Billboard
ADS_Top_Right
  • Bigsize
    Bigsize
  • google.com, pub-4530016804051003, DIRECT, f08c47fec0942fa0
Tiêu điểm

NSƯT Kim Xuân: Tôi hạnh phúc và may mắn với gia đình chồng

16:32:24 17/05/2013
Sau mỗi lần vắt cạn sức mình với từng vai diễn, Kim Xuân lại trở về với tổ ấm gia đình trong một con hẻm nhỏ ở quận Bình Thạnh. Chị tâm sự: 'Tôi hạnh phúc và may mắn vì được làm vợ của một người đàn ông sống trong gia đình có truyền thống chung thủy'.  - Trong một thời gian rất dài, khán giả luôn thấy chị đảm nhận vai bà mẹ. Sự lặp lại kéo dài đó có gây cho chị sự nhàm chán? - Khi đang là sinh viên trường Đại học Bách Khoa (khoa Nữ công gia chính), tôi chuyển hướng theo học lớp diễn viên đầu tiên của Đoàn kịch Cửu Long Giang (bây giờ là đoàn kịch Thành phố), cùng với đạo diễn Minh Hạnh, Hữu Nghĩa, Thương Tín, Tấn Thi... Lúc đó, tôi đã có những vai kịch rất hay, không thể quên trong đời. Đó là những cuộc sống đầy nội tâm với số phận bi thương như: Thời con gái đã xa, Cõi tình, Ngôi nhà không có đàn ông... Tuy nhiên, khi bước sang phim ảnh tôi lại bị "ép" giao toàn vai bà mẹ. Với tôi, đó là dạng nhân vật có cũng được mà không có cũng chẳng ảnh hưởng gì nhiều đến nội dung phim.   Có lúc tôi cũng xem lại chữ "nhạt" trong cách nhận phim của mình. Ví dụ, khi hãng phim Thần Đồng sản xuất bộ phim đầu tiên Huyền thoại bất tử, từ khâu viết kịch bản họ đã "đo ni đóng giày" cho tôi vai bà mẹ Lan - một người có nhiều thăng trầm và rất giỏi võ. Tới phim Chuyện tình xa xứ, họ tiếp tục mời tôi vào vai bà mẹ hiền lành. Đọc kịch bản xong, tôi nghĩ người khác đóng cũng được, nhưng tôi nhận vì cái tình, cái nghĩa họ đã nhớ mình ngay từ ngày đầu tiên. Tuy nhiên, nhắc đến vai bà mẹ hay vai người đàn bà trong phim ảnh Việt Nam, tôi vẫn cảm thấy tự hào về những đóng góp của mình. Tôi nhớ như in trong phim Dòng đời, tôi vào vai người vợ có chồng là xã trưởng rất độc ác. Bà có tư tưởng cực kỳ hiện đại, từ trước đến sau giải phóng. Khi bị kiểm kê tài sản và bị tịch thu hiến tặng tất cả cho Nhà nước, bà trở nên điên loạn... Những người phụ nữ sống tại Sài Gòn thời điểm đó đã rất yêu thích tôi vì họ thấy đó chính là hình ảnh của bản thân. Hay như trong phim Nhịp đập trái tim, tôi vào vai cô ca sĩ về chiều với vóc dáng phốp pháp, ăn mặc diêm dúa nhưng giọng hát rất nồng nàn. Vì hoàn cảnh, cô phải đi hát kiếm tiền. Thế nhưng, khi bước lên sân khấu, cô bị khán giả ném cà chua vào người đuổi xuống vì họ chỉ thích ca sĩ trẻ, đẹp... Trước khi bước vào vai này tôi đã phải ăn, uống nhiều để tăng cân... Đó là những vai phụ nữ rất khác mà tôi thấy hài lòng khi được đạo diễn tin tưởng. - Không phải vai diễn nào cũng để lại ấn tượng, chị cảm thấy mình như thế nào khi mọi người có ý chê mình? - Nói về sân khấu kịch, bên cạnh những kịch bản chưa được vừa ý, cũng có những kịch bản tôi đã thể hiện thành công niềm đam mê diễn xuất. Biết bao lần ra về sau mỗi suất diễn mà lòng tôi thấy quặn đau, xót thương cho nhân vật của mình. Riêng phim ảnh, nói tôi không trăn trở, chỉ biết chạy theo số lượng phim thì tội cho nghệ sĩ chúng tôi quá. Vì thời gian cống hiến sung sức nhất cho nghệ thuật là tuổi xuân mà tuổi xuân thì trôi qua rất nhanh. Tôi may mắn vì thời gian qua được đứng trên sân khấu nhiều hơn so với một số đồng nghiệp khác. Tôi may mắn được làm việc cùng các diễn viên trẻ luôn háo hức với nghề, chịu khó lắng nghe và biết cầu toàn. Thời "phim Việt giờ vàng" bắt đầu nở rộ, tôi đã góp ý thẳng thắn với nhà sản xuất và đạo diễn nên nhân vật của tôi trên phim khác xa so với kịch bản.   - Nhiều người vẫn nhắc nghệ sĩ ngoài cái tài còn phải có đức mới sống lâu bền với nghề. Chị quan niệm như thế nào về chữ "Đức" ấy? - Không riêng gì nghệ thuật mà tất cả mọi người, đã sống phải có đam mê mới có thể đương đầu với mọi khó khăn trong cuộc đời. Tôi đam mê nghề đến mức hy sinh những công việc khác dù nó đảm bảo cho tôi một cuộc sống vật chất cao hơn. Tôi nghĩ rằng, yêu nghề, trân trọng nghề chính là trân trọng chữ "đức" của người nghệ sĩ. Khi diễn một vở kịch, tôi thường tâm niệm, chỉ có ba giờ đồng hồ trong một ngày dài cho tôi sống hết mình với vai diễn thì tại sao tôi không đến sớm trước một giờ để hóa trang, tịnh tâm với vai diễn của mình, để sau mỗi vở kịch, khán giả có thể cảm nhận, chia sẻ niềm vui nỗi buồn cùng nhân vật. Những tiếng sụt sùi của người xem thương cho thân phận mà các nhân vật trót đa mang hay những tiếng cười mãn nguyện với hạnh phúc của nhân vật cũng đủ khiến tôi hạnh phúc. Chính vì vậy, ở phim trường, tôi rất dị ứng với câu hỏi: "Bây giờ làm gì hả anh?", "Bây giờ phải nói lời thoại như thế nào hả anh?"... hay có em diễn viên không được trang bị kiến thức đầy đủ, đóng vai con nhà nghèo, mẹ làm công nhân vệ sinh mà cô con gái cứ hồn nhiên đánh má hồng thật đậm, chải mascara thật kỹ. Khi diễn viên không biết mình đang diễn cái gì, thể hiện diễn xuất như thế nào thì không thể để tâm vào nhân vật! Đây là bài học mà ngay cả những nước tiên tiến có công nghiệp giải trí vẫn phải tuân thủ. Tôi cho rằng giữ được điều này cũng gọi là đạo đức rồi. - Đôi lúc kinh tế cũng làm cho con người ta phải lựa chọn giữa kiếm sống bằng nghiệp diễn và lấy nghiệp diễn làm niềm vui cho cuộc sống. Chị đã bao giờ băn khoăn khi phải đứng giữa dòng? - Vào thời điểm những năm 1980, kinh tế khó khăn, cực khổ lắm. Tôi không bao giờ quên được hình ảnh của cha chồng phải cặm cụi nhặt từng hạt bông cỏ mới có được lon gạo sạch để nấu bát cơm. Đến giờ, tôi vẫn nhắc nhở con mình phải biết tiết kiệm. Kinh tế gia đình tôi không thiếu cũng không dư. Đóng kịch không đủ sống, tôi đi tấu hài. Tôi đã cùng anh Bảo Quốc và Hữu Châu lang bạt khắp các tỉnh. Nói là tấu hài nhưng tôi được đóng vai đào đẹp, pha chút hài nên cũng không đến nỗi kém duyên. Nhưng diễn được vài năm tôi tự dứt ra vì thấy ngán, thấy mình cứ như con vẹt học thuộc bài. - Đi kèm với chị là những lời khen như "người đàn bà hạnh phúc", "người phụ nữ sống trong nhung lụa"... Chị có cảm thấy hãnh diện? - Tôi thấy trong xã hội mọi thứ đều trôi qua rất nhanh. Hôm nay nghệ sĩ có thể được ca ngợi những lời hoa mỹ, nhưng đến một thời điểm bào đó có chuyện gì xảy ra, người ta có thể quay ngược 360º. Sự hiểu lầm xảy ra đối với giới nghệ sĩ đôi lúc không có một lời giải thích nào hợp với dư luận. Cho nên những mỹ từ mà họ dành cho tôi, tôi cảm giác như là một trách nhiệm. Những người hạnh phúc thường có nhiều lý do. Có lẽ tôi được mọi người ưu ái bởi tôi là một người phụ nữ có thâm niên lâu năm trong nghề.   - Trong thời điểm vừa phải tất bật chạy show lại phải làm tốt vai trò con dâu trong gia đình chồng, chị đã trải qua những áp lực nào? - Có lẽ áp lực lớn nhất của tôi là thời gian. Trải qua nhiều vai diễn bà mẹ, tôi phần nào hiểu được tâm lý của những người làm mẹ. Mẹ chồng tôi là người Huế, đôi lúc bà cũng hơi khó tính. Điều đó cũng dễ hiểu vì bà thương con trai, muốn con trai hạnh phúc, nên những điều tôi làm không đúng thì bà hay "nhắc nhở". Yêu chồng, muốn làm tốt vai trò của một người vợ biết vun vén hạnh phúc trong gia đình, tôi chấp nhận vượt qua. Một áp lực nữa mà tôi phải vượt qua chính là bản thân mình. Có lúc, tôi tưởng mình là cái rốn của vũ trụ: được khen trẻ đẹp, được đóng toàn vai chính, được nhiều người ưu ái, chiều chuộng và được nghe những lời nói ngọt ngào. Cũng may, tôi sớm nhìn thấy những cuộc tình "đốt cháy" giai đoạn. Khi phim bắt đầu, tình yêu chớm nở. Phim quay xong thì mối tình đó nhiều lắm cũng chỉ kéo dài một tháng. Từ thực tế đó, tôi rút ra kinh nghiệm cho mình: Đi đâu thì đi nhưng về nhà, tôi là người phụ nữ của gia đình. - Thực ra, nếu vì công việc, vợ chồng thường xuyên phải xa nhau thì sự không tin tưởng sẽ luôn đến từ hai phía. Chị tin tưởng bản thân mình nhưng chắc gì ông xã tin tưởng chị? - Có lẽ trời sinh tôi đã có máu đa nghi "Tào Tháo". Nhà tôi có nuôi ba con cá La Hán. Ngay ngày đầu mua về, tôi đã nhìn "mặt" đặt ba cái tên rất oai là Triệu Tử Long, Tào Tháo và Khổng Minh. Chồng tôi thấy vậy thì ngạc nhiên lắm. Nhưng sau một vài tuần quan sát, anh ấy cũng phải thừa nhận những giải thích của tôi là đúng. Con cái có tên Triệu Tử Long bởi vì nó rất hăng, hay cụng đầu vào thành hồ. Con mang tên Tào Tháo vì mỗi khi có ai đến gần là nó đều tránh xa. Con thứ ba mang tên Khổng Minh thì cực kỳ lăng xăng thấy người nào đứng gần hồ nó đều bơi lòng vòng sát hồ. Tôi may mắn có trực giác đặc biệt, luôn biết đề phòng những "lời ong tiếng ve" của phái mạnh. Tôi nhớ hoài câu nói của một nam tài tử đã đi định cư ở nước ngoài: "Cô Kim Xuân có một điều đặc biệt là càng bị ai "cưa cẩm", cô càng đổ beton để bảo vệ thành trì hạnh phúc của mình". Chồng tôi hiểu được điều này nên luôn tin tưởng tôi. Ngày xưa tôi nóng tính lắm, gặp chuyện gì cũng quan trọng hóa vấn đề. Những lúc như thế ông xã luôn lắng nghe, rồi chỉ cho tôi cách chịu đựng, điềm đạm, bình tĩnh nhìn nhận sự việc theo chiều hướng nhẹ nhàng hơn. - Lịch diễn không có khoảng trống, chị có sợ ông xã vì nhớ vợ, giận vợ mà "chán cơm thèm phở"? - Tôi hạnh phúc và may mắn vì được làm vợ của một người đàn ông sống trong gia đình có truyền thống chung thủy. Từ ông nội đến 9 anh em bên chồng, gồm 6 anh em trai và 2 chị em gái đều sống hạnh phúc, chung thủy. Không có ai từng rẽ hướng trong tình cảm dù rằng ai cũng có vẻ ngoài đẹp, hấp dẫn và thành đạt. - Lúc chị lưu diễn xa, không chỉ chồng chị thiếu thốn tình cảm mà ngay cả cậu con trai duy nhất cũng thiếu sự chăm sóc của mẹ. Chị làm cách nào để cho con luôn yêu thương, tôn trọng, và thông cảm với mẹ? - Một lần nữa, tôi phải nhắc lại rằng tôi may mắn. Nếu chồng tôi giống người đàn ông khác, không thương vợ con thì tôi khó mà có được mái ấm gia đình như hôm nay. Nhớ khoảng thời gian quay phim Cảnh sát hình sự ở Long Hải, tôi phải xa nhà cả tháng trời. Cứ chiều thứ sáu hàng tuần, chồng tôi đi xe máy, đón con trai từ nhà trẻ, chạy thẳng ra đó thăm tôi. Cả nhà ăn cùng nhau bữa tối xong, tôi tranh thủ chơi với con được một lúc thì phải đi ngủ để lấy sức sáng hôm sau dậy sớm, tiếp tục đi quay. Hai cha con lại tự dắt nhau đi tắm biển, đi chơi, đợi đến chiều tối tôi về ăn cơm. Hai ngày cuối tuần trôi qua như thế. Đến chiều chủ nhật, chồng tôi chở con về. Lúc tôi đi tấu hài miền Tây, hai bố con cũng chở nhau xuống tận Long Xuyên thăm. Tôi cũng chỉ chơi đùa với con vài giờ lại tiếp tục diễn. Vì vậy, nói là đi thăm mẹ nhưng con tôi chẳng ngày nào được ở trọn vẹn bên mẹ. Với con, tôi vừa là mẹ, vừa là bạn - Chị có đọc được suy nghĩ của con trai mình khi Huy Luân thiếu thốn tình thương? - Có lẽ Huy Luân ảnh hưởng tính cách điềm đạm của cha. Ngay từ nhỏ, Huy Luân không nghịch phá như những đứa trẻ khác mà rất chịu khó chơi đồ chơi một mình. Luân chỉ có một đòi hỏi duy nhất là mỗi chiều thứ ba, người lớn phải chở Luân đi mua truyện Đôrêmon. Luân giữ sách rất kỹ. Đến năm 14 tuổi, sách truyện của Luân đã chất đầy một tủ trong nhà. Khi đi hát phòng trà được báo Mực Tím phỏng vấn, Huy Luân nói, có thời gian lúc nhỏ Luân "trách" mẹ: Tại sao bạn bè có ba mẹ đưa đón đi học còn mẹ Luân thì đi suốt. Đi thăm mẹ cũng chẳng được ở cạnh mẹ lâu. Nhưng khi lớn lên, Luân đã hiểu tình cảm ba mẹ dành cho mình. Lúc đầu, cả ba chúng tôi sống chung với ông bà nội. Dư dả chút ít, chúng tôi dọn qua nhà nhỏ, rồi đổi căn nhà lớn hơn và cho đến lần thứ ba là yên vị ở căn nhà rộng, tương đối đầy đủ trong con hẻm nhỏ Quận Bình Thạnh. Mỗi lần chuyển nhà như thế, Luân đều thấy được sự đóng góp của cả ba lẫn mẹ, đều nhận ra rằng, mình không phải lo lắng nơi ăn chốn ở như bạn bè. Vì vậy, càng lớn Huy Luân càng yêu quý mẹ nhiều hơn. - Những phút bên con hiếm hoi, chị thể hiện vai trò làm mẹ, dạy bảo con như thế nào? - Tôi nghĩ chuyện giáo dục con cái không nhất thiết phải sử dụng lời nói, mà chính là việc làm và hành động của mình. Tôi còn nhớ lúc vợ chồng tôi ra riêng mua nhà tận Gò Vấp, Huy Luân đang học đại học ở đường Lý Thường Kiệt nên ở nhà nội cho tiện việc học hành, đến cuối tuần mới về nhà. Đó cũng là khoảng thời gian tôi nhớ con đến quay quắt. Sáng trước khi con đi học, tôi điện thoại. Tối, trước khi con ngủ tôi cũng điện thoại. Cuối tuần con về nhà thì mẹ con tâm sự với nhau suốt. Lâu dần thành thói quen. Cho đến bây giờ, khi đi đâu xa, Huy Luân cũng nhắn tin, gọi điện cho mẹ. Cũng có khi Luân cùng nhóm bạn thời đại học mở tiệc tùng, khuya quá Luân ngủ lại không về cũng gọi điện báo tôi hay. Bây giờ, mỗi khi con đi hát về khuya khi ngang phòng ba mẹ cũng nói: "Ba mẹ, con về rồi nha". Có người cho rằng thói quen như vậy có vẻ thiên về lễ nghĩa quá, làm mất thời gian, nhưng với tôi, dù đó chỉ là hành động nhỏ cũng đủ làm cho tôi ấm lòng. - Tự bao giờ chị làm được cái điều mà nhiều ông bố bà mẹ hiện nay ao ước: trở thành người bạn chia sẻ với con mọi buồn vui? - Đó là khi Huy Luân có tình yêu thứ hai. Luân yêu cô gái cũng là ca sĩ trẻ từ Vũng Tàu lên thành phố lập nghiệp. Cả hai rất yêu thương nhau nhưng gia đình cô bé nghèo lắm và lại hy vọng nhiều ở cô bé. Đấy là trở ngại lớn cho cả hai đứa. Gia đình mong cô lấy được tấm chồng giàu có chứ không phải sinh viên nghèo như Huy Luân. Tuy lúc ấy còn là sinh viên nhưng Huy Luân thường dành thời gian đưa cô bé đi hát hằng đêm, góp ý về cách ăn mặc, cách hát để mong người yêu mình sớm trở thành ca sĩ nổi tiếng. Thế nhưng cuối cùng, cả hai chia tay vào mùa mưa. Con tôi đau lòng, im lặng suốt mấy ngày. Đến một buổi chiều, tôi nghe nó kể mà không cầm được nước mắt: "Con nhớ cũng thời điểm này năm ngoái, con chở cô ấy đi hát dù lúc ấy trời đang mưa". Tôi chỉ biết an ủi nó: "Mẹ cũng thương con  bé, không biết bây giờ có ai chở đi hát không hay phải đi xe ôm". Cứ thế, tôi dùng kinh nghiệm trong những lần làm tư vấn hôn nhân cho đài Bà Rịa - Vũng Tàu và chọn những từ ngữ chân thật nhất để chia sẻ với con mình. Từ đó, khi xảy ra bất cứ chuyện gì trong tình cảm, trong công việc, Luân đều tâm sự với tôi và tôi thấy an lòng. - Vậy tại sao chị không dùng kinh nghiệm của mình để hướng con trai nên biết giới hạn trong tình yêu? - Tôi chỉ biết im lặng vì tôi thấy con tôi và cô gái ấy, những con người rất trẻ, đang yêu nhau thắm thiết và đang hạnh phúc. Lúc ấy, nếu tôi có ngăn cấm, khuyên bảo, thì hai đứa cũng không nghe và có khi con trai tôi sẽ chẳng chia sẻ điều gì khi tình yêu tan vỡ. Dù có điều gì xảy ra chăng nữa, tôi nghĩ tôi vẫn hãnh diện về con mình. Tôi đã chứng kiến Huy Luân trải qua bốn mối tình. Lần nào con cũng yêu hết lòng và cũng đau tận đáy lòng khi tình yêu không trọn. Còn những cô bạn gái đó, sau này đã trở thành những đứa cháu thân thiết với tôi, luôn muốn tâm sự cùng tôi. - Khi người ta quan niệm và muốn sinh con theo giờ hoàng đạo, để các "cục cưng" ra đời trúng giờ "vàng"... chị có đồng tình không? - Tôi không phải là người cổ điển nhưng tôi nghĩ được làm mẹ đã là cảm giác tuyệt vời lắm rồi. Chuyện xấu đẹp sau khi sinh con là do không có điều kiện giữ gìn và bổ dưỡng sức khỏe. Nếu nói sinh con xong sẽ xấu thì danh ca Ý Lan đã có 5 người con vẫn rất đẹp. Minh tinh Angelina Jolie là mẹ của 3 con mà vẫn là người đàn bà quyến rũ của thế giới. Tôi càng không ủng hộ chuyện sinh con theo giờ tốt hay xấu. Đứa con là kết quả hạnh phúc của hai vợ chồng nên hãy để tự nhiên cho con chào đời đầy đủ ngày tháng. Sinh con theo giờ tốt thực ra là sự ích kỷ, người cha người mẹ muốn canh giờ tốt để công việc làm ăn phát đạt là nghĩ cho chính họ. Tôi cho rằng sinh con theo giờ tốt là một kiểu lạc hậu đội lốt trí thức văn minh. - Cha mẹ sinh con trời sinh tính, nhất là lớp trẻ 8X, 9X vẫn hay ca thán cha mẹ không hiểu mình. Là một phụ huynh, chị nghĩ gì về điều này? - Chính tôi cũng có lúc không hiểu Huy Luân. Con đường học vấn của Huy Luân rất thuận lợi. Tốt nghiệp ra trường đại học Bách Khoa, lại có thêm bằng cử nhân tin học nên ai cũng nghĩ Huy Luân sẽ làm kỹ sư chứ không theo nghệ thuật. Tôi biết Huy Luân thích hát nhưng cứ nghĩ là con tham gia cho vui với các hoạt động phong trào. Nhưng thời gian gần đây, khi nghe con hát tôi đã giật mình. Con tôi say mê nghề như tôi, hát rất nồng nàn. Tôi mừng khi con chọn dòng nhạc trữ tình, dòng nhạc không phải để làm giàu nhưng được khán giả tại phòng trà ngợi khen. Bây giờ, hai mẹ con rất đồng cảm với nhau trong âm nhạc. Cả hai có thể dành hàng giờ để nghe những ca khúc do Tuấn Ngọc thể hiện. Huy Luân cũng cực kỳ khó tính khi phải đi theo cái bóng của mẹ. Luân luôn nói, muốn được tự đi trên đôi chân của chính mình dù bước tiến sẽ chậm nhưng lại thấy nhẹ nhàng. Tôi không ủng hộ chuyện "trời sinh tính" vì các cháu nhà tôi rất hiếu động, còn Huy Luân và cả vợ chồng tôi thì không thể ở cả ngày với sự ồn ào như vậy. Tôi vẫn dạy Huy Luân: Con nên mở lòng với họ hàng và chứng minh tình thương bằng hành động chứ không phải cất tình thương trong lòng. Khi Luân thấy tôi chăm sóc bà ngoại nhiều hơn bản thân mình, tôi cũng giải thích: Ông ngoại mất, bà ngoại sống một mình nên mẹ là chỗ dựa tinh thần lẫn đời sống vật chất. Bên cạnh đó, còn có ba đi cùng chung tay nên mẹ lo như vậy thì con cũng nên hãnh diện mới phải. - "Công thành danh toại", chị nghĩ mình đã đạt được ở mức nào? - Tận tụy với gia đình là đặc tính của người phụ nữ chứ không riêng gì tôi. Điều tôi mong mỏi là một ngày nào đó Huy Luân sẽ ổn định sự nghiệp và tình yêu. Tôi mong ước sẽ có người phụ nữ hiểu được công việc của Huy Luân, cùng Luân sống cuộc sống gia đình giản dị và hạnh phúc. Tôi mong rằng bất kỳ ở ngành nào trong cuộc sống cũng đều xuất hiện người có tài và có tâm. Còn hiện giờ, tôi thấy chạnh lòng vì người ta "nói nhiều mà làm chậm". Theo Mỹ Thuật / Ảnh: VNN
Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
ADS_home_content_3
Trái
Phải
  • Sale
    Sale
LR_left_1
LR_right_1
Tin Ảnh

DV Văn Anh khoe giấy đăng ký kết hôn

Hai diễn viên Văn Anh và Tú Vi chính thức là vợ chồng.
Code_FB
 
 
ADS_681x
Trình độ học vấn của tôi là:
336x288
681x90
Quảng cáo