Billboard
ADS_Top_Right
  • Bigsize
    Bigsize
  • google.com, pub-4530016804051003, DIRECT, f08c47fec0942fa0
Tiêu điểm

Lo sợ thực phẩm "bẩn"

10:12:30 16/10/2008

TP HCm: Melamine tiếp tục được phát hiện trong nước đóng lon, 10 tấn thịt thối suýt được biến thành thịt bò khô. Hà Nội: 'Rùng mình' với bánh kẹo sản xuất tại Hoài Đức

Gần 10 tấn thịt thối suýt biến thành thịt bò khô

9,5 tấn thịt trâu bò bốc mùi hôi thối vừa được cơ quan chức năng phát hiện tại một công ty kinh doanh thực phẩm ở quận 10, TP HCM. Theo doanh nghiệp, số thịt này dự kiến được chế biến thành khô bò.

Tổng số thực phẩm được phát hiện gồm 1,4 tấn thịt trâu đông lạnh nhập từ Ấn Độ và hơn 8 tấn thịt trâu bò nội địa loại thịt bán ế tại các chợ được mang cho vào bao, chất đống không phân loại.

Phó chi cục Thú y TP HCM Trương Thị Kim Châu cho biết, nguyên nhân khiến thịt bị hỏng là do phòng bảo quản không đạt yêu cầu. "Tại thời điểm kiểm tra, toàn bộ khu vực dân cư đã có mùi hôi nồng nặc. Trong kho chứa, nhiệt độ không đảm bảo quy định khiến thịt bắt đầu chuyển hóa, nước dịch hôi thối chảy ra thịt" - bà Châu nói.

Cũng theo bà Châu, trong bốn mẫu thịt kiểm nghiệm, kết quả cho thấy cả ba mẫu trâu bò nội địa đều có xuất hiện vi sinh vượt mức cho phép. Ba mẫu thịt trâu Ấn Độ cũng có đến hai không đạt yêu cầu.

Đề xuất hướng xử lý, kỹ sư Huỳnh Lê Thái Hòa, Trưởng phòng An toàn vệ sinh thực phẩm, Sở Y tế TP HCM, cho biết, kết quả xét nghiệm trên đủ tính pháp lý để kết luận số thịt trên hoàn toàn không đảm bảo tiêu chuẩn sử dụng. Tuy nhiên cũng theo ông Hòa, có thể cân nhắc biện pháp tái chế, bởi việc xử lý nhiệt có thể diệt vi sinh.

Tuy nhiên, bà Trương Thị Kim Châu, Phó Chi cục Thú y TP HCM lại đắn đo trong việc cho phép tái chế, vì theo bà, lô thịt nội địa này đã bị chuyển hóa nên có thể đã chứa độc chất mà không thể xử lý hết bằng nhiệt độ.

Bác sĩ Nguyễn Xuân Mai, Viện phó Viện Vệ sinh y tế công cộng TP HCM cho biết, trên thực tế, thịt ôi ở mức độ vừa phải, vẫn được xử lý nhiệt và khử mùi để chế biến thành thực phẩm dạng khô như khô bò, khô nai... Tuy nhiên, chất dinh dưỡng của loại thực phẩm này là rất ít.

Theo ông Mai, nếu xét thấy thịt đã quá hôi thối từ cảm quan lẫn kết quả xét nghiệm thì tiêu hủy là phương án tối ưu.

Phát hiện melamine trong nước uống đóng lon

Tự lấy mẫu sản phẩm để xét nghiệm, Công ty Cổ phần thương mại dịch vụ sản xuất Hương Thủy, quận 5 vừa phát hiện 3 sản phẩm gồm Nước dưa sữa, cafe Cappuccino và cafe sữa Châu âu dương tính melamine.

Số sản phẩm có mẫu dính melamine khoảng trên 1.000 lon, loại 240 ml, được nhập từ Công ty Pokka Corporation, Singapore với hóa đơn chứng từ rõ ràng. Cả ba nhãn hàng được phân phối tại các siêu thị ở TP HCM.

Sở Y tế TP HCM cho biết, lượng melamine trong 3 sản phẩm rất thấp, tuy nhiên, để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, Sở có văn bản yêu cầu Chi cục quản lý thị trường và các quận huyện phối hợp với công ty thu hồi tất cả sản phẩm của các lô hàng nêu trên.

Cũng theo Sở Y tế, việc doanh nghiệp tự giác trình báo khi phát hiện sản phẩm của mình bị nhiễm bẩn là rất đáng biểu dương, cho nên việc xử phạt hành chính sẽ được cân nhắc.

ông Đào Ký - đại diện Công ty Cổ phần thương mại dịch vụ sản xuất Hương Thủy cho biết, trước khi có kết quả xét nghiệm, nhà phân phối tại Singapore khẳng định, họ không dùng nguyên liệu từ Trung Quốc để chế biến các sản phẩm nói trên.

Cũng theo ông Ký, Công ty Pokka Corporation sẽ lấy mẫu các sản phẩm dính melamine gồm Pokka Melon Milk, Pokka Cappuccino Coffee và Milk Coffee Europe để xét nghiệm lại. "Tuy nhiên căn cứ vào quy định tại Việt Nam, các sản phẩm vừa dương tính melamine sẽ được chúng tôi ngưng bán và thu hồi trong thời gian ngắn nhất", ông Ký nói.

Ngoài 3 sản phẩm trên, các mặt hàng còn lại của Công ty Hương Thủy, đều không có nhiễm melamine.

Rùng mình “công nghệ” sản xuất bánh kẹo
 
Thực hiện phương châm “không qua xã, không báo trước”, sáng 14-10, đoàn công tác liên ngành Phòng CSĐT tội phạm về trật tự  quản lý kinh tế và chức vụ - CATP Hà Nội, Sở Y tế Hà Nội và CAH Hoài Đức đã bắt quả tang quy trình sản xuất bánh vi phạm tại Công ty Đức Trường Thịnh, xã La Phù, huyện Hoài Đức.

Ngay khi thấy bóng dáng sắc phục, một số lao động trong Công ty Đức Trường Thịnh đứng phắt dậy bỏ ra ngoài. Đoàn kiểm tra liên ngành tiến thẳng tới dây chuyền sản xuất bánh quy. Bên cạnh dãy nhà xưởng có một gian dành cho 4 nhân công nữ, trong đó ít tuổi nhất mới 13 tuổi, chuyên dính kem và đóng bánh vào túi. Mặc dù chủ xưởng đã che chắn 1 tấm bạt, nhưng thứ mùi tanh nồng vẫn nồng nặc. Quanh nhà xưởng nhỏ này là ruộng sình lầy, rác rưởi che kín mặt nước. 

 
Nơi đóng gói bánh quy

Không găng tay, không khẩu trang, không quần áo lao động, đó là những vi phạm mà cảm quan của các thành viên trong đoàn kiểm tra nhận được đầu tiên. Ngoài sự ô nhiễm bởi mùi tanh thối từ ao sình, nhà xưởng trên còn được sự “viếng thăm” của những chú gà và rất nhiều ruồi bu đen trên những khay bánh, kem.

Rời dây chuyền sản xuất bánh quy, đoàn kiểm tra đi sang khu vực làm bánh kem xốp và lương khô ở khu nhà đối diện. Khu nhà này trưng biển hiệu khá hoành tráng: “Công ty TNHH Đức Trường Thịnh, chuyên sản xuất bánh mứt kẹo và chế biến thực phẩm”. Song, trái ngược với sự hoành tráng ấy là cảnh tạm bợ, mất vệ sinh. Nơi sản xuất bánh kem bố trí ngay gần nhà vệ sinh và khu bếp. Quần áo của công nhân chăng kín lối đi.

 
Bánh quy "lỗi" để chế lương khô

Muốn vào xưởng làm lương khô phải đi qua khu phụ. Đến đây, đoàn kiểm tra phát hiện công nghệ đáng sợ, hàng nghìn chiếc bánh quy, được đại diện Công ty Đức Trường Thịnh giải thích là “hàng lỗi”, hàng tồn, đã được tận dụng đưa vào máy nghiền, chế biến thành... lương khô. “Lương khô đậu xanh” là bánh quy “lỗi” nguyên chất.

Còn “lương khô kacao” sẽ được nhân viên của Công ty Đức Trường Thịnh chế thêm thứ dung dịch sền sệt đựng trong hộp nhựa có màu nâu sẫm. Toàn bộ sản phẩm lương khô này đều không được cơ sở sản xuất đăng ký và công bố chất lượng. Đoàn kiểm tra đã niêm phong và lên phương án xử lý.

 
"Phụ gia" chế lương khô 

Theo thông tin PV nắm được, trước Tết Nguyên đán 2008, Công ty Đức Trường Thịnh đã từng bị kiểm tra và lập biên bản về vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm. Song, từ đó đến nay, vi phạm vẫn tiếp diễn. Đoàn kiểm tra xác định trên bao bì thành phẩm cơ sở tự in hạn sử dụng 1 năm, trong khi đăng ký với cơ quan chức năng chỉ có 6 tháng.

Đề cập đến hiện tượng vi phạm tại Công ty Đức Trường Thịnh, ông Tạ Công Luận - Phó Chủ tịch UBND xã La Phù lý giải: “Các doanh nghiệp ở xã do huyện quản lý nên xã rất khó vào kiểm tra”. Toàn xã La Phù có khoảng 80 cơ sở sản xuất bánh kẹo các loại. Câu hỏi đặt ra là, chính quyền địa phương nghĩ gì trước đầy rẫy vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm như Công ty Đức Trường Thịnh?

Theo VnE / ANTĐ

Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
ADS_home_content_3
Trái
Phải
  • Sale
    Sale
LR_left_1
LR_right_1
Tin Ảnh

DV Văn Anh khoe giấy đăng ký kết hôn

Hai diễn viên Văn Anh và Tú Vi chính thức là vợ chồng.
Code_FB
 
 
ADS_681x
Trình độ học vấn của tôi là:
336x288
681x90
Quảng cáo