Đổ xô tìm lớp học kỹ năng sống mùa hè cho con
Từ tuần trước, chị Thanh (Cầu Giấy, Hà Nội) đã lên mạng, hỏi bạn bè các khóa học bơi, tiếng Anh, đàn cho con gái 8 tuổi, hy vọng bé có thể biết thêm nhiều kỹ năng bổ ích trong kỳ nghỉ hè.
Chị Thanh cho biết, chỉ còn hơn chục ngày nữa là con gái đang học lớp 3 của chị kết thúc năm học. Chị muốn ngay sau đó con có thể tham gia các khóa học hè nên đã tức tốc tìm những lớp học chất lượng cho con. Chị không muốn đưa con về quê chơi dài ngày như mong đợi của ông bà cháu, muốn con có thể tận dụng thời gian nghỉ hè để học hỏi những kỹ năng cần thiết thay vì chỉ buồn chán loanh quanh trong xóm hay chúi mũi trước màn hình TV.
"Các lớp học hè hiện nay có rất nhiều, nhưng chọn nơi chất lượng tốt, giá cả phù hợp, lại tiện đưa đón thì không dễ chút nào" - chị Thanh chia sẻ. Chị cho biết, sau khi lựa chọn nhiều nơi, chị đã đăng ký cho con gái tham gia lớp học bơi tuần 3 buổi tại một bể bơi gần nhà, đồng thời học thêm tiếng Anh, đàn piano, cũng ở khu vực gần cơ quan bố mẹ.
"Con nghỉ hè bố mẹ vất vả hơn. Thay vì trên đường đi làm thả con ở trường rồi chiều về đón, khi cháu học hè, có khi sáng phải mang con lên cơ quan, rồi tranh thủ đưa đến lớp học, sau đó về làm việc tiếp, hết thời gian lại qua đón. Có những hôm cháu học hai ca thì phải nhờ người bác tiện đường đón giúp" - chị Thanh kể.
|
Có hai con, cậu lớn học lớp hai, em nhỏ 4 tuổi, chị Bình (Thanh Xuân, Hà Nội) cũng đang tìm lớp bán trú cho con học hè. Chị Bình cho biết, hè năm ngoái, chị cho cậu con trai lớn lên cơ quan cùng bố mẹ vài buổi, sau đó ở nhà một mình, nhờ bác hàng xóm trong khu tập thể trông giúp. Cu cậu xem TV suốt ngày, trưa không ngủ. Khi bố mẹ biết, không cho xem TV thì cháu lấy điện thoại bố để ở nhà tải game về chơi, khiến hóa đơn tiền tháng đó trội mấy lần.
Rút kinh nghiệm, năm nay chị Bình muốn cho con tham gia học hè, vừa để tiếp thu kiến thức bổ ích, lại không sa đà vào các trò chơi, phim ảnh. Ban đầu, chồng chị định cho cháu tham gia khóa học kỳ quân đội cùng một bạn con đồng nghiệp, nhưng sau nghĩ con còn nhỏ, đi xa không yên tâm nên lại thôi.
Cuối cùng, chị quyết định cho cả hai con cùng tham gia khóa trải nghiệm hè theo kiểu học bán trú tại trường mầm non tư thục chất lượng cao gần nhà. "Ở đó có tổ chức các lớp năng khiếu, lại kết hợp trông trẻ, cho các cháu ăn uống luôn nên mình yên tâm. Thằng lớn đăng ký học võ, tiếng Anh, vẽ; em nhỏ thì học múa, tạo hình. Chi phí cho hai đứa trong hai tháng hè cũng tốn gần hai chục triệu chứ chẳng ít" - chị Bình nói.
Con gái năm nay vào lớp 1 nhưng chị Mai (Hai Bà Trưng, Hà Nội) không muốn cho bé chạy đua luyện viết hay học toán như nhiều bạn cùng lớp khác, mà đăng ký để con tham gia trại hè ở một nông trường chè cách thành phố mấy chục km. Tại đây, các bé tự làm vệ sinh cá nhân, giặt đồ của mình, tập thể dục, tham gia nấu nướng, dọn ăn, hát, nhảy múa, các môn thể thao, đọc sách... Chi phí cho 10 ngày "học tự lập" này là gần 7 triệu đồng.
"Nhiều người bảo như thế thà cho con về quê với ông bà còn hơn, vì cũng là về nông thôn, nơi thiên nhiên trong lành, lại được ông bà chăm sóc chu đáo, yên tâm hơn, không tốn kém. Nhưng mình nghĩ, cho con trải nghiệm cảm giác xa hoàn toàn người thân cũng có cái hay. Ông bà thường quá chiều cháu, về quê, con sẽ chẳng phải đụng tay tới việc gì, chỉ xem TV là chính" - chị Mai chia sẻ.
Chị Mai muốn con có những trải nghiệm thú vị trước khi bước vào môi trường học tập mới, nhiều áp lực và khó khăn hơn. Với chị, hè là thời gian để con được thư giãn và học tập những kỹ năng cần thiết cho cuộc sống mà không được dạy ở trường lớp. Năm ngoái, chị cho con gái tham gia một lớp nấu ăn. Bé rất vui và yêu thích công việc nấu nướng, dù chưa làm được nhiều.
Có con trai đang học cấp 2, hè này vợ chồng anh Bách (Đặng Văn Ngữ, Hà Nội) dự định cho cháu tham gia một lớp học giáo lý nhà Phật. Anh Bách cho biết, con trai anh tính tình hiền lành nhưng rất ham chơi. Gần đây, cháu say mê các trò game, nhiều lần còn nói dối bố mẹ, bỏ học đi chơi. Vợ chồng anh bảo ban nhiều nhưng con không nghe, có lúc không kiềm chế được, anh đã tát con.
"Nhiều khi thấy bất lực với con quá, dường như mọi biện pháp của bố mẹ giờ chẳng ăn nhằm gì nữa. Nghe nói một số chùa tổ chức các lớp học hè, trẻ học và ăn ở tại đó, rèn luyện tâm tính, mình đang định gửi cu cậu tới đó. Ít nhất, nếu không học được gì nhiều, cũng coi như cho nó vào môi trường thanh tịnh đó để cai hẳn máy tính, TV và trò chơi điện tử đi" - anh Bách nói.
Anh đã tìm được một thiền viện cách nhà vài chục km, muốn đăng ký cho con học, nhưng một số bạn bè, người thân biết lại ngăn cản, cho là môi trường tu hành không thích hợp với trẻ tuổi mới lớn, khiến anh đôi chút do dự. "Có lẽ cứ gửi cu cậu lên đó đã, nếu có vấn đề gì, thay đổi vẫn kịp" - anh Bách nói.
Theo giáo sư Phạm Thành Nghị, khoa tâm lý học, Viện khoa học xã hội Việt Nam, các hoạt động hè rất cần thiết khi phối hợp với việc dạy học ở nhà trường, bổ sung kiến thức trẻ chưa được dạy trong trường. Nên tạo điều kiện để trẻ được vui chơi, giảm căng thẳng, tăng các kỹ năng hữu ích cho cuộc sống và phấn chấn hơn trước khi bước vào năm học mới. Không nên chồng chéo tiếp tục nhồi nhét cho trẻ kiến thức đã học trong trường, học trước chương trình chính khóa.
Có thể để trẻ tham gia vào các hoạt động giải trí, kết bạn, dã ngoại, học kỹ năng như xử trí với những tai nạn có thể gặp, giao tiếp... Để lựa chọn khóa học phù hợp, trước hết bố mẹ cần hiểu rõ bản tính con mình, xem trẻ có điểm mạnh, điểm yếu gì, từ đó xác định mục tiêu bồi dưỡng cho con. Chẳng hạn, nếu trẻ nhút nhát, ngại giao tiếp, có thể cho bé tham gia các nhóm dã ngoại để tăng cơ hội kết bạn, học kỹ năng giao tiếp ở hình thức học mà chơi... Tùy từng độ tuổi để chọn lĩnh vực phù hợp, nhưng luôn phải đảm bảo tiêu chí an toàn và để trẻ hiểu rõ ý nghĩa của việc học kỹ năng ấy.
Với gia đình không có điều kiện cho trẻ tham gia các chương trình hè đã được thiết kế sẵn thì có thể tự tổ chức những hoạt động hữu ích trong hè. Điều quan trọng là hãy biến khoảng thời gian rảnh rỗi của trẻ thành thời gian ý nghĩa, bằng cách lên kế hoạch cụ thể các hoạt động.
Chẳng hạn, nếu cho con về quê, bố mẹ cần bàn bạc với ông bà, người thân tại đó về việc sử dụng thời gian của trẻ trong khoảng thời gian này, những việc trẻ được làm và không được làm, tận dụng để trẻ tìm hiểu về thiên nhiên, lao động bằng cách tham gia làm vườn, giúp những việc vặt trong nhà, kết bạn với trẻ xung quanh... Không nên để mặc trẻ có những hoạt động tự phát, vừa phí thời gian lại có thể hình thành những thói quen xấu cho các em.
Theo VnExpress
- Nhiều phụ huynh mừng nếu bỏ luyện chữ (13:51:00 24/02/2014)
- Thêm một cuốn sách thiếu nhi... 'thiếu' chuẩn (16:12:00 03/12/2013)
- Lỗi chính tả khó hiểu trong sách Tiếng Việt lớp 1 (13:39:00 16/10/2013)
- 8 cách giúp bé thích học (08:05:00 19/09/2013)
- Học sinh có thể tụt hậu vì chấm điểm (19:15:00 05/09/2013)
Code_FB ADS_681x |
Video 336x288 |