Học sinh có thể tụt hậu vì chấm điểm
Điểm số là thước đo không công bằng vì mỗi lớp có đề bài khác nhau, cô giáo trình độ khác nhau, trẻ ở các vùng khác nhau có xuất phát điểm khác nhau...
Trên thế giới có rất nhiều phương pháp giáo dục, và nhiều nước không dùng điểm số để đánh giá trình độ của trẻ vì rất nhiều lý do.
Điểm số là thước đo không công bằng vì mỗi lớp có đề bài khác nhau, cô giáo trình độ khác nhau, trẻ ở vùng khác nhau trong cùng một thành phố đã có xuất phát điểm khác nhau chứ đừng nói các vùng khác nhau trên cùng một đất nước nên không thể đánh đồng.
Điểm số khi không mang tính xây dựng tích cực làm cho trẻ quen với việc bị phán xét hay tâm lý phụ thuộc lời khen để cảm thấy hài lòng về chính mình. Trẻ ganh đua vì cho rằng mình phải giỏi hơn người khác, mình phải đứng đầu lớp bằng bất cứ giá nào dù là tiêu cực như quay cóp, chép bài, học thuộc vẹt, bố mẹ làm hộ... chứ không phải yêu thích học tập nên mình cần cố gắng học giỏi.
Điểm số có điểm trần, vậy với những trẻ vượt quá ngưỡng trần đó các cô đánh giá bằng tiêu chí gì? Khi trẻ luôn được 10 em sẽ nghĩ mình giỏi quá rồi không cần phải cố gắng, lúc đó em sẽ mất đi tinh thần ham học vì cho rằng thế là đủ.
Điểm số cho các môn chính xác thì còn cho được tương đối chính xác, nhưng chấm văn, chấm chữ đẹp, chấm các môn xã hội, nghệ thuật thì thước đo nào là chuẩn để mà so sánh. Ví dụ nếu cô giáo của con viết chữ đẹp nhất khối, dạy giỏi nhất khối, như thế có phải yêu cầu của cô cũng cao hơn so với các cô chữ không được đẹp lắm?
|
Một số nhà giáo lâu năm nói, điểm số chỉ nên dùng nếu đo được cả trí thông minh và nỗ lực của trẻ. Nhưng thường thì sự nỗ lực của trẻ không được tính đến. Nếu một em bé con nhà nghèo vừa phải đi học vừa phải phụ mẹ kiếm sống làm được một bài kiểm tra giống hệt như một bạn con nhà giàu được đi học thêm, có điều kiện, thì em bé nghèo kia phải được điểm cao hơn vì thực sự em thông minh và đã nỗ lực cố gắng học hơn mới đúng.
Bang Florida ở Mỹ còn định đưa ra đạo luật chấm điểm các bố mẹ vì theo nhà hành pháp, nếu trẻ con, thầy cô giáo, các trường học bị đánh giá, xếp hạng, chấm điểm thì bố mẹ cũng nên được kiểm tra, vì giáo dục là sự kết hợp giữa gia đình và nhà trường. Gia đình luôn đứng trước vì trẻ thừa hưởng văn hóa gia đình và chịu ảnh hưởng của gia đình trước khi tham gia vào môi trường tập thể ở trường.
Trước kia, IQ (chỉ số thông minh) luôn được coi là thước đo vàng, hiện tại EQ (chỉ số cảm xúc) lại được coi là chỉ số của sự thành đạt, vậy nếu được điểm cao, có chắc là thành đạt, hạnh phúc? Học sinh giỏi trường này chưa chắc đã giỏi so với mấy trường chuyên lớp chọn. Điểm 10 ở trường này sẽ không tương đương với điểm 10 ở một trường chất lượng cao luôn ra đề khó. Vậy tại sao chúng ta lại cần con mình bị chấm điểm? So sánh với ai khi mọi so sánh đều khập khiễng.
Thử tưởng tượng bạn đi làm về, chồng hay vợ hỏi “Hôm nay em/anh có được sếp cho điểm cao không?” và nếu câu trả lời là "không" khiến người ấy thất vọng ghê gớm thì bạn sẽ cảm thấy thế nào? Có bố mẹ bảo, không sao, cứ chấm điểm, phải chấm điểm thì mới biết con mình trình độ đến đâu chứ, chỉ cần cả hai bố mẹ quán triệt là không quan trọng hóa điểm của con. Nói thì dễ làm thì khó, đến cuối năm không thấy tên con trong danh sách học sinh được tuyên dương của khu phố thì bố mẹ lại xấu hổ không biết trả lời thế nào với bác tổ trưởng dân phố, với công ty. Và vì con không giỏi, con không được quà nhân dịp này dịp nọ... thế là cuối cùng bố mẹ cũng đầu hàng, thích con giỏi, yêu cầu con phải học giỏi để còn khoe con.
Nhiều phụ huynh còn lập luận có mỗi ăn với học mà không giỏi thì là không thương bố mẹ, không cố gắng hết mình, hư... Cái thời của bố mẹ ăn còn chẳng có thế mà vẫn nên người... Chẳng ai dám nghĩ là con không giỏi có thể vì không được gia đình và cô giáo trợ giúp đúng cách. Nhưng tất cả chỉ dồn lên đứa trẻ, "có mỗi việc học cũng không nên thân thì sau này làm nên cơm cháo gì".
Với một đứa trẻ, dù ở cấp học nào đi chăng nữa, điều quan trọng khi đi học là học được kỹ năng sống hòa thuận trong cộng đồng, kỹ năng tự học, thực sự yêu thích việc học và biết ứng dụng được kiến thức mình học vào cuộc sống để làm cuộc sống dễ chịu hơn và thành công trong việc mình muốn làm cho dù việc đó là gì trong tương lai.
Ở những nước học sinh không bị chấm điểm, mỗi kỳ học phụ huynh sẽ được gặp riêng với cô để trao đổi về tình hình của con để kết hợp giữa các bên nhằm trợ giúp đứa trẻ phát triển cân bằng và hạnh phúc. Không có trường nào, lớp nào, kể cả với số học sinh 15 bạn/lớp cô giáo có nhận xét mỗi ngày cho từng môn học. Mỗi ngày không thể đánh giá được gì từ trẻ mà phải là cả một quá trình. Và tại sao lại phải đánh giá từng ngày?
Đầu mỗi kỳ học, cô giáo và các em lên kế hoạch cá nhân để giúp các em đạt được những mục tiêu đó theo thời gian đứa trẻ cần chứ không phải do cô định ra. Tuy nhiên để làm được như vậy, chương trình học cũng phải đa dạng hoạt động, có đất cho các em phát triển được loại hình thông minh chứ không phải chỉ chú trọng toán và ngôn ngữ. Nhận xét trẻ theo tiêu chuẩn đánh giá toàn diện về mọi mặt cũng là một kỹ năng khó cho giáo viên nếu chưa được đào tạo đầy đủ.
Ở những trường chấm điểm, trẻ không bị chấm điểm theo ý cô mà được đánh giá qua rất nhiều kênh. Quan trọng nhất, trẻ học tự đánh giá chấm điểm mình, cô chỉ ghi chấm hỏi, ghi thiếu, ghi sai lỗi chính tả, lỗi ngữ pháp... trẻ phải tự về tìm hiểu xem tại sao, sai cái gì và tự sửa bài cho mình. Trẻ học cách chấm điểm cho bạn, học cách nhận xét tích cực bằng lời.
Trẻ học cách đánh giá các hoạt động theo cá nhân, tập thể, nhóm cùng nhau. Hai trẻ chấm điểm lẫn cho nhau. Hai trẻ cùng chấm điểm cho một bạn thứ ba và cả hai phải cùng đồng ý với nhau. Nếu cô chấm cho trẻ, cô luôn đưa ra cách giải quyết vấn đề thay vì chỉ chấm điểm bằng số. Nếu cần cô sẽ trao đổi với trẻ và bố mẹ để trợ giúp và đưa ra các gợi ý cho kế hoạch học tập của riêng trẻ đó. Và những điểm đó không phải lúc nào cũng được lưu lại mà chỉ là một cách để trẻ thực hành kỹ năng.
Với những trường Montessori chính thống trên toàn thế giới từ 0 đến 15 tuổi, trẻ không bị chấm điểm, không khen không chê, không thưởng không phạt, không xếp hạng. Mỗi trẻ có một kế hoạch cá nhân riêng, các em làm việc để tháng sau các kỹ năng đều khá hơn tháng trước hay các kỹ năng phát triển đều nhau hơn. Ví dụ em học rất khá toán rồi thì sẽ dành nhiều thời gian cho những môn chưa khá bằng toán.
Các em cũng học không so sánh mình với bạn hay lấy bạn nào đó ra làm chuẩn mực mà luôn học cùng nhau, giúp đỡ nhau cộng hưởng để tất cả cùng có cơ hội học tốt nhất kể cả khi học một mình hay khi tham gia hoạt động nhóm. Các em tự học, tự đặt ra câu hỏi, tự tra cứu tìm câu trả lời cùng với sự trợ giúp của cô giáo. Khi các em gặp vấn đề, thường thì sự giúp đỡ luôn là ít nhất có thể để các em tự tìm ra câu trả lời của mình. Các em cũng luôn được khuyến khích thử nghiệm phương án khác nhau cho cùng một vấn đề. Thử nghiệm cái mới mà sai còn tốt hơn là theo lối mòn cho luôn luôn đúng.
Thể thao trong Montessori cũng không quan trọng thắng thua mà quan trọng nhất là mình đã chơi hết mình chưa và mọi người có một trận đấu đẹp hay không, mọi người có vui vẻ không. Hay ví dụ hôm nay con chạy đoạn đường đó hết 5 phút, con cố gắng lần sau chạy hết 4 phút rưỡi. Đứa trẻ học được cách nỗ lực phấn đấu để tốt hơn chính mình và làm điều đó cho bản thân, không phải bởi vì bạn khác chạy nhanh hơn nên con phải chạy nhanh hơn. Cũng không phải vì đã là con bố mẹ thì làm cái gì cũng phải giỏi để khỏi xấu hổ bố mẹ.
Khi thấy bạn chạy nhanh hơn mình đứa trẻ sẽ hỏi “Bí quyết gì mà cậu chạy nhanh thế chỉ cho tớ với!”. Và các em học từ nhau để phát triển tốt hơn chứ không học cách nghĩ “Ngày mai mình phải chạy nhanh hơn nó mới được. Mình phải là người thắng cuộc. Mình phải giỏi nhất”. Khi làm được như thế tất cả mọi đứa trẻ đều không bị áp lực và thực sự luôn hạnh phúc, hài lòng, yêu thương và tôn trọng bản thân. Chỉ khi trẻ làm được như vậy cho chính mình trẻ mới biết trao tất cả những điều đó cho mọi người xung quanh vô điều kiện.
Theo VnExpress
- Bỏ chấm điểm lớp 1 chưa hẳn giúp học sinh bớt khổ (08:33:00 27/08/2013)
- Nghiêm cấm trường mầm non dạy chữ cho bé (10:20:00 23/08/2013)
- Học kỳ 3 'giết chết' sở thích học của bé (13:15:00 13/07/2013)
- Hà Nôi: 'Heo vàng' chạy đua vào lớp 1 (16:04:00 12/06/2013)
- 5 mẹo để bé hết đi học muộn (10:41:00 07/05/2013)
Code_FB ADS_681x |
Video 336x288 |