Billboard
ADS_Top_Right
  • Bigsize
    Bigsize
  • google.com, pub-4530016804051003, DIRECT, f08c47fec0942fa0
Tiêu điểm

Ra Tết, osin còn "quý" hơn VIP

07:48:30 03/02/2009

Như đã thành lệ, cứ hết Tết là nhiều gia đình lại khốn đốn vì thiếu người giúp việc. Các trung tâm cung ứng lao động liên tục nhận được đăng ký nhờ tìm người nhưng cung lại quá xa cầu.

Chị Định (Trung tâm Lao động Việc làm Thanh niên, Trần Nhật Duật, Hà Nội) cho biết, ngày đầu tiên đi làm mà mọi người trong cơ quan chị chẳng có lấy một phút chúc mừng hay buôn chuyện với nhau vì liên tục phải tiếp và nhận điện thoại đăng ký tìm người giúp việc. "Ấy thế nhưng lại chưa thấy ai đăng ký đi làm mới chết chứ" - chị nói thêm.

Chị kể, cũng như mọi năm, sau Tết, mỗi ngày Trung tâm chị nhận được hàng chục đề nghị nhờ tìm osin nhưng đều phải hẹn lại khách hàng ít nhất sau Rằm tháng Giêng mới đáp ứng được.

Có nhiều lý do khiến osin không trở lại nhà chủ cũ hoặc đến muộn: Người trẻ có khi vì ham vui, còn hội hè, tụ tập với bạn bè, có người gia đình không cho đi làm nữa hay ở nhà để... lấy chồng. Nhiều người khác lại vì tìm được việc tốt hơn hoặc cố tình làm cao để được tăng lương.

Nhiều nơi có dịch vụ cho thuê người giúp việc theo giờ cũng đành chịu không tìm đâu ra lao động để cung cấp. "Giờ có trả lương cao đến đâu cũng chịu thôi, chả thấy ai đăng ký mà giới thiệu cả" - anh Hoàng (chủ một doanh nghiệp tư nhân chuyên giới thiệu việc làm trên đường Lương Thế Vinh, Hà Nội) nói. Anh cho biết, từ ra Tết đến giờ, ngày nào cũng có gần chục người đến hay gọi điện nhờ tìm osin giúp, có người còn nói sẽ trả lương thật cao dù làm trong thời gian ngắn nhưng anh cũng đành hẹn ít nhất 10 ngày nữa.

Đây cũng là dịp để nhiều trung tâm cung ứng lao động chặt chém khách hàng. Khi được nhờ tìm osin giúp, nhân viên một trung tâm trên đường Kim Mã đã cao giọng: "Phí giới thiệu người bây giờ là 550.000 một lượt nhé, tại giờ tìm người khó lắm, không nhanh chân là hết. Sau mùng 10 thì chúng tôi lại lấy phí như bình thường là 480.000 thôi".

Khi gọi điện tới một cơ sở khác trên đường Lê Thanh Nghị, chủ doanh nghiệp cũng nói ngay: "Đang có một người đợi việc đây, nhưng có tới 10 người đã đăng ký rồi. Nếu chị cần thì đến ngay, nhận người rồi ký hợp đồng, lương ít nhất phải 1,2 triệu đấy. Nhanh lên không đến lại có người khác thuê đấy". 

Ảnh minh họa: VnE.

Trăm kiểu bùng việc của osin

Ngày đầu tiên đi làm sau một tuần nghỉ Tết, nơi làm việc bỗng chốc trở thành chỗ trao đổi, trung tâm giới thiệu việc làm.

Nhấc máy trả lời điện thoại với giọng điệu uể oải, chị Trang (Phạm Ngọc Thạch, Hà Nội) trút một tràng dài không ngớt trên ống nghe. Không biết người ở đầu dây bên kia có chăm chú nghe hay không nhưng chị vẫn "diễn" rất đạt bằng đủ mọi cung bậc hỉ, nộ, ái, ố về cô giúp việc "trót lưỡi đầu môi".

Nhà chị có đến hai cô giúp việc, một cô trông cháu nhỏ còn cô kia làm việc nhà. Trước khi về nghỉ Tết, chị đã dùng mọi chiêu thức để nịnh và cưng chiều với mong muốn hết Tết, hai cô lại tiếp tục lên đỡ đần vợ chồng chị việc nhà. Mua quà cáp đầy đủ để hai cô giúp việc mang về, không những thế, như doanh nghiệp, chị còn tặng hẳn tháng lương thứ 13 và bịn rịn nhắn nhủ nhớ quay lại. Vậy mà... mồng 1 Tết, một cô gọi điện vòng vo mãi. Phải nhờ người nhà giãi bày hoàn cảnh, mới biết, cô muốn thay đổi không khí theo chúng bạn ở quê lên tàu Nam tiến làm khu công nghiệp vì "ở nhà chị... buồn quá".

Mệt mỏi vì mấy ngày Tết không có người giúp, chị Trang lúc nào cũng phải tất bật với cậu con hơn một tuổi. Bén hơi cô giúp việc chăm sóc, cậu con chị nhớ "người tình" cứ khóc suốt rồi bắt bế ra bếp, ra hành lang tìm. Không rời mẹ nửa bước, không theo bất kỳ ai, cậu bé bám riết lấy mẹ.

Cả Tết không đi được đến đâu, suốt ngày chỉ quanh quẩn nựng con đã đủ mệt. Ngày thường, công việc nhà đã có chị giúp việc làm đỡ. Tết đến, cả vợ và chồng phải làm từ A đến Z, từ lau nhà, rửa bát, giặt quần áo, nấu ăn đến chăm sóc con cái. Hết bảy ngày Tết, người đau ê ẩm, uể oải, đến cơ quan, không có hứng để làm việc.

Chị ngán ngẩm: "Những người giúp việc còn trẻ và chưa có gia đình họ thường có tâm lý bay nhảy. Làm ở nhà máy hay khu công nghiệp được khoảng 2 triệu một tháng nghe thì có vẻ nhiều nhưng họ chưa tính đến chuyện phải trả tiền nhà, tiền ăn, điện, nước... Trong khi đi giúp việc các gia đình, các khoản ấy không phải chi một đồng. Đến tháng, họ vẫn nhận được tiền lương đầy đủ, thậm chí, đến những thứ nhỏ nhặt như đồ dùng vệ sinh tôi cũng mua cho. Đó là chưa nói đến tình hình khủng hoảng như hiện nay, công nhân ở các nhà máy phải nghỉ việc hàng loạt vì không có việc". Sau Tết, gia đình chị Trang tá hỏa ra ngay trung tâm giới thiệu việc làm tìm gấp một cô... thế chỗ.

Không khác gì chị Trang, chị Dung (Tây Hồ) cũng khổ sở vì đã đến hẹn mà vẫn chưa thấy bóng dáng tăm hơi osin nhà mình lên. Nhớ lại, chị thấy mình không hề sơ xuất gì trước Tết với người giúp việc. Bánh, kẹo, măng miến đồ khô... chị đã sắm đầy đủ, thậm chí còn gửi tiền mừng tuổi và một túi quần áo cả cũ lẫn mới về cũng chỉ mong cô giúp việc "mủi lòng" mà quay lại. Trong lúc chờ đợi, vợ chồng chị đành gọi bà nội, ngoại đến "cứu viện" tạm thời.

Tâm sự với bạn bè, chị Dung luôn mồm nói câu "trộm vía" rồi nơm nớp lo phải kiếm người khác vì mất nhiều thời gian huấn luyện người mới cho quen việc. Chăm chỉ sắn tay vào giặt quần áo cho cả nhà mấy ngày mà anh chồng chị Dung đã kêu oai oái "nhớ" bà ngoại và người giúp việc. Anh chỉ mong hết Tết được gặp bà và ohin.

Chị Dung (Thanh Xuân, Hà Nội) phải đấu tranh tư tưởng mãi mới dậy được lúc 6 rưỡi để đi chợ, nấu cháo, cho con ăn rồi hai vợ chồng khăn gói đưa con sang gửi ông bà ngoại ở cách nhà gần 10km, xong xuôi mới tới cơ quan được.

Chị kể, trước khi về quê ăn Tết, cô bé giúp việc hẹn như đinh đóng cột là mùng 6 sẽ lên trông bé để hai vợ chồng đi làm. Đúng hôm đó, đang mong ngóng thì chị nhận được điện thoại mẹ cô bé gọi lên xin phép cho con ở nhà thêm 2 ngày nữa vì "Nó cứ bíu ríu bạn bè, chị em, mà cả năm mới về được vài lần". Chị Dung cũng bấm bụng đồng ý vì biết đầu năm muốn tìm người mới rất khó.

Thế nhưng, mong mãi, tới lúc này, osin nhà chị vẫn chưa lên. "Bà ngoại đã già, lại cũng bận nhiều việc lắm, chỉ trông hộ buổi nay thôi. Mai mà người giúp việc chưa lên là mình phải nghỉ làm ở nhà trông con rồi" - chị Dung tâm sự.

Thế nhưng, trường hợp của chị vẫn còn may mắn vì dù muộn nhưng vẫn hy vọng người giúp việc sẽ tới. Còn chị Hòa, Gia Lâm, Hà Nội còn khốn đốn vì đầu năm đã nhận được điện thoại từ phía bà osin: "Cô chú chịu khó tìm người khác giúp nhé. Mấy đứa con tôi nhất định không cho mẹ đi làm nữa. Tôi cũng muốn ra với cu Bi lắm".

Cú điện thoại hôm mùng 5 đó khiến cho vợ chồng chị Hòa cuống cuồng lên. Ông bà ngoại ở tận Nam Định, ông bà Nội ở Bắc Kạn, đều không thể ra giúp. Trước Tết, bà giúp việc còn nói chắc chắn sẽ ra, hơn nữa, tiền lương của bà vẫn còn mà bà vốn rất mến cu Bi nên anh chị không hề nghĩ đến tình huống sau Tết nhà sẽ không có osin.

Vậy là từ lúc đó, hai vợ chồng huy động mọi cách để tìm người giúp việc. Anh lên mạng rao tin, điện thoại đến các trung tâm cung ứng lao động, chị đi hỏi người thân, bạn bè xem có ai giới thiệu giúp. Thế nhưng mọi manh mối đều không kết quả. Các trung tâm cung ứng người giúp việc đều hẹn anh chị ít nhất 10 hôm nữa mới có.

Tính mãi không được, cuối cùng, mùng 6 anh đi làm, chị phải ở nhà trông con. Còn hôm nay, thay phiên, chị đi làm, anh xin nghỉ ở cơ quan, dẫn con đi chơi. "Xin nghỉ một hai hôm thì còn được chứ làm sao nghỉ tới chục ngày để đợi tìm được người. Đang đau hết đầu đây. Trưa nay tranh thủ về, thấy nhà cửa lanh tanh bành, hai bố con đánh vật cho nhau ăn mà thấy oải quá. Người giúp việc ơi, người ở đâu" - chị Hòa vừa cười vừa nói mà ánh mắt vẫn đăm đắm lo âu.

Trước Tết, Chị Thanh (Ba Đình, Hà Nội) đã phải cẩn thận hẹn đi, hẹn lại người giúp việc rằng: “Mùng 5 nhé, mùng 5 trên này mọi người đều đi làm rồi, chị thu xếp lên đúng lịch còn nhúc nhắc việc nhà giúp em…”. Bà giúp việc gật gù dạ vâng ra chiều chắc chắn lắm.

Thế mà, mùng 5, từ sáng đến tối mịt chưa thấy lên. Nhà cửa ngổn ngang, con nhỏ, bố mẹ ở xa không lấy ra ai nhờ cậy được, chị Thanh đành xin nghỉ để “thu xếp việc nhà”. Nghĩ người quê ăn Tết “dây cà ra dây muống” có khi đến tận rằm, bắt lên mùng 5 thế này có lẽ cũng sớm quá, bà giúp việc còn quyến luyến gia đình, chị Thanh dằn bụng: “chờ thêm cho qua hết cuối tuần, có khi thứ Hai bà ấy lên…”.

Thứ Bảy qua, rồi cả ngày Chủ nhật đến tuyệt không có tăm hơi gì. Tối Chủ nhật, chị quyết định gọi điện về quê. Không liên lạc được với chính người cần gặp, chị chỉ có thể hỏi qua cô cháu họ của bà osin. Linh tính mách chị, bà ấy sẽ không lên nữa. Y như rằng, đầu dây kia cô cháu họ vòng vo nói khó khi nghe chị hỏi thăm: “Mấy hôm em không gặp dì, nhưng hôm Tết em ở bên đấy thì thấy hình như cậu em không cho dì đi nữa… ngày mùa… ruộng… lấy ai mà làm…”. 

Chị hậm hực: "Nhà bà giúp việc có ông chồng khỏe mạnh 'chuyên nghề' làm ruộng, còn lại 'thất nghiệp' cả năm, rồi hai đứa con đều tuổi bẻ gãy sừng trâu, làm gì không lấy ra ai lo vụ mùa đến nỗi phải bắt vợ đang làm trên này với chị nghỉ việc. Là họ không có tình, không có tâm với chị, nên thích thì xin làm, không thích là nghỉ đấy thôi. Chị giữ lại 10 ngày công nhưng số quà cáp, áo quần chị biếu bà ấy đem về quê, rồi tiền xe, tiền lì xì… còn quá 10 ngày công ấy!".

Cô Nhân (Đống Đa, Hà Nội) cũng mất lòng tin với những người giúp việc từ dưới quê lên. Cô bảo: “Họ không qua được cái nếp nghĩ của người quê, không chuyên tâm, chuyên nghiệp với công việc. Lên đây đa số chỉ muốn làm tạm 1-2 tháng lấy lương rồi về với gia đình hoặc chuyển chỗ làm khác, nhưng lại ký hợp đồng với mình cả nửa năm trời, rồi phá hợp đồng, rồi trốn tránh không dám nói chuyện trực tiếp với gia chủ. Cô rút kinh nghiệm rồi. Chỉ mượn người Hà Nội đã nghỉ hưu, giúp việc theo giờ. Các bác ấy sạch sẽ, lại cùng nếp với mình. Lương tính ra có cao hơn chút nhưng bù lại, chẳng mất chi phí sinh hoạt cho người ta. Lại chẳng phải hướng dẫn gì nhiều, đỡ mệt!”.

Để tránh rơi vào cảnh khóc dở mếu dở khi bị osin cho “leo cây”, cần kiên quyết, chặt chẽ với mọi điều khoản hợp đồng ngay từ đầu, phạt nặng nếu osin tự ý bỏ việc.

Lưu ý chỉ giữ các giấy tờ tùy thân có giá trị như chứng minh nhân dân để làm tin. Không thanh toán hết lương, hạn chế thưởng, hạn chế quà cáp khi chưa hoàn thành hợp đồng. Nếu muốn thưởng cho người giúp việc để ghi nhận sự cố gắng của họ trong công việc, hãy nói cho họ biết về số tiền, nhưng cũng nói rằng bạn sẽ cộng dồn và trao đầy đủ cho họ khi hợp đồng đã hoàn tất. 

Cũng nên đối xử với người giúp việc công bằng, văn minh, có tình, có lý, tạo cho họ tâm lý thoải mái, gắn bó khi sống với gia đình mình. Người chủ với người giúp việc ngoài quan hệ “đối tác” trên bản hợp đồng lao động vẫn còn thứ quan hệ người - người mà cái tình nên được đặt lên trên hết. Bởi dẫu sao, họ đến đỡ đần bạn việc nhà - đó cũng là một cái ân.

 Theo VnE / Ngôi Sao/ Dân Trí

Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
ADS_home_content_3
Trái
Phải
  • Sale
    Sale
LR_left_1
LR_right_1
Tin Ảnh

DV Văn Anh khoe giấy đăng ký kết hôn

Hai diễn viên Văn Anh và Tú Vi chính thức là vợ chồng.
Code_FB
 
 
ADS_681x
Trình độ học vấn của tôi là:
336x288
681x90
Quảng cáo