Billboard
ADS_Top_Right
  • Bigsize
    Bigsize
  • google.com, pub-4530016804051003, DIRECT, f08c47fec0942fa0
Tiêu điểm

Giáo viên mầm non quá nhiều áp lực

08:42:50 23/10/2008

'Trước đây tôi vô cùng yêu nghề. Mục tiêu tôi đặt ra là phải trở thành cô giáo mầm non. Nhưng sau 6 năm, điều tôi ao ước lớn nhất bây giờ là được làm nghề khác. Quá nhiều áp lực khiến tôi luôn bị căng thẳng, hay cáu gắt' - một cô giáo mầm non tâm sự.

Nhiều giáo viên mầm non ở TP HCM cho biết, thời gian làm việc của họ không phải 8 tiếng mà thực tế phải lên tới 10 tiếng mỗi ngày. Trường quy định, phải có mặt từ 6h30 để dọn dẹp lớp, nếu ngày nào đến muộn 5 phút sẽ bị trừ lương. Ban ngày chăm sóc trẻ, tối về lo soạn giáo án, thậm chí còn phải làm trên máy tính. Rồi hằng tuần phải rửa đồ chơi, mỗi tháng lau nhà, cọ rửa từng khe gạch...

"Đau đầu hơn là vấn đề thanh tra, kiểm tra của trường và của Phòng Giáo dục. Mỗi tháng thanh tra một lần, nội dung thì vô bờ bến, từ nề nếp học sinh, thói quen vệ sinh của trẻ, môi trường lớp, chất lượng học sinh cho đến sổ sách của cô và trẻ. Một lớp có đến 40 bé vừa học vừa chơi, lúc các con ăn thì cô bày bàn, lúc con ngủ thì cô dọn dẹp, thật không biết nói sao cho hết" - một giáo viên bày tỏ.

 
Cô trò mầm non tư thục ở Hà Nội trong giờ tập thể dục.
Ảnh: VnE

Hiệu phó một trường mầm non tại TP HCM cho hay, khó có thể nói hết công việc và trách nhiệm của giáo viên mầm non nhưng có lẽ điều cô giáo nào cũng phải canh cánh bên lòng mỗi khi đến trường là làm thế nào để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho tính mạng của hàng chục học sinh. Từ miếng ăn, thức uống, lúc vui chơi hay trong giấc ngủ, lúc các em nóng sốt, biếng ăn, chảy mũi... các cô đều phải theo dõi.

"Các em còn quá ngây thơ để nhận thức được những việc làm của mình tốt hay xấu nên trong mỗi hành động đều tiềm ẩn những mối nguy hiểm. Nắm bắt được những thay đổi thất thường về tâm lý và thể chất của từng em để có kế hoạch chăm sóc cũng vô cùng khó khăn" - cô Hiệu phó này nói.

Có cùng quan điểm, Hiệu trưởng Mầm non công lập Hoa Lan Nông Thị Túy Vân chia sẻ, sau gần 30 năm gắn bó với nghề, hiện cô hưởng bậc lương 4,98 tương ứng với 3,8 triệu đồng mỗi tháng, bao gồm cả 35% trợ cấp ưu đãi. "Đây là mức lương khá lý tưởng với nhiều giáo viên, nhưng mức thu nhập của một hiệu trưởng với thâm niên như vậy thì vẫn còn quá thấp".

Cô Vân cho biết thêm, đối với những giáo viên mới vào nghề, tổng các khoản thu nhập trong một tháng cũng được khoảng 1,6 - 1,7 triệu đồng. Nhiều cô thu nhập không đủ chi tiêu phải nhận làm công tác bán trú để có thêm tiền. "Các khoản học phí của trường đều được Sở quản lý, còn mức thu được ấn định cách đây 10 năm vẫn chưa được thay đổi. Trường phải sử dụng 35% học phí và hơn 50% tiền bán trú để bù lương cho giáo viên, số còn lại đầu tư vào cơ sở vật chất" - cô Vân nói.

So với trường công lập, mức học phí ở các trường tư thục, dân lập cao gấp nhiều lần. Do vậy, lãnh đạo trường dễ chủ động trong các khoản thu chi và trả lương cho giáo viên. Tuy nhiên, thu nhập của giáo viên tại những trường này cũng tùy thuộc vào địa bàn và đời sống của người dân. Ví dụ, ở những quận ngoài trung tâm thành phố, thu nhập hằng tháng của giáo viên tư thục chỉ 1,5 - 1,6 triệu đồng.

Một giáo viên trường tư thục bày tỏ: "Tôi mong Nhà nước cần quan tâm giúp đỡ ngành mầm non nhiều hơn nữa để đời sống giáo viên đỡ vất vả và chúng tôi yên tâm với nghề. Nhiều áp lực khiến tôi cảm thấy buồn và mệt mỏi. Trong khi đó tiền lương chỉ đủ chi tiêu ăn uống, xăng xe chứ chẳng giúp gì được cho gia đình mặc dù vẫn sống độc thân".

 
Trong giờ ăn ở trường công lập, mỗi cô giáo phải chăm
chừng 20-30 cháu. Ảnh: VnE

Hiệu trưởng CĐ Sư phạm Mẫu giáo Trung ương Nguyễn Văn Lê thừa nhận, với 80.000 đồng mỗi tháng, mức thu của các trường mẫu giáo công lập ở thành phố hiện quá thấp và không đảm bảo chi trả cho giáo viên, trong khi các trường tư thục, dân lập thu học phí cao gấp hàng chục lần.

"Theo quy định, mỗi lớp chỉ có 30-35 cháu nhưng các trường công hiện nay phải nâng số lượng trẻ lên mới mong đủ trang trải. Quy định học phí trong trường công đang rất bất hợp lý, không còn phù hợp và mâu thuẫn với các trường bán công, tư thục. Trường đã nhiều lần kiến nghị với Bộ GD&ĐT nhưng vẫn chưa thấy thay đổi gì" - ông Lê nói.

Cũng theo ông Lê, qua khảo sát của trường, giáo viên mầm non hiện rất thiếu, cụ thể là năm vừa rồi, nhiều trường tư liên tục đến "xin" giáo viên tốt nghiệp CĐ Sư phạm Trung ương. Đáng lưu ý, lượng giáo viên mầm non công lập bỏ dạy đang ở mức đáng báo động. Ví dụ, phía Nam đang thiếu chừng 60.000 giáo viên.

"Sau một năm thử việc, thu nhập của giáo viên trường tư đạt 1,5-2 triệu đồng mỗi tháng. Còn thu nhập của giáo viên mầm non công thấp hơn nhiều. Thí dụ, ở nông thôn giáo, viên mầm non chỉ được hưởng 700.000-800.000 đồng, thậm chí, có nơi chỉ 300.000-400.000 đồng hoặc thấp hơn. Do vậy, nhiều sinh viên sau khi tốt nghiệp đều tìm đến trường tư" - Hiệu trưởng Nguyễn Văn Lê lý giải.

Nhận định mầm non là cơ sở ban đầu cho giáo dục phổ thông, thầy Lê khẳng định: "Không có quốc gia nào phát triển được giáo dục mà không đầu tư cho mầm non. Nếu được Nhà nước trả lương cho giáo viên thỏa đáng thì các trường công chắc cũng chẳng muốn thu thêm những khoản "tự nguyện". Thu thêm vừa trái quy định mà phụ huynh cũng băn khoăn".

Theo VnE

Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
ADS_home_content_3
Trái
Phải
  • Sale
    Sale
LR_left_1
LR_right_1
Tin Ảnh

DV Văn Anh khoe giấy đăng ký kết hôn

Hai diễn viên Văn Anh và Tú Vi chính thức là vợ chồng.
Code_FB
 
 
ADS_681x
Trình độ học vấn của tôi là:
336x288
681x90
Quảng cáo