Billboard
ADS_Top_Right
  • Bigsize
    Bigsize
  • google.com, pub-4530016804051003, DIRECT, f08c47fec0942fa0
Tiêu điểm

TP HCM: 7 triệu để mua mấy "chú tinh trùng"

16:48:30 28/04/2009

Để phát hiện ra những mánh khóe 'làm tiền' của các chàng trai bán giống, một cặp phóng viên đã đóng giả đôi vợ chồng hiếm muộn đi tìm mua tinh trùng.

3h chiều, Sài Gòn nắng như đổ lửa, họ vào một quán nước trước cửa Bệnh viện Từ Dũ, cố ý bàn thảo lớn tiếng: "Làm sao bây giờ anh? Chờ đến khi nào mới có người hiến tinh trùng để được thụ tinh nhân tạo đây?". Chị hàng nước vừa bán cho khách vừa tỏ ý lắng nghe câu chuyện. Lát sau, "người chồng" nói: "Bây giờ có ai bán là mình mua liền". Thấy thế, chị bán nước nói: "Này, hai vợ chồng có chuyện gì mà căng thẳng thế?". Khách bắt đầu kể những khó khăn trong việc có con và nỗi khổ chờ mãi không được nhận tinh trùng. Nhưng suốt 15 phút trò chuyện, chị ta không tỏ ý giới thiệu người bán tinh trùng, chỉ thỉnh thoảng thêm vài câu thương cảm.

Cuối cùng chị ta vỗ đùi: "Có rồi, có rồi, cô chú chờ chút". Chị nhổm dậy, vẫy tay gọi ai đó bên kia đường: "Tùng, Tùng lại đây". Theo hướng tay của chị là bàn nhậu có khoảng chục người đàn ông.  Một người có dáng nhỏ con, gương mặt sạm nắng, đứng dậy, băng qua đường đi đến.
Chị hàng nước ghé vào tai anh ta nói nhỏ. Chẳng đợi khách mở lời phân trần, anh ta hất hàm: "Chị may đấy, có một thằng đang cần tiền. Thằng này cao to đẹp trai, nhìn là mê liền". Như mở cờ trong bụng, "người chồng" nhanh chóng hỏi: "Thật không anh? Làm sao để gặp anh ta?". Người đàn ông thận trọng quan sát xung quanh, mặt vẫn hướng ra đường, trả lời: "Bây giờ không được, chỗ này bất tiện lắm. Chị lấy số điện thoại này để liên hệ".

 

Người bán xuất hiện

Ngày này hôm sau, hai phóng viên gọi điện để sắp xếp gặp mặt. Sau hai lần hẹn rồi lại hủy, người bán "giống" đồng ý hẹn gặp lúc 11h tại một quán cafe trên đường Nguyễn Thiện Thuật, quận 3. Hơn 30 phút sau giờ hẹn, một chiếc xe máy tay ga trờ tới, trên xe là hai người đàn ông, một trạc 30 tuổi, dáng người chắc đậm, người ngồi sau khoảng trên 50 tuổi, nhỏ con. Chiếc xe vòng qua vòng lại nhiều lần. Cuối cùng, người đàn ông ngồi sau lấy điện thoại ra bấm. Máy di động của phóng viên lập tức rung lên. Cả hai nhanh chóng vào quán.

Người đàn ông trẻ tên Lâm, cũng là người bán "giống", người kia xưng tên Thành, chú của Lâm. Sau khi thận trọng quan sát xung quanh, ông ta thì thầm: " Chị muốn cho trực tiếp hay theo đường hiến? Tuy nhiên, nếu chị chọn cách hiến sẽ tốn rất nhiều tiền. Tôi có cách giúp chị gửi hồ sơ vào không tốn tiền".

Phóng viên tỏ vẻ ngạc nhiên hỏi: "Sao không để chúng tôi dẫn anh ta vào bệnh viện cho an toàn. Quan trọng là chất lượng, tiền bạc không thành vấn đề với chúng tôi".

Lâm buột miệng: "Không được, tôi nhẵn mặt ở bệnh viện rồi".

Ông Thành gạt ngang: "Mày nói cái gì vậy?", rồi bảo khách hàng: "Nghĩ kỹ đi, lấy trực tiếp từ thằng Lâm, cô vừa giảm được chi phí, lại biết được con mình có khỏe mạnh hay không, chẳng phải tốt hơn sao? Nếu cô chú thật tâm muốn có con, phải đi đường tắt thôi".

Trong khi đó, Lâm liên tục đưa ra album ảnh của con trai cho khách xem và hỏi: "Chị xem ảnh con trai tôi chưa? Nó bụ bẫm, thông minh lắm. Bảo đảm hàng chất lượng cao".

Cuối cùng, khi khách đồng ý, ông Thành đưa số điện thoại của một người tên Tuấn, cò môi giới.  Ông ta ra giá 7 triệu đồng cho Lâm. Tiền được trả làm ba phần và chưa bao gồm phí thăm khám, xét nghiệm. Không chỉ thế, khách hàng còn có nhiệm vụ đưa tiền bồi dưỡng sức khỏe cho Lâm trong quá trình xét nghiệm.

Lâm cười hềnh hệch bảo: "Anh chị cũng hiểu rồi đó, đàn ông phải được tẩm bổ thì 'nó' mới mạnh". Chiều cùng ngày, phóng viên gọi cho Tuấn. Ông ta không chịu đến gặp mặt, chỉ bảo: "Tôi biết vấn đề của chị rồi, chỉ cần đưa tên tuổi, số điện thoại của người hiến. Khi nào vợ chồng chị được nhận, tôi sẽ báo".

Theo quy định, để có mẫu tinh trùng sử dụng được, người hiến phải tối thiểu học hết lớp 9, từ 20 đến 55 tuổi, sức khỏe bình thường, không mắc bệnh tâm thần, di truyền và các bệnh viêm gan, giang mai, HIV/AIDS. Phóng viên gọi điện thoại cho ông Thành để lấy bằng cấp của Lâm. Ông cười bảo: "Cô cứ đưa tên tuổi, số điện thoại của nó cho bác sĩ là được. Nó làm gì mà có bằng với chả cấp". Khoảng một tuần sau, Lâm gọi điện nói: "Ba ngày nữa tôi đi làm tinh dịch đồ. Chị đưa tôi ít tiền để bồi bổ và đưa trước 1/3 số tiền".

Cứ thế, những ngày sau, anh ta liên tục đòi tiền mua ngẩu pín, thịt bò... để tẩm bổ. Thậm chí có lần anh ta còn đòi đưa 500.000 đồng để mua đông trùng hạ thảo.

Sự khan hiếm

Hiện tượng rao bán tinh trùng đang ngầm phát triển. Những đối tượng mà phóng viên tiếp xúc là cả một đường dây mua bán có tổ chức. Bác sĩ Lê Tấn Cảnh, khoa Hiếm muộn Bệnh viện Từ Dũ, cho biết: "Hiện tại, ngân hàng tinh trùng đang bị thiếu trầm trọng. Chúng tôi đã kêu gọi việc hiến tinh trùng nhưng kết quả thu được chưa đáng kể, đa phần là do tâm lý e ngại. Bệnh viện đang lưu giữ khoảng hơn 300 hồ sơ chờ xin tinh trùng trong vô vọng vì không tìm được nguồn hiến".

Như vậy, nếu có nhu cầu xin tinh trùng, các cặp vợ chồng phải nhờ người thân hiến vào, nhưng điều này không dễ. Chưa kể, họ phải đối chọi với hàng nghìn hồ sơ khác để được chọn nhận. Chính vì thế, một số người đã lợi dụng thời cơ, nhảy vào kiếm chác. Ngoài Lâm, Thành, Tuấn, phóng viên còn phát hiện ra nhiều mục rao bán "giống" trên một số website.

Trên  trang web rao vặt có thông tin: "Nguyễn Văn... 26 tuổi., người mạnh khỏe, cao 1,71m, nặng 53kg, tốt nghiệp đại học. Tôi muốn thông qua mục này để giúp những người hiếm muộn, khó sinh con bằng cách bán tinh trùng hoặc hiến tặng. Yêu cầu của tôi là phải khám sức khỏe nếu muốn cho trực tiếp và giữ bí mật cho tôi. Liên lạc qua: ban_tinhtrung...@yahoo.com khi đồng ý sẽ gặp mặt!". Liên hệ lại địa chỉ trên, hơn một tháng sau, phóng viên nhận được e-mail hồi đáp. Sau khi yêu cầu khách hàng gửi thông tin cá nhân, anh ta bặt tăm.

Hậu quả

Có thể thấy một nguyên nhân chính khiến tình trạng rao bán "giống" phát triển chính là bản thân người đi mua. Vì quá mong mỏi có con cái, một số người hiếm muộn đã tìm mua tinh trùng từ bên ngoài. Thế nhưng, họ không thể lường trước những hậu quả khôn lường từ chất lượng của tinh trùng và trứng từ nguồn ngoài luồng này.

Bác sĩ Lê Tấn Cảnh nói: "Chẳng ai đảm bảo những mẫu tinh trùng trôi nổi kia không mắc bệnh lây nhiễm nếu không tuân thủ quy định xét nghiệm, kiểm tra nhân thân. Người nhận tinh trùng nếu không qua các khâu kiểm tra, xét nghiệm chặc chẽ từ  người cho thì có thể đứng trước nguy cơ mắc các bệnh như HIV, con sinh ra có thể mắc các bệnh di truyền...".

Ngoài ra, người bán "giống" có thể không chỉ bán cho một người mà còn bán cho nhiều người khác. Như vậy, những đứa trẻ được sinh ra cùng một "giống" có thể gặp nhau trên đường đời mà không hề biết nhau, rắc rối sẽ phát sinh. Vì thế, người hiếm muộn đang có nhu cầu mua "giống" rất cần xem xét kỹ lưỡng quyết định của mình.

Theo Tiếp Thị & Gia Đình

Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
ADS_home_content_3
Trái
Phải
  • Sale
    Sale
LR_left_1
LR_right_1
Tin Ảnh

DV Văn Anh khoe giấy đăng ký kết hôn

Hai diễn viên Văn Anh và Tú Vi chính thức là vợ chồng.
Code_FB
 
 
ADS_681x
Trình độ học vấn của tôi là:
336x288
681x90
Quảng cáo