Chơi hè hay học hè
Một kỳ nghỉ hè thực sự với việc nghỉ ngơi, vui chơi giải trí dường như là một phần thưởng mà con trẻ rất mong đợi, sau 9 tháng học tập với một thời gian biểu dày đặc. Nhưng hiếm hoi mới có một vị phụ huynh "dũng cảm" đồng ý cho con "nói không" với học thêm, còn thì đa phần các bậc cha mẹ vẫn cố gắng biến kỳ nghỉ hè của trẻ trở thành một "học kỳ 3".
Việc các cô cậu bé học sinh háo hức mong chờ "nghỉ hè" dường như không còn nữa. Bởi vì chúng, hè đến thật nhưng... có được nghỉ đâu. May ra thì được theo bố mẹ đi nghỉ mát ở bãi biển nào đó chừng dăm ngày. Thế rồi khi trở về thành phố, các bậc cha mẹ lại tiếp tục điệp khúc quen thuộc: "Tranh thủ học đi con ạ!". Với trẻ con ở nông thông, tình hình cũng không hẳn sáng sủa là bao, vì mùa hè thường đồng nghĩa với "mùa" kiếm thêm thu nhập, phụ giúp gia đình.
Học hay chơi?
Khi được hỏi về kế hoạch cho kỳ nghỉ hè của cậu con trai 8 tuổi của mình, chị Hoa ở quận 4, TP.HCM, cho biết: "Cháu cũng xin tôi khi nghỉ hè sẽ tham gia sinh hoạt câu lạc bộ đá bóng, nhưng tôi thấy không an tâm vì đâu có thời gian đi theo canh giữ cháu. Lỡ nó chơi bị vấy bẩn, rồi té đau... thì sao?! Tốt nhất là cứ ở nhà, học bài còn có ích hơn".
Cùng câu hỏi này, chị Minh Hà, Q. Bình Thạnh, lại tư lự: "Cũng muốn cho con chơi lắm, nhưng mà tụi trẻ con hiếu động, đã chơi là phải có người coi chừng, mà mình thì đi làm lu bu tối ngày. Thêm nữa, cô giáo tổ chức lớp ôn tập hè các bạn cùng lớp đi học về nói cô cho học trước chương trình, thế là thằng con tôi nó cũng tự đòi đi học. Nó bảo nếu không đi, lỡ vào năm học nó thành học sinh... tụt hậu thì sao?"
Trong khi đó, theo Tiến sĩ Mai Ngọc Luông, Viện Nghiên cứu Giáo dục, Đại học Sư phạm TP.HCM, "trong quy luật phát triển tâm sinh lý tự nhiên của con trẻ, chơi và học là hai việc khó có thể tách rời". Với trẻ, sự năng động (chính xác hơn là sự hiếu động) hay ngay cả sự thư giãn của các em thường được biểu hiện cụ thể rõ ràng.
Vạn vật đang diễn ra trong thế giới này đều mới chỉ là sự bắt đầu, chúng muốn được khám phá bằng trực giác, bằng mắt thấy, tai nghe. Nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng minh rằng không có gì làm cho trẻ nhận biết và phát triển tư duy nhanh hơn là cho chúng tự chạm tay vào đồ vật, tự khám phá sự việc bằng các giác quan, cảm xúc.
Chính vì vậy, chơi đùa tưởng chừng vô bổ, thực ra rất tốt cho trẻ. Chơi tạo điều kiện cho trẻ khám phá và mày mò tìm hiểu những cái mới. Khi chơi, trẻ tự đặt ra những câu hỏi ngô nghê nhưng trong nhiều trường hợp là tiền đề cho việc giải quyết vấn đề mang tính đột phá. Việc chơi còn giúp trẻ tự tin, mạnh dạn hơn.
Chơi đùa cùng nhóm sẽ giúp trẻ phát triển những kỹ năng xã hội quan trọng như giao tiếp, khả năng làm việc theo nhóm. Chưa kể, khi vui chơi nếu trẻ có năng khiếu sẽ bộc lộ khả năng lãnh đạo, kỹ năng tổ chức, giải quyết xung đột giữa các bạn chơi...
Chơi mà học
Năm ngoái Đài BBC (Anh) đã có sáng kiến tiến hành lấy ý kiến đóng góp của độc giả với chủ đề: "Mùa hè vui cho trẻ". Từ những gợi ý đó giúp phụ huynh có thể làm theo hoặc sáng tạo theo hoàn cảnh riêng, cốt sao trẻ tận hưởng một mùa hè bổ ích và vui vẻ.
Chẳng hạn, có vài ý tưởng độc đáo và không tốn kém lắm như cắm trại trong nhà, tổ chức các cuộc thi xếp giấy, trang trí bánh, vẽ tranh... giữa bọn trẻ. Hay như anh Christ đã bày một trò chơi với con gái trong suốt mùa hè đơn giản chỉ bằng những tấm phiếu yêu cầu hai bên dành cho nhau. Hai cha con cùng viết những phiếu yêu cầu và mỗi ngày hai người phải cố gắng thực hiện đúng. Có khi cả hai gặp phải những vấn đề rất ngộ nghĩnh và thế là không khí vui vẻ tràn ngập khắp nhà.
Ngoài ra, đi chơi công viên và tham quan viện bảo tảng cũng khiến nhiều trẻ em thích thú. Hay như ở Canada, người ta thành lập một câu lạc bộ Yoga dành cho thiếu nhi nhằm giúp chúng phục hồi thể lực, trí lực thông qua các bài tập và trò chơi phát triển kỹ năng bên cạnh nâng cao sự tự chủ, khả năng sáng tạo... Nhờ vui chơi, trẻ có thể tự khám phá và trải nghiệm theo cách riêng của mình và phát triển những kỹ năng sống mà trường lớp không thể trang bị được cho chúng. Đó là khả năng giao tiếp, làm việc theo nhóm, giải quyết xung đột, hoạch định, lãnh đạo...
Chơi còn giúp cho bố mẹ phát hiện thiên phú của trẻ. Nhiều trẻ cứ tối ngày mày mò lắp ráp đồ chơi, máy móc hư. Có em thì lại lấm lem bẩn với màu sắc. Trẻ khác thì lại nghịch bẩn với đất cát, cây trồng. Thậm chí có em lại thích lăn lộn với quả bóng. Hãy tôn trọng sở thích của chúng. Điều này không hoàn toàn có nghĩa là nhất định các em sẽ thành đạt trong những lĩnh vực đó trong tương lai.
Thực tế là những sở thích như vậy sẽ làm cho trẻ phát triển toàn diện hơn, "tròn trịa" hơn khi lớn lên về thẩm mỹ, tri thức và cả những kỹ năng xã hội mà trường lớp chưa chắc trang bị cho chúng được.
Theo Tư Vấn Tiêu Dùng
- Tạo hứng thú để bé tập viết (17:09:00 15/06/2008)
- Mang theo con đi làm (09:05:00 14/06/2008)
- Trắc nghiệm: Giúp bé đọc sách hiệu quả (10:01:00 12/06/2008)
- Nỗi lo khi con nghỉ hè (11:57:00 11/06/2008)
- Bất cập bảng thu chi của con (10:20:00 11/06/2008)
Code_FB ADS_681x |
Video 336x288 |