Billboard
ADS_Top_Right
  • Bigsize
    Bigsize
  • google.com, pub-4530016804051003, DIRECT, f08c47fec0942fa0
Tiêu điểm

Bố mẹ chật vật đóng phí đầu năm học cho con

16:41:50 22/08/2013

Thấy bé út 6 tuổi xúng xính mặc thử bộ đồng phục đi học, chị Hảo (Tây Hồ, Hà Nội) cười nhưng lòng nặng trĩu. 'Mỗi bộ quần áo với sách vở đã tốn hơn một triệu rồi, còn bao khoản đầu năm khác đang chờ đóng, của cả anh chị cháu nữa' - chị thở dài.

Có 3 con, cháu đầu bước sang lớp 6, bé thứ hai vào lớp 2 và cô út lớp 1, vợ chồng chị Hảo, bán thịt tại chợ Tứ Liên (Tây Hồ), ngao ngán khi nghĩ tới số tiền phải đóng góp vào đầu năm học. Cả ba bé nhà chị đều học trường công tại phường Quảng An (Tây Hồ), học phí không đáng bao nhiêu, nhưng cộng nhiều khoản đầu năm như tiền xây dựng, hỗ trợ mua sắm thiết bị giáo dục, chăm sóc cây cảnh, điện nước..., mỗi bé cũng hết vài triệu.

"Đó là chưa kể trường hai cháu đầu đã thu tiền sắm sách vở và đồng phục vào cuối năm học trước. Theo các cô là để san sẻ cho phụ huynh đỡ phải chi quá nhiều khi các con vào năm học mới. Ngoài ra, bố mẹ cháu chịu khó trưa đón các con về nhà ăn cơm, không tốn khoản bán trú" - chị Hảo kể. 

Theo lời chị, từ khi vào tiểu học, mỗi năm các con chị phải góp tiền mua tới 4 bộ đồng phục: đồ cộc, đồ dài, đồ thể dục, đồ mùa đông. "Đồ của chị vẫn mới em không dùng lại được vì quần áo năm sau lại hơi khác so với năm trước ở chi tiết hoặc màu nào đó. Bố mẹ tiếc tiền nhưng không thể làm khác" - chị nói. 

Chưa hết, hầu như toàn bộ sách vở lớp 1 đứa lớn đã dùng chị không thể để lại cho đứa bé học được vì học sinh đều làm bài tập, chữa bài, chấm điểm vào chính cuốn sách đó. "Giá tiền mỗi bộ sách cũng không rẻ gì, sao người ta không thiết kế sách giáo khoa để có thể dùng lại như ngày xưa nhỉ" - chị nói.

Tổng cộng tới tháng 9, vợ chồng chị phải chuẩn bị tới chục triệu để đóng góp cho con. "Buôn bán ế ẩm, tiền thuê nhà và giá điện lại tăng, trong khi nuôi các con ăn học càng ngày càng tốn kém. Chúng tôi cũng muốn con học hành đến nơi đến chốn cho tương lai tươi sáng, nhưng xoay sở kiếm tiền chẳng dễ chút nào" - chị Hảo chia sẻ.

Học sinh trong buổi lễ khai giảng đầu năm. Ảnh: Hoàng Hà.

Mới có một bé học mầm non tư thục, vợ chồng anh Thành (Thanh Xuân, Hà Nội) cũng oải khi nhìn số tiền gần 6 triệu đồng phải đóng cho con đầu năm. "Mình làm về xây dựng, lương giảm một nửa, bà xã cũng không khá khẩm hơn, trong khi các khoản thu của con đều tăng. Học phí từ 2,6 triệu lên 2,9 triệu một tháng, tiền ăn từ 36.000 đồng lên 40.000 đồng/ngày, tiền xây dựng 2 triệu...".

Vợ chồng anh Thành tính sẽ chuyển con sang học trường công hoặc một trường tư rẻ hơn nhưng lại băn khoăn vì thời điểm này trường công đã chốt danh sách, còn trường tư giá rẻ thì không biết chất lượng ra sao. "Thấy con đi học về vui vẻ, yêu trường yêu cô, bố mẹ cũng muốn cố kham, nhưng đóng một lúc hết cả tháng lương thì quá xót xa, trong khi cuộc sống gia đình còn bao khoản khác phải lo" - anh Thành nói.

Không chỉ lo các khoản đóng góp đầu năm học cho con, nhiều phụ huynh còn bức xúc khi thấy nhiều khoản thu không rõ ràng, hoặc không đáng.

Cho con học một trường tiểu học tư thục ở Mỹ Đình (Từ Liêm, Hà Nội), ngay từ đầu vợ chồng chị Liên đã xác định các khoản đóng góp chắc chắn cao hơn trường công, nhưng vì trường ngay sát nhà nên anh chị cho con theo. Đầu năm học, khi nhận được thông báo gồm mười mấy món đồ dùng học tập cần mua cho con, chị Liên thấy bức xúc. Chẳng hạn, nhà trường yêu cầu học sinh phải đóng tiền để mua vở "đồng phục", bút chì "đồng phục"... in hình logo trường.

"Bé vừa được cơ quan mẹ và người thân tặng gần hai chục cuốn vở đẹp, bìa dày dặn, chất lượng rất tốt, nhưng cô giáo nói chỉ có thể làm 'vở nháp' vì phải dùng vở của trường. Rút cục bé chỉ dùng vở đó ở nhà để vẽ linh tinh, rất lãng phí. Trong khi tôi phải mua thêm 20 quyển vở của nhà trường" - chị Liên bày tỏ.

Chị Tuyết - kế toán tại một công ty ở khu công nghiệp Phố Nối (Hưng Yên) bày tỏ bất bình khi trường mầm non xã Lạc Hồng (Văn Lâm, Hưng Yên) con chị học viết phiếu thu 700 nghìn đồng, nhưng lại yêu cầu phụ huynh nộp 2 triệu đồng. 

Chị Tuyết cho biết, các khoản được liệt kê trong phiếu thu tổng cộng chỉ có 700 nghìn đồng, tuy nhiên, kế toán trường lại nói phụ huynh ký vào một quyển sổ và yêu cầu nộp 2 triệu đồng, với các khoản "phụ" gồm: học phí ngày thứ bảy đóng 5 tháng là 450 nghìn đồng, tiền ủng hộ điện nước vệ sinh 10 tháng 100 nghìn đồng, tiền ủng hộ xây nhà vệ sinh 500 nghìn đồng với học sinh trái tuyến, 100 nghìn đồng với học sinh đúng tuyến, tiền đồ dùng học tập 250 nghìn đồng.

"Tôi không hiểu sao đã đóng tiền vệ sinh, điện nước rồi lại còn khoản ủng hộ điện nước, vệ sinh nữa? Còn xây nhà vệ sinh hiện đại đến đâu thì các cháu 2 tuổi như con tôi và các cháu 3-4 tuổi vẫn ngồi chung một cái bô trị giá 20 nghìn đồng hàng ngày, sử dụng đến khi nào bô hỏng" - chị Minh bày tỏ. 

Bà Đỗ Thị Hoa - Hiệu trưởng trường mầm non Lạc Hồng xác nhận việc thu 500 nghìn tiền xây nhà vệ sinh mới từ các cháu không có hộ khẩu ở xã và 100 nghìn đồng với các cháu trong xã. Tuy nhiên, theo bà, việc này là tự nguyện, đã được sự nhất trí của ban phụ huynh trong cuộc họp và được sự cho phép của Ủy ban nhân dân xã. "Đó là khoản hỗ trợ của phụ huynh chứ chúng tôi không hề ép buộc. Do kinh phí của xã eo hẹp nên kêu gọi sự đóng góp của cha mẹ trẻ để hoàn thiện cơ sở vật chất phục vụ các con" - bà nói. 

Về số tiền điện nước vệ sinh thu thêm 100 nghìn đồng mỗi năm, bà giải thích, do giá điện tăng, số tiền điện nước thu theo quy định của Sở Giáo dục (không quá 3 nghìn đồng mỗi cháu một tháng) không đủ nên mới đề nghị phụ huynh ủng hộ.

*Tên một số nhân vật trong bài đã được thay đổi.

Theo VnExpress

Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
ADS_home_content_3
Trái
Phải
  • Sale
    Sale
LR_left_1
LR_right_1
Tin Ảnh

DV Văn Anh khoe giấy đăng ký kết hôn

Hai diễn viên Văn Anh và Tú Vi chính thức là vợ chồng.
Code_FB
 
 
ADS_681x
Trình độ học vấn của tôi là:
336x288
681x90
Quảng cáo