Các bài thuốc dân gian phòng và chữa sởi cho bé
Hiện nay, các mẹ có con nhỏ đang rất lo lắng khi dịch sởi đang diễn biến bất thường, gây tỷ lệ tử vong cao. Sau đây, xin giới thiệu một số bài thuốc dân gian phòng và chữa sởi hiệu quả cho bé.
Sởi thường xuất hiện nhiều vào cuối năm cũ, đầu năm mới. Không chỉ gây các biến chứng như kiết lỵ ra máu mũi, tiêu chảy kéo dài, viêm phổi, sởi còn có thể là nguyên nhân gây còi xương, suy dinh dưỡng, thậm chí tử vong ở bé dưới 5 tuổi nếu không được điều trị đúng.
Cách đề phòng tốt nhất là cho bé đi tiêm văcxin sởi. Về cuối năm, nên mua nhiều cây mùi già có quả rắn chắc, buộc treo ở đầu nhà, hong gió cho khô giòn, vò lấy hột và lá khô cho vào lọ đậy kín. Đến thời kỳ hay có bệnh sởi thì lấy một nắm nhỏ hạt và lá mùi già cho vào 3 gáo nước đun sôi để gần nguội tắm cho bé. Trước khi tắm, nên cho bé uống một thìa nước mùi. Cứ cách nửa tháng lại tắm một lần. Cách này có thể đề phòng được bệnh sởi phát sinh, lại sạch và thơm. Nếu cẩn thận thì quần áo của các cháu cũng thỉnh thoảng cho vào nồi nước mùi già để đun sôi.
Khi có bệnh sởi lan tràn, các bà mẹ nên cho bé cách xa nơi có bệnh. Những người thân, cha mẹ có việc cần phải đến nơi có bệnh sởi thì khi vừa về tới nhà phải thay giặt quần áo bằng nước sôi và tắm rửa sạch sẽ rồi hãy tiếp xúc với bé. Gia đình nào đông các cháu mà lỡ có một cháu bị lên sởi thì phải ở riêng, không cho nằm chung, chăn màn, giường chiếu phải giặt sạch.
Đang mùa sởi, nếu bé nào có vẻ kém vui đùa, không chịu chơi như mọi ngày thì các bà mẹ nên lưu ý theo dõi ngay xem có phải bị lên sởi hay không. Nếu thấy trán âm ấm lại có mụn lờ mờ ở dưới da, da mắt, da trán, dái tai hơi man mát thì đó là dấu hiệu sắp mọc sởi. Lúc này nên kiêng nước, tránh gió và ủ cho ấm.
Đồng thời, có thể dùng một trong các bài thuốc dân gian dưới đây:
1. Hạt lá tía tô (30g); sắn dây (25g); kinh giới, mạch môn (mỗi thứ 20g); cam thảo (5g). Tất cả sấy khô, tán bột mịn đóng gói 3g. Bé một tuổi uống ngày hai gói, 3 tuổi uống ngày 4 gói, 5 tuổi uống ngày 6 gói: Hãm thuốc với nước sôi lọc trong hoặc uống cả bã. Thuốc chỉ dùng trong 3 ngày, chỉ uống giai đoạn đầu, khi sởi đã mọc đều hoặc bé bị tiêu chảy không nên uống.
2. Củ sắn dây một miếng to bằng hai bao diêm (gọt vỏ thái mỏng), cánh bèo cái lấy độ năm cây (vặt bỏ rễ), kinh giới (10 ngọn khô hoặc tươi, nếu có hoa càng tốt). Cả ba thứ trên cho vào với nửa bát nước, đun sôi kỹ, gạn ra còn âm ấm cho uống rồi đắp chăn cho kín gió. Đây là liều lượng thuốc của các cháu 1-3 tuổi. Nếu bé lớn hơn thì tăng số lượng lên gấp hai; nếu dưới một tuổi thì chỉ cho uống một nửa số lượng trên. Mỗi ngày sắc một thang cho uống. Uống hai ngày liền, sởi mọc ra đều thì thôi.
3. Lấy 5-6 lá cây hoa nhài, hoặc lấy một cái nấm hương, cho vào một chén nước, đun sôi kỹ, để gần nguội cho uống. Trong khi mới lên sởi một hai ngày đầu, nếu bé có tiêu chảy mỗi ngày 3-4 lần cũng không ngại, khi sởi mọc sẽ bớt tiêu chảy. Sởi mọc được hai, ba ngày mà các cháu ho nhiều, có khi ho khản cả tiếng thì nên lấy độ 10 lá diếp cá hoặc độ 20 lá cúc mốc, rửa sạch bằng nước muối, giã nhừ, vắt lấy nước cốt cho uống từng thìa nhỏ, uống dần dần.
4. Những cháu có mụn sởi lờ mờ đã hai - ba ngày không mọc ra được rõ, nên lấy một nắm lá mùi già, đổ vào với hai bát nước đun sôi kỹ, để cho âm ấm, rồi lấy khăn mặt sạch thấm nước đó lau cho cháu từ đầu đến chân. Hoặc lấy một nắm mùi già với một chén rượu đun sôi để nguội rồi phun từ cổ đến chân và lưng bụng (tránh đầu, mặt). Phun xong ủ ấm cho ra mồ hôi. Tiếp đó cho uống những vị thuốc đã nói trên. Chỉ nên uống độ 2-3 thang. Thấy sởi đã mọc được rồi thì thôi.
Thời kỳ sởi bay có các triệu chứng như nốt ban sởi mờ dần, sốt nhẹ, ho ít, cơ thể suy nhược, có thể dùng các bài thuốc sau:
5. Sa sâm (12g), dây cam thảo (8g), mạch môn (6g), lá đậu non (đậu xanh, hay đậu phộng 12g), củ mài sao vàng (6g), củ sả (6g), đậu đỏ sao vàng (12g). Đem nấu uống ngày 1 thang. Uống liên tục 5 - 7 ngày cho cơ thể phục hồi thì ngừng.
6. Vỏ rễ dâu (20g tẩm mật sao vàng), mạch môn (12g), cam thảo dây (8g), bách hộ (12g), lá táo (8g), lá chanh (6g) sắc với 400ml lấy 150ml chia 2 - 3 lần uống để điều trị chứng ho kéo dài sau khi sởi bay.
7. Rau má (20g), rau sam (16g), lá mơ (16g), củ phượng vĩ (12g), cam thảo dây (8g), cỏ nhọ nồi (12g), vỏ núc nác (12g), sắc với 400ml nước lấy 150ml chia 2 - 3 lần uống. Bài thuốc này phù hợp với những bé đã bay sởi nhưng vẫn bị chứng kiết lỵ.
9. Nếu bé khát nước, không có mồ hôi, lưỡi đỏ, sốt, chân tay lạnh cho uống: Kinh giới (12g), bạc hà (4g), tiền hồ (8g), thăng ma (8g), ngưu bàng (12g), phòng phong (12g), khương hoạt (4g), cát căn (8g), đạm đậu xị (12g), thông bạch (12g). Sắc lấy nước uống, ngày uống 1 thang.
10. Khi bé kiết lỵ, có dấu hiệu khô da, nứt nẻ môi dùng: Hoàng cầm (8g), sơn chi tử (4g), liên kiều (12g), thục đại hoàng (8g), bạc hà (8g), ngưu bàng tử (12g), kim ngân hoa (12g), tri mẫu (8g), tiên lô căn (16g). Ngày 1 thang sắc uống.
Sau 3-4 ngày, sởi đã bay thì nên cho bé ăn các thứ dễ tiêu như: cháo đường, canh rau ngót nấu cá trê, hoặc cá rô. Không nên cho ăn nhiều thịt. Nếu ăn thịt, chỉ nên cho ăn thịt nạc, không nên cho ăn quá no.
Trên đây là những bài thuốc trị bệnh sởi cho bé, các mẹ có thể tham khảo. Tuy nhiên, khi bé có các triệu chứng của bệnh sởi phải sớm đưa bé đến các cơ sở y tế uy tín để kiểm tra và điều trị kịp thời. Cách phòng ngừa bệnh sởi hiệu quả nhất cho bé là tiêm phòng vắc xin sởi và tiêm đầy đủ 2 mũi cho bé.
Theo phunutoday.vn (Chuyên trang Phụ nữ & Đời sống của Báo Điện Tử Người Đưa Tin)
|
|
|
Code_FB ADS_681x |
Video 336x288 |