Billboard
ADS_Top_Right
  • Bigsize
    Bigsize
  • google.com, pub-4530016804051003, DIRECT, f08c47fec0942fa0
Tiêu điểm

Nạn ly hôn thế hệ 8X

22:44:58 16/05/2013
Họ là những người có năm sinh 198X. Đa số 8X lập gia đình ở tuổi 25. Thực tế, có những cuộc hôn nhân kéo dài trên ba năm, nhưng cũng có những đôi chia tay chỉ sau vài tháng chính thức được gọi là vợ chồng. Theo bà Hồ Tuyết Mai, Trung tâm Tư vấn tình yêu - hôn nhân - gia đình, Hội Liên hiệp Thanh niên VN, thực trạng ly hôn ở các gia đình 8X đã đến mức báo động. Khảo sát hồ sơ ly hôn tại tòa án Q.3, Q.10, Q.Phú Nhuận, Gò Vấp, Thủ Đức (TP.HCM) trong hai năm trở lại đây, người ta thấy tuổi thọ hôn nhân bình quân của thế hệ 8x đưa nhau ra tòa dao động trong khoảng chỉ... 30 tháng! Không nghe mình thì mình... chia tay! “Đa số 8X trong những trường hợp ly hôn kể trên đều là con một. Dù là nam hay nữ thì họ vẫn luôn được đặt ở vị trí trung tâm và duy nhất của gia đình. Tính vị kỷ của những người này được thể hiện khá rõ trong thời gian độc thân. Đa số họ thiếu sự khoan dung và vị tha với người khác sau khi kết hôn” - nhà thơ Từ Dương, 68 tuổi, nhận định. Bà Dương kể: Thảo (cháu nội của bà), là con một. Bố Thảo làm công an, mẹ là cán bộ nhà nước. Vợ chồng có mỗi mình Thảo, nên từ nhỏ, Thảo đã thích gì được nấy. Dù biết với kiểu nuông chiều vô điều kiện đó, con gái sẽ trở nên ích kỷ, nhưng bố mẹ cô vẫn động viên nhau: trăng đến rằm sẽ tròn. Tuy nhiên, nhân cách con người khác với hiện tượng tự nhiên của trời đất. “Quyền lực” của Thảo bị “vướng” ngay khi cô về nhà chồng. “Mọi mong muốn của nó không được thực hiện ngay mà phải thông qua ý kiến của các thành viên khác. Thậm chí, nhiều lần hội đồng gia đình còn mạnh tay phủ quyết những điều nó tưởng không ai dám cãi”. Thế là Thảo đã cương quyết ly hôn. Kỳ lạ là, chuyện ly hôn với cô gái 25 tuổi này chẳng phải là điều bận tâm, đau khổ hay dằn vặt... Thậm chí cô còn vui hơn khi thoát được cái gia đình “chằng chịt” phía nhà chồng. Gặp cô trong chuyến dã ngoại với nhóm bạn tại huyện Cần Giờ, mọi người tiếc rẻ cho quyết định “nông nổi” khi cô chia tay với Đức, một kỹ sư công nghệ thông tin giỏi giang. Nhưng Thảo tỉnh bơ: “Mình nghĩ kỹ lắm rồi, bố mẹ còn nghe mình, sao mình lại phải nghe... người dưng...?”. Người dưng mà Thảo muốn nói chính là bố mẹ và anh chị chồng. Không có lợi, đừng đợi răng long! Xu hướng gia đình hai trụ cột đang được xã hội ủng hộ. Trụ cột thứ hai được đặt lên vai người vợ, vốn chỉ được xem là người đóng vai trò ăn theo. Có thể thấy đó là biểu hiện rõ nhất cho định kiến xã hội đã được thay đổi nhằm duy trì một cuộc hôn nhân bền vững.Nhưng muốn được xem là trụ cột, đương nhiên người phụ nữ phải biết làm ra tiền. Thực tế, với phụ nữ thế hệ 8X, không ít người thu nhập cao hơn nam giới. Điều đáng buồn, là khi họ làm ra tiền nhiều hơn trụ cột chính, họ lại cảm thấy mình bị thiệt thòi nếu phải duy trì cuộc sống chung với một người không ngang cơ. Nguyệt Lan, sau đợt trúng chứng khoán hồi cuối năm 2007, đã nhẹ nhàng chia tay với người chồng Việt kiều đang thua lỗ trong nhiều dự án đầu tư tại Việt Nam. Khi còn là sinh viên, Nguyệt Lan tranh thủ học tiếng Anh bằng cách xin bán bưu ảnh và đĩa CD ở khu phố Tây Phạm Ngũ Lão, TP.HCM. Ở đây, cô quen Jimmy Trần, Việt kiều Mỹ và hai người cưới nhau trước khi cô tốt nghiệp vài tháng. Lấy Trần, cô cử nhân 22 tuổi chắc mẩm mình được sở hữu một tài sản trị giá ít nhất một triệu đô la từ hợp đồng chuyển nhượng dự án đầu tư khu đất vàng ở Khánh Hòa. Dự án bất thành, tiền không rút lại được... Cô bán luôn căn nhà mà Trần mua cho cô trên đường Thạch Thị Thanh, Q.1. Một phần tiền mua lại căn hộ ở Q.5, một phần cô giao cho Trần để đeo đuổi việc rút tiền khỏi dự án, một phần cô lén chồng chơi chứng khoán. Trúng chứng khoán, cô giấu tiền riêng. Trong những lần gặp lại bạn bè cùng khóa, thấy mọi người vẫn còn “hồn nhiên như cô tiên” cô chợt nhận thấy: “Mình còn trẻ, mà sao cuộc sống cứ chán như con gián” nên nhấp nhổm chuyện chia tay. Nhiều người biết Trần, khuyên cô suy nghĩ lại, Lan cười nửa hư nửa thật: “Trần không còn lợi, thì đợi đến răng long làm gì?”. Hết vui rồi... ta ly hôn thôi! Nguyễn Thảo, nhân viên công ty sự kiện B&T, lý giải cho quyết định ly hôn của mình như vậy. Cô bảo: “Từ ngày lấy chồng, cuộc sống chung chẳng còn vui như xưa. Cái gì cũng phải dè dặt, mất hết tự do!”. Một trong những quyền tự do điển hình mà Thảo cho là sự mất mát lớn nhất sau khi lập gia đình - chính là giờ giấc sinh hoạt hàng ngày bị gò ép, đơn điệu so với trước đó. Công ty của Thảo quản lý nhân viên bằng hiệu quả việc làm, nên giờ giấc không bị quản thúc bằng việc quẹt thẻ chấm công hàng ngày. Cũng vì thế, nên Thảo có thể ngủ nướng tới 9 - 10 giờ sáng và quay về nhà lúc 1 - 2 giờ khuya. Sự tự do này đã tạo cơ hội cho Thảo quen được Tuấn Anh, trưởng phòng outbound một công ty du lịch, trong một lần công ty cô tổ chức khóa huấn luyện làm việc theo đội nhóm (workteam) ở Phan Thiết. Không bị ràng buộc về giờ giấc như Thảo, nên mỗi lần cô gọi là Tuấn Anh có mặt và hai người có thể vui vẻ với nhau đủ thứ chuyện mà không hề phân vân về thời gian. Sáu tháng quen nhau, họ quyết định cưới. Một phần đám cưới luôn là niềm tự hào của người phụ nữ. Phần khác, những tưởng sau cưới cuộc sống chung sẽ vui hơn... Nhưng có ngờ đâu, người vui không phải Thảo mà là hàng xóm, bạn bè; còn Thảo, tuy không phải làm dâu, nhưng lại bắt đầu cuộc sống... ràng buộc với những quy củ chán phèo để nhập vai một người vợ... hiền! Tiến sĩ Nguyễn Minh Hòa (ĐHKHXH &NV TP.HCM), có một thống kê: tỷ lệ ly hôn ở Việt Nam chiếm 31% - 40%. 60% số vụ ly hôn này thuộc về các gia đình trẻ, tuổi vợ chồng chỉ từ 23 - 30, trong đó 70% ly hôn khi mới kết hôn. Những con số này cho thấy có một quan niệm mới về độ “kết dính” của đời sống vợ chồng. Hỏi về lý do chấm dứt hôn nhân của mình, chị Thảo Chi, nhân viên một công ty khai thác dịch vụ công nghệ thông tin, đã trả lời bằng câu hỏi ngược: “Không chia tay thì tự mình hành xác mình à?”. Thảo Chi lập luận: “Xưa với nay, tuy hai mà một. Đó là quyền mưu cầu hạnh phúc. Mà hạnh phúc, đôi khi không tồn tại trong một cuộc hôn nhân duy nhất. Vậy nặng nề làm gì chuyện đổ vỡ. Ở đời có ba thứ đã cho qua thì sẽ không lấy lại được: thời gian, lời nói và cơ hội. Nếu phải kéo dài cuộc sống hôn nhân không được “ấp-đếch” (cập nhật) thì còn gì hépbi (hạnh phúc). Thôi mạnh tay đì-lít (xóa) vẹc-son (phiên bản) cũ với nhiều lỗ thủng ấy đi, rồi tranh thủ sét-ấp (cài đặt) bản mới. Thời gian không chờ ai mà cơ hội thường chỉ đến một lần... Ô-khê?”. Quan niệm ly hôn của một bộ phận giới trẻ thuộc thế hệ 8X không chỉ làm choáng váng những người thuộc thế hệ trước, mà còn là một hiện tượng xã hội, là vấn nạn của gia đình Việt Nam thời hội nhập. Theo Phụ Nữ TPHCM
Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
ADS_home_content_3
Trái
Phải
  • Sale
    Sale
LR_left_1
LR_right_1
Tin Ảnh

DV Văn Anh khoe giấy đăng ký kết hôn

Hai diễn viên Văn Anh và Tú Vi chính thức là vợ chồng.
Code_FB
 
 
ADS_681x
Trình độ học vấn của tôi là:
336x288
681x90
Quảng cáo