Khổ vì lớp năng khiếu
Muốn con thành thần đồng toán học, chị Huyền tìm mua các loại sách bài tập nâng cao, nhờ gia sư ôn luyện. Từ chỗ giỏi toán, bé Tùng đâm ra sợ môn này.
Hàng xóm không còn lạ gì cảnh chị Huyền, Cầu Giấy, Hà Nội, quát mắng con trong giờ học buổi tối. Cháu Tùng - con chị năm nay mới vào lớp một. Đó là một cậu bé hiếu động, tỏ ra thích môn toán ngay từ lúc học mẫu giáo, suốt ngày ngồi đếm que tính hoặc chơi trò nhận biết mặt số cùng bố mẹ, đọc làu làu thứ tự các con số trong phạm vi 100...
Ở lớp, Tùng luôn là người “về đích” trước. Nghe cô giáo nói vậy, vợ chồng Huyền rất hãnh diện. Chị nghĩ rằng con thừa sức làm phép tính cộng, trừ hoặc so sánh hơn kém trong phạm vi 10. Bởi thế, thay vì để con ôn tập đúng bài cô giảng trên lớp, chị lại lập kế hoạch cho bé nâng cao kiến thức toán ở nhà.
Chị Huyền cất công tìm mua các loại sách bài tập, nâng cao kiến thức, bài toán đố dành cho học sinh lớp 1-2, nhờ gia sư ôn luyện với hy vọng tràn trề con sẽ là một... thần đồng toán học. Khốn nỗi, càng bị ép luyện kiến thức với những phép tính vượt xa bài giảng của cô trên lớp, bé càng rối trí. Ngày nghỉ, Tùng muốn được ra sân đá bóng cùng các bạn nhưng mẹ ngăn lại: “Con phải dành thời gian luyện môn toán đi, sắp tới mẹ sẽ đăng ký cho con tham gia cuộc thi toán tuổi thơ”.
Vâng lời mẹ, cậu bé thu mình trong góc học tập. Chỉ một thời gian sau, Tùng trở nên lầm lì, sợ học, đặc biệt là môn toán. Thậm chí ngay ở trên lớp bé cũng tỏ ra nhút nhát, không còn tự tin với môn học này.
Còn bé Hằng, 5 tuổi, Thanh Xuân, Hà Nội lại khổ vì môn vẽ. Sau mỗi buổi học, thấy bức vẽ của con được treo trên lớp, chị Thu mẹ bé vô cùng sung sướng, ngắm nghía mãi. Chị quyết định cho con đi học vẽ ở ngoài. Vậy là mỗi buổi chiều, sau khi đón con ở trường mầm non, chị lại chở Hằng đi "luyện cọ". Trong một niềm tin tuyệt đối vào tài năng hội họa của con, chị Thu còn nhờ cô giáo dạy vẽ quan tâm riêng, để Hằng thể hiện năng khiếu trọn vẹn .
Nhưng bé Hằng sau một ngày vui đùa ở lớp mẫu giáo đã không còn hứng thú học hành, chỉ ngồi gà gật, không tập trung hoặc quậy phá đòi về. Hằng không muốn học năng khiếu theo nguyện vọng của mẹ dù theo nhận xét của cô giáo thì cháu có sự tưởng tượng về hình khối khá phong phú.
Muốn con toàn diện, Thu còn cho bé Hằng học Anh ngữ vào thứ bảy và chủ nhật. "Tôi thấy bé bạo dạn, có năng khiếu nghệ thuật, rất thích hát những bài tiếng Anh theo băng đĩa nên cho cháu tham gia các lớp học ngoại khóa để phát huy khả năng" - chị Thu nói trong sự kỳ vọng.
Lịch học dày đặc khiến Hằng rất "oải". Nhiều buổi sáng, vì sợ đi học, cháu trốn trong toilet, khóc rấm rứt.
Cũng vậy, Quỳnh là cô bé thích múa hát, tích cực tham gia các hoạt động văn nghệ ngay từ khi học mẫu giáo. Cô bé thực sự say mê các điệu múa. Bởi vậy, khi lên tiểu học, Quỳnh được mẹ sắm đầy đủ trang phục để đăng ký học năng khiếu ở trường múa. Hằng ngày, ngoài học văn hóa, bé phải dành thời gian luyện năng khiếu. Vào thời điểm ôn thi học kỳ, cô bé thường quá tải. Không đủ sức và tâm trí cho những đường xoay của vũ điệu, có lần Quỳnh ngất xỉu khi đang học múa.
Cô giáo Hồng Anh, Nhà Văn hóa thiếu nhi Cầu Giấy, cho rằng không ít phụ huynh đã sai lầm khi muốn con vừa học giỏi văn hóa vừa phải là một tài năng múa. Có người nghĩ học múa sẽ làm cho trẻ ăn ngủ tốt hơn, giảm béo phì. Tuy nhiên, nghệ thuật múa luôn đòi hỏi sự khổ luyện của cả cơ thể và tâm thức. Bởi vậy, trẻ tuy có năng khiếu cũng vẫn rất cần một ý thức rõ ràng để học, tránh tâm lý chán nản, căng thẳng do bố mẹ bắt ép.
Chuyên gia tâm lý Võ Thu Hạnh (Trung tâm Bảo vệ sức khỏe phụ nữ trẻ em Hà Nội) khuyến cáo, không ít cha mẹ ảo tưởng con mình có tài năng thiên bẩm khi trẻ bộc lộ một số năng khiếu đầu đời. Họ ra sức thúc ép trẻ luyện để phát huy mà không sắp xếp thời gian cho trẻ học tập, vui chơi một cách hợp lý. Điều này khiến trẻ mỏi mệt và sợ phải đối diện với chính năng khiếu của mình. Khi bị ép, trẻ thường có tâm lý căng thẳng, học đối phó, nhiều khi bị tổn thương tâm lý nặng nề.
Ở độ tuổi từ 5 đến 10, trẻ ham học hỏi và bộc lộ những sở thích riêng. Nếu con tỏ ra say mê một lĩnh vực nào đó, bạn hãy tạo điều kiện cho con tìm hiểu môn học một cách thoải mái và khoa học nhất để trẻ không có cảm giác nặng nề, học vì bố mẹ.
"Bạn không nên đặt ra một cái đích cho tương lai của con cái khi trẻ còn quá nhỏ, cũng không nên thất vọng khi bé tỏ ra say mê một nghề nào đó mà cha mẹ không thích", bà Hạnh nói. Những thúc ép hay cấm đoán thiên hướng của trẻ đều không có lợi cho sự phát triển tự nhiên. Cha mẹ nên tạo cho trẻ thời gian để khám phá, học hỏi từ thiên nhiên, hướng con vào những hoạt động, vui chơi bổ ích ở trường, nơi công cộng...
Theo bác sĩ Đặng Văn Dũng, phòng khám Nhi Cao (đường Phạm Hùng, Hà Nội), khi trẻ không thích nhưng bị ép học quá sâu một môn nào đó, về lâu dài, sự phát triển tâm lý, tinh thần sẽ bị ảnh hưởng. Sự dồn ép, hối thúc hằng ngày của gia đình khiến bé sợ, trở nên nhút nhát, thiếu tự tin, đặc biệt nếu việc học đó không làm bố mẹ hài lòng. Tai hại hơn, những biểu hiện này có thể ảnh hưởng đến trẻ khi đã trưởng thành, biến trẻ thành những người rụt rè, dễ cô lập hoặc trầm uất...
Theo Báo Đất Việt
- Luyện chữ lớp 1: học hay không, đều khổ (10:33:00 07/10/2008)
- Ổ bệnh 'tay chân miệng' tại trường mầm non (10:15:00 06/10/2008)
- 2 trường mầm non bị tố cáo có giáo viên bạo hành học sinh (13:43:00 04/10/2008)
- Bồi dưỡng cô giáo, con cũng chẳng được quan tâm hơn (10:05:00 01/10/2008)
- Đón con, mất tiền mà chẳng yên tâm (16:26:00 27/09/2008)
Code_FB ADS_681x |
Video 336x288 |