Billboard
ADS_Top_Right
  • Bigsize
    Bigsize
  • google.com, pub-4530016804051003, DIRECT, f08c47fec0942fa0
Tiêu điểm

Thương quá các cô giáo mầm non

20:16:50 29/10/2008

3 câu chuyện: TPHCM: Nhiều trường phải đóng cửa; Tuyên Quang: Các cô giáo bị chồng 'hành' vì lương; Hà Tĩnh: Thầy giáo mầm non.

1. TPHCM: Nhiều trường mầm non đóng cửa

Trong khi giá các mặt hàng đều tăng cao, nhiều mẫu giáo tư thục TPHCM buộc phải nâng phí bữa ăn cho trẻ. Nhưng làm vậy, học sinh nghỉ học ngày càng nhiều.

Mới đây, Mầm non Hồng Nhung ở quận Bình Thạnh, TPHCM đã tuyên bố đóng cửa sau nhiều năm hoạt động. Hiệu trưởng Trần Thị Kim Liên cho biết, nguyên nhân chính khiến trường không thể tiếp tục dạy, học vì tháng nào cũng có 5-7 trẻ bỏ trường, trường chỉ còn 80 trẻ.

 

Năm học 2008 - 2009, Mầm non Hồng Nhung tiếp nhận hơn 400 trẻ em nhưng sau mấy tháng, gần 100 cháu nghỉ học. “Là trường tư thục, chúng tôi không thể cân đối thu-chi và trả lương cho giáo viên khi sĩ số học sinh giảm quá nhiều” - Hiệu trưởng Mầm non Hồng Nhung bày tỏ.

Tại những trường mầm non ở TPHCM như: Thiên Ân (huyện Nhà Bè), Khai Trí (huyện Hóc Môn), Lan Anh (quận 10), Họa My (quận 3)… một tháng, mỗi trường có 3-4 trẻ bỏ trường.

Nguyên nhân bỏ học không xuất phát từ chất lượng dạy mà đa phần vì… phí bữa ăn tăng. Một phụ huynh thừa nhận, chị cho con chuyển trường vì phí bữa ăn của trường tăng lên 4.000đ một ngày.

“Không như hệ công lập, bất khả kháng lắm phụ huynh mới tính đến chuyện chuyển trường. Hệ tư thục chúng tôi chỉ cần không vừa lòng phụ huynh hoặc tăng phí là bị mất học sinh” - Hiệu phó Bán trú Khai Trí than thở.

Lo sợ học sinh nghỉ, nhiều trường không dám tăng phí bữa ăn mà chỉ tăng các phí chung chung nhưng điều này cũng bị phụ huynh phản ứng. Chị Ngọc Hoa - phụ huynh trường Sao Mai (quận Tân Bình) nói: “Tăng khoản nào thì nói tăng khoản đó, không thể gộp tiền ăn, tiền vệ sinh phí vào học phí được”. 

Phí bữa ăn tăng cao do thuế

Miễn thuế hai năm từ khi có thu nhập chịu thuế

Theo Nghị định 53 của Chính phủ về khuyến khích phát triển các cơ sở cung ứng dịch vụ ngoài công lập, các cơ sở này được áp dụng thuế suất 10% trong suốt thời gian hoạt động, được miễn thuế hai năm kể từ khi có thu nhập chịu thuế, và giảm 50% số thuế phải nộp cho ba năm tiếp theo. 

Năm 2007, tiền ăn mỗi ngày của trường Mầm non Hoa Hồng là 11.000 đồng, nay tăng lên 12.000-14.000đ. Vừa thông báo mức học phí tăng từ 150.000 đồng lên 200.000 đồng và tăng phí tiền ăn, sĩ số trẻ lập tức giảm.

Các trường khác như: Thiên Ân, Khai Trí, Lan Anh, Họa My cũng tăng tiền ăn 2.000-4.000đ một ngày. Tuy nhiên, mức tăng này theo các trường vẫn chưa đủ chi phí trả lương giáo viên, cơ sở vật chất và thuế.

Bà Võ Thị Thúy Hồng - Hiệu trưởng mầm non Hoa Hồng bức xúc: “Với tình hình giá cả ngày càng tăng, để đảm bảo chất lượng bữa ăn cho trẻ, số tiền hằng tháng nhà trường phải bù lỗ rất nhiều. Nếu tháng nào nghỉ 5-7 trẻ, xem như tháng đó trường thất thu”.

Nhiều giáo viên còn khẳng định, phí bữa ăn có thể không tăng cao đến mức như trên nếu như trường không bị đánh thuế trên từng học sinh. Hiện nay, mức thuế mỗi tháng các trường mầm non tư thục (có sĩ số từ 100 đến 150 trẻ) phải đóng từ 500.000 đồng đến 1,2 triệu đồng, không được miễn, giảm cả ba tháng hè. Theo cách tính của Mầm non Hoa Hồng, mỗi tháng, các bé phải chịu từ 10.000 đồng đến 30.000 đồng tiền thuế.

“Trẻ nghỉ có lý do thì trường phải thanh toán lại tiền ăn mỗi ngày nghỉ cho phụ huynh. Thuế chỉ nên tính theo doanh thu, chứ không thể gộp luôn cả thuế thu phí tiền ăn và phí vệ sinh  như hiện nay” - bà Trương Việt Kiều Liên (Hiệu trưởng Mầm non Lan Anh) cho biết.

2. Tuyên Quang: Cô bị chồng “hành” vì... lương

Thu nhập không đủ ăn cơm với rau, giáo viên mầm non ở đây còn phải bỏ tiền ra đóng học phí cho học sinh. Mức trợ cấp thấp, áp lực gia đình... khiến nhiều giáo viên phải bỏ nghề. Chuyện bị chồng cấm không cho đi dạy, thậm chí bị chồng đánh vì cố tình lên lớp, không phải là cá biệt.

Đóng học phí bằng... ngô và sắn
 
Chị Triệu Thị Định - giáo viên Trường mầm non Tân Trào (xã Tân Trào, Sơn Dương, Tuyên Quang) có thâm niên 11 năm trong nghề nhưng vẫn chỉ là giáo viên hợp đồng không thời hạn. Chị bảo, bố mẹ nói cho con đi làm giáo viên mầm non nhưng cả nhà xác định coi như “đi làm từ thiện”, bởi lúc đó không được hưởng một khoản trợ cấp nào.

 
11 năm trong nghề, chị Định (bên trái) vẫn là giáo viên hợp đồng.

Đến nay, mức thu nhập hàng tháng của chị ngoài số tiền 450.000đ trợ cấp của UBND huyện cộng với gần 200.000đ trích từ học phí của học sinh đóng hàng tháng cũng chỉ đủ trang trải cái ăn cho riêng mình. Chị đi dạy cả ngày, chồng làm nông nhưng có chưa đầy 1 sào ruộng khoán. Năm được mùa, số lúa thu về chỉ đủ ăn trong 3-4 tháng, đến ngày giáp hạt hay gặp lúc mất mùa thì cả nhà phải chạy bữa. Vậy nhưng đâu đã hết khổ.
 

Huyện vùng cao Sơn Dương (Tuyên Quang) có 829 giáo viên mầm non, trong đó diện hợp đồng không thời hạn là 637 người, gấp 6 lần giáo viên trong biên chế.
 
Được coi là nòng cốt trong giáo dục mầm non của huyện nhưng các giáo viên hợp đồng này mỗi tháng chỉ nhận được mức trợ cấp 450.000đ.
Có năm, cả trường đã hoàn thành việc đóng nộp học phí mà lớp chị không ít phụ huynh cứ lần lữa xin khất. Khi chị đến tận nhà thì biết những phụ huynh nọ đang phải chạy ăn từng bữa. Thấy cô giáo đến, họ lặng lẽ vét đấu ngô, cân sắn còn lại để đưa cô coi như... đóng học phí cho con. Cám cảnh, chị Định phải từ chối, về thuyết phục chồng lấy tiền nhà đi đóng tiền học cho học sinh.
 
Chung cảnh ngộ là chị Lan - Phó hiệu trưởng Trường mầm non Tân Trào, thương học sinh vì sắp bị buộc nghỉ học nên chị đã phải đem cả tháng lương ra đóng hộ phụ huynh. Giờ học sinh đó đã học lớp 4 nhưng số tiền chị cho vay đóng học phí vẫn còn đó. Chị nhớ không phải để đòi lại số tiền mà coi đó như một kỉ niệm trong nghề giáo của mình.
 
Các giáo viên lâu năm trong nghề cũng cho biết, mức trợ cấp hiện tại vẫn không thể đảm bảo cuộc sống cho bản thân các giáo viên. Từ chỗ làm không lương đến bây giờ được 450.000đ/tháng, các cô mầm non vẫn cố bám trụ chỉ để chờ được vào biên chế. Thế nhưng, cho đến thời điểm này, nhiều cô đã đứng lớp được 12-13 năm vẫn là giáo viên hợp đồng không thời hạn.
 
Chồng đánh vì không... bỏ nghề
 
Hầu hết các chị đã lập gia đình, có một đến hai con nhỏ, chồng đều ở nhà làm nông nên khó khăn chồng chất. Trước đây học sinh chỉ học buổi sáng hoặc chiều thì các chị còn được nghỉ một buổi để làm công việc nhà. Nay học sinh học cả ngày, các chị cũng phải sáng đi tối về. Việc nhà, việc đồng áng đều do chồng đảm nhiệm. Những chị được chồng cảm thông còn đỡ, không ít chị khi đi làm về là bị chồng mắng chửi. Những chị nào sống chung với gia đình nhà chồng mà không được thông cảm, còn khổ gấp bội. Mâu thuẫn gia đình xảy ra như cơm bữa.

  
Vừa chăm trẻ, các cô vừa canh cánh nỗi lo
cơm áo gạo tiền.

Thu nhập thấp, phải chịu áp lực về trách nhiệm đứng lớp cộng với áp lực từ gia đình, đã khiến không ít chị bỏ lớp hoặc chuyển sang làm công việc khác. Như trường hợp chị Ma Thị Lự - nguyên giáo viên Trường mầm non Minh Thanh, bị chồng đánh và cấm không cho lên lớp. Nhà chị cách trường ngót 20 km đường núi, đi lại vất vả, riêng tiền xăng xe đã ngốn gần hết tiền lương. Gặp mùa cưới hỏi là đi tong cả tháng lương. Không còn thời gian để làm công việc nhà, hàng tháng tiền lương chỉ đủ tiền xăng đã khiến ông chồng “ra quyết định”: Cấm đi dạy.
 
Chị Vũ Tuyết Nhung - nguyên là Hiệu trưởng trường mầm non Minh Thanh (vừa chuyển về làm Hiệu trưởng trường mầm non Tân Trào) cho biết, nhiều lần đến trường, chị được phụ huynh và học sinh phản ánh, cô Lự đến lớp như người mất hồn, hay muộn giờ. Trực tiếp xuống lớp theo dõi và hỏi chuyện mới biết cô Lự bị chồng cấm không cho lên lớp, thậm chí nhiều lần cô còn bị đánh vì dám “trốn chồng” đi dạy. Ban giám hiệu nhà trường đã trực tiếp đến nhà giải thích, khuyên can nhưng không mang lại hiệu quả. Bỏ nghề thì tiếc, xa trẻ lại nhớ nhưng không thể vì vậy mà đánh mất hạnh phúc gia đình, cuối cùng chị Lự đành phải xin nghỉ việc để ở nhà làm ruộng, chăm con.
 
Không chỉ các giáo viên đã lập gia đình không chịu nổi lương thấp buộc phải bỏ nghề, ngay cả những giáo viên trẻ mới vào nghề cũng chán nản. Trường hợp chị Trịnh Thị Thuỷ, quê ở Thanh Hoá, mới ra trường xin về làm giáo viên ở trường Minh Thanh, đã phải xin chấm dứt hợp đồng sau hai tháng, chỉ vì tiền lương không đủ thanh toán tiền thuê nhà, mua gạo.
 
Cũng theo chị Nhung, khi còn làm Hiệu trưởng trường mầm non Minh Thanh, trong vòng 3 tháng, chị đã phải giải quyết chấm dứt hợp đồng lao động cho 7 giáo viên hợp đồng không thời hạn. Tình trạng trên dẫn đến sự thiếu hụt giáo viên, khiến cán bộ làm công tác quản lý phải lên đứng lớp. Hiện nay ở các trường mầm non vùng sâu, vùng xa như trường chị, để giữ chân giáo viên đang là bài toán chưa có lời giải.

Thầy giáo mầm non độc nhất tại Hà Tĩnh
Giadinh.net - Nghề giáo viên cấp tiểu học thôi vốn đã ít có sự lựa chọn của cánh đàn ông. Với giáo dục mầm non, dường như lại càng là “địa hạt” của phụ nữ. Vậy mà, ở Hà Tĩnh, lại có duy nhất một người đàn ông làm cái nghề “gõ đầu trẻ” mầm non.
Đó là thầy giáo Lương Xuân Phong ở Trường mầm non thị trấn Đức Thọ!
 
3. Niềm đam mê của 'mì chính cánh'
 
Trong số 4.363 cán bộ, giáo viên, công nhân viên ngành giáo dục mầm non Hà Tĩnh, thầy Phong là người đàn ông “độc nhất vô nhị”. Anh gắn bó với nghề đã 6 năm nay.
 
Trước khi là giáo viên mầm non, thầy Phong đã một thời ở trong quân ngũ. Vì có năng khiếu văn nghệ, nên Phong được đơn vị cử đi đào tạo tại trường nghệ thuật quân đội. Giải ngũ năm 1995, Phong ôm đàn đi phục vụ phong trào văn hoá, văn nghệ quần chúng.
 
Những năm cuối thập niên 90 của thế kỷ trước, ở huyện Đức Thọ, cứ nơi nào có liên hoan văn nghệ quần chúng, cơ quan nào cần “văn nghệ, văn gừng” thậm chí cả đám cưới, đám hỏi của bạn bè nếu cần “món” này, đều có mặt Phong.
 
Lang bạt kỳ hồ với cây đàn trên vai, cuối cùng chàng lãng tử đã “cắm chốt” tại Trường mầm non thị trấn Đức Yên. “Tôi cũng không biết duyên phận xui khiến hay là gì nữa. Năm 2000, tôi được cô Phượng mời về tập văn nghệ cho trường, rồi được cô ký hợp đồng” – Phong tâm sự.

Cô Phượng hiệu trưởng thì tự hào: “Chính tôi phát hiện ra Phong và không ngần ngại ký hợp đồng với cậu ấy”. Hợp đồng mà Phong được ký là vừa làm bảo vệ, vừa đảm bảo các tiết dạy nhạc trong chương trình cho các lớp mầm non, với mức lương 800.000 đồng/tháng.

  
Thầy Phong trong giờ giảng dạy.

Nhưng, nghe Phong kể, mới hay anh có niềm đam mê thật sự với công việc này chứ chẳng phải là “cực bất đắc dĩ” như ai đó dè bỉu. “Thật ra, tôi thích nghề dạy học từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Còn nếu vì tiền, mỗi lần đánh đàn phục vụ đám cưới, tiền công 300.000 đồng đâu có ít. Tháng phục vụ dăm bảy đám cưới, thu nhập bằng 3 lần dạy mầm non ấy chứ” - Phong nhỏ nhẹ.
 
Lại có người chưa hiểu gì về Phong thì ác ý: “Tay ấy hâm hấp. Đàn ông mèng ra cũng dạy cấp 2 hay cấp 3, ai đời lại đi dạy mầm non, phần việc của các bà, các cô?!”. Lúc đầu nghe, Phong cũng buồn nhưng rồi công việc dạy học, tình cảm của học sinh, phụ huynh, đồng nghiệp, khiến Phong thấy được điều cao đẹp, nghĩa lý của người thầy dạy học mầm non. Anh vượt qua được mặc cảm và gắn bó với nghề này cũng vì vậy!
 
Vừa làm bảo vệ vừa… tự học
 
Cô Trần Thị Thuỳ Trang - giáo viên cùng trường nhận xét: “Dạy mầm non cần đến sự tận tụy, trái tim thương yêu trẻ và đặc biệt là năng khiếu ca hát, âm nhạc. Chính âm nhạc là phương tiện tuyệt vời dễ cuốn hút trẻ mà thầy Phong lại có được năng khiếu này”. 
 

“Thầy Phong có tâm hồn yêu trẻ, có trái tim nhạy cảm, là người tài hoa, đàn hay, múa dẻo, hát ngọt. Thật may mắn khi trường chúng tôi có được người thầy giáo hi hữu như vậy. Hình như đó là chàng trai sinh ra  để dạy… mầm non” - Cô Nguyễn Thị Phượng - Hiệu trưởng trường MN thị trấn Đức Thọ nói.
Thật ra không phải thế. Phong đã mày mò, tự học, tự bồi dưỡng. “Lúc đầu, tôi nhận làm bảo vệ cho trường là để tự học, để có thời gian đi dự giờ đồng nghiệp và tìm hiểu tâm lý trẻ” - Phong nói.

Chưa được đào tạo chính quy, Phong đã tham gia các lớp tại chức. Ban đêm, Phong đọc sách vở, tài liệu, nhất là những tài liệu liên quan đến đổi mới chương trình và sách giáo khoa. Rảnh rỗi, anh lại lấy hộp xốp, vỏ bia làm những đồ dùng dạy học, tranh thủ vẽ tranh minh hoạ cho giờ giảng.

Từ ngày Trường mầm non thị trấn Đức Thọ có Phong, không khí lớp học như vui tươi, sinh động hẳn lên. Học sinh không chỉ được học hát, mà còn được học đàn.
 
Các hội thi “Bé khoẻ, bé ngoan”, “Người công dân tí hon” có thêm bàn tay tài hoa của Phong thiết kế, tổ chức vẽ vời, tỉa tót càng thu hút được sự ham thích của các cháu. Việc làm hàng ngày của thầy Phong không chỉ đỡ vất vả rất nhiều cho các cô giáo, mà chất lượng dạy và học của trường cũng được nâng lên rõ rệt. Với tấm lòng yêu trẻ đặc biệt và sự tận tụy với nghề, Phong đã được vào biên chế.
 
Năm 2002, Trường mầm non thị trấn Đức Thọ là một trong 20 cơ sở giáo dục mầm non cả nước được Bộ GD&ĐT chọn thí điểm chương trình Kismart (Bé học vui - Dự án Vụ GDMN chủ trì, hãng IBM tài trợ). Được Ban giám hiệu tín nhiệm, thầy giáo Phong lại lặn lội vào Huế tiếp thu chương trình để về triển khai cho giáo viên và học sinh. Không dừng lại ở đó, Phong lại tự học thêm tin học.
 
Cùng đồng nghiệp, Phong đã rút ra được nhiều bài học khi tiến hành chương trình thí điểm, như thiết kế lại phòng học, đảm bảo an toàn cho trẻ khi học trên máy. Phong cũng đã kể với chúng tôi rất say sưa về ước nguyện làm sao đưa chương trình này đến với con em vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. “Qua 5 năm thực hiện, tôi đã tích luỹ được khá nhiều kinh nghiệm. Nếu cơ sở giáo dục nào cần đến tư vấn, tôi sẵn lòng” - Giáo viên nam duy nhất trong nghề giáo dục mầm non ở Hà Tĩnh khẳng định, với niềm nhiệt huyết.

Theo Gia Đình & Xã Hội / Báo Đất Việt

Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
ADS_home_content_3
Trái
Phải
  • Sale
    Sale
LR_left_1
LR_right_1
Tin Ảnh

DV Văn Anh khoe giấy đăng ký kết hôn

Hai diễn viên Văn Anh và Tú Vi chính thức là vợ chồng.
Code_FB
 
 
ADS_681x
Trình độ học vấn của tôi là:
336x288
681x90
Quảng cáo