Billboard
ADS_Top_Right
  • Bigsize
    Bigsize
  • google.com, pub-4530016804051003, DIRECT, f08c47fec0942fa0
Tiêu điểm

Giáng My: Sau bóng phụ nữ thành đạt luôn chỉ có cô đơn

17:29:16 17/05/2013
10 năm sau khi Diễm My đoạt danh hiệu Hoa hậu Đền Hùng, thời gian dường như 'bất lực' trước gương mặt và phong cách trẻ trung của chị. Giờ đây, chị đang là Giám Đốc của một công ty truyền thông ở TPHCM. Trong mắt mọi người, chị thực sự đã trở thành một doanh nhận thành đạt với nhiều ý tưởng và một chương trình truyền hình hấp dẫn.- Căn nhà của chị gợi đến khung cảnh một câu chuyện cổ tích nào đó, chị có khi nào cảm thấy mình như một cô bé Lọ lem không? - Thực ra, khi còn nhỏ My đã rất thích đọc những cuốn sách trong tủ sách của bố và thường tưởng tượng mình thành rất nhiều nhân vật khác nhau, lúc thì My muốn được như Lọ Lem, lúc lại muốn mình là nàng Bạch tuyết, có lúc lại mơ ước có được giọng hát như nàng tiên cá...   - Để chàng trai nào lỡ nghe thấy là chìm đắm liền? (cười) - Không phải thế, đơn giản là My rất thích hát từ bé... Nhưng cũng có lúc My mơ ước được trở thành một người nào đó hoàn hảo và xinh đẹp, hoặc thật lịch lãm. Đôi lúc lại muốn trở thành một nữ đại sứ... Những ước mơ cứ luôn luôn thay đổi như vậy... - Gặp Giáng My hôm nay, tôi tin chắc rằng, Giáng My không thể là một người mà hồi bé rất là khổ sở, rồi bỗng dưng nhờ vào vận may mà thay đổi hoàn toàn cuộc đời... - Thực ra nếu anh biết My thì anh sẽ thấy rằng đã có một quá trình rất là dài để My được như ngày hôm nay.  - Nếu không có gì bí mật, My có thể kể qua về tuổi thơ gia đình của mình được không? Chơi đàn piano là một công việc sang trọng. Làm thế nào, trong một gia đình như thế nào mà lại sinh ra một cô con gái theo đuổi một cái nghiệp cực kỳ là khó khăn gian khổ, cực kỳ là tốn kém, hao tổn năng lượng tinh thần lẫn các thứ vật chất khác như học piano? - My thường nói rằng, My có bước đi của một con rùa, rất chậm rãi nhưng mà chắc chắn. My là một người khá là cẩn thận, học 16 năm ở Nhạc viện nhưng phải sau bao nhiêu năm trăn trở mới dám ra được một CD. Khi thu xong CD đầu tiên rồi lại bỏ đi tất cả để làm lại từ đầu. Trong mỗi bước đi của My, My luôn xem đi xem lại và đôi khi, nếu không cảm thấy bằng lòng thì sẵn sàng vứt tất cả để làm lại từ đầu. Môi trường cách đây gần hai chục năm ở Hà Nội, đó là một cuộc sống rất khó khăn và gian khổ, My luôn nói rằng, đấy chính là thời kỳ để tạo nên một tính cách của My. My xa gia đình và sống nội trú từ lúc 6 tuổi, tự làm tất cả, trưởng thành từ chính đôi bàn tay mình. Ngay cả cái cạnh tranh của bạn bè với nhau thì cũng không ai đỡ mình và mình cũng phải tự sống để tự tồn tại. Chính cái điều đó lại cho mình một tính cách rất độc lập. My nghĩ rằng, những gian khổ cũng tạo cho con người ta một tính cách, một lý trí tuyệt vời và My luôn cảm ơn tuổi thơ đó, cảm ơn môi trường đó đã đào luyện cho mình một ý chí rất là tốt.Việc học đàn và chơi đàn là cái nghiệp mà thậm chí sẽ không làm ra được kinh tế nữa...   - Chắc chắn chỉ theo con đường chơi đàn piano thì sẽ không thể cải thiện đời sống kinh tế được. Gia đình Giáng My như thế nào mà có thể để cho con gái mình đi học đàn piano? - Bố mẹ My đều là nghệ sỹ, mẹ My là giảng viên âm nhạc và bố là đạo diễn. Có lẽ cái tên của My, cái định hình nghề nghiệp của My đã có từ trước khi My ra đời. Bố mẹ My vẫn luôn nói rằng, nếu sinh con trai đầu lòng thì sẽ đặt là Hải Đăng - tức là ngọn đèn biển và nếu sinh con gái sẽ đặt là Giáng My - là nốt my giáng trong âm nhạc. Và ước mơ con gái sau này sẽ trở thành môt người chơi dương cầm rất giỏi chính là mơ ước của mẹ My. Và ở đây xin kể một chút có cái thú vị là, khi mẹ My thi tuyển vào làm sinh viên Nhạc viện thì mẹ viết trên đơn, ghi là được xin học piano, nhưng khi người ta tuyển mẹ vào rồi thì mẹ chỉ được học đàn dân tộc thôi. Thành ra mẹ My vẫn có một ước mơ cháy bỏng là sau này nếu đẻ con gái thì sẽ cho con học đàn piano... Nhưng mà nếu cái ước muốn đấy của cha mẹ mà My không có năng khiếu thì chắc chắn cũng không trở thành hiện thực. May mà lúc đó bác Thái Thị Liên khi tuyển sinh, thấy My có năng khiếu nên đã tuyển My vào Khoa Piano.   - Trong thời gian ở Nhạc Viện Hà Nội, My đã học những giảng viên nào và đã gần gũi với những nghệ sỹ nào? Ấn tượng gì sâu đậm đối với My cả về mặt chuyên môn nghệ thuật cũng như trong cách sống của họ? Cuộc sống của các thấy, các nghệ sĩ ấy tạo cho My những suy nghĩ gì về cuộc đời này về con đường tương lai của My? - Thực ra thì cho đến giờ phút này My vẫn phải nói một lời cảm ơn với tất cả các thầy cô giáo ở trong trường, mặc dù là trong khoảng thời gian ấy có những người yêu mình, có những người ghét mình (bởi vì mình đi diễn nhiều quá, mình là người của công chúng từ khi còn rất ít tuổi). Người để lại cho My một tình cảm sâu sắc vô cùng đó chính là cô Vĩnh Hương dạy My khi còn nhỏ, rồi là thầy La Thương và cô Tuyết Minh dạy My ở bậc đại học... My còn nhớ một điều làm My buồn, My khóc mãi, là hôm đó My thi tốt nghiệp rất là trôi chảy, rất tốt và thầy Vũ Hướng - Hiệu phó của trường nói rằng, My có thể được 9+. Thế nhưng, riêng có một hai giáo viên nữ thì nói là không, chỉ cho cô ấy điểm 7+ hoặc 8+ thôi, bởi vì trong thời gian học, cô ấy đi biểu diễn quá nhiều. Ngày xưa chấm thì thì có nghĩa là ngoài cái chuyện chấm cô biểu diễn như thế nào, còn chấm thêm chuyện cô đến để điểm danh, đi học như thế nào nữa... My còn nhớ một điều, ngày xưa mà mặc một cái áo mới hơn các bạn khác là mình rất ngại bởi vì có khi tháng ấy mình sẽ bị trừ điểm hạnh kiểm, chỉ còn ở mức khá thôi... My đã trưởng thành trong môi trường như thế nên đã sớm hiểu ra nhiều điều và nếu đến bây giờ My sống với bạn bè, được bạn bè rất là yêu quý cũng chỉ vì mình đã học được cách luôn sống vì mọi người, vì tập thể. - Không muốn nổi trội, không muốn chòi ra, không muốn làm "quạ trắng"? - My luôn luôn sợ mà không dám nổi trội. Hoặc là ai khen mình một chút thì mình cũng thấy ngại rồi, vì không biết là những người bên cạnh mình họ có buồn hay không. Cái điều ấy My vẫn bị giữ đến tận bây giờ, mặc dù đang làm cho một tập đoàn kinh tế tư nhân, đang phải sống trong một môi trường cạnh tranh rất dữ dội...  - Thực ra tôi cũng quá hiểu môi trường của Nhạc Viện Hà Nội, nó đầy những sự khó khăn và phức tạp, đặc biệt là đối với những tâm hồn thơ bé. Đó là lúc trong lòng ta tràn ngập những mơ ước, khát vọng tinh thần rất thanh cao và trong sáng nhưng ta lại phải ở trong những điều kiện thực tế nhiều khi nó lại quá thấp. Vậy bằng kinh nghiệm của My, My có thể chia sẻ cùng độc giả được không, rằng làm thế nào trong điều kiện rất bó buộc về vật chất ấy mà mình vẫn giữ được sự trong sáng, sang trọng của tính cách và tinh thần của mình? Liệu có bí quyết nào đó chăng? - Có lẽ cũng là do cái môi trường. Thực sự lúc đó mọi người đều phải cùng chịu những điều kiện sống rất là gian khổ, tất cả đều khổ như nhau cả. Và phải nói rằng, cái có thể giúp tất cả mọi người quên đi những khổ sở, những vất vả chính là ý chí, nghị lực sống. Nhưng nói thật, mặc dù phải sống trong những điều kiện vật chất rất bó buộc lúc đó nhưng cũng chính lúc đó, không lúc nào My thấy rằng mình đang phải sống khổ cực. - Mọi sự đều rất tương đối, nếu chúng ta không cảm thấy khổ thì tức là chúng ta không bị khổ... - Vâng, không hề cảm thấy khổ. Và thú thật với anh là, cho đến khi My ra trường My vẫn còn chưa biết đếm tiền... - Đó là năm bao nhiêu? - Năm 1991 anh ạ. Năm đó, My đã được Đoàn ca múa nhạc nhẹ Sài Gòn, lúc đó là đoàn lớn nhất của Việt Nam, chỉ chuyên đi diễn nước ngoài thôi, có thể nói là đoàn 'xịn' nhất của Việt Nam lúc bấy giờ, mời vào. Khi ông trưởng đoàn là ông Chánh Trực ra Hà Nội xem một chương trình biểu diễn của Nhạc Viện Hà Nội mà có My tham gia, thì ông ấy chọn luôn vào đoàn. Có thể nói là My đã gặp may mắn. - Năm nào thì Giáng My tham gia vào cuộc thi Hoa hậu Đền Hùng? - Có thể nói từ rất lâu rồi, My nhớ không lầm thì đó là vào những năm 1989-1990. My không thể nhớ nổi năm nào vì Trước đó, Hiệu trưởng Nhạc viện đã cử My đi thi Hoa hậu báo Tiền Phong nhưng My đã phải trốn. Lúc đó đang là mùa thi, My phải làm sao để mình thi chuyên môn cho tốt. Đến cuộc thi Hoa hậu Đền Hùng ở tỉnh Vĩnh Phú, được tổ chức vào tháng 3, hiệu trưởng lại ra quyết định rằng: "Giáng My, cháu phải đi thi! Lý do thứ nhất, bố cháu đang làm trưởng đoàn trên đó. Lý do thứ hai, đây là cuộc thi mang tính chất lịch sử, nói rất nhiều về nguồn cội Việt Nam về vua Hùng..."
Ngày đó đi thi hoa hậu rất là buồn cười, không có chuẩn bị gì về nhan sắc, không có chuẩn bị quần áo như các em bây giờ, cũng không hề nghĩ tới việc ai sẽ là người làm mặt cho mình, ai sẽ là người làm tóc mà chủ yếu là đọc lại sách lịch sử, ôn lại toàn bộ kiến thức lịch sử.
Cuộc thi Hoa hậu Đền Hùng hồi đó rất gắt gao (do báo Tiền Phong kết hợp với Sở Văn hoá - thông tin Vĩnh Phú tổ chức). Thi trong vòng một tháng trời để loại dần các thí sinh vì số lượng người đăng ký tham dự rất động.
My còn nhớ là, có lúc mình đã phải ở lại trong khách sạn một tuần không được ra ngoài. Thậm chí, điều kiện của ban tổ chức còn khắt khe đến độ không cho thí sinh được gặp những người thân trong gia đình. Sau cuộc thi, My đã sụt 3kg, chỉ còn bốn mấy cân thôi. Đó là một cuộc thi nghiêm túc đến mức mình có cảm giác như là mình... - Thế là giống thi tốt nghiệp đại học? - Vâng, như thi tốt nghiệp đại học chứ không phải là cuộc thi nhan sắc. Lúc đầu cũng khó khăn để mọi người quyết định cho My trở thành Hoa hậu vì họ muốn chọn người sống, lớn lên và học hành tại Vĩnh phú. Thế nhưng, My đã thắng điểm tuyệt đối cả về giao tiếp và cả về hình thể bên ngoài nên cuối cùng thì My vẫn trở thành Hoa hậu... - My cảm thấy danh hiệu ấy nó tác động như thế nào đến con đường tiếp theo của My? Cả sự nghiệp lẫn trong đời sống riêng tư? - Có rất nhiều điều thay đổi nhưng ngay sau hôm đoạt giải, My đã quên chuyện đó ngay lập tức. Nguyên nhân là, toàn bộ số tiền giải thưởng (lúc đó có thể mua được một cái xe đạp Mifa) My đã dùng để liên hoan với các bạn. Sau đó, My lại tiếp tục phải chạy đuổi theo các kỳ thi của mình. Anh cũng biết, nguyên thi piano của bọn My trong kỳ cuối năm thì cũng rất là căng rồi, lại còn thi văn hoá. Ngoài ra, My lại còn học thêm tiếng Anh ở ngoài. Tất cả những việc như thế ảnh hưởng tới tiến độ học tập chuyên môn của mình. Còn nhiều thứ thay đổi nữa: Thí dụ như ở bên xưởng phim bắt đầu phát hiện ra gương mặt mới và mời đóng phim. Rồi còn tham gia cả kịch trên truyền hình... Rồi các phóng viên, các nhiếp ảnh gia tới mời cộng tác, mời chụp lịch... - Anh chàng đến sau vương miện thế nào? - Có rất nhiều người theo đuổi mình và My đã chọn nhân vật sơmi trắng và đeo kính. Anh ấy rất khôn, anh ấy đã đi đường vòng, đi theo 5 người là những cô bạn rất thân cùng lớp piano với My. Anh chàng ấy đã có một cử chỉ rất khéo là hỏi cá tính, tính cách của Giáng My như thế nào qua những người bạn đó và khi anh đến với My và đã làm My kinh ngạc về mọi thứ ở anh ấy đều giống hệt như My thích. Hóa ra sau này My mới phát hiện ra là, anh ấy như thế do bạn bè mình cung cấp thông tin.- Về sau anh chàng ấy có làm Giáng My thất vọng vì ngoài cái áo sơ mi trắng ra thì không có cái gì giống như ý My mơ ước cả? - Có lẽ là My cũng đã sống ở một môi trường quá lãng mạn, quá là thần tượng hóa mọi thứ. Cũng giống như các bạn trẻ bây giờ vậy, đôi khi mình thần tượng hóa mọi thứ và mình trong sách vở quá thì ra cuộc đời thường nó không phải như vậy. Chia tay với anh ấy sau một thời gian rất là ngắn thôi. Nhưng đấy là bài học đầu tiên về tình yêu. Kể từ đấy trở đi mình cảnh giác và đấy cũng là một điều để cho mình chín chắn hơn. Nói một cách thật lòng thì trong tình yêu chỉ có một hai lần là My thất vọng, có lẽ là lỗi do chính mình thôi, do mình quá viển vông, mình quá lãng mạn, mình sống trong một môi trường quá khác... - Đòi hỏi người ta quá cao? - Vâng, mình quá khác với cuộc sống thực tại bên ngoài rồi mình hình tượng hóa mọi chuyện và mình không tha thứ những chuyện quá nhỏ bé. Nhưng mà trong kinh doanh thì khác. Trong kinh doanh thì có lẽ My là một người mà, không biết có phải do xởi lởi trời gửi của cho, hay là do tất cả các tính cách được học hành trong môi trường khắc nghiệt buộc mình phải độc lập nên My đã có những thành công nhất định... - Người ta có nói rằng đằng sau người đàn ông thành đạt là sự hy sinh vô bờ bến của 1,2,3,4... người phụ nữ. Vậy đằng sau người đàn bà thành đạt là cái gì, là những gì, theo My? - Theo My thì đằng sau cái bóng của người phụ nữ thành đạt luôn có sự cô đơn và chỉ là sự cô đơn thôi... - Xin cảm ơn My và chúc chị nhiều nhiều thành công tiếp theo!  Theo An Ninh Thế Giới
Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
ADS_home_content_3
Trái
Phải
  • Sale
    Sale
LR_left_1
LR_right_1
Tin Ảnh

DV Văn Anh khoe giấy đăng ký kết hôn

Hai diễn viên Văn Anh và Tú Vi chính thức là vợ chồng.
Code_FB
 
 
ADS_681x
Trình độ học vấn của tôi là:
336x288
681x90
Quảng cáo