Billboard
ADS_Top_Right
  • Bigsize
    Bigsize
  • google.com, pub-4530016804051003, DIRECT, f08c47fec0942fa0
Tiêu điểm

Muốn quay lại còn phải xem ý ông Kỳ

18:01:22 17/05/2013
Hơn 30 năm trước, người ta gọi bà là “phu nhân của ông Nguyễn Cao Kỳ” (Phó Tổng thống của chính thể Sài Gòn trước năm 75). Trong 10 năm qua, khi con gái bà nổi tiếng trên sân khấu hải ngoại với vai trò MC thì người ta quen gọi bà là “mẹ của Nguyễn Cao Kỳ Duyên”. Ít người gọi tên thật của bà là Đặng Tuyết Mai và có lẽ cũng ít người biết chỉ vài năm nữa bà sẽ bước vào độ tuổi thất thập cổ lai hy. Giờ đây, bà đang ngồi trước mặt tôi tại phòng trà Văn Nghệ (14 lam Sơn, Phú Nhuận) - bà chuẩn bị tập với ban nhạc để tối nay sẽ có buổi biểu diễn ra mắt khán giả trong vai trò một ca sĩ.  Bà Tuyết Mai bên Kỳ Duyên - Trịnh Hội, 2 béMaili, Yenli và Võ sư Lý Huỳnh (Cận vệ trước đây). Trông bà thật trẻ trung như một phụ nữ ở ngưỡng U50, duyên dáng, xinh đẹp và thật thân thiện - bà nói “tôi bây giờ chỉ như là một phó thường dân về thăm quê mình”, làm sao có thể gọi bằng tiếng bà lạnh lùng xa cách cho được? Vì vậy, tôi đã lắng nghe chị Đặng Tuyết Mai kể một chút về mình như là lời bộc bạch tâm tình của một người xa quê hương chứ không phải là cuộc phỏng vấn một nhân vật đã một thời tài sắc của sân khấu chính trị Sài Gòn. Trước khi rời đất nước, chị đã đóng một vai trò khác. Một Phu nhân. Hơn 30 năm qua ở ngoại quốc, chị đã sống trong tâm trạng một người không có tổ quốc, không có quê hương…   - Chị về VN lần đầu là năm nào? Cảm tưởng của chị khi ấy ra sao? - Lần đầu tiên là năm 1998, đi cùng một nhóm bạn. Sau nhiều năm rời xa đất nước trong tâm trạng của một người không có tổ quốc, khi phi cơ đáp sắp đáp xuống đường băng chị đã xúc động đến nghẹn ngào, nước mắt rơi lã chã. Quê hương mình đây rồi. Chị đã ở Hà Nội 1 tuần để xây mộ bố và ông bà ngọai, sau đó đi thăm một vài thắng cảnh trong nước. Lần về sau đó là ghé thăm VN nhân dịp đi Philippines dự đám cưới của Kỳ Duyên. Chị về VN lần này nữa là lần thứ 4, chị cảm thấy thật hạnh phúc và thật xúc động.   - Về VN lần này là lần thứ tư và chị xuất hiện trước khán giả của phòng trà Văn Nghệ như một ca sĩ hải ngoại? Lý‎ do gì mà chị quyết định làm một chương trình mini show Đặng Tuyết Mai như thế này?  - Thực ra chị không có muốn trở nên nổi tiếng trong giới nghệ sĩ đâu. Nhưng chị biết rằng vẫn còn nhiều người yêu mến mình, muốn nhìn thấy mình xem mình thay đổi như thế nào sau 30 năm xa quê hương. Chị xuất hiện trước khán giả của phòng trà Văn Nghệ lần này, chỉ như là một dịp để được gặp gỡ, tiếp xúc mọi người, và chứng tỏ là mình là một người tự do, bình thường, không bị ràng buộc và không câu nệ khi đã từng là một phu nhân. - Chị thích người ta gọi chị là phu nhân hay là nghệ sĩ? - Chị nghĩ vai trò phu nhân đến với chị như là sự sắp đặt của số phận. Trong cuộc sống, mỗi người đều có những khả năng riêng thiên phú và sẽ dễ dàng làm được một điều gì đó. Làm phu nhân đối với chị thật dễ dàng. Thế nhưng, bây giờ chị sắp sửa đóng vai trò một nghệ sĩ, chị lại cảm thấy sợ, vì mình không được đào tạo và rèn luyện một cách bài bản. Nhưng chị xem đây là một sự thách thức cho chính mình.   - Chị đã có lần nói về giấc mơ làm ca sĩ từ hồi mới lớn. Và chị đã trả lời phỏng vấn: "Nếu mà tôi được làm lại thì thay vì phải làm một phu nhân thì tôi chắc chắn tôi sẽ làm ca sĩ". Chị tin rằng chị sẽ thành công trong vai trò ca sĩ?  - Chị không mộng là mình sẽ thành công. Chị chỉ hát bằng trái tim và cũng mong khán giả sẽ nghe bằng trái tim. Mong rằng mọi người đến đây vì sự yêu thương chứ không phải chờ đợi một ca sĩ. - Chị có ngại không khi phải tiếp xúc với mọi người khi về Việt Nam, trong đó có nhà báo và người ta sẽ hỏi chị nhiều câu?  - Chị không ngại và sẵn sàng trả lời các câu hỏi, kể cả những câu hỏi riêng tư hoặc những câu không thiện chí. Nhưng, chị nói trước là sẽ không trả lời những câu hỏi về chính trị. Chị không muốn nhắc đến chính trị.   - Cuộc sống hiện tại của chị như thế nào? - Cuộc sống hiện tại của chị cũng bình thường thôi. Chị đóng vai trò bà ngoại của 2 đứa cháu (con gái của Kỳ Duyên, một cháu 12 tuổi và một lên 8 tuổi). Chị chở cháu đi học tiếng Việt, học vẽ, học đàn, học chơi tennis… Vai trò bà ngoại thật thiêng liêng và nhiều điều thích thú. - Chị làm cách nào để gìn giữ sắc đẹp và sự trẻ trung như thế này? Ngoài phẫu thuật thẩm mỹ? - Với mọi thứ, để được lâu bền cần phải được chăm sóc. Chị có sửa sắc đẹp, một chút đỉnh thôi. Chuyện sửa sắc đẹp ngày hôm nay là bình thường, trong cả nam giới cũng rất cần. Sự thật là để giữ được như bây giờ là do chị theo thuyết vừa phải. Làm cái gì cũng có mức độ. Không ăn nhiều quá, cũng không kiêng cữ quá. Chị tập thở khí công. Là một Phật tử nên chị thường xuyên tụng kinh Pháp Hoa, cốt để giữ cho tâm hồn mình thanh thản. Sự trẻ trung có lẽ do mình phải biết hài lòng về những điều mình có.  * * * Cuộc trò chuyện đến đây phải tạm dừng để ca sĩ Đặng Tuyết Mai vào tập dợt với ban nhạc. Có một câu thanh niên cầm máy ghi hình đến muốn xin được thu hình cùng cô Tuyết Mai để làm lưu niệm. Cậu tự giới thiệu mình rất yêu nghề MC và yêu dòng nhạc trữ tình xưa cũ nên đã bỏ nghề làm báo ở Hà Nội vào TP.HCM và đã học một khóa người dẫn chương trình ở nhà văn hóa thanh niên, giờ đang mon men xin vào làm MC cho phòng trà Văn Nghệ này…   Chị Đặng Tuyết Mai vui vẻ nán lại trò chuyện với cậu thanh niên và sẵn lòng truyền đạt kinh nghiệm với tư cách là một người đi trước. Chị nói: "Em biết không, cái điều hấp dẫn nhất của một MC là phải tự tin. Hết sức tự tin. Phải biết cách gây sự chú ‎ý của khán giả ngay từ khi mình xuất hiện trên sân khấu. Khi dẫn chương trình, nếu thấy cái điều mình đang nói không làm người nghe chăm chú và đồng cảm thì nên lái đề tài sang hướng khác. Làm MC phải nhạy bén, thông minh. Ví dụ khi trong câu chuyện hoặc trong khán phòng có điều gì đấy phát sinh bất chợt thì mình biết chộp ngay thời cơ xoay theo hoặc biết cách xử lý tình huống thật nhanh… Để đạt được điều đó thì MC cần phải có cái nền tri thức tương đối..." Chỉ cần nghe chị "chỉ giáo" một đôi điều ngắn gọn như thế cũng biết được chị thật chuyên nghiệp và già dặn trong vai trò MC trên sân khấu hải ngoại. * * * 20 giờ 30 tối thứ tư 17/6/2008. Phòng trà Văn Nghệ chỉ còn một ít ghế trống. Mở đầu chương trình đêm nay là các tiết mục của ca sĩ cây nhà lá vườn quen thuộc phòng trà: nhóm nam Đồng Xanh và nhóm nữ Mây Lang Thang, ca sĩ Vũ Đức Phước - với liên khúc Trịnh Công Sơn, một vài tác phẩm khác và một bài ca mang âm điệu Tây Nguyên rộn ràng của nhạc sĩ Thanh Sơn. Phần hai là tiếng hát của những gương mặt ca sĩ hải ngoại: Quang Toàn, Quang Bình, Phương Giao, Kim Anh, Anh Khoa, Giang Tử. Và phần đặc biệt sau cùng chính là cuộc trò chuyện và ca hát của nghệ sĩ Đặng Tuyết Mai. Trong lời giới thiệu, nhạc sĩ Vũ Xuân Hùng đã cố tình đưa một ví dụ so sánh về đĩa hát gây tiếng vang mới đây của ca sĩ - phu nhân Tổng thống Pháp trước khi kể một đôi điều về danh phận của một phu nhân của Phó Tổng thống Nguyễn Cao Kỳ trước kia và nghệ sĩ Đặng Tuyết Mai bây giờ: "Đặng Tuyết Mai cô nữ sinh trường Yersin, Đà Lạt có tên Tây là Isabelle, sinh tại Hà Nội. Chị theo học trường Yersin Đà Lạt cho đến khi đậu Tú Tài Pháp. Đến năm 60, chị về Sài Gòn và được thu nhận làm tiếp viên hàng không cho Air Vietnam. Tình cờ trên một chuyến bay, Tuyết Mai đã gặp ông Nguyễn Cao Kỳ và sau đó trở thành “Đệ nhị phu nhân ” vào tháng 11 năm 64, khi mới bước vào lứa tuổi hai mươi. Đây là một thế giới khác hoàn toàn với mộng ước của Đặng Tuyết Mai, một vai trò ngoài dự định với người con gái 20 mà đã có lần Tuyết Mai thổ lộ chia sẻ cùng bạn bè  “Cái mộng ước của tôi không phải làm “bà lớn”... cái đó tự nhiên mà bị... Bị bắt buộc thôi chứ còn bao giờ tôi cũng thích làm ca sĩ”. Chị vẫn luôn tâm sự với bạn bè chị không phải là một ca sĩ chuyên nghiêp. Chị hát với niềm đam mê, với tất cả cảm xúc. Mong luôn được khán giả đón nhận chị với sự cảm thông, thương yêu. Ca hát là nỗi ấp ủ bao năm mà chị mong được toại nguyện. Dẫu có muộn màng, còn hơn không..." Ngay sau lời giới thiệu đó, nhân vật chính xuất hiện trên sân khấu trong bộ đầm màu xanh dương, lấp lánh trang sức sang trọng. Trông chị tràn đầy nét thanh xuân, lộng lẫy và thật đĩnh đạc. Khán giả nồng nhiệt vỗ tay chào đón. Chị cảm động nói: “Tiếng vỗ tay này đã vang lên từ lòng đất mẹ. Tôi cảm thấy thật ấm áp và đầy tình người. Có phải thế không quí vị hay chỉ là cảm nhận của riêng tôi?" (Khán giả tiếp tục vỗ tay) - "Xin cảm ơn quí vị. Hơn 30 năm qua, tôi đã sống trong tâm trạng không còn Tổ quốc, không còn chỗ đứng trên quê hương. Ngày hôm nay tôi trở về và đang đứng trước mặt quí vị. Tự cố gắng làm một nghệ sĩ. Tôi đứng đây để tìm lại chính mình với cái tên Đặng Tuyết Mai”. “Thưa quí vị. Trước kia người ta vẫn hay gọi tôi là bà Nguyễn Cao Kỳ. Sau này, người ta cứ gọi tôi là mẹ của Nguyễn Cao Kỳ Duyên! Tôi thật là may mắn được nhờ chồng, nhờ con, phải không quí vị? Nhưng tôi cũng luôn muốn người ta biết đến tôi, bằng chính tên tôi". “Thưa quí vị, trên con đường phấn đấu trở thành một nghệ sĩ có tên tuổi, tôi đã đi được phân nửa đường. Vâng. Tôi đã trở thành một người “có tuổi” mà chưa “có tên”. Nếu quí vị nhớ tên tôi, nhắc nhớ đến Đặng Tuyết Mai thì nhất định lúc ấy tôi sẽ trở thành nghệ sĩ "có tên, có tuổi". “Ở Mỹ, có lần thấy tôi ngần ngại khi phải đứng hát trên sân khấu, một người bạn bảo với tôi rằng: Bồ đừng có ngại, lúc bồ đứng trên sân khấu người ta chỉ nhìn bồ mà không ai nghe bồ đâu! Vâng có lẽ là như thế. Khi hát, tôi cứ hát khơi khơi, như một ca sĩ phòng … tắm”. “Tôi tin rằng mọi người đến đây nghe tôi, vì sự yêu thương chứ không phải mọi người chờ đợi một ca sĩ. Tôi xin được hát bằng trái tim của tôi và xin quí vị hãy nghe bằng trái tim…” Bài đầu tiên chị hát là bài Nắng thủy tinh của Trịnh Công Sơn. Chị đã kể một chút kỷ niệm và xen trong bài hát là lời phân tích nhận xét về ca từ đặc sắc của nhạc sĩ họ Trịnh. Chị hát và nói. Nói và hát. Chất MC trội hơn chất ca sĩ. “Màu nắng hay là màu mắt em…”. Chị cất tiếng hát, nghe na ná như Khánh Hà, tất nhiên không thể điêu luyện và đầy nội lực như ca sĩ Khánh Hà, lúc lên cao và khi xuống thấp xử lý‎ chưa tốt và chưa ngọt. Giọng hát của chị vẫn cần rèn luyện thêm một chút kỹ thuật. Nhưng, với một người ca sĩ không chuyên nghiệp và với độ tuổi U70 mấy ai hát được như thế? Đó là điều đáng khen ngợi lắm chứ! Những tràng pháo tay dành cho chị cứ giòn giã khắp khán phòng trong ánh nến lung linh ấm cúng của phòng trà Văn Nghệ. Vâng! Khán giả đã đến với tấm lòng thương yêu, không phải để nghe chị như một ca sĩ tài danh, cũng không phải chỉ để nhìn lại ngừơi phụ nữ sắc vóc “nghiêng thành đổ nước” ngày nào nay vẫn còn trẻ trung lộng lẫy tươi mát; mà tất cả đã lắng nghe chị hát, lắng nghe chị nói, lắng nghe chị bộc bạch tâm tình, như một nghệ sĩ thực thụ, như một phụ nữ có cuộc sống trải nghiệm qua nhiều cung bậc và như một người con xa quê mới trở về quê nhà… Chị nói, chị hát, chị tự kể về mình bằng sự dí dỏm và thẳng thắn trả lời những câu hỏi của khán giả một cách chân thành nhưng không kém phần thông minh, sắc sảo. Chị hoàn toàn làm chủ sân khấu, thu hút sự chú của toàn thể khán giả mà đa số là người đứng tuổi. Có khán giả so sánh chị với Kỳ Duyên như hai chị em, có khán giả bảo Tuyết Mai đẹp hơn Kỳ Duyên. Có người hỏi: “Chị tự so sánh chị với Kỳ Duyên như thế nào?” Chị trả lời: "Mẹ con tôi không có sự cạnh tranh. Người mẹ nào cũng vui khi nghe con mình được khen. Và chắc chắn đứa con nào cũng sẽ tự hào khi nghe người ta ca ngợi mẹ…" Chị bảo: "Ngày xưa tôi đã dạy Kỳ Duyên nói tiếng Việt, dạy Kỳ Duyên hát… Nhưng khi "đệ tử" xuống núi 15 năm rồi mà "sư phụ" thì vẫn còn trên núi, vì vậy trong nghề nghiệp có khi sư phụ chỉ đáng làm "sư muội". Hai mẹ con có khi xem như hai người bạn, hai chị em". Có người yêu cầu: - Ngày xưa chị đã học trường Tây, chị có thể hát cho chúng tôi nghe một bài nhạc Pháp? Chị đã hát bài Les feuilles morts của Jacques Prevert. Tất nhiên là dân Tây học nên phát âm của chị thật chuẩn. Chị cho biết, tôi nói “je t’aime” thật dễ dàng, trong khi nói “anh yêu em” hay “em yêu anh” thật khó khăn ngượng ngùng. - Chị có thể cho biết tình trạng hôn nhân hiện nay của chị như thế nào? - Khán giả hỏi. - Tôi đã ly dị với ông Kỳ gần 20 năm. Tôi đã từng có một người yêu nhưng hiện tại thì đang trong tình trạng suy nghĩ lại. Rồi chị đùa: "Người ta nói mấy ông Việt kiều về Việt Nam mà mang vợ theo về là “chở củi về rừng”. Phải không quý vị? Tôi cũng vậy. Tôi không chở củi về rừng. Hiện thời thì đang “độc thân tại chỗ”. - Tại sao chuyện tình của chị và ông Nguyễn Cao Kỳ đổ vỡ? Ai là người có lỗi? - Đây là một câu hỏi như con dao xoáy vào vết thương. Cuộc tình đã đổ vỡ là một nỗi đau lớn lao, thì cũng không cần tìm xem lỗi tại ai. Chỉ cần biết là mình đã hết duyên nợ. Đã không còn yêu nhau, không còn quí trọng nhau nữa thì đường ai nấy đi vậy. - Có khi nào chị nghĩ sẽ quay về với ông Nguyễn Cao Kỳ? - Nước trên một dòng sông đã trôi đi có bao giờ trở lại? Những tình cảm đẹp nhất đã mất đi làm sao còn tìm lại được? Cho nên thật khó mà quay về. Mà nếu như mình muốn về thì cũng còn tùy thuộc ‎người kia có muốn quay về hay không nữa. - Người ta bảo: Việt kiều dù sống ở đâu cũng hướng lòng mình về quê nhà. Trí thức thì góp công sức cho khoa học, doanh nghiệp thì về đầu tư. Có người chỉ về Việt Nam đi du lịch, về thăm thân nhân hoặc làm từ thiện giúp người nghèo. v.v. Trên những cung bậc ấy, chị đang đứng ở đâu? và chị mong muốn điều gì? - Trở về Việt Nam hẳn hay không thì tôi chưa thể nói trước được. Nhưng chỗ đứng bây giờ của tôi là đang đứng trước mặt quí vị đây, bằng tình cảm thân thương ruột thịt. Và điều tôi muốn chia sẻ trước tiên là tôi về Việt Nam để biết rằng mình có một quê hương… Tiếng vỗ tay tiếp tục vang lên bày tỏ sự đồng cảm từ tiếng lòng chân thành của chị - một nghệ sĩ, một phụ nữ có cuộc sống trải nghiệm qua nhiều thăng trầm, một người con xa quê mới trở về quê nhà… Để kết bài viết này, tôi muốn ghi lại lời tâm sự của một thiếu phụ đã một thời là phu nhân muốn nói chuyện với khán giả và thân hữu của mình: "Thật ra sống được gần hết cuộc đời rồi thì tôi mới nghĩ rằng ở trên đời này có lẽ quan trọng nhất là được mọi người thương mến. Thành ra tôi mong rằng quý vị khán giả thương mến tôi, và nếu có ai đã ghét tôi trong dĩ vãng thì xin bớt ghét đi một tí". Theo Giai Điệu Xanh
Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
ADS_home_content_3
Trái
Phải
  • Sale
    Sale
LR_left_1
LR_right_1
Tin Ảnh

DV Văn Anh khoe giấy đăng ký kết hôn

Hai diễn viên Văn Anh và Tú Vi chính thức là vợ chồng.
Code_FB
 
 
ADS_681x
Trình độ học vấn của tôi là:
336x288
681x90
Quảng cáo