Billboard
ADS_Top_Right
  • Bigsize
    Bigsize
  • google.com, pub-4530016804051003, DIRECT, f08c47fec0942fa0
Tiêu điểm

Tên con - Tình yêu của cha mẹ

09:15:10 23/02/2008

Nhiều bạn trẻ bây giờ thường nghĩ tên cho con mình ngay từ khi mới có người yêu. Ở văn phòng, thi thoảng có mấy cô gái trẻ chưa chồng lại ngồi bạn chuyện “em muốn con em sau này tên là…” Chuyện đặt tên cho con, đôi khi thuộc về sở thích, để đánh dấu một kỷ niệm, những bao giờ cũng là một thông điệp tình yêu mà cha mẹ gửi đến con cái… ngay từ khi chúng chưa chào đời.

Cái tên, phần lớn có ý nghĩa nào đó, khi thì nó gắn với nghề nghiệp của bố mẹ, lúc thì là tên của một địa đểm lần đầu tiên cha mẹ gặp nhau hay là tên của nhân vật trong tiểu thuyết mà bố mẹ cùng được đọc và cùng yêu thích. Thế mới có người đặt tên cho con là Hà Nội – nơi cặp vợ chồng trẻ này có 8 năm yêu nhau. Có người đặt tên con theo tên của một vĩ nhân, để mong chúng sau này có thể thành đạt. Có người đặt tên con theo tên người bạn thân để luôn nhớ về họ. Có người từng mong muốn sẽ đặt tên con theo tên những nhân vật trong Hồng lâu Mộng. Và có người, khi nghe điều đó, đã giật nảy mình: Đặt tên thế, sẽ vận vào gười con cái mình, hay ho gì… Ây cũng là quan niệm, nhưng những quan niệm đó, lúc nào cũng hướng về con cái với tất cả tình yêu của cha mẹ.

 

Theo một nghiên cứu khoa học, những cái tên ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của đứa trẻ sau này. Trẻ có thể tự tin hoặc mặc cảm, hoặc hiền lành hoặc linh hoạt… Với cái tên của chính mình. Theo nghiên cứu này, có những tên là Anh – An … mặc nhiên tự tin hơn những đứa trẻ khác, và tâm lý này bắt nguồn từ việc chúng luôn được xếp đầu tiên trong danh sách lớp và luôn bị thầy cô “sờ gáy”. Những đứa trẻ có “tên đẹp” sẽ tự tin hơn những cái tên “xấu”. Thậm chí, có đứa trẻ, khi ở nhà, được bố mẹ gọi là “Bọp” trong khi tên thật ở lớp là Tường Anh, đến năm 4 tuổi, khi đến lớp mẫu giáo, bé đã biết nói với mẹ: “Con tên là Tường Anh, mẹ đừng gọi con là Bọp ở lớp, các bạn cười”… Thế mới biết, bọn trẻ cũng yêu quý, trân trọng và biết thích những cái tên hay và không thích những cái tên có thể bị bàn bè trêu chọc.

Cái tên, bên cạnh đó, cũng nói lên vị trí xã hội của mỗi người hoặc chí ít là gia cảnh hay tính cách của cha mẹ. Những cái tên như Trâm Anh, Quế Chi, Trân Châu, Gia Bảo thường là những cái tên “con nhà”. Giản dị như Sen, Thảo, Lúa thường là tên con những người nông dân chất phác. Cũng giản dị, không nhiều tính toán Linh, Hà, Trang, Giang… thường là con của những ông bố bà mẹ sống đơn giản, trung lưu và không kiểu cách.

Gần đây, cuộc sống khá giả hơn, sinh ít con, cha mẹ để ý nhiều hơn khi đặt tên cho con. Họ thường có xu hướng đặt tên con từ tên ghép của bố mẹ. Trong tên con cũng nhiều khi mang cả họ của bố mẹ, ví dụ như bố họ Nguyễn, mẹ họ Hoàng, con sẽ tên là Nguyễn Hoàng Ngọc Linh, hay Lê Trần Gia Bách… Hay có khi lấy tên đệm của mẹ làm tên con gái, lấy tên đệm của bố làm tên con trai… Thông thường, điều này, theo các bố mẹ thì thể hiện được tình yêu thương của cha mẹ với nhau và mong muốn gắn kết các con với mình – theo đúng nghĩa, con cái là kết quả của một tình yêu bền chặt.

Cũng nhiều bố mẹ còn mong muốn đem đến sự công bằng cho các con, ngay từ tên gọi. Anh chị bạn tôi sinh đứa con thứ hai, lúc đầy định đặt tên với 4 âm tiết là Lê Nguyễn Khánh An, những vì cô chị là Lê Khánh Minh nên cũng rút lại cho cô em là Lê Khánh An “để sau này, nó không thắc mặc, sao tên chị có 3 từ mà tên con 4 từ” – anh chị giải thích.

Phần lớn khi đặt tên cho con, cha mẹ thường mong muốn con mình lớn lên thông minh, sáng dạ, nhanh nhẹn, hiểu biết, hiếu nghĩa… như tên gọi. Đó là xuất xứ của những cái tên Hiếu, Thảo, Minh, Nhật, Hiền… Hay những cái tên thể hiện sự xinh đẹp như Trà My, Quế Anh, Nguyệt, Hằng, những cái tên mang lại sức mạnh như Hùng, Dũng, Mạnh, Cường…

Đã có một thời, những cái tên Chiến Thắng, Hòa Bình, Quang Vinh, Tự Do hay Độc Lập được đặt rất nhiều – như một trào lưu. Chỉ cần nghe những cái tên đó, bất kỳ ai cũng có thể đoán ra họ sinh trong thời chiến. Khi đặt tên con, cha mẹ đã gửi vào đó mong mỏi về một ngày thống nhất đất nước. Chẳng thế mà, trong đợt kỷ niệm 30 năm giải phóng miền Nam, họp mặt những người sinh năm 1975 tại TPHCM, người ta có một phát hiện nho nhỏ rằng phần lớn trong số họ có những cái tên như Bắc – Nam – Thống  - Nhất – Hòa – Bình – Độc – Lập…

Tuy nhiên, những đứa trẻ ấy lớn lên, có thực sự thành một người như tên gọi không thì lại là một câu chuyện khác. Cũng có đôi khi, một người tên Hiền phải ra trước vành móng ngựa vì tội ác. Cha mẹ ngậm ngùi: “Tôi đặt tên nó, vì mong nó hiền lành như người ta, ai ngờ…”. Nhưng họ quên mất rằng cái tên, chỉ là một sự khởi đầu, nếu được giáo dục, dạy dỗ, nếu mỗi người lớn lên có ý thức trách nhiệm với cuộc sống thì cái tên mới thực sự có ý nghĩa, mới có những câu ví “đẹp như tên gọi”.

Có một cách, để giáo dục con là nói cho con cái biết những kỳ vọng và tình yêu mà bạn đã đặt vào tên con để chúng thực sự yêu quý và tự hào với cái tên của mình. Khuyến khích động viên con cái làm những việc ý nghĩa, ví dụ như khi con cái bạn đạt được điểm 10, hãy khuyến khích chúng: “Con của bố mẹ tên là Minh nên con thật thông minh!”. Ngay chính bản thân bố mẹ cũng cần phải luôn nghiêm khác và đừng quá tin tưởng vào những “vận số” mà cái tên mang lại. Điều này sẽ dạy cho con bạn một ý thức vươn lên, xứng dáng với cái tên nó được mang và tự hào về chúng.

Để tình yêu được trọn vẹn, đừng đặt một cái tên thật kêu rồi bỏ đấy.

Theo Tuệ Minh – Thế Giới Gia Đình

Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
ADS_home_content_3
Trái
Phải
  • Sale
    Sale
LR_left_1
LR_right_1
Tin Ảnh

DV Văn Anh khoe giấy đăng ký kết hôn

Hai diễn viên Văn Anh và Tú Vi chính thức là vợ chồng.
Code_FB
 
 
ADS_681x
Trình độ học vấn của tôi là:
336x288
681x90
Quảng cáo