Billboard
ADS_Top_Right
  • Bigsize
    Bigsize
  • google.com, pub-4530016804051003, DIRECT, f08c47fec0942fa0
Tiêu điểm

Chị dâu hư hỏng

08:52:10 07/05/2008

Chị dâu tôi xuất thân từ gia đình nghèo, đông con, chưa học hết cấp 2. Gia đình tôi không giàu có, nhưng kinh tế ổn định, anh em thuận hòa. Năm 2000 chị ấy về nhà tôi không nghề nghiệp gì, anh trai tôi sống ỷ lại vào gia đình nên cũng không làm gì, coi như xứng đôi vừa lứa.

Gia đình tôi rất thương yêu chị ấy, nhà chỉ có cha mẹ, bà ngoại và 2 vợ chồng chị, các con khác đi học xa hoặc lập gia đình ra riêng. Cuộc sống 3 năm đầu thật yên bình, mỗi khi có dịp má tôi vào Sài Gòn thăm tôi cũng hay dắt theo chị ấy cho biết đó biết đây. Nhìn 2 mẹ con nằm nói chuyện gác chân qua lại, tôi thấy vui vì cảnh đầm ấm nên hay chọc má: "Chà mẹ chồng này thương con dâu hơn con ruột (vì tôi là con gái nhưng nằm chèo queo một mình)".

Chị ấy khó có con nhưng gia đình động viên chạy chữa nên sau 3 năm cháu gái tôi cũng ra đời. Thường thì "con so nhà mạ, con rạ nhà chồng", nhưng chị ấy xin sinh ở nhà tôi và má tôi chăm sóc mẹ con chị ấy rất chu đáo: không cho đụng nước sớm, hốt thuốc nam thuốc bắc cho uống để bồi bổ, thậm chí giặt giũ quần áo, bỏ than hơ lửa theo kiểu ở quê...


Ảnh minh họa

Rồi chị dâu bán cháo bán phở buổi sáng, má tôi ở nhà một tay giữ cháu, một tay phụ việc, thức khuya hơn dậy sớm hơn để chị ấy được ngủ ráng thêm chút nữa. Tôi bàn với chị nên ở nhà chờ cháu lớn thêm chút nữa rồi hãy bán, nhưng chị vốn năng động nên muốn buôn bán ngoài đường vui hơn mặc dù lời không bao nhiêu.

Năm 2004 chị đổ nợ, anh chị em tôi mỗi người giúp một ít để chị trả nợ và tiếp tục buôn bán. Rồi lại đổ nợ không hiểu vì lý do gì chị ấy không giải thích trong khi số nợ quá nhiều vượt xa cái hàng phở nhỏ của chị. Vợ chồng chị vì vậy cãi nhau. Anh em trong nhà luôn phụ giúp, thậm chí có lần tôi gửi hơn 4 triệu tiền sữa cho con chị vào tiệm tạp hóa của anh trai đầu để hằng ngày lấy sữa về cho cháu, nhưng chị thỉnh thoảng đến tiệm đòi tiền mặt và rồi lại không mua sữa (4 triệu lúc đó không nhỏ).

Hàng xóm bảo rằng thấy chị mua vé số và đánh đề mỗi ngày, có lần anh trai tôi thấy chị đánh bài ở nhà người khác. Tôi về quê chơi vài tháng và trưa nào cũng thấy chị chơi lô tô trước ngõ, má tôi ở nhà canh cháu ngủ trưa. Một lần chơi nước buổi xế trưa, cháu trợt chân ngã ngửa, đầu đập mạnh xuống thềm, chị ấy vẫn đang chơi lô tô, về nhà nghe kể chị bảo là không sao đâu, gì mà quýnh lên như thế... Buổi chiều cháu ói mửa phải nhập viện...

Gia đình tôi rất thương quý chị như bù đắp lại sự chểnh mảng của anh trai tôi nên hay bênh vực chị và bỏ qua mọi lỗi lầm của chị. Và chị cũng hết lòng với gia đình tôi, nhưng sau khi đổ nợ nhiều lần rồi bị bạn thân xiết nợ, chị hoàn toàn thay đổi, đặc biệt từ sau khi em gái chị lấy chồng định cư tại Hà Lan, chị như có một điểm tựa mới.

Chị đòi ly dị sau nhiều lần cãi nhau với chồng. Má tôi như đứt từng khúc ruột vì bà thương cháu hơn bất cứ thứ gì trên đời. Gia đình tôi không bảo thủ, coi như là đã hết duyên với nhau thì thôi vậy, nhưng không muốn con cháu mình sống thiếu cha mẹ nên ra sức khuyên chị. Tôi thậm chí vạch cho chị kế hoạch làm ăn và hứa giúp đỡ tài chính, vì nhà cha mẹ tôi đất rộng, có cả ruộng và vườn, chỉ cần chồng trồng trọt vợ buôn bán cũng có cuộc sống khá. Nhưng mọi thứ không còn hấp dẫn vì em gái chị đã tìm được người cho chị ở Hà Lan... Rồi việc gì đến đã đến, chị đã ly dị thành công và dắt con về nhà cha mẹ, nơi mà trước đây vài năm chị không thích về, chị bảo ở nhà tôi quen và thân hơn.

Gia đình tôi không hề làm khó chị, chỉ mong sau này được thăm cháu dễ dàng. Vài tháng đầu mọi thứ còn ổn, cháu tôi mới 4 tuổi, mỗi lần về nhà nội là nơi nó sinh ra và lớn lên, nó không thích về lại nhà ngoại nữa. Vì ở đó cháu chẳng được cưng chiều, nên cứ hay khóc ầm lên, càng làm má tôi xót xa thêm. Chưa đầy một tháng sau khi ly dị, chị sang Hà Lan du lịch để gặp người yêu mới, rồi quay về VN và một tháng sau chị được sang định cư.

Hiện tại gia đình tôi rất khó thăm cháu, vì chị ấy sợ sau này bảo lãnh khó khăn nên không muốn bé có ký ức về phía nội. Trước đây cháu hay nhắc về ba và nội thì chị đánh và bảo là: "Ba mày chết rồi, đừng nhắc gì về nội nữa".

Cuối tuần nào má tôi cũng ra nhà ngoại cháu để xin được thăm cháu và nếu có thể cho cháu về chơi 2 ngày, nhiều lần phải về không vì "cháu bệnh". Bây giờ cháu đang ở gần mình mà không thăm được, sau này cháu sang Ha Lan thì coi như mất luôn.

Cứ thấy đứa bé nào ngoài ngõ má tôi lại liên tưởng đến cháu mình đang chơi một mình tại nhà ngoại là má tôi lại khóc. Mỗi khi gặp nội hoặc ba là nó cứ ôm chặt cổ như sợ bị bỏ lại mà không cho đi cùng. Hàng xóm cũng chảy nước mắt khi thấy cảnh đó. Có lần má tôi dặn tôi là nếu má chết mà bé Vân không về được thì cứ dẫn vào một đứa trẻ nào đó và nói lừa là bé Vân về thăm nội...

Tôi nghe xong cũng rớt nước mắt, nghiệp chướng gì sao má tôi phải khổ sở như vậy! Bà luôn là người nhân hậu, sống có đức, hay giúp đỡ người khác đến khi già rồi cũng khó được thảnh thơi.

Chỉ 6 ngày sau khi ly dị, bà ngoại tôi mất, thế mà chị dâu tôi cũng không thèm vào thắp cho bà nén nhang. Biết rằng chị dâu tôi đang ở Hà Lan không trực tiếp chăm sóc nuôi nấng cháu tôi, nhưng họ ích kỷ không giao bé về cho ba nó. Theo luật thì anh tôi có toàn quyền kiện đòi thay đổi quyền nuôi con, nhưng má tôi không muốn làm như vậy, vì sợ sau này chị dâu tôi giận mà làm cho tình trạng xấu hơn...

Theo VnExpress.net

Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
ADS_home_content_3
Trái
Phải
  • Sale
    Sale
LR_left_1
LR_right_1
Tin Ảnh

DV Văn Anh khoe giấy đăng ký kết hôn

Hai diễn viên Văn Anh và Tú Vi chính thức là vợ chồng.
Code_FB
 
 
ADS_681x
Trình độ học vấn của tôi là:
336x288
681x90
Quảng cáo