đối với tôi. Tôi hầu như không ăn, không ngủ được. Lúc nào cũng có cảm giác đang có một tảng đá rất nặng đè lên ngực, ép tim tôi đến nghẹt thở. Và rồi, tôi bỏ lên Thái Nguyên…

- Với hy vọng là mình sẽ trốn được?

- Không, tôi biết rằng trước sau gì rồi cũng sẽ bị bắt. Bị bắt như thế này có khi lại còn hơn, chứ trốn mãi rồi cũng có ngày sẽ phải chết đường chết chợ thôi…

- Vậy sao khi Yến gọi điện khuyên anh về đầu thú để Cơ quan điều tra đỡ mất công sức truy tìm và cũng là để anh có cơ hội được hưởng khoan hồng nhưng anh vẫn nhất định không nghe mà lại còn mạt sát cô ấy rằng: “Thì ra em đang bán đứng anh cho công an à?”.

- (Trước câu hỏi của tôi, phải mất một hồi im lặng khá lâu, Nghĩa mới tìm ra câu trả lời) Vì tôi biết Yến đang ngồi ở Cơ quan Công an nên mới nói thế, không phải nói với Yến mà là nói với Cơ quan điều tra.

- Một cách khẳng định rằng anh sẽ nhất định không chịu đầu thú phải không?

- (Nghĩa lặng thinh, gật đầu. Nước mắt lại tiếp tục tuôn trào) Tôi thương Yến rất nhiều chị ạ. Tôi yêu cô ấy nhưng không làm được gì cho cô ấy mà trái lại chỉ mang đến những điều phiền luỵ. Vì tôi mà cô ấy bị khởi tố. Ở trong này, ngày nào tôi cũng nghĩ đến cô ấy.

- Yêu thương Yến vậy mà sao anh lại phản bội cô ấy một cách tệ hại đến thế. Sao lại nỡ đưa người yêu cũ đến nhà người yêu mới trong lúc cô ấy vắng nhà, mà lại không chỉ có một lần…

- Vâng, lần Linh đến và bị giết đã là lần thứ ba. Trước đó, tranh thủ lúc Yến về quê, tôi đã rủ Linh đến căn hộ của Yến hai lần. Tôi đúng là thằng đàn ông đốn mạt đến bẩn thỉu. Tôi biết điều đó từ ngay lần đầu tiên tôi rủ Linh chứ không phải bây giờ mới nhận ra đâu…

- Đã tìm thấy phần đầu của Linh rồi, anh có biết không?

- Từ khi bị bắt, tôi mơ thấy Linh hai lần. Một lần khi tôi ở nhà tạm giữ. Tôi thấy cô ấy hiện về, mặc váy trắng toát, đến bên tôi, gần lắm nhưng không hiểu sao gương mặt lại rất mờ. Lần thứ hai là khi tôi bị đưa vào giam trong Hoả Lò. Lần này, cô ấy cũng mặc váy trắng toát. Cô ấy cứ đứng nhìn tôi nhưng không nói gì cả. Tôi cũng nhìn cô ấy, thấy rõ mồn một. Chả hiểu có linh ứng gì không mà hai ngày sau giấc mơ này tôi nhận được thông báo của Cơ quan điều tra rằng đã tìm được phần còn lại của thi thể cô ấy rồi, đang đưa đi giám định ADN.

- Một ngày trong buồng giam của anh diễn ra như thế nào?

- Ngày ở trong này với tôi bây giờ dài vô tận. Tôi ngủ rất ít. Hôm nào cũng phải đến gần sáng tôi mới ngủ đến tầm 9h thì dậy ăn cơm. Xong xuôi rồi lại nằm, nghĩ ngợi đến giờ cơm chiều. Nhất là từ khi tìm thấy phần đầu của Linh, tôi lại càng dằn vặt nhiều hơn…

Tôi có chết cũng không hết tội với cô ấy, với cha mẹ cô ấy. Cầu cho vong hồn cô ấy siêu thoát ở nơi chín suối. Tôi muốn được gửi tới gia đình Linh, tới Yến và tới cha mẹ tôi lời tạ lỗi…

(Nguyễn Đức Nghĩa chào từ biệt tôi để trở giam mà nước mắt vẫn lưng tròng).

Nỗi đau của gia đình Linh

Căn nhà ông Ba thường ngày đã cửa đóng then cài vì mọi thành viên trong gia đình ông đều đi làm từ sáng đến tối mới về, nay lại càng im ắng. Đón tôi dưới cổng là Hoàng (em trai Linh), cậu bé nhanh nhẹn nhưng vẫn không giấu được sự hụt hẫng. Hoàng kể: “Lẽ ra, sau mỗi giờ ăn cơm như thế này, chị Linh thường dạy em học. Chị Linh rất thông minh và nắm kiến thức rất chắc”.

Được biết, Linh không chỉ đi làm cho tổ chức phi chính phủ mà còn dạy thêm ôn thi đại học cho nhiều em học sinh cuối cấp. Khi biết tin dữ, nhiều phụ huynh học sinh mà Linh đang kèm cặp đến gia đình ông Ba đóng tiền học lần cuối cùng cho cô giáo Linh và chia buồn với gia đình ông, họ cảm động và thương tiếc cô gia sư có năng lực và hết lòng vì những cậu học sinh đang ôn thi vào đại học.
 
Khi Linh ra đi, cô vẫn đang kèm một khoá ôn thi đại học cho mấy em học sinh cuối cấp. Ông Ba kể rằng, có đợt thấy mấy cậu trai đến tặng hoa cho con gái ông, lúc ấy ông cứ nghĩ, hay là… Nhưng sau này ông mới hiểu, những cậu trai đến tặng hoa cho Linh vì tình thầy trò, họ đến cảm ơn Linh vì đã kèm cặp giúp họ nắm vững kiến thức nên đã thi đỗ đại học.

Hoàng kể rằng vì nhà chỉ có hai chị em nên rất thân nhau. Linh tuy chỉ là chị gái nhưng lại chiếm một vị trí sâu sắc và đặc biệt trong lòng em. Sự thân thiết gắn bó đến mức Hoàng biết rõ rằng trong cốp xe máy SCR của Linh lúc nào cũng có sổ tiết kiệm, thẻ ATM. Khi Linh mang xe SCR đi, được biết trong cốp xe của em có sổ tiết kiệm trị giá 6.200 euro, ATM có chừng 13 triệu.

Nỗi đau vẫn nguyên vẹn trong lòng ông Ba và cậu em trai Linh.

Lúc tôi vào thăm gia đình, thấy Hoàng đang lúi húi rửa bát, những công việc mà khi Linh còn sống, Linh thường làm.

Chị hàng xóm nói chuyện với tôi chốc lát ngoài cổng, chị kể: “Thói quen của Linh là khi về đến cổng, dựng xe và chào hỏi hàng xóm láng giềng. Rồi em lên gác ngay, không la cà chuyện phiếm bao giờ”.

Tôi lật từng trang album ảnh để ngắm lại em những tháng ngày tươi đẹp đã qua, thấy gương mặt em toát lên sự thông minh, sống động và đầy trí tuệ. Vóc dáng em mảnh mai và nụ cười thật phúc hậu.

Ông Ba chỉ cho tôi căn phòng Linh ở khi em còn sống, nó gợi lên sự rộng rãi, sạch sẽ và bây giờ nó trở nên trống trải vô hồn. Chiếc giường gỗ Linh vẫn thường nghỉ ngơi được sơn màu đen và chiếc đệm bọc ga có in nền hoa màu xanh nước biển.
 
Căn phòng được bài trí rất gọn gàng, ngăn nắp. Chiếc tủ quần áo to đủ để em xếp quần áo cho cả hai mùa hè, mùa đông, và chiếc máy tính xách tay đã được trả về cho chủ cũ trong một cảm giác buồn đau tột độ của người nhận lại. Ông Ba kể: “Những gì là của con, tôi vẫn muốn giữ riêng cho con như một kỉ niệm. Tủ quần áo vẫn còn những bộ quần áo khi còn sống con thường hay mặc. Cảm giác như con chỉ đi công tác xa một chuyến mà thôi”.

Nói đến đây, đôi mắt ông Ba ầng ậc nước, đỏ hoe, ông cứ bám vào cửa phòng con gái nhìn mãi những gì thân thuộc hàng ngày của con gái ông. Ông Ba tâm sự: “Tôi gắn bó với con gái, chăm bẵm nó nhiều nên nỗi đau mất con lần này như lấy đi hết sinh lực của tôi…”

Không thể dung thứ…

Nhắc đên cái chết của con gái, bờ vai gầy guộc của ông run bần bật. Giọng của ông mỏi mệt tuyệt vọng: “Con người ai cũng một lần sinh ra và một lần mất đi, có nhiều nguyên nhân dẫn đến cái chết, chết vì tai nạn giao thông, chết vì bệnh tật đau ốm, nhưng chết như con tôi…”, ông bỏ lửng câu nói, thấy ông rúm ró ngồi lặng mình bên ghế. Một lát sau mới thấy ông tiếp tục câu chuyện với tôi: “Gia đình chỉ mong sao bên Viện khoa học hình sự Bộ công an sớm có kết quả khám nghiệm ADN để gia đình nhận phần đầu của Linh về, hoả táng cho con để con sớm siêu thoát”.

Ông Ba thương xót con gái bao nhiêu thì căm hận kẻ thủ ác bấy nhiêu. Ông bảo: “Chỉ vì cần tiền mà hắn ta coi rẻ mạng sống của con gái tôi, hắn làm con tôi đau đớn và cả gia đình tôi cũng đau đớn đến suốt đời”.

Ngày nào ông cũng lóc cóc vào bệnh viện Bạch Mai thắp hương. Ông Ba bảo với tôi, ông khẳng định chắc như đinh đóng cột, phần đầu được tìm thấy ở sông Cầm hôm 7/6 chính là đầu của con gái ông.

Sắp đến ngày diễn ra phiên xử tên giết người thú tính Nguyễn Đức Nghĩa, giọng ông Ba rầu rĩ: “Hành vi của tên Nghĩa đối với con gái tôi là quá man rợ. Tôi chỉ mong cơ quan pháp luật xử lý thật nghiêm minh. Nếu Linh không phải con tôi, mà là con người khác thì tôi cũng mong Pháp luật thật nghiêm minh để có tính răn đe phòng ngừa đối với toàn xã hội”.

Từ chối việc thăm hỏi của ông Hùng (bố Nghĩa) những cũng thông cảm với nỗi đau của ông Hùng, ông Ba cho biết thêm: “Sau này nỗi đau nó dần vơi đi theo thời gian, nếu ông Hùng còn muốn lên thắp hương cho con gái tôi, tôi cũng không phản đối. Nhưng thời gian này, việc con gái tôi chưa xong, khiến tôi còn nhiều mệt mỏi phải lo nghĩ…”

Lúc tiễn tôi ra cửa, vóc dáng nhỏ bé của ông lẩn khuất vào bóng tối, ông nói một câu như lát cắt đắng chát của cuộc đời: “Giá như cái thân già này được đổi cho con gái, thì cuộc đời cũng đỡ đau đớn hơn…”. 

Theo ANTG / PL & XH

Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
ADS_home_content_3
Trái
Phải
  • Sale
    Sale
LR_left_1
LR_right_1
Tin Ảnh

DV Văn Anh khoe giấy đăng ký kết hôn

Hai diễn viên Văn Anh và Tú Vi chính thức là vợ chồng.
Code_FB
 
 
ADS_681x
Trình độ học vấn của tôi là:
336x288
681x90
Quảng cáo