Billboard
ADS_Top_Right
  • Bigsize
    Bigsize
  • google.com, pub-4530016804051003, DIRECT, f08c47fec0942fa0
Tiêu điểm

Khó phân biệt màng bọc thực phẩm chứa chất độc

10:52:54 06/08/2013

Theo các chuyên gia, người dân khó mà phân biệt được màng bọc thực phẩm an toàn với loại có chất gây vô sinh. Vì thế nếu không thật cần thiết thì không nên sử dụng. Nếu mua, nên chọn loại màng bọc làm từ nhựa PE, không chọn loại làm từ PVC.

Thông tin Trung Quốc phát hiện màng bọc bảo quản thực phẩm PVC có chất dẻo cấm sử dụng DEHA - chất phá hỏng hệ sinh dục và hệ nội tiết - đang khiến người dùng lo ngại. Tại Việt Nam, các loại sản phẩm này cũng rất nhiều, và cho đến nay người dùng hầu như ít để ý đến chất lượng, mà chỉ quan tâm đến công dụng, mẫu mã sản phẩm.

Khảo sát một vài siêu thị trên địa bàn Hà Nội và các cửa hàng tạp hóa nhỏ lẻ, màng bọc thực phẩm có rất nhiều loại, nhưng hầu như không có nhãn hàng nào ghi thành phần PE (nhựa polyethylene), mà đa phần đều làm từ nhựa PVC (Polyvinyl choloride).

Màng bọc thực phẩm sậm màu (trên), giá hơn 40.000 đồng bán ở siêu thị và màng bọc trắng 9.000 đồng bán ngoài chợ có màu sắc khác nhau, độ dính và cả bắt lửa khác nhau nhưng đều ghi thành phần PVC. Ảnh: Phan Dương.

Tại một siêu thị ở quận Cầu Giấy, mặt hàng màng bọc thực phẩm có rất nhiều loại từ hàng trong nước, hàng Trung Quốc, Nhật và công nghệ châu Âu, Mỹ. Đa phần các loại này đều ghi "thành phần PVC, "thành phần hạt nhựa PVC đã qua xử lý", có loại không ghi. Trong vài chục sản phẩm trưng bày ở đây, chỉ có một sản phẩm ghi sản xuất theo tiêu chuẩn Mỹ, không có thành phần DEHA (chất độc phát hiện trong các màng bọc thực phẩm ở Trung Quốc), ít LDPE.

Tại một siêu thị lớn khác ở Hà Nội, nhãn hàng màng bọc thực phẩm kém đa dạng hơn. Cơ sở này còn có màng bọc thực phẩm mang thương hiệu của riêng mình. Tuy nhiên, hầu như tất cả các loại đều ghi "thành phần PVC", "hạt nhựa PVC đã qua xử lý" và trên bao bì đều ghi được Cục An toàn thực phẩm cấp giấy chứng nhận tiêu chuẩn.

Theo một chuyên gia về polimer thuộc Trung tâm phát triển công nghệ cao (thuộc Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam) thì từ những năm 80, 90 thế kỷ trước nhiều nước đã cấm sử dụng nhựa PVC để đựng thực phẩm, bia rượu, nước uống. Nguyên do trong thành phần PVC có một số chất độc mà khi dùng bảo quản thực phẩm thì nguy cơ bị thôi nhiễm rất dễ. Trong khi đó, nhựa PE an toàn, được sử dụng rộng rãi với ngành thực phẩm.

Việt Nam chưa có văn bản cấm sản xuất, lưu hành màng bọc làm từ nhựa PVC. Tuy nhiên, khi chế tạo, để loại màng bọc này được dai, mềm, trong suốt như loại PE thì nhiều nhà sản xuất đã cho vào đó một số chất tạo dẻo như DEHP (Di-ethylhexyl phthalate) và DEHA (Di-ethylhexyl adipate), và nguy cơ nhiễm độc là từ các chất này. Chúng có thể gây ung thư, hủy hoại thận, phá hủy hệ thống hoóc môn của cơ thể con người. Đối với trẻ em, nguy cơ mắc các bệnh hen suyễn và dị ứng là rất cao.

"Màng bọc thực phẩm ghi thành phần PVC nhưng càng mềm, càng giống PE thì chứng tỏ chất dẻo độc hại càng lớn" - ông nói.

Để phân biệt màng bọc thực phẩm từ hai loại nhựa này, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, mới đây đã đưa ra một số tiêu chí như:

- Màng PVC: có màu trắng ngà/hoặc vàng nhạt và ít dai khi kéo dãn; sờ có cảm giác dính tay, khó tách các lớp màng bọc khi chúng tiếp xúc trực tiếp với nhau; khó cháy, chỉ cháy khi đốt trực tiếp bằng lửa và có mùi hắc.

- Màng PE: có màu trắng, trong suốt, dai khi kéo dãn; khi sờ và sản phẩm ít dính tay, dễ dàng tách các lớp màng bọc khi chúng tiếp xúc trực tiếp với nhau; dễ bị đốt cháy bằng lửa và cháy rất nhanh, không tắt và hầu như không tạo ra mùi khi cháy. 

Tuy nhiên, theo chuyên gia polimer nói trên, dựa vào các tiêu chí này người dân khó lòng mà phân biệt được. Vì vậy theo ông, bước đầu có một cách phân biệt đơn giản cho người tiêu dùng là:

- Mua giấy quỳ đo pH.

- Xé một đoạn màng bọc đem đốt nhẹ hoặc đốt cháy.

- Lấy một miếng giấy quỳ, nhúng một đầu vào nước, sau đó dí đầu ướt vào màng bọc vừa đốt cháy. Nếu giấy quỳ đổi sang màu hồng chứng tỏ đó là PVC. Còn nếu giấy quỳ chuyển sang màu xanh, chứng tỏ là nhựa PE.

Chuyên gia này cũng khuyến cáo thêm, khi sử dụng màng bọc thực phẩm thì nên bọc kín, không để hở. Tuy nhiên, cũng không nên cất giữ quá lâu. "Bình thường nếu bọc màng bọc ở 0°C thì để đồ ăn được 24 tiếng. Dưới 0°C có thể để được nhiều hơn. Tuy nhiên, nhiều khi thức ăn chưa bốc mùi không có nghĩa nó vẫn an toàn" - ông nói.

Thử mua hai loại màng bọc khác nhau, một loại đắt tiền ở siêu thị (giá hơn 40.000 đồng một hộp) và loại rẻ hơn chỉ có 9.000 đồng ở chợ, chị Thoa, nhân viên văn phòng ở Mỹ Đình cho biết chị không phân biệt được loại nào tốt hơn. Loại màng bọc mua ở siêu thị có màu vàng, không dính, đốt khó cháy, thành phần PVC. Sản phẩm này đã được cấp giấy chứng nhận của Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm. Loại màng bọc ngoài chợ màu trắng trong, rất dễ bắt dính, không có dòng chữ đã được Cục An toàn vệ sinh thực phẩm kiểm nghiệm.

Theo phó giáo sư Nguyễn Duy Thịnh - Viện Công nghệ thực phẩm - Đại học Bách khoa, Hà Nội, bản chất hai màng bọc trên đều làm từ nhựa PVC. Sự khác nhau là do sử dụng chất pha tạp nhiều hay ít.

"Việc phát hiện chất tạo dẻo cực độc DEHA - một chất cấm sử dụng trong thực phẩm - lại có trong màng bọc làm từ thành phần nhựa PVC thì đó mới chỉ là một chất. Để làm cho màng bọc mềm, dẻo, dai, trong suốt, người ta còn sử dụng nhiều chất nữa. Tốt nhất nếu không tìm được loại phù hợp thì không nên dùng" - ông Thịnh nói.

Theo phó giáo sư Thịnh, khi dùng màng bọc thực phẩm nên lựa sản phẩm từ nhựa PE, không dùng loại ghi thành phần PVC. Ngoài ra, cần chú ý những điểm sau:

- Chỉ bảo quản thực phẩm khi đã nguội.

- Tránh bảo quản nóng, đồ ẩm ướt, nhiều dầu mỡ vì khả năng thôi nhiễm của những loại này rất cao.

- Tránh bảo quản các thực phẩm chứa tính kiềm và axit.

- Tuyệt đối không rã đông, chế biến bằng lò vi sóng hoặc các phương pháp gia nhiệt khác với đồ ăn được gói bằng màng bọc thực phẩm trước đó.

Chuyên gia về công nghệ thực phẩm cũng khuyên người tiêu dùng nên chuyển sang dùng các túi đựng thực phẩm. Bởi hầu hết túi đựng thực phẩm đều là thành phần PE hoặc chuyển sang bảo quản đồ ăn trong hộp nhựa.

Theo tiến sĩ Lâm Quốc Hùng, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) thì hiện Việt Nam không cấm sử dụng nguyên liệu PVC trong việc sản xuất bao bì chứa đựng thực phẩm. Điều kiện là nguyên liệu đó phải đáp ứng theo các chỉ tiêu về độ thôi nhiễm được quy định trong Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn thực phẩm đối với bao bì, chứa bọc thực phẩm. Nếu nguyên liệu đó đáp ứng các tiêu chí thì không ảnh hưởng gì. Có rất nhiều nguyên liệu khác nhau được sử dụng để sản xuất bao bì chứa đựng thực phẩm chứ không riêng nhựa PVC, quan trọng nhất là quản lý theo chỉ tiêu độ thôi nhiễm của sản phẩm.

Trước đó, Trung tâm tư vấn kỹ thuật bảo vệ môi trường Bắc Kinh lấy 16 mẫu màng bảo quản PVC từ các siêu thị tại Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu để kiểm nghiệm. Kết quả cho thấy có 15/16 loại chứa chất dẻo cấm sử dụng là DEHA (diethylhydroxylamine). Trong đó, mức thấp nhất vượt ngưỡng cho phép 98 lần, cao nhất vượt ngưỡng 472 lần, bình quân vượt ngưỡng gấp 200%.

DEHA là chất dẻo bị cấm sử dụng vì có thể gây ảnh hưởng tới hoóc môn, làm rối loạn hệ thống nội tiết, khiến estrogen tăng, nội tiết tố nam giảm. Kết quả, nữ sớm dậy thì, nam vô sinh, đặc biệt là sự phát triển bộ phận sinh dục của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ bị ảnh hưởng.

Theo VnExpress

Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
ADS_home_content_3
Trái
Phải
  • Sale
    Sale
LR_left_1
LR_right_1
Tin Ảnh

DV Văn Anh khoe giấy đăng ký kết hôn

Hai diễn viên Văn Anh và Tú Vi chính thức là vợ chồng.
Code_FB
 
 
ADS_681x
Trình độ học vấn của tôi là:
336x288
681x90
Quảng cáo